Mất ngủ kéo dài, khó ngủ, ngủ không sâu giấc

Sản phẩm của BookingCare
Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
Xuất bản: 02/12/2020, Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Mất ngủ được coi là bệnh khi người bệnh bị mất ngủ kéo dài, hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ vào ban ngày, đầu óc thiếu tỉnh táo, stress, căng thẳng...

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Mất ngủ kéo dài, khó ngủ, ngủ không sâu giấc là một rối loạn giấc ngủ thường gặp
Mất ngủ kéo dài, khó ngủ, ngủ không sâu giấc là một rối loạn giấc ngủ thường gặp - Ảnh: Almurshidimed

Tổng quan về mất ngủ

Mất ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, hoặc thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại được, cơ thể mệt mỏi khi thức dậy. Mất ngủ không chỉ hủy hoại mức năng lượng và tâm trạng của bạn mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống.

  • Có người bị mất ngủ vào đầu giấc, đến giờ đi ngủ họ nằm mãi mà không tài nào chợp mắt được
  • Mất ngủ giữa giấc là người bệnh đã ngủ được nhưng lại tỉnh dậy trong đêm và không tài nào ngủ lại được
  • Mất ngủ cuối giấc là người bệnh đến giờ đi ngủ họ ngủ được ngay một mạch nhưng họ lại dậy rất sớm, độ dài của giấc ngủ bị ngắn lại và không tài nào ngủ được tiếp cho đến khi trời sáng.

Trong cuộc sống, khi gặp một biến cố hoặc một kích thích nào đó từ ngoại cảnh... khiến chúng ta bị mất ngủ. Những trường hợp này chỉ bị mất ngủ tạm thời, khi các kích thích tố kia qua đi họ lại ngủ được bình thường.

Mất ngủ được coi là bệnh khi người bệnh bị mất ngủ kéo dài, hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu sinh lực, buồn ngủ vào ban ngày, đầu óc thiếu tỉnh táo, stress, căng thẳng thần kinh, đau đầu...

Nếu sau một thời gian điều chỉnh thói quen tốt mà vẫn không ngủ ngon, bạn nên sắp xếp đi khám chuyên khoa Rối loạn giấc ngủ. Hoặc khám tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ để được chẩn đoán và định hướng điều trị. 

Triệu chứng mất ngủ

Các triệu chứng mất ngủ có thể bao gồm:

  • Khó ngủ vào ban đêm
  • Thức dậy trong đêm
  • Thức dậy quá sớm
  • Cảm thấy không được nghỉ ngơi sau một đêm ngủ
  • Ban ngày mệt mỏi hoặc buồn ngủ
  • Khó chịu, trầm cảm hoặc lo lắng
  • Khó chú ý, tập trung vào nhiệm vụ hoặc ghi nhớ
  • Mắc nhiều lỗi trong công việc và cuộc sống
  • Những lo lắng liên tục về giấc ngủ...

Khi nào cần đi khám

Nếu chứng mất ngủ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khiến công việc và hoạt động khác của bạn gặp khó khăn thì hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa rối loạn giấc ngủ để xác định nguyên nhân gây ra vấn đề về giấc ngủ và có định hướng điều trị. 

Triệu chứng mất ngủ
Triệu chứng, biểu hiện mất ngủ - Ảnh gốc: verywell Health

Nguyên nhân gây mất ngủ, khó ngủ 

Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ, thường sẽ bao gồm:

1. Nguyên nhân mất ngủ thoáng qua (mất ngủ dưới 1 tuần)

  • Căng thẳng, stress (34% nữ và 22% nam)
  • Do rối loạn lịch thức ngủ trong ngày, như lịch làm việc thay đổi bất thường, làm việc theo ca không thường xuyên, do thay đổi múi giờ chênh lệch như khi đi du lịch đến các vùng có mức chênh lệch múi giờ từ 6 - 24 giờ.
  • Sử dụng các chất kích thích não: cà phê, trà, thuốc lá, rượu, các loại thuốc có tính kích thích. Do ăn nhiều nặng bụng trong đêm, ăn nhiều chất kích thích...
  • Thói quen của người ngủ cùng: ví dụ như ngáy, nói mơ, mộng du, thói quen gác khi ngủ...
  • Các yếu tố môi trường: ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, thoáng khí ...

2. Nguyên nhân mất ngủ mạn tính (mất ngủ kéo dài hơn 3 tháng)

Nhóm nguyên nhân này chủ yếu gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý cơ thể hoặc bệnh lý rối loạn tâm thần.

  • Uớc tính có khoảng 35 - 50% trường hợp mất ngủ mãn tính có thể liên quan đến bệnh lý tâm thần. Các bệnh tâm thần có thể gây mất ngủ: Trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng - stress, nghiện (rượu và các chất dạng thuốc phiện), tâm thần phân liệt...
  • Bệnh lý cơ thể: dị ứng, viêm khớp, bệnh tim, cao huyết áp, hen phế quản...
  • Bệnh lý liên quan đến giấc ngủ như: chứng ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ...
  • Ngoài ra, còn 1 số tình trạng sinh lý cũng có thể dẫn tới mất ngủ như: Mãn kinh, rối loạn kinh nguyệt, có thai, sốt, đau.

Trong giai đoạn hiện nay, khi xã hội phát triển hơn kèm theo là áp lực về cuộc sống, mất ngủ do rối loạn tâm thần ngày càng tăng cao. Những lo lắng về công việc, trường học, sức khỏe, tài chính... có thể khiến tâm trí hoạt động nhiều vào ban đêm, khiến bạn khó ngủ. 

Mất ngủ và tuổi tác

Mất ngủ trở nên phổ biến hơn theo tuổi tác. Khi bạn già đi, bạn có thể gặp các vấn đề như:

  • Thay đổi cách ngủ: Giấc ngủ thường trở nên ít thư thái hơn khi bạn có tuổi, vì vậy tiếng ồn hoặc những thay đổi khác trong môi trường có nhiều khả năng làm bạn thức giấc. Cùng với tuổi tác, đồng hồ sinh học của bạn cũng thay đổi, vì vậy bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ vào buổi tối và thức dậy sớm hơn vào buổi sáng. 
  • Thay đổi trong hoạt động: Bạn có thể ít hoạt động thể chất hoặc ít giao tiếp xã hội hơn khi có tuổi. Thiếu hoạt động có thể góp phần khiến giấc ngủ không ngon. Ngoài ra, khi càng ít vận động, tức là có nhiều thời gian nghỉ vào ban ngày, điều này có thể cản trở giấc ngủ vào ban đêm.
  • Những thay đổi về sức khỏe: Các cơn đau mãn tính do các tình trạng như viêm khớp, đau lưng, lo lắng... có thể ảnh hưởng giấc ngủ. Các vấn đề làm tăng nhu cầu đi tiểu đêm, chẳng hạn như bệnh tuyến tiền liệt hoặc bàng quang - có thể làm gián đoạn giấc ngủ. 
  • Tác dụng phụ của thuốc: Người cao tuổi thường sử dụng nhiều thuốc theo toa hơn những người trẻ tuổi, điều này làm tăng nguy cơ mất ngủ liên quan đến thuốc.

Mất ngủ có nguy hiểm, ảnh hưởng gì không?

Giấc ngủ cũng quan trọng đối với sức khỏe như một chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên. Mất ngủ có thể ảnh hưởng đến cả tinh thần và thể chất.

Những người bị mất ngủ cho biết chất lượng cuộc sống thấp hơn nhiều so với những người đang ngủ ngon. Mất ngủ kéo dài có thể gây các vấn đề như:

  • Hiệu suất công việc hoặc trường học thấp hơn
  • Thời gian phản ứng chậm khi lái xe và nguy cơ tai nạn cao hơn
  • Rối loạn sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc lạm dụng chất kích thích...
  • Tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các bệnh hoặc tình trạng lâu dài, chẳng hạn như huyết áp cao và bệnh tim...

Xem thêm

Phòng ngừa mất ngủ và cách để ngủ ngon hơn 

Tập xây dựng những thói quen tốt có thể giúp ngăn ngừa chứng mất ngủ và giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn:

  • Duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy nhất quán giữa các ngày, kể cả cuối tuần.
  • Duy trì hoạt động hoặc hoạt động thường xuyên sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon và dễ ngủ hơn 
  • Kiểm tra các loại thuốc đang dùng để xem liệu chúng có thành phần gây mất ngủ hay không (tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa)
  • Nghỉ trưa, ngủ trưa vừa đủ (khoảng 15 - 20 phút)
  • Hạn chế tối đa sử dụng caffeine và rượu, và không sử dụng nicotine
  • Tránh các bữa ăn lớn và đồ uống trước khi đi ngủ
  • Thiết kế phòng ngủ thoải mái, đơn giản. Không nên có nhiều vật dụng không cần thiết
  • Thư giãn trước khi đi ngủ, chẳng hạn như tắm nước ấm, đọc sách, nghe nhạc nhẹ hoặc tập thiền...

Phương pháp điều trị mất ngủ 

Khi bị mất ngủ kéo dài, bạn cần điều trị sớm để không ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày:

Loại bỏ những nguyên nhân chủ quan gây mất ngủ

Cần tìm hiểu nguyên nhân gây mất ngủ là gì, ví dụ như uống cà phê quá nhiều vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ, ăn quá nhiều thức ăn cay nóng, ăn quá no vào buổi tối trước khi đi ngủ, thay đổi múi giờ quá lớn, căng thẳng trong công việc... Sau khi tìm được nguyên nhân, người bệnh có thể tự điều chỉnh mà không cần dùng thuốc.

Chuẩn bị giấc ngủ

Tạo tâm trạng thư thái, thoải mái trước khi ngủ, giường ngủ cần đặt nơi thoáng mát, chăn, mền, trải giường sạch sẽ...

Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp khác liên quan đến lối sống và môi trường ngủ của bạn để giúp bạn phát triển các thói quen thúc đẩy giấc ngủ ngon và tỉnh táo ban ngày.

Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc có thể sử dụng để điều trị bệnh mất ngủ như các loại thuộc nhóm benzodiazepin. Tuy nhiên, khi sử dụng phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa rối loạn giấc ngủ.

Một số thuốc chống trầm cảm và chống lo âu cũng được sử dụng cho những bệnh nhân bị mất ngủ có biểu hiện của bệnh trầm cảm. Một số loại thuốc chống loạn thần cũng có hiệu quả tốt tuy nhiên ít được khuyến khích sử dụng để điều trị bệnh mất ngủ. Ngoài ra, các loại dược thảo đông y cũng có tác dụng cải thiện giấc ngủ như tim sen, lá vông...

Thuốc ngủ kê đơn có thể có tác dụng phụ, chẳng hạn như gây ra cảm giác buồn vào ban ngày và tăng nguy cơ té ngã do chưa quen, vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa về những loại thuốc này và các tác dụng phụ khác có thể xảy ra.

Điều trị bằng các liệu pháp tâm lý

Hãy để giấc ngủ đến một cách nhẹ nhàng. Tạm thời gác lại các suy nghĩ, lo lắng và công việc trước giờ đi ngủ. Nếu không ngủ được sau khoảng 10 - 15 phút thì có thể tập một vài động tác nhẹ nhàng, thư giãn, tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ... sẽ giúp hạn chế triệu chứng của bệnh mất ngủ.

Thay đổi thói quen ngủ của bạn và giải quyết bất kỳ vấn đề nào có thể liên quan đến chứng mất ngủ, chẳng hạn như căng thẳng, tình trạng y tế hoặc thuốc, có thể khôi phục lại giấc ngủ ngon cho nhiều người. Nếu các biện pháp này không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp hành vi nhận thức, thuốc hoặc cả hai, để giúp cải thiện thư giãn và giấc ngủ.

 
 

Đặt khám dễ dàng cùng BookingCare

Sau đây là một số bác sĩ giỏi (hoặc đơn vị uy tín) chuyên Khám chữa mất ngủ tại Hà Nội. Bệnh nhân có thể đặt lịch trước tại đây để đi khám và điều trị hiệu quả.

Đặt khám tư vấn với bác sĩ từ xa qua Video

Bác sĩ khám tư vấn mất ngủ từ xa thông qua cuộc gọi có hình Video, bệnh nhân ở tại nhà kết nối với bác sĩ từ xa nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
1. https://suckhoedoisong.vn/kho-ngu-mat-ngu-ngan-han-va-man-tinh-nguyen-nhan-va-giai-phap-huu-hieu-n161957.html
2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/insomnia/diagnosis-treatment/drc-20355173
3. https://www.webmd.com/sleep-disorders/insomnia-symptoms-and-causes
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/