Porter đồng hành cùng đoàn leo núi
Hình ảnh porter đồng hành cùng đoàn leo núi đoạn qua "sống lưng khủng long"

Bài 4: Những người đồng hành trong hành trình leo đỉnh Tà Xùa

Xuất bản: 20/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 31/10/2023
Để chinh phục các cung leo núi mạo hiểm bạn luôn cần những người bạn đồng hành không thể thiếu. Họ là porter dẫn đoàn, nhà xe chở khách, chủ nhà nghỉ hay bất kỳ ai hỗ trợ bạn trong suốt hành trình.

Porter, người dẫn đường

Một tuần sau khi leo núi về, chúng tôi có một buổi chia sẻ với tất cả các thành viên của công ty, những người đã không thể tham gia hành trình leo núi.

Khi được hỏi “ai là người bạn ấn tượng nhất hành trình”? Một số thành viên đoàn leo núi đã nhắc ngay đến Vàng A Chìa, một trong những porter dẫn đường của chúng tôi. 

Khi leo núi, có một lần tôi hỏi tên A Chìa nghĩa là gì? A Chìa giải thích rằng theo tiếng người H'mông thì nó có nghĩa là “việc gì cũng làm được”. Ý nghĩa cái tên cũng giống như con người A Chìa vậy, anh ta rất đa năng, việc gì cũng tháo vát, nhanh nhẹn và luôn có mặt hỗ trợ mọi người trong suốt hành trình.

Cùng với A Chìa, đoàn chúng tôi 10 người được hỗ trợ dẫn đường bởi 4 porter, 2 nam 2 nữ. Họ đều là người dân bản địa ở bản Tà Xùa thông thạo núi rừng và quen thuộc với cung đường leo núi này. Họ là những người dẫn đường tin cậy cho những người leo núi và chuẩn bị hậu cần cho đoàn trong suốt hành trình. 

Một điều nữa về A Chìa mà theo nhận xét của các thành viên trong đoàn là anh ta chân thật giống như những người dân tộc mà chúng ta vẫn xem qua phim ảnh. Trong suốt quá trình trao đổi về lịch trình leo núi, chúng tôi nhờ A Chìa chuẩn bị cho đoàn chúng tôi từ đồ ăn, nước uống, người dẫn cùng, nhà nghỉ và liên hệ xe cho đoàn.

Tất cả những việc đó A Chìa nhận giúp mà không cần bất kỳ giấy tờ hay chuyển khoản đặt cọc nào. Vốn là quen làm việc với những hợp đồng, thỏa thuận cam kết rõ ràng, chúng tôi cứ thắc mắc sao A Chìa có thể đặt niềm tin vào những con người xa lạ như vậy. 

Porter Vàng A Chìa
Porter Vàng A Chìa sung sướng cười khi dẫn đoàn lên đến đỉnh Tà Xùa - Ảnh: An Chương

Rõ ràng, văn hóa của cộng đồng leo núi ưu thích mạo hiểm họ có những khác biệt với giới kinh doanh, buôn bán ở miền xuôi. 

Nhà xe, lái xe

A Chìa là người giới thiệu cho chúng tôi nhà xe chuyên chở đoàn khách tuyến Tram Tấu leo cung Tà Xùa và Tả Chì Nhù. Theo chủ xe Cường thì tuần nào họ cũng chở khách đi cung đường này nên lái xe thông thuộc đường đi ở cung đường Hà Nội - Trạm Tấu.

Trên 250 km từ Hà Nội đi qua cung đường quanh co nhỏ hẹp đặc trưng của vùng cao Tây Bắc. Với những người ít đi hoặc say xe thì cung đường này thực sự là một thử thách lớn. Tuy nhiên, nó cũng là một phần của hành trình leo núi mà bạn cần chuẩn bị tinh thần để vượt qua.

Theo A Chìa, chủ xe Cường vốn là một tín đồ leo núi. Anh ta phát triển công việc kinh doanh của mình bằng việc xây dựng đội xe phục vụ cộng đồng leo núi ở những cung đường Cường có trải nghiệm hiểu biết. Chúng tôi gọi Cường thuê xe theo lộ trình hai bên thống nhất. 

Cùng giống như A Chìa, Cường xe nhận lịch hẹn xe nhưng không yêu cầu đặt cọc tiền thuê xe như các bên khác, dịch vụ khác mà chúng ta thường gặp.

Thậm chí sau khi kết thúc hành trình 3 đêm, 2 ngày về đến Hà Nội thì lái xe vẫn chưa nhận tiền mà nói chúng tôi thanh toán sau cho chủ xe là Cường. Sáng hôm sau, chủ xe Cường nhắn tin hỏi chúng tôi có hài lòng về hành trình không, có gì góp ý về dịch vụ không.

Điều này chúng tôi ít thấy khi thuê xe hay dịch vụ của bên khác. Đây cũng là một trải nghiệm.

Chủ homestay

Trước khi lên Trạm Tấu, chúng tôi nhờ A Chìa gợi ý nhà nghỉ hoặc homestay dừng chân ở Trạm Tấu hôm trước ngày leo núi. Chúng tôi cũng tự tìm hiểu thông tin một số nhà nghỉ hoặc homestay ở đây.

Trước hôm xuất phát vài ngày, khi gọi nhờ thì A Chìa giới thiệu về homestay ở Bản Tà Xùa, ngay cửa rừng ở điểm khởi hành lên núi rất thuận tiện.  

Nói thêm một ít về homestay này, đây là một cái homestay nhỏ, vừa mới xây dựng và mới bắt đầu nhận khách vào nghỉ từ đầu Tháng 10 năm 2023. Vợ chồng Vàng A Cu chủ nhà cũng là dân chuyên dẫn khách leo Tà Xùa và Tả Chì Nhù, hai đỉnh núi nổi tiếng thu hút giới trekking cùng xuất phát ở Trạm Tấu - Yên Bái theo hai cung đường khác nhau.

Đoàn lên đây từ chập tối hôm trước (Thứ 6, ngày 13). Khi vừa lên đến nơi thì thấy vợ chồng A Cu chủ nhà đã chuẩn bị xong bữa tối và chỗ ngủ chu đáo cho đoàn. Bữa tối vừa đủ, ngon, có thêm rượu bản, mọi người cùng giao lưu một vài chén với A Cu chủ nhà rồi đi ngủ sớm để lấy sức sáng mai, hành trình chinh phục đỉnh sẽ bắt đầu.

Cậu bé 8 tuổi khác đoàn

Leo đỉnh Tà Xùa với hành trình 12 km mỗi chiều, tổng cộng 24km hành trình lên và xuống núi trong 2 ngày 1 đêm. Trong đó có đoạn vượt qua "sống lưng khủng long" đầy mạo hiểm và thách thức. 

Vậy mà trong số những người leo đỉnh Tà Xùa hôm đó có một cậu bé chỉ mới 8 tuổi. Một porter dẫn đường luôn đi cùng với cậu bé trong suốt hành trình. Cậu có bước đi nhanh, khỏe mạnh và không thấy có dấu hiệu gì của sự mệt mỏi hay sợ hãi khi vượt qua đoạn sống lưng khủng long. 

Nhìn cậu bé 8 tuổi leo núi cùng hành trình với đoàn, chúng tôi ai nấy đều ngưỡng mộ. Dù mệt hay đau chân mỏi gối, từng thành viên trong đoàn như được truyền động lực từ cậu bé và xem cậu như một tấm gương trong suốt chặng đường.

Hỏi ra mới biết, cậu đi cùng đoàn với mẹ nhưng bà mẹ thường đi phía sau còn cậu thì băng nhanh đi trước. Có ý kiến cho rằng, mẹ cậu là một tín đồ leo núi, mong muốn cậu bé có trải nghiệm thử thách từ sớm để được rèn luyện ý chí, nghị lực để trưởng thành.

Sóng điện thoại, 4G, điện và nước

Ngày thường, điện thoại di động sẽ luôn là vật bất ly thân, là bạn đồng hành của tất cả chúng ta trên mọi cung đường, mọi việc. Điện và nước thì cũng như không khí thở khó mà thiếu được hàng ngày. 

Có thể nói điện thoại, 4G, điện và nước là những người bạn đồng hành thân thiết bất di bất dịch đối với mỗi chúng ta. Vậy mà, ngay sau khi bước chân vào cửa rừng ở bản Tà Xùa, bắt đầu lộ trình leo lên đỉnh núi chúng ta bắt đầu phải từng bước chia tay những người bạn này. 

Nước uống thì cần được mang theo balo trong suốt cung đường để mỗi lúc mệt, khát bạn lại uống một ngụm. Porter vẫn mang theo nước cho đoàn nhưng mỗi thành viên cũng nên mang theo 1-2 chai nước để chủ động khi cần.

Trên đường đi thì không cần đến điện, nhưng lên đến Lán 2 buổi chiều và tối bạn mới nhận ra cần đến điện thắp sáng, nấu nước ấm và xạc pin điện thoại đến mức nào. Thật may, Lán nghỉ 2 nơi đoàn nghỉ đêm vừa mới có máy phát điện, nơi mà chỉ một vài tuần trước đó chưa hề có. 

Sóng điện thoại thì chập chờn khi vừa chạm đến bìa rừng. Càng tiến sâu vào đường lên núi thì sóng điện thoại hoàn toàn mất hẳn. Sóng 4G cũng cập chờn y vậy và mất hẳn 4G chỉ chứng sau 30 phút hành trình. 

Chúng ta sẽ trải qua giai đoạn gần 2 ngày 1 đêm trong hành trình leo lên và xuống núi mà không có kết nối với thế giới Internet bên ngoài qua mạng 4G. 

Trong suốt hành trình leo núi bên cạnh các thành viên trong đoàn luôn sát cánh bên nhau thì các bạn luôn cần những người đồng hành khác. Cùng nhau họ tạo thành một mạng lưới, một hệ sinh thái những người leo núi cùng chinh phục những cung đường đầy thử thách và đam mê.

Ghi chú:

  1. Những người trong bài viết được sử dụng tên thật. 
  2. Chúng tôi không đại diện cho những người được đề cập trong bài và không có lợi ích liên quan.
  3. Nội dung bài viết chia sẻ trải nghiệm, không nhằm mục đích quảng cáo.