Thoái hóa cột sống và các phương pháp điều trị

Sản phẩm của BookingCare
Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
Xuất bản: 29/03/2017, Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Thoái hóa cột sống là bệnh khá thường gặp. Do cột sống phải chịu đựng nhiều các tải trọng xảy ra liên tục, dẫn tới các biến đổi hình thái gồm các biến đổi thoái hóa ở các đĩa đệm, thân đốt sống và ở các mỏm gai sau.

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Khám thoái hóa cột sống
Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa cột sống - Ảnh:

Thoái hóa cột sống là quá trình lão hóa không thể tránh khỏi của cơ thể. Bệnh có diễn tiến âm thầm, người bệnh thường chỉ đi khám với các bác sĩ Cột sống khi bệnh đã trở nặng, gây ra đau đớn.

Thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa cột sống là bệnh khá thường gặp. Do cột sống phải chịu đựng nhiều các tải trọng xảy ra liên tục, dẫn tới các biến đổi hình thái gồm các biến đổi thoái hóa ở các đĩa đệm, thân đốt sống và ở các mỏm gai sau.

Bệnh thường tiến triển chậm, biểu hiện bởi sự tăng dần dần các triệu chứng: cứng, đau cột sống và hạn chế vận động.

Thoái hóa cột sống có liên quan chặt chẽ với quá trình lão hóa, thoái hóa đốt sống cổ được phát hiện thấy ở >80% các đối tượng trên 55 tuổi và thường gặp ở người châu Âu nhiều hơn so với người châu Á.

Triệu chứng thường gặp

Người bệnh thoái hóa cột sống thường có các triệu chứng sau:

  • Đau và cứng khu trú, đau rễ dây thần kinh. Đau khu trú xuất phát từ các dây chằng cạnh cột sống, các bao khớp.
  • Co thắt các cơ cạnh cột sống.
  • Đau rễ dây thần kinh có thể do chèn ép rễ của dây thần kinh ống sống, hoặc có thể chỉ là đau lan truyền dọc theo thần kinh đùi bì có liên quan với tổn thương nguyên phát tại chỗ.

Các thể lâm sàng

Bệnh thoái hóa cột sống được chia thành 3 thể lâm sàng là đau thắt lưng, thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống cổ.

Đau thắt lưng 

Đau thắt lưng cấp

Bệnh đau thắt lưng thường gặp ở lứa tuổi từ 30-40 tuổi. Cơn đau xuất hiện sau một động tác mạnh quá mức, đột ngột và trái tư thế (bưng, bê, vác, đẩy, ngã…).

Đau thường ở vùng cột sống thắt lưng. Có thể đau cả hai bên, nhưng không lan tới đùi, hoặc khớp gối. Vận động bị hạn chế, và khó thực hiện các động tác, thường không có dấu hiệu thần kinh. Có thể kèm co cứng cơ cạnh cột sống vào buổi sáng và giảm sau khi vận động.

Khi khám thực thể, bệnh nhân đau thắt lưng cấp có hiện tượng đau khi sờ nắn vùng thắt lưng nhưng phản xạ, cảm giác, vận động và các dấu hiệu thần kinh khác đều bình thường.

Nếu không được điều trị kịp thời, một số bệnh nhân có thể tiến triển thành đau lưng mạn tính.

Đau thắt lưng mạn tính

Đau thắt lưng mạn tính là khi bệnh nhân bị đau thắt lưng kéo dài từ trên 4 đến 6 tháng. Nguyên nhân là do đĩa đệm bị thoái hóa nhiều, đàn hồi kém, chiều cao giảm, giảm khả năng chịu lực, phần lồi ra sau của đĩa đệm kích thích các nhánh thần kinh gây đau.

Những người thường xuyên phải mang vác nặng, xoay người, cơ thể bị rung (đi xe máy, ngồi ô tô lâu),béo phì, tập luyện thể lực quá mức đều có nguy cơ bị đau lưng mạn tính.

Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 30 đến 50 tuổi, có biểu hiện đau âm ỉ vùng thắt lưng, không lan xa, đau tăng khi vận động, thay đổi thời tiết, đau giảm khi nghỉ ngơi, cột sống có thể biến dạng một phần và hạn chế một số động tác cúi nghiêng.

Đau thắt lưng
Thoái hóa cột sống gây ra triệu chứng đau thắt lưng - Ảnh: Pixabay 

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở những người từ 35 đến 45 tuổi, nam mắc nhiều hơn nữ, xảy ra khi vòng sợi bị rách đứt và nhân nhày lồi vào trong ống sống, chèn ép lên rễ của dây thần kinh sống hoặc tủy sống. Tỷ lệ đau vùng thắt lưng do thoát vị đĩa đệm chiếm khoảng 1% đến 2%.

Bệnh thường có những dấu hiệu như đau đột ngột, đau như dao đâm, đau lan xuống mông, về phía sau ngoài đùi, tăng lên khi ho, hắt hơi, rặn. Khi khám thấy cong vẹo cột sống, dấu hiệu Lasegue, Valleix, giật dây chuông dương tính bên bị đau, phản xạ gân xương giảm nhẹ, teo cơ, có thể rối loạn cơ tròn.

Khi chụp X-quang thường chỉ thấy các dấu hiệu chung của thoái hóa cột sống như hẹp khe đĩa đệm, gai xương, hẹp lỗ liên hợp.

Chụp MRI sẽ thấy rõ trạng thái thoái hóa và thoát vị của đĩa đệm. Ngoài ra, có thể chụp ống sống có cản quang, đĩa đệm cản quang, cắt lớp vi tính (CT scanner). Các kỹ thuật này cũng có thể phát hiện được thoát vị đĩa đệm và hẹp ống sống, mà chụp X-quang bình thường không phát hiện được

Thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ có thể gặp thoái hóa ở tất cả các đốt sống cổ nhưng thường gặp thoái hóa ở C5-C6 hoặc C6-C7. Bệnh thường có các triệu chứng như:

  • Đau vùng gáy: đôi khi lan xuống vai và cánh tay. Tê một vùng ở cánh tay, cẳng tay và ngón tay
  • Hạn chế vận động các động tác của cổ
  • Nhức đầu: từ vùng chẩm, lan ra thái dương, trán hay sau hố mắt, không có dấu hiệu thần kinh
  • Hội chứng giao cảm cổ Barré – Liéou: nhức đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mờ mắt. Loạn cảm thành sau họng, nuốt vướng
  • Hội chứng chèn ép tủy cổ: một số trường hợp hiếm gai xương mọc ở phía sau thân đốt chèn ép vào phần trước tủy, bệnh nhân có dấu hiệu liệt cứng nửa người hoặc tứ chi tăng dần
  • Nhiều triệu chứng xuất hiện do các gai xương chèn ép vào động mạch đốt sống, đặc biệt là ở vùng trên của cổ gồm: chóng mặt, choáng, nhức đầu và các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. Thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ra 3 hội chứng đôi khi chồng chéo nhau: chèn ép rễ dây thần kinh sống, chèn ép tủy sống và chèn ép động mạch ống sống

Việc chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ chủ yếu dựa vào hình ảnh X-quang, cắt lớp vi tính hoặc MRI. 

Phương pháp điều trị

Vật lý trị liệu

Phương pháp này giúp người bệnh giảm đau, sửa chữa tư thế xấu và duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị các đau gân và cơ kết hợp.

  • Nhiệt điều trị: siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao
  • Kéo, phong bế khớp gian mỏm, châm cứu, xoa bóp, mát-xa
  • Tập luyện: đối với trường hợp đau thắt lưng mạn tính (bơi…)

Sử dụng thuốc

Để điều trị bệnh thoái hóa cột sống, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroids, thuốc bôi ngoài da, thuốc giãn cơ, thậm chí là thuốc trầm cảm nếu bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng kèm theo lo âu kéo dài, trầm cảm.

Điều trị ngoại khoa

Điều trị thoái hóa cột sống bằng phẫu thuật được áp dụng nếu như các phương pháp khác không đạt được hiệu quả như mong muốn. Phương pháp điều trị ngoại khoa được chỉ định khi lâm sàng có các biểu hiện:

  • Hội chứng đuôi ngựa.
  • Có biểu hiện hẹp ống sống và các dấu hiệu thần kinh tiến triển nặng, ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động.
  • Trượt đốt sống độ 3, 4.
  • Đau lưng kéo dài ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà các biện pháp điều trị nội khoa không kết quả.

Thoái hóa cột sống là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên nếu như phát hiện và điều trị sớm tại các địa chỉ uy tín về  khám chữa Thoái hóa cột sống thì có thể làm giảm triệu chứng và làm chậm lại quá trình lão hóa.

 
 

Đặt khám dễ dàng cùng BookingCare

Sau đây là một số bác sĩ giỏi (hoặc đơn vị uy tín) chuyên Khám chữa thoái hóa cột sống. Bệnh nhân có thể đặt lịch trước tại đây để đi khám và điều trị hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Pgs.Ts Vũ Thị Thanh Thủy - Chẩn đoán và Điều trị những bệnh Cơ Xương khớp thường gặp - Nhà xuất bản Y học 2016.
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Nội dung chính
© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/