Phân biệt bạch biến và bạch tạng? Cách điều trị bệnh bạch biến hiệu quả

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 29/11/2020 - Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Bệnh bạch biến là một bệnh tự miễn, là hiện tượng sắc tố của da bị rối loạn do sự phá hủy và mất đi tế bào sinh sắc tố. Bệnh bạch biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính và làm ảnh hưởng tới mặt thẩm mỹ.

Bệnh bạch biến khiến người bệnh mất tự tin
Bệnh bạch biến khiến người bệnh mất tự tin - Ảnh: Vneconomy

Bệnh bạch biến là bệnh da liễu lành tính, không lây, và có ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ. Bệnh bạch biến vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Hiện việc điều trị bệnh bạch biến còn nhiều khó khăn, chỉ mới dừng lại ở việc giải quyết triệu chứng.

Tổng quan về bệnh bạch biến 

Bệnh bạch biến là một loại bệnh da liễu thường gặp mà trong đó các tế bào sắc tố da bị phá hủy từ đó làm thay đổi màu da.

Bệnh biểu hiện bởi những dát, mảng giảm sắc tố so với vùng da xung quanh, không ngứa, không đóng vảy, giới hạn rõ. 

Tại Việt Nam chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ mắc bệnh. Bệnh bạch biến có thể gặp mọi lứa tuổi và mọi giới. Lứa tuổi thường gặp nhất là từ 10-30, hơn 50% xảy ra trước 20 tuổi và có thể gặp bệnh bạch biến ở trẻ em.

Bệnh phân bố nhiều ở các nước vùng nhiệt đới và ở những chủng người da màu.

Bệnh có tính chất gia đình nhưng chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn bệnh bạch biến có di truyền không. 

Bệnh bạch biến không gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng chúng lại làm mất tính thẩm mỹ nghiêm trọng. Khi mắc bệnh không ít người rơi vào tình trạng chán nản, buồn bã, tự ti không dám đối mặt với người khác. Từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh. 

Vì vậy, bệnh nhân nếu phát hiện bệnh bạch biến nên thăm khám bác sĩ da liễu để được chữa trị kịp thời.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh bạch biến

Các triệu chứng thường gặp của bệnh bạch biến:

  • Tổn thương khởi đầu có thể chỉ là chấm trắng nhỏ vài mm ở một vùng nào đó của cơ thể, hay gặp vùng mặt, môi, bàn tay, các chi... Sau đó lan rộng dần và có cả nơi khác nhanh hoặc chậm.
  • Tổn thương cơ bản là các dát trắng to nhỏ khác nhau có thể hình tròn, bầu dục ranh giới rõ, bằng mặt da, không có vảy, không cộm và thường có viền sắc tố xung quanh.
  • Lông tóc trên vùng dát trắng cũng có thể bạc màu hoặc không.
  • Bệnh có thể chỉ một vùng hay đôi xứng hai bên, có các đầu chi, bán niêm mạc, hay vạch trên vết xước da.
  • Các tổn thương tiến triển có thể nhanh liên kết các tổn thương thành mảng dát trắng lớn hoặc tiến triển chậm trong nhiều tháng, nhiều năm.
  • Không mất cảm giác tại chỗ, không ngứa.

Phụ thuộc vào thể bệnh bạch biến, các mảng da bị đổi màu có thể xuất hiện theo cách khác nhau:

  • Thể bạch biến toàn thân: đây là thể bệnh phổ biến nhất. Các mảng bạch biến thường xuất hiện ở nhiều vùng trên cơ thể và có tính chất đối xứng.
  • Thể bạch biến phân đoạn: thường biểu hiện chỉ một bên hoặc một vùng trên cơ thể. Thể này có xu hướng xuất hiện ở những bệnh nhân trẻ tuổi hơn, chỉ tiến triển trong vòng 1 đến 2 năm.
  • Thể bạch biến khu trú: chỉ xảy ra ở một vài vị trí trên cơ thể.

Rất khó để dự đoán được tiến triển của bệnh. Đôi khi các mảng bạch biến sẽ tự khu trú mà không cần điều trị.

Trong hầu hết các trường hợp, các mảng da mất sắc tố sẽ lan rộng ra. Bệnh tiến triển mãn tính, có những đợt nặng lên, tổn thương thường nặng lên vào mùa hè, giảm đi vào mùa đông.

Bệnh nhân càng trẻ, tiên lượng càng tốt với thời gian bị bệnh càng ngắn và có nhiều hy vọng khỏi bệnh hơn. Ngược lại, bệnh nhân càng lớn tuổi, thời gian mắc bệnh càng kéo dài, kết quả đáp ứng điều trị càng kém đi.

Nguyên nhân gây bệnh bạch biến

Nguyên nhân gây bệnh bạch biến còn chưa được biết rõ. Chỉ có một điều chắc chắn rằng bạch biến xuất hiện là do sự giảm số lượng và chất lượng của các tế bào sắc tố da ở vùng da bị bệnh.

Có giả thuyết cho rằng bệnh bạch biến do ảnh hưởng của bệnh tự miễn hoặc do di truyền, liên quan đột biến ở gen DR4, B13 hoặc BW35 của HLA. Các tự kháng thể xem các tế bào sắc tố như là các kháng nguyên và chống lại chúng, phá hủy tế bào sắc tố và làm giảm sản xuất sắc tố melanin.

Khoảng 20-30% bệnh nhân bạch biến có tự kháng thể chống lại tế bào của tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, gan tụy nên một số bệnh nhân bạch biến có các bệnh lý kèm theo liên quan đến các cơ quan kể trên.

Phân biệt bệnh bạch tạng và bệnh bạch biến

Một số người nhầm lẫn bệnh bạch tạng với bệnh bạch biến. Đây là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau, bạn có thể phân biệt nhanh dựa trên triệu chứng bệnh:

Bệnh bạch tạng

Đây là bệnh suy giảm sắc tố da do di truyền, gây ảnh hưởng toàn thân khiến người bệnh bị mất hẳn sắc tố ở da, tóc, lông, võng mạc mắt… gây hiện tượng da trắng nhợt, tóc bạc, mắt xanh hoặc đỏ.

Bệnh nhân khi mắc bệnh thường bị suy giảm thị lực nghiêm trọng, sợ ánh sáng và đặc biệt nhạy cảm với tia cực tím.

Bệnh bạch biến

Bạch biến gây suy giảm sắc tố da có tính chất tự phát, tạo nên những mảng da màu trắng bất thường.

Đa số bệnh nhân bạch biến đều khỏe mạnh, một số ít gặp các triệu chứng liên quan đến bệnh tuyến thượng thận, tiểu đường, tiếu máu, thiểu sản tủy.

Bệnh bạch biến có lây không?

Bệnh bạch biến có thể lan ra nhiều vị trí trên cơ thể nhưng thực tế chúng không phải là bệnh truyền nhiễm và không có khả năng gây bệnh cho người khác.

Do vậy tiếp xúc ngoài da với người mắc bệnh bạch biến như ăn uống chung, bắt tay hay ôm đều không thể lây truyền.

Bệnh bạch biến không nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Bệnh bạch biến không nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời - Ảnh: Pinterest

Dù không thể lây lan nhưng có nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh bạch biến có tính chất gia đình và có thể di truyền được qua các thế hệ. Tuy nhiên, không phải bất kỳ con cái của người bệnh đều bị tương tự và thực tế là rất khó dự đoán về ai sẽ bị ảnh hưởng của bệnh.

Bệnh bạch biến có chữa được không?

Cho đến nay, y học vẫn chưa có thuốc trị khỏi bệnh hoàn toàn. Các phương pháp điều trị thường dựa trên việc dùng thuốc làm tăng cảm ứng với ánh nắng kết hợp với chiếu tia cực tím hay tắm nắng. Có thể phẫu thuật cấy tế bào hắc tố, dùng các thuốc bôi có chất steroid để làm giảm miễn dịch tại chỗ...

Tuy nhiên bạch biến là một bệnh khó điều trị và khi đã quyết định điều trị thì phải kiên trì dùng thuốc trong một thời gian dài và có thể bị một số tai biến do điều trị.

Bệnh nhân cần chủ động tới khám chuyên khoa da liễu trong thời gian sớm nhất để được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Nếu chưa thể sắp xếp lịch gặp trực tiếp các bác sĩ, bệnh nhân có thể thăm khám với bác sĩ da từ xa qua video tại BookingCare.

Xem thêm bài viết:

Liệu pháp điều trị bệnh bạch biến

1. Liệu pháp điều trị bằng thuốc

Nhóm thuốc có tác dụng tăng cảm ứng với ánh sáng toàn thân hoặc tại chỗ như chế phẩm có psoralen như meladinin, melagenin được sử dụng bằng cách kết hợp với việc chiếu tia cực tím bước sóng ngắn hoặc dài tại vùng tổn thương.

Thuốc được bôi tại chỗ có thể làm cho đám bạch biến bị đỏ rát phỏng nước nên có thể dùng kết hợp với các thuốc chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. 

Corticosteroid

Corticosteroid là thuốc bôi được lựa chọn để phối hợp với các liệu pháp trị liệu khác như laser CO2, UVB phổ hẹp, dẫn xuất vitamin D3... đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn, nhất là những trường hợp bạch biến khu trú.

Thuốc uống chống nắng

Ở bệnh nhân bạch biến, chất lượng và số lượng của tế bào sắc tố giảm sút nên khả năng bảo vệ cơ thể trước tác hại của ánh sáng mặt trời gây ra sự sụt giảm khả năng bảo vệ cơ thể dưới tác động của ánh sáng mặt trời.

Người bệnh nên kết hợp cả dạng thuốc uống chống nắng để tránh sự cháy nắng ở những vùng da giảm sắc tố.

Những lưu ý chung khi sử dùng thuốc

Các thuốc uống và thoa trị bệnh bạch biến không được tự ý mua dùng, cũng như dùng một thời gian dài mà chưa có sự thăm khám và chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa Da liễu. Thuốc nào cũng có tác dụng phụ nếu không theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

2. Liệu pháp điều trị ngoại khoa

Cấy tế bào sắc tố da

Đây là phương pháp mới trong điều trị bệnh bạch biến nhưng đòi hỏi chi phí và kỹ thuật cao nên không được áp dụng rộng rãi.

Ghép da tự thân chữa bạch biến

Phương pháp này được chỉ định thực hiện với bệnh nhân mắc bạch biến ổn định ít nhất một năm. Đây là phương pháp khá an toàn, ít tác dụng phụ.

Một số tác dụng phụ có thể gặp như sẹo lồi, nhiễm khuẩn, tăng sắc tố sau viêm... 

Phương pháp này đạt hiệu quả 70-80%, đặc biệt trong bạch biến đoạn. Bệnh nhân ít tái phát với thể bạch biến đoạn, còn với bạch biến thể thông thường thì tỷ lệ tái phát cao hơn, 10-20%.

Thông thường chỉ cần ghép một lần, có thể ghép hơn một lần để tăng hiệu quả.

3. Tư vấn tâm lý

Bệnh bạch biến gây ra nhiều tác động lên tâm lý người bệnh, gây giảm sút chất lượng cuộc sống. Một số vấn đề người bệnh phải đối mặt bao gồm bất thường về tâm lý, khó khăn về tình dục, băn khoăn, lo lắng và phối hợp các vấn đề trên.

Do đó, việc tư vấn tâm lý trong điều trị bạch biến là vô cùng quan trọng, cần nhấn mạnh để người bệnh hiểu rõ bệnh chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ chứ ít nguy hiểm đến tính mạng.

Cách chăm sóc da khi bị bệnh bạch biến

  • Người bệnh cần tránh nắng hiệu quả bằng cách thoa kem chống nắng, dùng trang phục, mũ để che da …
  • Hạn chế đi nắng từ 10 giờsáng đến 4 giờ chiều
  • Giới hạn các chấn thương cơ học trên da vì có thể làm phát sinh thêm thương tổn mới tại vị trí bị chấn thương. 
  • Người bệnh nữ có thể dùng mỹ phẩm trang điểm để che giấu các vùng da bị mất màu.
kem chống nắng
Tránh nắng hiệu quả bằng cách thoa kem chống nắng - Ảnh: Pinterest

Cách phòng tránh bệnh bạch biến

Hiện nay, chưa có phương pháp phòng tránh để không mắc bệnh, chỉ phòng tránh các tác dụng phụ của thuốc điều trị và giúp kiểm soát bệnh phần nào với những hiểu biết đúng đắn về bệnh.

 
 
Tài liệu tham khảo
1. https://dalieu.vn/cac-phuong-phap-dieu-tri-bach-bien/
2. https://suckhoedoisong.vn/benh-bach-bien-co-chua-khoi-khong-n165545.html
3. https://caodangytethphcm.edu.vn/benh-bach-bien-co-lay-khong-nen-an-va-kieng-an-gi/
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/