Bệnh tâm thần phân liệt: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 09/06/2017 - Cập nhật lần cuối: 25/12/2023

Bệnh tâm thần phân liệt có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu tập trung ở người trẻ, phần lớn trong độ tuổi 15 – 35

Tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần phân liệt có thể gặp ở mọi lứa tuổi (Nguồn ảnh Pixabay.com)

Tâm thần phân liệt được ví như câu chuyện kinh dị có thực trong đời thường, đáng sợ hơn nhiều so với bất kỳ siêu ma quái nào. Những người mắc phải căn bệnh này bị “mắc kẹt” ngay chính trong cơ thể mình hoặc sống trong trạng thái “bị khủng bố”.

Trong thời gian bệnh, bệnh nhân thường trở nên xa lánh những người khác, ít nói chuyện với người thân, trở nên trầm tư, lo âu hoặc hay sợ hãi. Tâm thần phân liệt nếu không được điều trị có thể diễn tiến trầm trọng. 

Để bạn đọc hiểu hơn về bệnh tâm thần phân liệt và có những thông tin chính xác nhất, BookingCare đã trực tiếp trao đổi cùng bác sĩ chuyên khoa Tâm thần - Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, hiện đang là Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương về những vấn đề người bệnh thường thắc mắc. 

THÔNG TIN TIẾN SĨ, BÁC SĨ TRẦN THỊ HỒNG THU

  • Bác sĩ Chuyên khoa Tâm thần
  • Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (từ 2016 - nay)
  • Nguyên Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (2012 - 2016)
  • Nguyên là bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội (1993 - 1999)
TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Tư vấn bệnh tâm thần phân liệt
TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương

Bệnh tâm thần phân liệt là gì?

Tâm thần phân liệt là một bệnh rối loạn tâm thần nặng và phổ biến, nguyên nhân chưa rõ ràng. Bệnh có tính chất tiến triển với những rối loạn đặc trưng về tư duy, tri giác, cảm xúc dẫn đến những rối loạn cơ bản về tâm lý và nhân cách theo kiểu phân liệt, nghĩa là mất dần tính hài hòa, thống nhất gây ra những chia cắt trong các mặt hoạt động tâm thần.

Bệnh tâm thần phân liệt có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu tập trung ở người trẻ, phần lớn trong độ tuổi 15 – 35. Đây là độ tuổi lao động và làm nghĩa vụ quân sự.

Theo thống kê ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 0,3 – 1,5% dân số. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ mắc sẽ cao hơn ở những nước công nghiệp. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc tâm thần phân liệt là 0,47% (số liệu năm 2002).

Triệu chứng bệnh Tâm thần phân liệt

Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt cũng có thể gặp trong nhiều bệnh tâm thần khác. Độ tuổi mắc bệnh trung bình ở nam là 20 tuổi, nữ giới (muộn hơn) là 30 tuổi. Bệnh không phổ biến ở trẻ em và hiếm khi xuất hiện ở người lớn tuổi.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần phân liệt thường được chia thành 3 loại như sau:

1. Triệu chứng dương tính

  • Hoang tưởng: Tin vào những điều không phù hợp với thực tế. Người bệnh cho rằng mình bị theo dõi hoặc bị điều khiển từ bên ngoài.
  • Ảo giác: Chủ yếu là nhìn hoặc nghe thấy những thứ không tồn tại, mặc dù ảo giác có thể ở bất kỳ loại giác quan nào. Ảo thanh là loại ảo giác thường gặp nhất trong tâm thần phân liệt.
  • Rối loạn tư duy: Khó diễn đạt suy nghĩ, hoặc đang nói chủ đề này chuyển sang chủ đề khác mà không có sự liên kết logic. Lời nói rời rạc, lung tung, khó hiểu.
  • Hành vi vô tổ chức: Biểu hiện ở nhiều mức độ, từ ngây ngô, dại dột đến kích động khó lường.

2. Triệu chứng âm tính

  • Mất quan tâm trong hoạt động hàng ngày: Người bệnh thường không quan tâm tới các vấn đề, sự kiện xuất hiện xung quanh. Ngại tham gia các hoạt động hàng ngày.
  • Xuất hiện thiếu cảm xúc: Người bệnh mặc cảm với những người xung quanh, không còn hào hứng với những thú vui trước đây. Cảm xúc trái ngược (yêu ghét thất thường),xa lánh người thân, đôi khi còn có những cảm xúc bất chợt vô cớ: khóc, cười, lo sợ, giận dữ…
  • Giảm khả năng lập kế hoạch hoặc thực hiện hoạt động: Người bệnh cảm thấy khó tập trung trong công việc, học tập. Người lao động chân tay không thể dậy sớm, không đi làm đúng giờ. Hoạt động chậm chạp, hiệu quả công việc, học tập giảm sút.
  • Thu rút khỏi xã hội: Người bệnh ngại giao tiếp với mọi người dẫn tới tình trạng mất đi khả năng giao tiếp xã hội. Tình trạng này có thể do hoang tưởng sợ có ai đó làm hại.
  • Mất động lực: Người bệnh không còn cảm thấy hứng thú, không còn động lực để làm việc, học tập hoặc không muốn tham gia vào bất cứ một hoạt động xã hội nào.

3. Triệu chứng nhận thức

Các triệu chứng nhận thức liên quan với quá trình suy nghĩ. Những triệu chứng này can thiệp vào khả năng thực hiện công việc hàng ngày. Các triệu chứng suy giảm nhận thức bao gồm:

  • Tiếp nhận thông tin kém
  • Khó tập trung chú ý
  • Giảm trí nhớ
  • Triệu chứng trầm cảm.
Bệnh Tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần phân liệt gặp chủ yếu ở người trẻ tuổi - Ảnh: crosswalk

Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt

  • Yếu tố di truyền: Trong gia đình có bố hoặc mẹ mắc tâm thần phân liệt, khoảng 10% con sinh ra có khả năng mắc bệnh.
  • Yếu tố sinh học: Các sang chấn từ bên ngoài có thể liên quan tới sự xuất hiện của bệnh tâm thần phân liệt. Những chấn thương não, tiếp xúc với virus hoặc các chất độc khi trong bụng mẹ cũng dẫn tới khả năng mắc bệnh.
  • Các mối quan hệ trong gia đình: Hiện chưa có nhiều bằng chứng nào cho thấy mối quan hệ gây bệnh trong gia đình. Tuy nhiên, một số người mắc tâm thần phân liệt nhạy cảm với bất cứ sự căng thẳng nào trong quan hệ gia đình và có thể liên quan tới khả năng tái phát bệnh.
  • Môi trường sống: Điều kiện sống không tốt, môi trường làm việc nhiều áp lực dẫn tới những tình trạng căng thẳng, stress cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ ngày nay càng có nhiều người mắc tâm thần phân liệt.

Biến chứng của tâm thần phân liệt

Về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu nhấn mạnh rằng, tâm thần phân liệt nếu không được điều trị có thể diễn tiến trầm trọng. Các biến chứng tâm thần phân liệt có thể gây ra hoặc được kết hợp với bao gồm:

  • Tự tử
  • Hành vi tự hủy hoại, như là tự gây thương tích
  • Trầm cảm
  • Lạm dụng rượu, ma túy hay thuốc theo toa
  • Đói nghèo
  • Vô gia cư
  • Gia đình xung đột
  • Không có khả năng làm việc hoặc đi học
  • Các vấn đề y tế từ các thuốc chống loạn thần
  • Là một nạn nhân hay thủ phạm của tội phạm bạo lực
  • Bệnh tim, thường liên quan đến hút thuốc lá nặng...

Xét nghiệm và chẩn đoán tâm thần phân liệt

Khi có nghi ngờ một người mắc bệnh tâm thần phân liệt, các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần thường yêu cầu thực hiện một vài kiểm tra xét nghiệm, kiểm tra tâm lý. Các kiểm tra, xét nghiệm xác định bệnh cao gồm:

  • Xét nghiệm máu, thăm dò hình ảnh: chụp MRI hay CT scan.
  • Khám lâm sàng: Đánh giá tình trạng tâm thần và sự hiện diện của rối loạn tâm thần bằng cách quan sát sự thái độ và tìm hiểu nội dung tư duy, tâm trạng, khai thác ảo tưởng, ảo giác, khả năng bạo lực hoặc tự sát.

Tiến triển của bệnh tâm thần phân liệt

"Nếu không được phát hiện sớm và điều trị hợp lý, bệnh sẽ tiến triển thành mạn tính với sự mất mát tăng dần và có giai đoạn cấp"  Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu. Có 4 dạng tiến triển sau:

  • Có duy nhất một thời kỳ bệnh và khỏi bệnh hoàn toàn. Dạng này chiếm tỷ lệ 22%
  • Có nhiều cơn tái phát và giữa các cơn có biểu hiện nhẹ nhàng hoặc không có biểu hiện rối loạn tâm thần. Dạng này chiếm tỷ lệ 35%
  • Có nhiều cơn tái phát, giữa các cơ có biểu hiện rối loạn tâm thần rõ ràng
  • Sau mỗi đợt tái phát để lại di chứng trong các hoạt động tâm thần ngày càng nhiều

Cách điều trị tâm thần phân liệt

Với những bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt, bác sĩ Hồng Thu khuyến cáo nên điều trị bệnh ngay từ giai đoạn khởi phát, bởi đây là căn bệnh mạn tính cần được điều trị cả đời ngay cả khi các triệu chứng của bệnh đã giảm bớt.

Sự phát triển của khoa học và kỹ thuật chính là điều kiện giúp người bệnh mắc tâm thần phân liệt được tiếp xúc với những phương pháp chữa bệnh hiện đại và hiệu quả nhất.

1. Điều trị bằng thuốc

Đây được xem là phương pháp thông dụng và có hiệu quả nhất trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Tùy từng trường hợp mà việc lựa chọn từng loại thuốc, liều lượng thuốc lại khác nhau nhằm phù hợp với triệu chứng lâm sàng, thể bệnh và khả năng dung nạp của mỗi cá thể.

Thông thường, các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần thường sử dụng chủ yếu là thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc bình thần và thuốc điều hòa khí sắc.

Những chú ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt.

  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm cần theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, vì trong một số loại thuốc có chứa hoạt chất gây ảo giác, hoang tưởng.
  • Các thuốc điều hòa khí sắc có tác dụng tốt trong trường hợp dự phòng các đợt tái phát nhất là các thể rối loạn cảm xúc.
  • Các thuốc chống Parkinson cũng cần được sử dụng hợp lý.

2. Điều trị bằng liệu pháp sốc điện

Phương pháp điều này hiện không được sử dụng phổ biến với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng phương pháp này. Đó là:

  • Tâm thần phân liệt ở thể căng cường lực.
  • Trạng thái kích động mạnh của tâm thần phân liệt.
  • Các bệnh nhận có hành vi tự sát.
  • Các trường hợp kháng điều trị nói chung.

3. Điều trị bằng liệu pháp tâm lý - xã hội

Theo bác sĩ Hồng Thu, cùng với thành công trong việc sử dụng thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt thì điều trị bằng liệu pháp tâm lý - xã hội cũng mang lại những hiệu quả nhất định. Theo đó, liệu pháp này có những phương pháp điều trị hỗ trợ như:

  • Can thiệp từ gia đình
  • Luyện tập kỹ năng
  • Phục hồi nhận thức

Can thiệp từ gia đình được sử dụng hiệu quả trong cả thời kỳ đầu và thời kỳ cuối. Luyện tập kỹ năng cũng đã mang lại những hiệu quả bước đầu, còn riêng phục hồi chức năng thì hiệu quả chữa bệnh chưa rõ ràng.

So với các phương pháp điều trị bệnh tâm thần phân liệt, thì liệu pháp điều trị bằng tâm lý xã hội giúp kéo dài thời gian ổn định, hạn chế những lần tái phát cũng như mức độ cấp tính và giảm liều thuốc củng cố ngoại trú với bệnh nhân tâm thần phân liệt.

Phòng ngừa bệnh tâm thần phân liệt

Không có cách nào chắc chắn để ngăn chặn tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, điều trị sớm có thể giúp được các triệu chứng dưới sự kiểm soát trước khi phát triển các biến chứng nghiêm trọng và có thể giúp cải thiện triển vọng lâu dài. Gắn bó với kế hoạch điều trị có thể giúp ngăn ngừa tái phát hoặc trầm trọng hơn các triệu chứng tâm thần phân liệt.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng việc học thêm về yếu tố nguy cơ tâm thần phân liệt có thể dẫn đến chẩn đoán sớm và điều trị trước đó.

Đối với những người có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt, chủ động thực hiện các bước như tránh sử dụng ma túy bất hợp pháp, giảm stress, ngủ đủ giấc và bắt đầu dùng thuốc chống loạn thần ngay khi cần thiết có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng hoặc ngăn không cho xấu đi.

Nội dung bài viết trên đây được tham khảo ý kiến chuyên môn của Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương.

 
 
Tài liệu tham khảo
1. htttp://www.dieutri.vn/tamthan/9-1-2012/S1935/Tam-than-phan-liet.htm
2. Học viện quân y - Bộ môn Tâm thần và tâm lý học y học - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - Xuất bản năm 2007 (Trang 113).
3. https://suckhoedoisong.vn/bi-an-the-gioi-nhung-nguoi-mac-benh-tam-than-phan-liet-n144982.html
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/