Loạn cảm họng là bệnh gì? Nên đi khám ở đâu?

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 04/05/2017 - Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Loạn cảm họng còn được gọi là dị cảm họng là một hội chứng do nhiều bệnh khác nhau gây ra, dễ bị nhầm lẫn với những hiện tượng bệnh lý như mắc xương, viêm họng hạt, viêm Amiđan mạn.

Loạn cảm họng gây cảm giác vướng họng, rát họng, đau họng
Loạn cảm họng gây cảm giác vướng họng, rát họng, đau họng (Ảnh minh họa)

Loạn cảm họng là một hội chứng gây ra bởi nhiều bệnh. Loạn cảm họng thường thể hiện ở cảm giác chủ quan có dị vật mắc trong họng (cảm giác bị hóc xương) hoặc có khối u phát triển, chèn ép họng (ám sợ ung thư họng).

Cảm giác vướng mắc này chỉ cảm nhận thấy khi nuốt nước bọt suông, còn khi ăn và uống lại hoàn toàn bình thường. Các triệu chứng phụ kèm theo loạn cảm họng có thể là: ngứa họng, đau mỏi cổ, tê vai gáy, đầy bụng, ăn kém ngon, ợ hơi, trầm cảm, cảm giác tức ngực...

Loạn cảm họng là gì

Loạn cảm họng còn được gọi là dị cảm họng là một hội chứng do nhiều bệnh khác nhau gây ra, dễ bị nhầm lẫn với những hiện tượng bệnh lý như mắc xương, viêm họng hạt, viêm Amiđan mạn… và thường được điều trị không đúng làm cho bệnh kéo dài không hết, người bệnh đâm ra lo lắng, thất vọng.

Bệnh nhân có cảm giác vướng họng, rát họng, đau họng, đau góc hàm, đau trước cổ, đau hai bên cổ, khi nuốt nước miếng nhưng nuốt thức ăn (cơm, bánh, trái cây…) không đau.

Khám bệnh và họng không thấy dấu hiệu bệnh lý: lưỡi Amiđan, niêm mạc miệng và họng đều bình thường. Như vậy, nguyên nhân của đau, rát, vướng không ở miệng và họng.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân thường gặp của bệnh là rối loạn chức năng của dạ dày (hoặc viêm dạ dày),viêm xoang mạn, rối loạn nội tiết thời mạn kinh, xúc động tâm thần (stress).

Ngoài ra còn có những nguyên nhân ít gặp như dài mỏm trâm, bệnh ở thanh quản, co thắt cơ nhẫn họng, túi nhánh thực quản, thiểu năng tuyến giáp, viêm khớp thái dương hàm, đau dây thần kinh lưỡi họng (dây IX) và bệnh hoang tưởng.

Như vậy, loạn cảm họng có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính vẫn là bệnh lý dạ dày. Khi bệnh nhân đau ở họng, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ càng để có chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Vấn đề thường không đơn giản chỉ là viêm họng hạt hay viêm amidan mạn. 

Những loạn cảm họng thường gặp

Các ví dụ về bệnh

Ví dụ 1: Bệnh nhân tự cho là bị viêm amiđan và đi khám bệnh. Bệnh nhân có cảm giác nuốt cộm, nuốt vướng, nuốt nghẹn, nuốt đau, đôi khi phải khịt, khạt luôn nhưng không hết. Có người kêu đau hố thượng ức kèm theo cảm giác nóng sau xương ức. Người bệnh thường là phụ nữ ở tuổi mãn kinh (từ 45-50 tuổi) hoặc nam giới hút thuốc lá, uống rượu nhiều. Bệnh nhân  có thể được chuẩn đoán sai là viêm họng hạt hoặc viêm amiđan mạn.

Ví dụ 2: Cũng thường gặp là bệnh nhân trao đổi là bị “mắc xương”. Người bệnh có vẻ lo lắng. Họ cho rằng bị mắc xương cách đây 3-5 ngày, và kể tỉ mỉ rằng đã ăn loại cá có nhiều xương, ăn vội không kịp nhằn xương, ăn trong đêm ánh sáng lờ mờ không thấy dị vật. Bệnh nhân chỉ điểm đau ở góc xương hàm dưới ở cạnh cổ, ở vùng máng cảnh. Có người nói rằng họ đau bên phải bây giờ “xương” đã qua bên trái.

Bác sĩ hỏi thêm hiện nay có còn đau không, bệnh nhân trả lời ăn không đau, không vướng nhưng nuốt nước miếng thì đau. Hiện tượng mắc xương mà ăn được một cách ngon lành một lúc 2-3 chén cơm là không bình thường, bác sĩ sẽ đi sâu vào vấn đề nên cần phải khám Tai Mũi họng thật kỹ.

Loạn cảm họng là hội chứng của nhiều bệnh khác nhau

Khám Tai Mũi họng

Khám miệng và họng

Bằng dụng cụ thông thường và nội soi cho thấy miệng và họng bình thường. Tuy nhiên, cần phải làm vì giúp bác sĩ xác định loạn cảm họng bằng cách loại ra các bệnh như viêm Amiđan nặn ra mủ, mắc xương dăm nhỏ bằng sợi chỉ cắm vào rãnh Amiđan hoặc ở rãnh lưới thanh thiệt, hạt tân nang quá sản ở thành sau họng mà có người gọi là  “viêm họng hạt”.

Khám mũi xoang

Một số bệnh nhân có nhức đầu, có cảm giác vướng họng kèm theo khịt mũi (hít từ trên mũi xuống) hoặc tằng hắng để tống chất nhày dính ở mũi- họng xuống miệng rồi khạt ra. Động tác này làm cho bác sĩ nghĩ đền bệnh lý mũi xoang.

Soi mũi bằng banh thông thường và ống nội soi mũi tìm dịch nhầy, mủ, polyp ở các khe mũi, ở lỗ thông các xoang.

Soi thực quản

Soi bằng ống cứng dài 40cm cho thấy thực quản bình thường trong đa số bệnh nhân nhưng một số ít có sung huyết niêm mạc tâm vị. Nội soi dạ dày cho thấy viêm trợt niêm mạc hoặc viêm dạ dày. Thử CLO test có khi dương tính.

Hỏi tiền sử

Hỏi tiền sử giúp nghĩ đến những nguyên nhân ngoài phạm vi Tai Mũi họng.

Rối loạn chức năng dạ dày

Nhiều bệnh nhân có tiền sử đau dạ dày đã được nội soi rồi. Nội soi dạ dày chỉ thấy viêm nhẹ nhưng lượng acid nhiều của dịch vị hoặc sự thoát ra chút ít dịch vị qua tâm vị lên thực quản làm cho bệnh nhân có cảm giác khó tiêu ở bụng và vướng, đau ở họng.

Nếu tâm vị bị hở hoặc môn vị bị hẹp, bị tắc, dịch vị sẽ trào ngược lên thực quản, tràn vào thanh quản, khí quản, phế quản, gây ra những triệu chứng “Trào ngược dạ dày – thực quản” Loạn cảm họng là một dạng của hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản. Loạn cảm họng được coi như là một thể nhẹ của trào ngược dạ dày - thực quản.

Viêm mũi xoang

Bệnh viêm mũi xoang sinh ra tiết nhầy và mũ, chất nhầy mủ chảy xuống thành sau họng làm cho bệnh nhân khó chịu, phải khịt, khạt, tằng hắng, ho húng hắng. Viêm mũi họng xuất tiết cũng cho những triệu chứng tương tự.

Rối loạn nội tiết thời kỳ mãn kinh

Phụ nữ có tuổi mãn kinh hoặc tiền mãn kinh thường hay có rối loạn tính tình như bực bội, cáu gắt kèm theo dị cảm như nóng phừng mặt, ớn lạnh xương sống và vướng họng. Nếu những người này có thêm rối loạn tiêu hóa thì họ hay than phiền là bị nghẹt họng, “nghẹt thở”.

Xúc động tâm thần (stress)

Stress quá mạnh như tang tóc, thất tình, làm ăn thua lỗ cũng có thể làm cho những người dễ cảm xúc bị co thắt cơ siết họng trong một thời gian ngắn – “cứng họng” – không nuốt được. Nếu phiền muộn kéo dài, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, không màng đến ăn uống, có cảm giác nuốt vướng tuy rằng họng và thực quản bình thường.

Loạn cảm họng ít gặp

Ngoài các loại loạn cảm họng phổ biến nói trên, có nhiều loại loạn cảm họng khác ít gặp và kín đáo, đòi hỏi phải nhờ đến chuyên khoa lâm sàng hoặc xét nghiệm cận lâm sàng mới tìm ra nguyên nhân bệnh. Loạn cảm họng ở đây là một triệu chứng sớm giúp bác sĩ phát hiện kịp thời những bệnh ngoài Tai Mũi họng gây ra triệu chứng Tai Mũi họng.

  • Dài mỏm trâm
  • Những bệnh thanh quản như viêm thanh nhiệt, lao thanh nhiệt, ung thư hạ họng thanh quản ở giai đoạn đầu
  • Co thắt cơ nhẫn họng ở miệng thực quản
  • Túi nhánh thực quản
  • Do bệnh lý tuyến giáp
  • Viêm khớp thái dương hàm
  • Đau dây thần kinh lưỡi họng (dây IX)
  • Bệnh nhân bị bệnh hoang tưởng

Nên đi khám ở đâu

Loạn cảm họng là hội chứng của nhiều bệnh khác nhau. Tuy nhiên, bệnh có triệu chứng của bệnh lý Tai Mũi họng nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý Tai Mũi họng. Vì vậy, để chẩn đoán nguyên nhân và tìm ra bệnh, bệnh nhân có thể đi khám với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi họng. Hoặc đã biết nguyên nhân gây bệnh thì đi khám với bác sĩ chuyên khoa như tiêu hóa, nội tiết, tâm thần...

 
Miễn trừ trách nhiệm

Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

Tài liệu tham khảo
Pgs.Ts Nhan Trừng Sơn - Tai Mũi Họng nhập môn - Nhà xuất bản Y học 2016 (Trang 17-23).
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Đang tải ...

Trợ lý AI

© 2025 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/