Bệnh cúm ở trẻ em: những điều cha mẹ cần biết
Cúm A ở trẻ: Triệu chứng, sự lây nhiễm và cách điều trị
Cúm A ở trẻ: Triệu chứng, sự lây nhiễm và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Bệnh cúm ở trẻ em: những điều cha mẹ cần biết

Xuất bản: 05/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 05/12/2023
Cúm  gây ra triệu chứng ở trẻ em tương tự người lớn. Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh nhận biết nguyên nhân của bệnh, các triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và một số biện pháp điều trị cơ bản đối với cúm.

Cúm là bệnh gây ra do virus, dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp với tổn thương chủ yếu ở phổi. Vào thời điểm mùa đông, virus này lây lan thường xuyên hơn và nhanh chóng hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Vậy trẻ mắc bệnh cúm sẽ biểu hiện những triệu chứng gì?

Cúm thường phổ biến vào đầu mùa lạnh, chủ yếu xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Các triệu chứng của bệnh cúm thường kéo dài từ 5-7 ngày, tuy nhiên cũng có trường hợp kéo dài đến 2 tuần. 

Các triệu chứng cúm ở trẻ em hầu hết giống như ở người lớn. Những triệu chứng này bao gồm:

  • Sốt
  • Chóng mặt
  • Chán ăn
  • Đau cơ hoặc nhức mỏi toàn thân
  • Mệt mỏi
  • Ho
  • Cảm giác ớn lạnh
  • Đau đầu
  • Đau họng
  • Sổ mũi
  • Ngạt mũi
  • Đau tai ở một hoặc cả hai tai
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

Ở trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ chưa biết nói, ngoài những triệu chứng nêu trên, phụ huynh có thể nhận thấy trẻ quấy khóc nhiều hơn bình thường.

Bệnh cúm lây nhiễm như thế nào?

Cúm là do các chủng virus cúm khác nhau gây ra. Ngoài con người, virus cúm  còn xuất hiện ở động vật như chim và lợn.

Cúm thường lây truyền khi tiếp xúc phải dịch tiết của người nhiễm virus trong không khí hoặc trên các bề mặt khi họ ho, hắt hơi. Khi trẻ chạm vào các bề mặt này và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của mình sẽ có nguy cơ nhiễm virus cúm.

Virus cúm rất dễ lây lan và khả năng lây nhiễm thường cao nhất trong vòng ba đến bốn ngày đầu  sau khi biểu hiện triệu chứng.

Virus cúm biến đổi thường xuyên, các phân nhóm mới của cúm có thể xuất hiện thông qua đột biến và truyền từ động vật sang người. Điều này khiến cúm có thể bùng phát thành đại dịch. 

Chẩn đoán cúm A

Thông thường, bệnh cúm ở trẻ em được chẩn đoán thông qua khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng cùng các yếu tố dịch tễ để xác định được bệnh.

Bên cạnh đó, một số loại xét nghiệm giúp xác định loại cúm mà trẻ mắc phải bao gồm:

  • Xét nghiệm Real time RT-PCR: Xét nghiệm xác định virus cúm có độ đặc hiệu cao (95%), độ nhạy cao (99%) và đặc trưng nhất giúp phát hiện và phân biệt nhanh giữa các loại virus cúm. Có thể mất đến vài giờ để có kết quả. Xét nghiệm RT-PCR là xét nghiệm tiêu chuẩn cho kết quả chính xác. Nhất là các trường hợp bệnh phức tạp hoặc hệ miễn dịch cơ thể người bệnh đang suy yếu, cần sớm thực hiện xét nghiệm này để phân biệt chủng cúm gây bệnh.
  • Xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh (RIDTs): Cho kết quả trong khoảng 10-15 phút, chi phí thấp nhưng độ chính xác không cao. Vì có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp nên cần kết hợp với phương pháp khác khi kết quả âm tính để tăng khả năng chẩn đoán bệnh.
  • Miễn dịch huỳnh quang: Xét nghiệm này có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp hơn, nhưng cho kết quả trong vài giờ sau khi nhận mẫu. Hiệu suất của xét nghiệm này phụ thuộc vào chuyên môn của kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và chất lượng của mẫu bệnh phẩm thu thập được.

Việc xét nghiệm loại cúm ít ảnh hưởng đến điều trị, chủ yếu có giá trị trong kiểm soát dịch cộng đồng. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus cúm, phụ huynh nên thực hiện các biện pháp phù hợp để tránh lây bệnh cho người nhà và cho những trẻ khác.

Điều trị cúm ở trẻ em ra sao?

Bệnh cúm đa phần nhẹ và tự giới hạn nên việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Một số biện pháp giúp giảm triệu chứng cúm ở trẻ:

  • Dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ có triệu chứng sốt trên 38.5 độ C. Lưu ý về liều lượng thuốc hạ sốt khi dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Siro hoặc thuốc ho thảo dược nếu có triệu chứng ho
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn
  • Bù nước và điện giải. Nếu trẻ còn bú sữa mẹ, nên cho trẻ bú nhiều hơn bình thường.

Lưu ý không dùng aspirin bởi thuốc này có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ.

Các triệu chứng cúm thường sẽ giảm dần sau vài ngày. Phụ huynh không nên tự ý dùng các loại thuốc điều trị như kháng virus cho trẻ mà không hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Nếu nhận thấy các triệu chứng không được cải thiện và có xu hướng nặng hơn trong vòng 1-2 ngày, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Cúm có thể gây ra biến chứng ở trẻ em không?

Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt dưới 2 tuổi là nhóm trẻ được xem có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ và quan sát các triệu chứng của trẻ để kịp thời phát hiện các biến chứng.

Ngoài ra, với nhóm trẻ em có các bệnh nền như hen suyễn, tiểu đường, tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn, bất thường não hoặc suy giảm miễn dịch sẽ có nguy cơ mắc phải biến chứng cao hơn.

Một số biến chứng trẻ có thể gặp phải khi mắc cúm:

  • Viêm phổi
  • Viêm phế quản
  • Cơn hen cấp
  • Làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh nền  (tim bẩm sinh, bất thường não, bệnh phổi mạn)
  • Nhiễm trùng tai
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính

Trong đó, viêm phổi là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất.

 

Cách phòng ngừa cúm cho trẻ

Cách tốt nhất đề phòng ngừa cúm cho trẻ là tiêm phòng cúm hàng năm với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. 

Vì cúm biến đổi nhanh chóng qua mỗi năm nên cha mẹ cần cho trẻ tiêm nhắc lại mũi vắc xin này hàng năm. Ngoài ra, hiệu quả của vắc xin sẽ giảm dần vào cuối mùa cúm.

Bên cạnh đó, một số biện pháp phòng ngừa khác mà phụ huynh có thể thực hiện cho trẻ cũng như hướng dẫn trẻ thực hiện bao gồm: 

  • Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi
  • Rửa tay thật kỹ và thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
  • Tránh tiếp xúc gần với những người có triệu chứng bệnh hô hấp.
  • Nếu trẻ có triệu chứng mắc cúm, có thể không cần thiết phải làm xét nghiệm chẩn đoán, nhưng nên cho trẻ nghỉ học ở nhà để tiện chăm sóc và tránh lây lan cho những trẻ khác.

Cúm thường gây ra triệu chứng nghiêm trọng ở người lớn hơn so với trẻ em. Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ huynh vẫn cần đặc biệt lưu ý theo dõi để tránh gặp phải các biến chứng và kịp thời đưa trẻ đi khám khi triệu chứng không cải thiện.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết