Ung thư vú có nguy hiểm không? Chữa bao lâu sẽ khỏi bệnh?
Ung thư vú có nguy hiểm không? Chữa bao lâu sẽ khỏi bệnh?
Dấu hiệu ung thư vú
Dấu hiệu ung thư vú

Ung thư vú có nguy hiểm không? Chữa bao lâu sẽ khỏi bệnh?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 14/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 14/11/2023
Bị bệnh ung thư vú có chữa khỏi được không? Bệnh gây ra những ảnh hưởng như thế nào? Cùng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi này trong bài viết dưới đây

Ung thư vú là ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nữ giới.. Ngày nay cùng với sự phát triển của y học thì việc phát hiện và điều trị kịp thời có thể làm giảm nguy cơ tử vong và các biến chứng nguy hiểm khác.

Vì vậy, để phát hiện được ung vú ở giai đoạn sớm cũng như các bệnh khác thì các chị em nên đi khám , kiểm tra sức khỏe định kì .

Ung thư vú có nguy hiểm không?

Để trả lời cho câu hỏi “Ung thư vú có nguy hiểm không?” cần dựa vào rất nhiều yếu tố như tình trạng tiến triển của bệnh, sức khỏe của người bệnh…

Ung thư vú nếu được phát hiện sớm, tiên lượng điều trị rất tích cực:

  • Ở giai đoạn 1 - 2, bệnh nhân hơn 90% có thể điều trị ổn định
  • Ở giai đoạn 3, tỷ lệ chữa khỏi nếu phát hiện sớm là 60%
  • Ở giai đoạn cuối, ung thư vú đã đã di căn vào xương và các bộ phận khác gây đau đớn và đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Như vậy, ung thư vú có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, và quan trọng nhất là bạn có phát hiện sớm hay không.

  • Tiên lượng tốt nếu phát hiện ngay từ giai đoạn 0, 1 thậm chí là giai đoạn 2. Phác đồ điều trị phù hợp sẽ khiến bệnh ung thư vú được chữa khỏi.. 
  • Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh ở giai đoạn cuối. Hoặc phát hiện ở giai đoạn sớm nhưng không kiên trì điều trị cũng đáng lo ngại. 

 Nếu được phát hiện sớm, ung thư vú có thể chữa khỏi

Biến chứng do ung thư vú

Ung thư vú ở những giai đoạn về sau có thể gây nhiều biến chứng như: 

  • Cắt bỏ một hoặc cả 2 bên ngực
  • Gây vô sinh, khó mang thai. Vì hóa trị liệu có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai của phụ nữ. Hóa trị ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng.
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Ung thư tái phát...

Quá trình điều trị ung thư vú mất bao lâu? 

Mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị riêng, nên thời gian điều trị của mỗi người cũng khác nhau. 

  • Nếu bác sĩ nói trường hợp của bạn chỉ cần phẫu thuật thì chỉ mất khoảng 1 tháng cho việc theo dõi và phục hồi sau mổ. 
  • Nếu sau phẫu thuật cần hóa trị sẽ mất nhiều thời gian hơn. Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ hoạt động của hóa trị và mức độ dung nạp của bệnh nhân. Thông thường sẽ thêm khoảng vài tháng, thậm chí là 1 năm. 
  • Nếu cần xạ trị sau phẫu thuật, sẽ cần thêm khoảng 5 - 6 tuần (xạ trị 5 buổi/ tuần).

Điều quan trọng là bạn cần thăm khám thường xuyên, để phát hiện sớm khi ung thư vú tái phát. Cần xác định đây là một hành trình dài và đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh. 

Điều trị ung thư vú như thế nào?

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị cơ bản trong ung thư vú, đặc biệt ở các trường hợp chưa có di căn xa.

  • Phẫu thuật ung thư vú giai đoạn sớm: nhằm lấy bỏ toàn bộ khối u và vét hạch nách. Tuỳ theo từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra chỉ định phẫu thuật bảo tồn tuyến vú hay phẫu thuật triệt căn tuyến vú (cắt hết toàn bộ tuyến vú).
  • Phẫu thuật ung thư vú giai đoạn tái phát, di căn: phẫu thuật cũng có những vai trò nhất định như: cắt bỏ tuyến vú với khối u tái phát tại chỗ hoặc tại hạch nách, phẫu thuật sạch sẽ tuyến vú trong trường hợp u vú to, chảy dịch nhiều...
  • Ngoài ra, phẫu thuật tạo hình tuyến vú sau khi cắt khối u vú cũng được phát triển, bao gồm: đặt túi ngực, phẫu thuật tạo hình quầng vú và núm vú, đem lại lợi ích về mặt thẩm mỹ cho các bệnh nhân ung thư vú.

2. Xạ trị

Sau khi cắt tuyến vú, diện thành ngực còn lại được chiếu xạ để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra, chỉ định xạ trị sau phẫu thuật bảo tồn ung thư vú là chỉ định bắt buộc, giúp làm tăng thời gian sống cho bệnh nhân.

3. Hoá chất

Là phương pháp dùng các loại thuốc độc đối với tế bào, nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Đối với mỗi thể bệnh ung thư vú và mỗi giai đoạn bệnh sẽ có những phác đồ hoá chất khác nhau và phù hợp với từng bệnh nhân. Chỉ định điều trị hoá chất chia thành 3 nhóm:

  • Hoá chất bổ trợ trước phẫu thuật: Được áp dụng cho các bệnh nhân ung thư vú giai đoạn mổ được hoặc không mổ được, mục đích tân bổ trợ ở giai đoạn không mổ được giúp thu nhỏ kích thước khối u và hạch, nhằm tăng tỷ lệ phẫu thuật bảo tồn và tăng khả năng phẫu thuật triệt căn tuyến vú.
  • Hoá chất bổ trợ sau phẫu thuật: Bệnh nhân sẽ bắt đầu được điều trị hoá chất trong khoảng thời gian từ 4 - 8 tuần sau phẫu thuật. Hoá chất giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại về mặt vi thể sau cuộc mổ.
  • Hoá chất sử dụng cho giai đoạn di căn: Sử dụng hóa chất giúp dừng sự phát triển của các tế bào ung thư bằng cách tiêu diệt tế bào u hoặc làm cho các tế bào không phân chia được, từ đó cải thiện triệu chứng, thời gian sống thêm bệnh không tiến triển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

4. Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp điều trị sử dụng các thuốc hoặc các chất xác định và tấn công các tế bào đặc hiệu. Các thuốc điều trị đích thường gây ra ít tác dụng không mong muốn hơn so với điều trị hoá chất và xạ trị.

5. Điều trị miễn dịch

Sự ra đời của liệu pháp miễn dịch đã mở ra một hướng đi mới trong điều trị bệnh ung thư. Các thuốc miễn dịch đã được nghiên cứu và đưa vào phác đồ điều trị của nhiều bệnh ung thư trong đó có ung thư vú.

Phương pháp này sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể, khôi phục và thúc đẩy hệ thống miễn dịch để chống lại khối u. 

Cho đến nay, vẫn cho có phương pháp nào có thể điều trị tận gốc các tế bào ung thư nếu người bệnh đã chuyển biến sang những giai đoạn nặng hơn. Người bệnh cần tích cực điều trị, theo dõi sức khỏe thường xuyên và tái khám định kỳ để có thể đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare