3 bước cần nhớ khi đi khám ở Bệnh viện Da liễu Hà Nội
Để quá trình đi khám được hiệu quả, tiết kiệm thời gian và tiền bạc, bệnh nhân và người nhà cần chuẩn bị và tìm hiểu kỹ lưỡng cả trước, trong và sau khi đi khám. Trước khi đi khám cần tìm hiểu thông tin gì, khi đi khám thì thế nào, sau khi khám thì lưu ý gì.
Nếu bạn đang có kế hoạch đi khám chữa tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội (cơ sở 1) thì có thể tham khảo nội dung bài viết dưới đây và lưu lại để hỗ trợ việc thăm khám được dễ dàng và hiệu quả hơn.
Bước thứ nhất: Trước khi đi khám
Dưới đây là 5 điều người bệnh cần tìm hiểu trước khi đi khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội.
1. Giờ làm việc
Thời gian làm việc tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội khá linh động, kéo dài đến tận 17h30 mỗi ngày và nhận khám chữa bệnh cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ. Cụ thể như sau:
- Thứ 2 đến thứ 6: Từ 6h30 - 11h30 và Từ 13h30 - 17h30
- Thứ 7, chủ nhật, ngày lễ (không khám BHYT): Từ 7h30 - 11h30 và Từ 13h30 - 17h30
2. Đường đi đến Bệnh viện Da liễu Hà Nội
Bệnh viện Da liễu Hà Nội (cơ sở 1) nằm ở số 79B Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, Hà Nội. Khu vực này gần giáp Phố cổ nên đường đi có thể sẽ khó khăn đối với những ai chưa từng đi qua. Do vậy, bạn nên tìm hiểu địa điểm, đường đi thật kỹ trước khi đi khám.
Khi đến Phố Nguyễn Thái Học, bạn có thể rẽ phải vào Ngõ Yên Thế hoặc rẽ phải vào đường Lê Duẩn để đi ra Nguyễn Khuyến. Đường Nguyễn Khuyến là đường một chiều, do vậy người bệnh nên tìm hiểu đường đi trước khi đến.
3. Bệnh viện gần bến xe nào
Bệnh viện Da liễu Hà Nội nằm ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa. Bệnh viện không nằm gần bến xe nào, cách các bến xe khoảng 7km. Cụ thể như sau:
- Từ Bến xe Lương Yên: 4km
- Từ Bến xe Giáp Bát: 7km
- Từ Bến xe Nước Ngầm: 10km
- Từ Bến xe Mỹ Đình: 10 km
4. Khám tại Khoa nào
Hiện nay, đi khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội người bệnh có thể lựa chọn Khám thông thường và Khám theo yêu cầu.
- Khám thông thường sẽ mất nhiều thời gian hơn vì lượng bệnh nhân đông, phải chờ đến lượt. Nhưng đổi lại, người bệnh sẽ được hưởng chế độ BHYT nếu đúng tuyến.
- Khám theo yêu cầu chi phí sẽ cao hơn, nhưng bù lại người bệnh không mất nhiều thời gian chờ khám, phòng khám rộng rãi, khang trang và được chọn bác sĩ thăm khám cho mình.
5. Chuẩn bị gì trước khi đi khám
- Không nên dùng hóa chất mạnh hoặc chà xát lên vùng da tổn thương
- Không nên đi làm móng trước khi đi khám da liễu. Các bác sĩ da liễu sẽ khám toàn bộ cơ thể bạn, bao gồm cả móng, do vậy, bạn không nên sơn móng thay hoặc móng chân.
- Trước khi đi khám da liễu, bạn cũng không nên trang điểm và vẽ mắt để các bác sĩ có thể nhìn thấy được những bất thường trên mặt của bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng kem chống nắng hoặc kem dưỡng ẩm da trước khi đi khám da liễu.
Bước thứ 2: Trong khi đi khám
1. Đối với bệnh nhân khám theo yêu cầu
Bước 1: Điền phiếu đăng ký khám theo yêu cầu tại bàn hướng dẫn của khu vực đón tiếp khám theo yêu cầu tại tầng 1 nhà A và nộp phí khám. (Ưu tiên trường hợp cấp cứu, người tàn tật, trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 70 tuổi).
Bước 2: Người bệnh di chuyển đến tầng 2 nhà A và đến phòng khám đã được ghi trên phiếu khám bệnh (từ 201 đến 210).
Bước 3: Chờ khám theo số thứ tự và vào khám khi số và tên được thông báo trên vạch đỏ bảng điện tử.
Bước 4:
- Sau khi khám xong nếu bác sĩ kê đơn không có chỉ định khác, người bệnh di chuyển đến nhà thuốc bệnh viện mua thuốc.
- Nếu người bệnh được bác sĩ chỉ định xét nghiệm, siêu âm, làm các thủ thuật… điều dưỡng sẽ hướng dẫn đưa người bệnh nộp phí tại tầng 3 nhà A, nhận phiếu chỉ định xét nghiệm hoặc/và siêu âm hoặc/và làm thủ thuật.
- Tùy theo tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm, làm thủ thuật, chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, phân tích da),… hoặc kê đơn điều trị mà không cần chỉ định xét nghiệm lâm sàng.
Bước 5: Đến Khoa được Bác sĩ chỉ định, nộp phiếu chỉ định và thực hiện các xét nghiệm hoặc/và siêu âm hoặc/và làm thủ thuật.
Bước 6:
- Nếu người bệnh được chỉ định thực hiện xét nghiệm hoặc/và siêu âm thì chờ nhận kết quả, sau đó quay về bác sĩ khám ban đầu, nộp kết quả và chờ đến lượt để bác sĩ đọc kết quả.
- Cuối cùng người bệnh nhận chỉ định điều trị, đơn thuốc từ bác sĩ và đến nhà thuốc bệnh viện mua thuốc tại tầng 1 nhà A.
- Nếu người bệnh được chỉ định thực hiện thủ thuật thì nhận đơn thuốc từ bác sĩ làm thủ thuật và đến nhà thuốc bệnh viện mua thuốc tại tầng 1 nhà A.
2. Đối với bệnh nhân khám chữa bệnh có BHYT
Bước 1:
- Đến quầy đăng ký khám BHYT tại tầng 2 nhà B
- Xếp sổ Y bạ để làm thủ tục khám bệnh. Sổ Y bạ cần được điền đầy đủ thông tin cá nhân
- Xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh, hồ sơ chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám
- Nhận phiếu khám bệnh và số thứ tự tại buồng tiếp đón
- Đối với những trường hợp vượt tuyến, trái tuyến thì người bệnh tạm ứng tiền khám bệnh, chữa bệnh
- Ưu tiên trường hợp cấp cứu, người tàn tật, trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 70 tuổi
Bước 2: Người bệnh di chuyển đến tầng 2 nhà B và đến phòng khám đã được ghi trên phiếu khám bệnh.
Bước 3: Chờ khám theo số thứ tự và vào khám khi số và tên được thông báo trên vạch đỏ bảng điện tử.
Bước 4:
- Sau khi khám xong nếu bác sĩ kê đơn không có chỉ định khác, người bệnh di chuyển đến nhà thuốc bệnh viện mua thuốc.
- Nếu bệnh nhân cần xét nghiệm, siêu âm, làm các thủ thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân đến tầng 2 làm thủ tục tại quầy đăng kí khám BHYT, nhận phiếu chỉ định xét nghiệm, siêu âm và làm thủ thuật.. nhận phiếu chỉ định xét nghiệm hoặc/và siêu âm hoặc/và làm thủ thuật.
- Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm, làm thủ thuật, chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, phân tích da),… hoặc kê đơn điều trị mà không cần chỉ định xét nghiệm lâm sàng.
Bước 5: Giống Bước 5 ở Mục: “Khám chữa bệnh theo yêu cầu”
Bước 6: Giống Bước 6 ở Mục: “Khám chữa bệnh theo yêu cầu”
Nhưng:
- Sau khi nhận chỉ định điều trị, đơn thuốc, người bệnh về nơi làm thủ tục đồng chi trả bảo hiểm y tế
- Người bệnh nộp Phiếu thanh toán (mẫu 01/BV) rồi xếp hàng chờ đến lượt thanh toán
- Nộp tiền cùng chi trả, nhận lại thẻ BHYT
- Nộp đơn thuốc tại quầy phát thuốc và nhận thuốc.
3. Lưu ý
Vị trí các Khoa như sau:
- Khoa Xét nghiệm: tầng 3 nhà A
- Khoa Làm thủ thuât, phẫu thuật: tầng 4 nhà A
- Khoa Chuẩn đoán hình ảnh: tầng 5 nhà A
Bước thứ 3: Sau khi đi khám
- Người bệnh sau khi đi khám, được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị cần theo phương án điều trị của bác sĩ, kiên trì vì thuốc không thể có tác dụng trong ngày một ngày hai.
- Thông thường, trong các đơn thuốc sẽ có số điện thoại, thông tin liên hệ của bác sĩ. Trong quá trình điều trị nếu có vấn đề gì người bệnh có thể liên hệ để được bác sĩ giải đáp kịp thời.
- Không tự ý tìm hiểu và áp dụng các bài thuốc dân gian, đắp thuốc, đắp lá khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Hy vọng với những thông tin trên đây, có thể phần nào hỗ trợ quá trình đi khám của người bệnh được hiệu quả hơn.