3 Cấp độ sa sinh dục (sa tử cung) và cách điều trị dứt điểm

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 01/08/2017 - Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Sa sinh dục là hiện tượng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ. Khi bị sa tử cung, người bệnh cần đi khám với bác sĩ Sản phụ khoa để được hướng dẫn điều trị sớm. 

Phụ nữ làm việc nặng là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh sa sinh dục
Phụ nữ làm việc nặng là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh sa sinh dục - Ảnh: pixabay

Sa sinh dục (còn gọi là sa tử cung) là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt trong lứa tuổi từ 40 – 50. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt. 

Bệnh thường gặp ở những người chửa đẻ nhiều, đẻ quá sớm, quá dày và những lần đẻ trước không được đỡ đẻ an toàn, đúng kỹ thuật. Khi bị sa tử cung, người bệnh cần đi khám với bác sĩ Sản phụ khoa để được hướng dẫn điều trị sớm. 

Sa sinh dục là gì?

Sa sinh dục xảy ra khi cơ sàn chậu và dây chằng căng ra và suy yếu, hỗ trợ không đầy đủ cho tử cung. Tử cung tụt xuống vào trong ống âm đạo. 

Sa tử cung có thể gây tình trạng tử cung sa xuống, thập thò vùng âm đạo, tử cung lộ ra ngoài âm đạo, thân nằm trong âm đạo và mức độ nặng nhất là toàn bộ tử cung sa hẳn ra ngoài âm đạo.

Sa sinh dục (sa tử cung) thường xuất hiện ở phụ nữ sinh đẻ nhiều
Sa sinh dục (sa tử cung) thường xuất hiện ở phụ nữ sinh đẻ nhiều - VnExpress

Sa sinh dục được chia thành 3 cấp độ 

Sa sinh dục có 3 mức độ khác nhau:

  • Sa sinh dục độ 1
    • Sa thành trước âm đạo, kèm theo sa bàng quang
    • Sa thành sau, nếu sa nhiều kéo theo sa cả trực tràng
    • Cổ tử cung sa thấp trong âm đạo nhưng chưa tới âm hộ (cách âm hộ 3 - 4 cm)
  • Sa sinh dục độ 2
    • Sa thành trước âm đạo và bàng quang
    • Sa thành sau âm đạo, có thể kèm sa trực tràng
    • Cổ tử cung sa thập thò âm hộ, có khi sa xuống nhưng tự co lên được
  • Sa sinh dục độ 3
    • Sa thành trước âm đạo và bàng quang 
    • Sa thành sau âm đạo, có thể kèm theo sa trực tràng
    • Tử cung, cổ tử cung sa thấp, cổ tử cung sa hẳn ra ngoài âm hộ

Nếu sa sinh dục không được xử trí thì ngày càng sa nhiều hơn, mức độ sa nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào tuổi tác và mức độ lao động nặng hay nhẹ. Cần khám Sản phụ khoa để điều trị sớm, trước khi bệnh tiến triển thành cấp độ khác. 

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết sa sinh dục  

Các triệu chứng tuỳ thuộc mức độ sa nhiều hay ít, thời gian sa mới hay đã lâu, sa đơn thuần hay còn có tổn thương phối hợp, gồm có:

  • Có khối sa lồi ở vùng âm hộ, tầng sinh môn
  • Ban đầu kích thước khối sa nhỏ, xuất hiện khi lao động hoặc đi lại nhiều, nằm nghỉ thì khối sa tụt hoặc tự đẩy lên được. Càng về sau khối sa càng to, sa thường xuyên, không đẩy lên được nữa.
  • Tức nặng bụng dưới, cảm giác vướng víu khó chịu vùng âm hộ – tầng sinh môn.
  • Rối loạn tiểu tiện (do sa bàng quang và niệu đạo): Tiểu khó, tiểu buốt, són, tiểu ra máu...
  • Rối loạn đại tiện (do sa trực tràng): Đại tiện khó, táo bón, người bệnh hay có cảm giác mót rặn, tức nặng vùng hậu môn. Các triệu chứng này ít gặp hơn so với rối loạn tiểu tiện.
  • Chảy máu, dịch từ cổ tử cung do cổ tử cung bị viêm nhiễm, cọ sát.
  • Sa sinh dục ở người trẻ có thể vẫn có thai nhưng dễ bị sảy thai hoặc đẻ non...

Cách điều trị sa sinh dục 

  • Ở giai đoạn sớm khi các cơ quan vùng chậu bị sa ít, phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn bằng các bài tập vật lý trị liệu vùng chậu.
  • Giai đoạn muộn, bệnh nhân cần phẫu thuật để củng cố và tăng sức kéo của hệ thống dây chằng vùng chậu.

Hiện nay, có 2 lựa chọn là mổ qua ngả âm đạo hoặc nội soi ổ bụng. Phẫu thuật viên sẽ dùng các mảnh vật liệu sinh học để thay thế các dây chằng đã bị lão hóa.

Khi bị sa sinh dục biện pháp hiệu quả nhất là phẫu thuật để cố định lại các bộ phận trong khoang bụng. Tuỳ độ sa mà sau khi thăm khám bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp ngoại khoa (thường khi sa mức độ 3).

Phẫu thuật sa sinh dục bằng phương pháp cố định tử cung
Phẫu thuật sa sinh dục bằng phương pháp cố định tử cung - Ảnh: VTV

Lời khuyên của bác sĩ 

Trên trang Sức khỏe & đời sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế),bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa đưa ra những lời khuyên giúp phòng tránh bệnh sa sinh dục. 

  • Để phòng bệnh hiệu quả, phụ nữ nên sinh nở ít, chỉ nên có từ 1 - 2 con. Nên sinh đẻ trong độ tuổi 22 - 29. Về mặt sinh lý, đây là thời kỳ sung mãn, các bộ phận trong cơ thể chưa bị thoái hóa, dễ phục hồi.
  • Đặc biệt sau khi sinh nở, cần được nghỉ ngơi đủ thời gian cho các cơ và dây chằng vùng đáy chậu co trở lại. Không lao động sớm trước 3 tháng.
  • Nếu công việc mưu sinh là loại nặng nhọc vất vả thì chỉ nên làm việc trở lại sau khi sinh nở được 6 tháng.
  • Chị em cũng cần tránh lao động quá nặng nhọc liên tục.
  • Phải thay đổi tư thế để nghỉ ngơi, thư giãn khi làm việc ở tư thế đứng và đi lại quá nhiều
  • Tránh bị táo bón lâu ngày
  • Không để ho mạn tính kéo dài
  • Tránh không để cuộc chuyển dạ kéo dài quá lâu...

Khám và điều trị sa sinh dục ở đâu tốt?

Người bệnh sa sinh dục cần được khám và điều trị bởi bác sĩ Sản phụ khoa từ tuyến huyện trở lên. Hoặc thăm khám tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP.HCM. 

1. Tư vấn sa sinh dục từ xa với bác sĩ chuyên khoa (online)

Nếu người bệnh chưa sắp xếp được thời gian đi khám, có thể tư vấn online với bác sĩ Sản phụ khoa

Hiện tại, có thể đăng ký tư vấn khám chữa bệnh từ xa rất đơn giản trên Nền tảng đặt lịch khám BookingCare. Qua trao đổi, bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá và chẩn đoán ban đầu và có thể kê đơn thuốc nếu cần. 

Ngoài ra, những bệnh nhân chưa cần điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà, vệ sinh bộ phận sinh dục cho phù hợp. Người bệnh cần tải ứng dụng BookingCare về máy điện thoại. Chọn "bác sĩ Sản phụ khoa từ xa" và điền thông tin người khám. 

2. Khám sa sinh dục tại Hà Nội 

Một số địa chỉ bệnh viện, phòng khám Sản phụ khoa uy tín tại Hà Nội dưới đây người bệnh có thể tham khảo: 

  • Bệnh viện Phụ sản Trung ương
    • Địa chỉ: Số 43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
    • Địa chỉ: Số 929 La Thành, Ba Đình, Hà Nội
  • Khoa Phụ sản - Bệnh viện Bạch Mai
    • Địa chỉ: Số 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
  • Khoa Sản – Bệnh viện Việt Pháp
    • Địa chỉ: Số 1 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
  • Chuyên khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
    • Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội. 

3. Khám sa sinh dục tại TP.HCM 

Một số địa chỉ khám Sản phụ khoa tại TP.HCM người bệnh có thể tham khảo: 

  • Bệnh viện Từ Dũ
    • ĐỊa chỉ: Số 284 Cống Quỳnh, Quận 1, TP.HCM
  • Bệnh viện Trưng Vương 
    • Địa chỉ: Số 266 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP.HCM
  • Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM 
    • CS1: Số 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM
    • CS2: Số 201 Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5,TP.HCM
    • CS3: Số 221B Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Phú nhuận ,TP.HCM
  • Phòng khám BV Đại học Y Dược 1
    • Địa chỉ: Số 20 - 22 Dương Quang Trung, Phường 12, Quận 10, TP. HCM

Sa sinh dục là bệnh mang đến nhiều nỗi băn khoăn cho các chị em phụ nữ, đặc biệt là những bà mẹ sau sinh. Nếu không phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị đúng, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. 

 
 
Tài liệu tham khảo
1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa. Ban hành kèm theo Quyết định số 315/QĐ-BYT 2.http://benhvienphusantrunguong.org.vn/stores/customer_file/bvpstwadministrator/062017/12/Reco_Prolapsus__Ting_Vit.pdf
3. https://www.dieutri.vn/bgsanphukhoa/bai-giang-sa-sinh-duc
4. https://bvnguyentriphuong.com.vn/cac-chuyen-khoa/khoi-ngoai/san-phu-khoa/sa-sinh-duc-sa-tu-cung.html
5. http://benhvien108.vn/mot-so-dieu-can-biet-ve-sa-sinh-duc-o-phu-nu.htm
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/