Đau lưng: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Đau lưng: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
đau lưng
Đau lưng: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh: BookingCare/ Canva

Đau lưng: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 17/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Đau lưng là một triệu chứng của rất nhiều bệnh, trong đó gồm nhóm bệnh do chấn thương gân cơ, xương cột sống, …. đó là đau cấp tính, ngoài ra có thể là bệnh của quá trình lão hoá hoặc bệnh lý cột sống,... Cùng BookingCare tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị đau lưng trong bài viết dưới đây.

Đau lưng là một phiền toái thường gặp trong cuộc sống. Đây là một trong những lý do phổ biến khiến hầu hết mọi người đi đến bác sĩ Cơ Xương Khớp hoặc bỏ lỡ công việc. Hầu hết mọi người sẽ trải qua đau lưng ít nhất một lần trong đời. Muốn chữa bệnh đau lưng tận gốc, mời các bạn cùng BookingCare tìm hiểu đặc điểm của dấu hiệu đau lưng và nguyên nhân bệnh.

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi TS.BS Cơ xương khớp Hoàng Ngọc Sơn.

Các triệu chứng liên quan đến đau lưng

  • Đau nhức: Thường cảm thấy nhức nhẹ hoặc nặng ở vùng lưng
  • Đau kéo dài: Đau lưng có thể kéo dài trong thời gian dài, từ vài tuần cho tới cả tháng, thậm chí hàng năm.
  • Giới hạn vận động: Hạn chế khả năng chuyển động tự nhiên của vùng lưng
  • Cảm giác tê, rát hoặc chèn ép vùng lưng hoặc quanh lưng
  • Đau lưng lan sang chân với các triệu chứng như đau chân, tê chân hoặc giảm cảm giác ở chân
  • Khó khăn khi đứng dậy hoặc thay đổi tư thế
  • Đau cấp tính: Đau lưng có thể xuất hiện đột ngột và kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, thường do chấn thương hoặc căng cơ
  • Đau lưng mãn tính: Đau lưng kéo dài trong thời gian dài, thường là từ 3 tháng trở lên. Đây có thể là kết quả của các như thoát vị đĩa đệm hoặc viêm khớp cột sống.

Nguyên nhân đau lưng

Đau lưng có thể diễn ra do việc duy trì thời gian dài các thói quen xấu như ngồi quá nhiều, ngủ không đúng tư thế, lười vận động, do chấn thương trong cuộc sống hằng ngày,... Tuy nhiên, nguy hiểm hơn thì đau lưng là một triệu chứng thường gặp của các bệnh lý:

  • Thoái hóa cột sống thắt lưng: Thường gặp sau 50 tuổi. Triệu chứng đau lưng xuất hiện khi người bệnh vận động, xoay trở vùng cột sống thắt lưng, đặc biệt thường khởi phát sau một vận động cột sống thắt lưng quá mức, kéo dài. Đau lưng thường giảm khi người bệnh nằm nghỉ ngơi.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Thường gặp ở lứa tuổi 20-50. Triệu chứng đau lưng thường xuất hiện khi người bệnh ngồi lâu, đứng lâu hoặc cúi người về phía trước hoặc vận động mạnh, đột ngột sai tư thế như cúi lưng khiêng nặng, té đập mông. Đau lưng giảm khi người bệnh nằm nghỉ hay thay đổi tư thế. Đau lưng thường lan xuống vùng mông, đùi, cẳng bàn chân một hoặc hai bên.
  • Hẹp ống sống: Người bệnh có triệu chứng đau khó chịu, liên tục giống như người mặc áo chật, tăng cơn đau khi ho, hắt hơi,... ngoài ra kèm các triệu chứng thần kinh khác như: cảm giác đau, nóng rát, kiến bò hay châm chích vùng lưng lan mông, đùi, cẳng chân,… Triệu chứng  giảm khi người bệnh nghỉ ngơi,... hoặc có thể tự giảm,.... Chẩn đoán xác định bằng lâm sàng và chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.
  • Loãng xương: Thường gặp ở nữ giới sau mãn kinh hoặc người bệnh dùng corticoid kéo dài; bệnh thường diễn tiến âm thầm không triệu chứng, triệu chứng thường xuất hiện khi người bệnh có dấu hiệu gãy xương do loãng xương; ví dụ như đau lưng khi có gãy xẹp đốt sống thắt lưng, hay đau vùng khớp háng khi có gãy cổ xương đùi.

Đa phần triệu chứng đau lưng thường thuyên giảm sau khi người bệnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu đau lưng xuất hiện kèm theo các triệu chứng sau thì bạn đọc cần chủ động thăm khám với bác sĩ: đau lưng nhiều khi mới ngủ dậy và giảm khi vận động, đau lưng kèm sốt, sụt cân, đau lưng về đêm, đau lưng kèm yếu liệt chân.

Khi có các dấu hiệu cảnh báo này thì người bệnh có khả năng đang bị các vấn đề cần nhập viện để điều trị như: viêm cột sống dính khớp, viêm thân sống đĩa đệm, lao cột sống, ung thư di căn cột sống, đa u tủy hay chèn ép tủy cấp.

Nguyên nhân đau lưng
Đau lưng ở phụ nữ có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau - Ảnh: Pixabay 

Xét nghiệm chẩn đoán

Do có nhiều nguyên nhân bệnh lý có thể dẫn đến đau lưng thế nên điều quan trọng là xác định nguyên nhân đau lưng sao cho đúng để có phương pháp điều trị phù hợp.

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu. Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm để xác định căn bệnh tiềm ẩn hoặc nhiễm trùng có thể góp phần cho bệnh đau lưng.
  • Chụp X quang đánh giá các trường hợp gãy xương, biến dạng xương gồm những thay đổi do thoái hóa, khe đĩa đệm, chiều cao thân đốt sống vô cùng hữu ích. Đồng thời hỗ trợ đánh giá mật độ và cấu trúc của xương.                 
  • Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) giúp đánh giá về tình trạng tổn thương phần mô mềm và ống sống. Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp có nghi ngờ về bệnh ác tính, nhiễm trùng hay chèn ép thần kinh…
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) giúp đánh giá mức độ tổn thương xương. Vì thế, nếu nghi ngờ có tình trạng gãy đốt sống, u xương hay cần đánh giá chắc chắn cột sống trước phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp CT.

Phương pháp điều trị

Nhìn chung, tình trạng đau lưng sẽ cải thiện hơn sau một vài tuần nghỉ ngơi và uống thuốc. Nếu điều trị không khả quan, bác sĩ có thể đề xuất thuốc mạnh hơn hoặc các phương pháp khác.

Điều trị nội khoa

Bác sĩ có thể sẽ khuyên nên dùng thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc kháng viêm không steroid (như ibuprofen hoặc naproxen). Thuốc giảm đau phối hợp với thuốc giãn cơ cần được cân nhắc trong từng trường hợp, do bác sĩ chuyên khoa chỉ định. 

Vật lý trị liệu và tập thể dục

Các phương pháp vật lý trị liệu ví dụ như nhiệt, siêu âm điều trị, kích thích xung điện có thể giúp các cơ lưng mềm và giảm đau. Gần đây phương pháp tác động cột sống, nắn chỉnh lại cột sống theo phương pháp Judo (Nhật) hoặc Chiropratic (Mỹ) cũng có hiệu quả nhanh và bền vững, không sử dụng thuốc. Châm cứu, bấm huyệt, massage và giác hơi cũng là phương pháp y học cổ truyền có hiệu quả với đau lưng cấp và mãn tính.

Thuốc tiêm

Nếu các biện pháp trên không làm giảm đau , bác sĩ có thể tiêm giảm đau ngoài màng cứng phối hợp với thuốc chống viêm vào khoang ngoài màng cứng, tuy nhiên phương pháp có thể có biến chứng nếu không được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa và chỉ định đúng.

Tiêm thuốc tê và thuốc chống viêm vào mấu khớp cần phải xem xét kỹ chỉ định mới có hiệu quả. Tránh lạm dụng, đặc biệt với bác sĩ không chuyên khoa.

Phẫu thuật

Không có nhiều trường hợp đau lưng cần phải phẫu thuật.  Chỉ phẫu thuật khi đau rất nhiều mà các biện pháp điều trị khác không có hiệu quả, hoặc có biến chứng: teo cơ, liệt, yếu chân, rối loạn đại tiểu tiện, rối loại cảm giác ở chi dưới,....

Các phẫu thuật với chấn thương cột sống chỉ định tuỳ vào mức độ chèn ép tuỷ sống và rễ thần kinh,...

Chăm sóc đau lưng hiệu quả tại nhà

Các triệu chứng đau lưng sẽ thuyên giảm nếu có chế độ sinh hoạt hợp lý và nghỉ ngơi phù hợp.

  • Nghỉ ngơi: Nếu đau lưng không quá nghiêm trọng, hãy nghỉ ngơi, tránh vận động nặng hoặc hoạt động gây tác động cho lưng. Tránh các hoạt động gắng sức, nâng đồ vật nặng hoặc các bài tập quá tải cột sống trong thời gian bị đau lưng.
  • Khi ngồi lâu hoặc đi ngủ, bạn có thể sử dụng gối và tấm lót lưng để hỗ trợ.
  • Người đau lưng nói chung và nhất là người làm văn phòng nói riêng nên giữ tư thế ngồi đúng: giữ thẳng lưng, bàn làm việc phù hợp với chiều cao, không cao quá cũng không thấp quá để tránh tình trạng gập lưng hoặc cúi quá mức khi làm việc và vị trí ngồi nên có chỗ tựa lưng.
  • Massage: Nếu đau lưng là do cơ căng hoặc làm việc quá sức, massage trị liệu có thể giúp nới lỏng cơ co thắt, thư giãn các cơ.
  • Ngoài điều trị bằng thuốc có thể áp dụng các phương pháp dân gian:
    • Sử dụng lá lốt rang với muối hột để chườm nóng vào các vị trí đau
    • Đắp gừng giã nát vào vị trí đau
    • Sử dụng ngải cứu rang với muối để chườm lên chỗ đau
    • ...

Sống chung với đau lưng

  • Cần cẩn trọng khi nâng vác vật nặng
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định
  • Có chế độ ăn uống phù hợp, tránh sử dụng các chất kích thích
  • Tránh tư thế ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Hãy thay đổi tư thế thường xuyên và sử dụng ghế lưng cao, ghế đệm và gối hỗ trợ.
  • Chọn nệm ngủ phù hợp cho giấc ngủ
  • Tập luyện thường xuyên để tăng cường cơ bắp và linh hoạt cột sống. Chọn các bài tập nhẹ nhàng như yoga, Pilates, bơi lội hoặc đi bộ để giữ sức khỏe lưng. Có một loại yoga tên là Viniyoga trong đó nhấn mạnh cả hai tư thế và bài tập thở có thể giúp giảm đau lưng và làm giảm nhu cầu thuốc giảm đau.
  • Giữ trạng thái tinh thần thoải mái, lạc quan: Đau lưng mãn tính thường được gắn liền với sự căng thẳng cảm xúc và điều kiện sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm. Trong liệu pháp hành vi nhận thức, sẽ tìm hiểu để xác định và thay đổi mô hình suy nghĩ tiêu cực mà có tác động gây tổn hại về sức khỏe tâm thần và thể chất. Nghiên cứu cho thấy loại hình này có thể làm giảm đáng kể đau lưng mãn tính.

Để bệnh điều trị có hiệu quả nhất, bệnh nhân nên sớm đi khám với các bác sĩ chuyên khoa Cơ Xương Khớp sớm, tránh để lâu khiến bệnh nghiêm trọng hơn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare