Bệnh trĩ là gì, khám và điều trị ở đâu tốt?

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 17/08/2017 - Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Tổng hợp những thông tin liên quan tới bệnh trĩ: định nghĩa, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, phòng tránh và địa chỉ khám tốt

Bệnh trĩ nhiều phiền toái cho người bệnh trong công việc hay học tập. (Ảnh minh họa: Pixabay.com)
Bệnh trĩ nhiều phiền toái cho người bệnh trong công việc hay học tập. (Ảnh minh họa: Pixabay.com)

Bệnh trĩ là gì?

Trĩ là bệnh do có sự dãn quá mức các tĩnh mạch ở hậu môn - trực tràng, đặc biệt có sự phình tĩnh mạch các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn đưa đến hình thành búi trĩ. Bệnh trĩ có thể xuất hiện do khó khăn khi đại tiện hoặc áp lực tăng lên ở tĩnh mạch khi mang thai.

Trĩ là một bệnh rất phổ biến hay gặp ở người lớn, hiếm gặp ở trẻ em. Tuy bệnh ít nguy hiểm nhưng gây nhiều trở ngại, phiền phức trong sinh hoạt, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng công tác và tâm sinh lý của người bệnh.

Trĩ gồm có 3 loại: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp.

  • Trĩ nội xảy ra ở vùng thấp trực tràng
  • Trĩ ngoại phát triển dưới da xung quanh hậu môn
  • Trĩ hỗn hợp là kết hợp giữa trĩ nội và trĩ ngoại

Triệu chứng

  • Chảy máu nhưng không đau trong quá trình đi tiêu, có thể nhận thấy một lượng nhỏ máu màu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu
  • Ngứa hoặc bị dị ứng khu vực hậu môn
  • Đau hoặc khó chịu
  • Trĩ thò ra từ hậu môn
  • Sưng tấy xung quanh hậu môn
  • Nhạy cảm hoặc đau đớn vùng gần hậu môn
  • Rò rỉ dịch từ hậu môn
  • Hậu môn chảy dịch

Khi có những triệu chứng trên, người bệnh cần đi khám Hậu môn trực tràng và điều trị sớm. Hoặc đăng ký tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ để được định ban đầu. 

Nguyên nhân 

Các tĩnh mạch quanh hậu môn có xu hướng căng dưới áp lực và có thể lồi ra hoặc sưng lên. Sưng tĩnh mạch trong bệnh trĩ có thể phát triển từ sự gia tăng áp lực trong vùng thấp trực tràng. Các yếu tố có thể gây tăng áp lực bao gồm:

  • Căng thẳng trong quá trình đi tiêu
  • Thời gian hoàn thành đi vệ sinh dài
  • Tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính
  • Lối sống ăn nhiều chất đạm, mỡ
  • Bệnh béo phì
  • Mang thai
  • Giao hợp qua đường hậu môn
  • Những người lười vận động, ít uống nước

Bệnh trĩ có nhiều khả năng xuất hiện khi về già bởi vì các mô hỗ trợ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn có thể suy yếu và căng ra khi lão hóa.

Biến chứng 

Với những người mắc bệnh trĩ nếu không kịp thời phát hiện và điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe như:

  • Thiếu máu: Mất máu mãn tính từ bệnh trĩ có thể gây thiếu máu, không có các tế bào máu khỏe mạnh, kết quả là mệt mỏi và yếu
  • Trĩ nghẹt: Nếu máu cung cấp cho búi trĩ bị ngắt bỏ, trĩ có thể nghẹt, gây ra đau đớn và dẫn đến hoại tử mô

Tuy những biến chứng này ít khi xuất hiện nhưng không vì thế người bệnh xem thường và không nhanh chóng điều trị. Thăm khám và điều trị sớm quá trình bình phục nhanh hơn, người bệnh không còn cảm thấy e ngại và an tâm làm việc, học tập.

Điều trị bệnh trĩ bằng cách nào?

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn phương pháp điều trị khác nhau.

Điều trị nội khoa

Có 2 loại thuốc dùng trị trĩ: loại thuốc viên dùng uống và loại cho tác dụng tại chỗ là thuốc mở dùng bôi hoặc thuốc đặt vào trong hậu môn.

Để đạt hiệu quả tốt trong quá trình chữa bệnh và giảm bớt các cơn đau bác sĩ có thể chỉ định thêm các thuốc khác như: kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc trị táo bón… Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, dùng đủ và đúng thuốc, đặc biệt, kiên trì dùng thuốc kéo dài đủ thời gian.

Điều trị ngoại khoa

Với những trường hợp bệnh trĩ đã chuyển sang giai đoạn nặng việc dùng thuốc không có hiệu quả, lúc này bác sĩ sẽ lựa chọn cách điều trị bằng ngoại khoa như: cắt, đốt, mổ trĩ, thắt búi trĩ…

Để giảm những cơn đau của bệnh trĩ người bệnh nên đi khám và điều trị sớm
Để giảm những cơn đau của bệnh trĩ người bệnh nên đi khám và điều trị sớm

Cách phòng tránh 

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân mềm. Để ngăn ngừa bệnh trĩ và làm giảm các triệu chứng của bệnh trĩ, hãy làm theo những lời khuyên như:

  • Ăn nhiều thực phẩm xơ: Trái cây, rau xanh, ngũ cốc là những thực phẩm không chỉ tốt cho cơ thể mà còn phòng tránh nguy cơ mắc bệnh trĩ hay làm giảm các triệu chứng của bệnh
  • Uống nhiều nước: Mỗi ngày nên duy trì uống từ 1,5 – 2 lít nước để giữ cho phân mềm. Tránh uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích: cà phê, trà...
  • Tránh căng thẳng: Căng thẳng và giữ hơi thở khi cố gắng rặn tạo ra áp lực lớn hơn trong các tĩnh mạch ở trực tràng
  • Đi tiêu ngay sau khi cảm thấy yêu cầu: Nếu chờ đợi lâu để đi tiêu, phân có thể trở nên khô và khó khăn hơn
  • Tập thể dục mỗi ngày: Vận động để giảm áp lực tĩnh mạch - có thể xảy ra khi đứng hoặc ngồi với thời gian dài và để giúp ngăn ngừa táo bón. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm cân - có thể sẽ góp phần cải thiện bệnh trĩ
  • Tránh đứng hoặc ngồi thời gian dài: Ngồi quá lâu đặc biệt là đi vệ sinh, có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn.

Khám và điều trị bệnh trĩ ở đâu tốt?

Bệnh trĩ nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều phiền toái ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh. Khi nhận thấy những triệu chứng như: chảy máu khi đi tiêu, đau, ngứa, khó chịu ở vùng hậu môn... phải nhanh chóng đi khám để xác định nguyên nhân và có giải pháp đối phó thích hợp. Việc lựa chọn sai cách điều trị bệnh có thể dẫn đến những biến chứng khó lường.

Tại Hà Nội, người bệnh mắc trĩ nên đến thăm khám và điêu trị tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa uy tín như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Bảo Sơn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Thu Cúc…

 
 
Tài liệu tham khảo
1. http://www.dieutri.vn/tieuhoa/25-4-2011/s65/benh-tri-tri-chay-mau.htm
2. http://suckhoedoisong.vn/benh-tri-khong-nen-tu-chua-n87130.html
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/