5 loại răng sứ phổ biến hiện nay - Ưu/ Nhược điểm từng loại
Cùng DentalHealth tìm hiểu các loại sứ phổ biến hiện nay trong bài viết dưới đây. Loại nào tốt, phù hợp với mục đích gì? Ưu - nhược điểm của từng loại sứ như thế nào?
Phục hình răng sứ là dịch vụ nha khoa thẩm mỹ phổ biến hiện nay. Với nhiều ưu điểm như tính thẩm mỹ cao, ít xâm lấn tới răng thật, ngày càng nhiều khách hàng quan tâm đến dịch vụ này. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều dòng sứ trên thị trường, khách hàng thường băn khoăn về thông tin các loại sứ như chất lượng, giá thành, ưu/ nhược điểm từng loại,...
Để giải đáp các thắc mắc xoay quanh chủ để răng sứ, BookingCare sẽ cung cấp các thông tin về các loại răng sứ phổ biến hiện nay để bạn đọc cùng tham khảo.
Răng sứ có tác dụng gì?
Hiện nay khi nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng, nhiều khách hàng dù không gặp các vấn đề nghiêm trọng vẫn mong muốn có hàm răng đều, sáng, đẹp chuẩn hơn, có nụ cười tự tin hơn nên đã lựa chọn các dịch vụ phục hình răng sứ.
Răng sứ là gì?
Răng sứ là loại răng được tạo hình có màu sắc, hình dáng giống như răng thật, được sử dụng để phục hồi một hoặc nhiều răng bị hư hỏng hoặc mất. Phục hình răng sứ được ứng dụng nhằm cải thiện vẻ ngoài của hàm răng, hỗ trợ chức năng ăn nhai và mang đến nụ cười rạng rỡ hơn.
Răng sứ có cấu tạo gồm 2 phần: phần khung sườn bên trong và bề mặt bên ngoài
- Phần khung sườn bên trong ôm sát cùi răng, thường được làm bằng nhiều chất liệu như kim loại, hợp kim hoặc sứ...
- Phần bề mặt được phủ một lớp sứ làm cho răng đồng màu với các răng thật.
Trường hợp nào cần sử dụng răng sứ?
Răng sứ có thể được sử dụng trong nhiều phương pháp làm răng thẩm mỹ như bọc răng sứ, dán sứ, cầu răng sứ, cấy ghép Implant, ... Tùy từng vấn đề về răng miệng, bác sĩ sẽ tư vấn khách hàng nên lựa chọn cách khắc phục phù hợp.
- Bọc sứ: Khắc phục các trường hợp răng mẻ, vỡ, vết thương sâu hoặc đã mất tủy, cần khôi phục lại hình dáng lẫn chức năng ăn nhai.
- Dán sứ: Dành cho các khách hàng muốn cải thiện màu sắc răng bị ố vàng, mẻ vỡ nhẹ, răng mòn cạnh.
- Cầu răng sứ: Đây là phương pháp phục hình cho các đối tượng bị mất răng, răng sâu nặng không còn đủ chân răng để bọc sứ.
- Mão sứ trên Implant: Là một trong các vật liệu được sử dụng để thực hiện trồng răng bằng phương pháp cấy ghép Implant, điều trị cho các bệnh nhân mất 1 răng hoặc nhiều răng.
Để thực hiện các kỳ thuật trên, răng sứ cần đạt yêu cầu như bền chắc, dày dặn để bao phủ lấy răng, bảo vệ thân răng và tránh những tác động bên ngoài. Mỗi loại sứ có ưu điểm và hạn chế riêng, tùy thuộc vào tình trạng răng của khách hàng sẽ lựa chọn loại răng sứ phù hợp.
5 loại sứ phổ biến trên thị trường
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các loại sứ được sử dụng tại các phòng nha và khách hàng thường khó so sánh điểm vượt trội hơn giữa từng loại. Để giải đáp thắc mắc, BookingCare đã tổng hợp 5 loại răng sứ phổ biến nhất dưới đây và cùng tìm hiểu xem mỗi loại có thế mạnh gì?
1. Răng sứ kim loại thường
Răng sứ kim loại thường là loại sứ được ứng dụng đầu tiên trong dịch vụ răng sứ thẩm mỹ. Loại răng này có phần khung sườn bên trong được làm từ hợp kim như Niken – Crom, Crom – Coban, Titan,… và lớp sứ bên ngoài được cấu tạo từ vật liệu sứ, giúp duy trì hình dáng và màu sắc thẩm mỹ như răng thật.
Vì là loại răng sứ xuất hiện sớm nên răng sứ kim loại có thể khắc phục các tình trạng răng tương đối hiệu quả, chi phí hợp lý nhưng yếu tố thẩm mỹ lại chưa được đánh giá cao.
Ưu điểm:
- Cải thiện các vấn đề răng sứt mẻ, sâu răng nặng.
- Độ bền chắc tương đương răng thật.
- Đảm bảo chức năng ăn nhai tốt.
- Chi phí tương đối thấp, có thể coi là thấp nhất nếu so sánh với các loại răng sứ khác.
Nhược điểm:
- Dễ bị oxy hóa trong môi trường nhiều axit như khoang miệng.
- Có thể bị đổi màu răng và đen cổ răng sát viền nướu.
- Yếu tố thẩm mỹ không tốt, có màu hơi đục và có thể bị lộ ánh kim loại khi đèn chiếu qua.
- Không sử dụng cho bệnh nhân dị ứng kim loại, có thể gây kích ứng.
Răng sứ kim loại thường không được đánh giá cao về yếu tố thẩm mỹ nhưng lại có độ bền chắc cao, khả năng chịu lực, ăn nhai tốt nên thường được khuyến khích dùng cho răng hàm.
2. Răng sứ titan
Răng sứ titan cũng đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn nhận được nhiều sự lựa chọn của khách hàng. Răng sẽ gồm 2 phần là khung sườn có chất liệu hợp kim titan, bên ngoài là một lớp men sứ. Tuy nhiên vì yếu tố thẩm mỹ không quá tốt nên loại này thường được sử dụng để phục hình răng hàm, khu vực bên trong khoang miệng là chính.
Các phòng nha thường xuyên sử dụng loại răng sứ Titan trong dịch vụ phục hình vì có độ chắc, cứng, có tính thẩm mỹ cao hơn kim loại thường mà chi phí vẫn khá rẻ.
Ưu điểm
- Nhẹ, khó bị oxi hóa trong khoang miệng
- Độ chịu lực tốt, ăn nhai thoải mái như răng thật
- Lành tính với cơ thể
- Có giá thành rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Nhược điểm
- Độ bền thấp: thường chỉ từ 5 - 7 năm
- Dễ bị đen viền nướu
- Yếu tố thẩm mỹ không cao (so với răng toàn sứ)
Răng sứ titan có chi phí rẻ, cùng nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với răng sứ kim loại thường, răng sứ titan hiện là loại răng sứ phổ biến nhất hiện nay.
3. Răng sứ kim loại quý
Răng sứ kim loại quý được thiết kế gồm phần sườn là khung/ hỗn hợp kim loại quý như vàng, bạc, platin... và bên ngoài được phủ một lớp sứ 2 phần với phần sườn được làm từ một loại kim loại quý hoặc một hỗn hợp kim loại quý như vàng, bạc, platin hay palladium…và phần vỏ được phủ bằng những lớp sứ để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ.
Vì có vật liệu là các kim loại quý nên chi phí cho loại sứ này thường rất cao. Tuy nhiên yếu tố thẩm mỹ và độ bền của răng lâu dàu nên rất được lòng khách hàng. Dù là phương pháp phục hình sứ nào thì loại sứ cao cấp này đều đáp ứng các yêu cầu.
Ưu điểm:
- Độ bền cao, nếu sử dụng và biết chăm sóc hợp lý, răng có thể sử dụng hơn 25 năm.
- Có độ cứng tốt hơn, khả năng chịu lực, ăn nhai tốt.
- Không bị oxi hóa bởi nước bọt, tương thích tốt với nướu
- Màu sắc tự nhiên, gần giống với răng thật, hạn chế đổi màu răng.
Vàng có tính sát khuẩn nên răng sứ kim loại quý có tác dụng chống viêm nhiễm tốt.
- Thể hiện "phong cách" người dùng.
Nhược điểm:
- Giá thành răng sứ kim loại quý khá cao, không cố định, phụ thuộc vào giá các chất liệu đó trên thị trường.
Răng sứ kim loại quý sử dụng vật liệu quý hiếm, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nên chỉ các phòng nha lớn mới thực hiện dịch vụ này.
Tuy vẫn có một số hạn chế nhưng bên cạnh đó là các ưu điểm nổi trội, răng sứ kim loại quý vẫn được nhiều khách hàng "chịu chơi" lựa chọn. Do loại răng sứ này cần kỹ thuật cao nên khi thực hiện, khách hàng cần lưu ý các nha sĩ giàu kinh nghiệm và địa chỉ nha khoa uy tín.
4. Răng toàn sứ
Răng toàn sứ được tạo nên hoàn toàn bằng sứ, không sử dụng chất liệu kim loại trong thành phần cấu tạo. Nổi bật nhất hiện nay là răng sứ Cercon được thiết kế bởi công nghệ CAD - CAM, một trong những loại răng sứ tối ưu và được đánh giá cao bởi các chuyên gia.
Ưu điểm
- Tính thẩm mỹ được đánh giá cao: màu sắc tự nhiên như răng thật, trong và bóng.
- Độ bền cao, có thể tới hàng chục năm
- Được đo đạc chính xác bằng công nghệ hiện đại, cho ra những mẫu răng đều, đẹp.
- Lành tính, không gây kích thích mô nướu.
- Không xuất hiện hiện tượng đen viền lợi hay có khe hở.
- Có tính chịu nhiệt tốt, có thể bảo vệ răng thật khỏi đồ ăn quá lạnh, quá nóng, giảm tình trạng ê buốt, nhạy cảm.
- Thường được lựa chọn để bọc răng sứ.
Nhược điểm
- Chi phí răng toàn sứ có thể coi là cao, có khi là cao nhất trong tất cả các loại.
- Để thiết kế răng toàn sứ hoàn chỉnh, yêu cầu phải có công nghệ chế tạo răng hiện đại.
- Bác sỹ thực hiện cần có tay nghề cao vì các khâu thực hiện rất phức tạp và tỉ mỉ.
Răng toàn sứ là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều khách hàng có mong muốn thẩm mỹ răng sứ với nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với các loại sứ còn lại.
5. Miếng dán sứ Veneer
Miếng dán sứ Veneer/ mặt dán sứ là một kỹ thuật phục hình thẩm mỹ bảo tồn răng thật rất phổ biến tại Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên quá trình thực hiện khá phức tạp và đòi hỏi bác sĩ có tay nghề tốt nên phương pháp này chưa quá phổ biến tại Việt Nam. Khách hàng có thể tìm thấy dịch vụ này ở các nha khoa quốc tế lớn hoặc tại các thẩm mỹ viện.
Là kỹ thuật tiên tiến trong nha khoa thẩm mỹ, dán sứ Veneer có ưu điểm nổi bật là không cần mài răng thật quá nhiều, mặt dán sứ chỉ tác động ở mặt ngoài của răng. Các khách hàng mong muốn giảm thiểu tối đa các xâm lấn răng thật có thể lựa chọn phương pháp này.
Tuy nhiên, mặt dán sứ có độ bền không cao, dễ bị rơi nếu người dùng nhai cắn mạnh. Ngoài ra giá thành cao, yêu cầu kỹ thuật phức tạp cũng là những yếu tố khiến miếng dán sứ Veneer chưa quá được ưa chuộng.
Nên chọn loại răng sứ nào?
Ngoài các loại răng sứ trên, bạn đọc còn có thể tham khảo răng sứ Zirconia, răng sứ Crom-Coban,... Để lựa chọn loại răng sứ nào còn phụ thuộc vào vấn đề răng khách hàng gặp phải và mong muốn, yêu cầu của khách, từ đó các bác sĩ sẽ tư vấn loại răng sứ và phương pháp phục hình phù hợp.
Từ các thông tin nêu trên, BookingCare sẽ tóm tắt các tiêu chí nổi bật của 5 loại răng sứ phổ biến hiện nay, bạn đọc có thể tham khảo nếu có nhu cầu tương tự:
- Chi phí làm răng sứ rẻ: sứ kim loại thường, sứ titan.
- Độ bền cao: sứ kim loại thường, sứ kim loại quý.
- Chức năng ăn nhai tốt: sứ kim loại thường, sứ titan, sứ kim loại quý, răng toàn sứ.
- Tính thẩm mỹ cao: răng toàn sứ, mặt dán sứ Veneer.
Mong rằng bài viết trên của BookingCare sẽ giúp các bạn có thêm thông tin về các loại răng sứ hiện nay và những ưu điểm/ hạn chế của từng loại, có thể dễ dàng lựa chọn khi có nhu cầu.