Bệnh xơ gan: Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị hiệu quả
Xơ gan là một bệnh lý gan mật nguy hiểm
Xơ gan là một bệnh lý gan mật nguy hiểm

Bệnh xơ gan: Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị hiệu quả

Người kiểm duyệt: - Xuất bản: 07/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/01/2024
Bệnh xơ gan khi ở giai đoạn đầu, thường không có triệu chứng đặc hiệu và rõ rệt. Nếu không khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, rất có thể phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn nặng, điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bệnh xơ gan là một trong các bệnh Tiêu hóa - Gan mật khá nguy hiểm. Hãy tìm hiểu và nhận biết các biểu hiện lâm sàng của bệnh xơ gan để khám chữa bệnh kịp thời, tránh hệ quả xấu có thể xảy ra. 

Bệnh xơ gan là gì?

Xơ gan là hậu quả của việc lá gan bị tấn công trong thời gian dài. Là giai đoạn sau của viêm gan mạn tính dẫn đến tế bào gan bị hư hại, chết dần và tạo ra các mô sẹo, không phục hồi được, làm gan chai cứng dần dần và không thực hiện được những chức năng bình thường của gan.

Nguyên nhân gây xơ gan

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới xơ gan, thường gặp là:

  • Do viêm gan siêu vi B, C, D
  • Do rượu
  • Do bệnh lý tự miễn dịch (hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công gan)
  • Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa...

Theo thống kê có khoảng 20% số người nhiễm viêm gan virut có khả năng biến chứng thành xơ gan; xơ gan do rượu đứng thứ 2 chỉ sau viêm gan virut; xơ gan do gan nhiễm mỡ. 

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác cũng gây nên bệnh xơ gan như: ký sinh trùng sán máng, sán lá gan, xơ gan do lách to (do sốt rét hoặc do lách to không rõ nguyên nhân)...

Nguyên nhân gây xơ gan
Một số tác nhân có thể gây xơ gan - Ảnh: BV Medlatec

Triệu chứng bệnh xơ gan

Ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng lâm sàng thường không rõ hoặc rất nhẹ với các biểu hiện điển hình như:

  • Ăn không ngon miệng, chán ăn
  • Tình trạng này kéo dài dẫn tới việc sút cân, cơ thể gầy đi nhanh chóng
  • Đau tức vùng bụng hoặc đầy bụng, buồn nôn
  • Ngứa là triệu chứng khá phổ biến, ngứa chủ yếu ở chân tay và lưng
  • Cơ thể mệt mỏi

Ở giai đoạn nặng: ở giai đoạn này chức năng gan kém hẳn và suy yếu nhanh chóng, người bệnh bắt đầu cảm thấy các triệu chứng rõ ràng hơn như:

  • Đau hạ sườn phải: những cơn đau có thể xuất hiện thành nhiều lần trong ngày và thường không kéo dài
  • Vàng da
  • Phù chân
  • Bụng to (cổ trướng).

Nếu bị nặng hơn có thể bị đi ngoài ra máu, phân đen do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, hoặc rối loạn tri giác dẫn đến hôn mê gan, suy thận, các biểu hiện nhiễm khuẩn, báng bụng hoặc ung thư gan. 

Khi có những triệu chứng như trên thì chúng ta nên đến ngay bệnh viện, phòng khám Gan uy tín để được khám và có cách điều trị sớm nhất.

Xơ gan có nguy hiểm không?

Bệnh xơ gan nếu không được theo dõi và điều trị sớm sẽ gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, bao gồm: 

  • Nôn ra máu và đi ngoài phân đen: Xơ gan giai đoạn cuối bệnh nhân sẽ bị vỡ tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch dạ dày. Thường chảy máu nặng, hay tái phát và tỷ lệ tử vong cao.
  • Hôn mê gan: Thường xảy ra sau các yếu tố thuận lợi như nôn ra máu, nhiễm khuẩn… dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
  • Nhiễm trùng: Ở giai đoạn xơ gan giai đoạn cuối bệnh nhân rất dễ nhiễm trùng như nhiễm khuẩn dịch cổ trướng, viêm phổi, nhiễm trùng hệ tiết niệu, viêm nhiễm khuẩn các vùng da và mô mềm, và các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao phổi, nấm, ký sinh trùng… làm cho tình trạng bệnh nhân nặng lên.
  • Ung thư gan: Tỷ lệ bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối dẫn đến ung thư gan khá cao.

Một vấn đề quan trọng khác khiến bệnh xơ gan trở nên nguy hiểm là giai đoạn đầu của bệnh thường không có triệu chứng đặc hiệu và rõ rệt. Nếu không khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, có thể phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn nặng. 

Điều trị bệnh xơ gan

Điều trị xơ gan chỉ đạt hiệu quả cao khi được phát hiện sớm. Nếu nghi ngờ mắc xơ gan, người bệnh cần đi khám ngay.

Nếu đang ở giai đoạn đầu, có thể yên tâm là bệnh hoàn toàn chữa trị và phục hồi được. Còn khi xơ gan đã vào giai đoạn cuối, người bệnh cần lập tức tiến hành điều trị.

Với sự tiến bộ của y học hiện đại, dù đã bước vào giai đoạn mất bù, việc điều trị cũng có thể giúp xơ gan ngưng tiến triển, duy trì chất lượng sống cho bệnh nhân đồng thời ngăn ngừa các biến chứng.

Dù ở giai đoạn xơ gan nào, nguyên tắc chung khi điều trị xơ gan vẫn là làm giảm các yếu tố tấn công và tăng cường các yếu tố bảo vệ gan. Các cách giảm yếu tố tấn công thường gặp:

  • Diệt siêu vi viêm gan B hoặc C
  • Giảm mỡ trong gan
  • Tránh sử dụng các thuốc có hại cho gan
  • Tránh tiếp xúc với hóa chất
  • Kiêng tuyệt đối rượu bia…

Riêng đối với thuốc, người bị xơ gan phải rất thận trọng, không được dùng bừa bãi, chỉ dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ đang điều trị bệnh mình.

Để hồi phục chức năng gan, dự phòng các biến chứng, bác sĩ có thể cho người xơ gan dùng những thuốc tác động đến các yếu tố bệnh sinh như: điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa, cải thiện chức năng tuần hoàn trong gan, điều trị cải thiện tình trạng viêm, điều chỉnh bất thường hệ vi khuẩn đường ruột tác động lên gan ngăn chặn rối loạn tri giác… …

Bị xơ gan nên làm gì?

Khi phát hiện mình mắc bệnh xơ gan, người bệnh không nên quá lo lắng căng thẳng mà hãy tập trung vào việc điều trị tốt để tránh gây biến chứng.

Chế độ ăn dành cho người xơ gan là những thức ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng khoảng 35 - 40 kcal/kg cân nặng của bệnh nhân trong 1 ngày, đảm bảo lượng chất đạm (protein) trong khẩu phần ăn từ 1,2-1,5g/ kg/ ngày với bệnh nhân không có bệnh não gan (hôn mê gan).

Tỷ lệ cân đối với lượng chất bột đường (carbohydrate) chiếm 50% và chất béo (lipid) chiếm 20-25%, đầy đủ chất xơ và rau quả tươi.  Nên đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau: 

  • Không tự động dùng các loại thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa
  • Có thể dùng các loại thảo dược tốt cho gan, giúp bảo vệ gan như: cây nhân trần, cà gai leo, ac-ti-xô (artichoke) nhưng với liều lượng nhất định và có sự theo dõi của bác sĩ điều trị
  • Chia nhiều bữa ăn nhỏ trên ngày 5 - 6 lần và nên có bữa phụ lúc 9 - 10 giờ tối để tránh hạ đường huyết ban đêm.
  • Không ăn mặn, hạn chế ăn thức ăn nhiều muối vì có thể bị tích muối tích nước trong cơ thể gây phù trướng bụng.
  • Nếu bụng quá to thì nên uống ít nước, dưới 1lit/ ngày
  • Ăn chế ăn các thực phẩm giàu chất đạm từ động vật, ăn nhiều thực phẩm chứa đạm từ thực vật như đậu hà lan, đậu đen, đậu đỏ
  • Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng để cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi nguy cơ gây bệnh.
  • Chích ngừa cúm và phế cầu hàng năm để giảm nguy cơ biến chứng nhiễm khuẩn hô hấp, đồng thời cũng chích ngừa các virus viêm gan chưa mắc.

Câu hỏi thường gặp về bệnh xơ gan

1. Bệnh xơ gan có lây không? 

Xơ gan có nhiều nguyên nhân, là hậu quả cuối cùng của nhiều bệnh gan mãn tính, trong các nguyên nhân đó, xơ gan do vi rút B, C là hay gặp nhất và có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Còn các bệnh lý khác như bệnh gan do rượu bia, gan nhiễm mỡ… là các bệnh không lây.

2. Bệnh xơ gan có chữa được không?

Xơ gan là quá trình tổn thương gan lan tỏa mạn tính (viêm gan, gan nhiễm mỡ…), không hồi phục, đặc trưng bởi sự xơ hóa và hoại tử tế bào gan, hình thành những nốt gan bất thường.

Và đây là tổn thương gan không hồi phục. Tuy nhiên,một số trường hợp điều trị sẽ thay đổi tùy theo nguyên nhân và giai đoạn xơ gan, ví dụ ngưng rượu bia, điều trị viêm gan B hoặc C, điều trị ức chế miễn dịch trong viêm gan tự miễn, điều trị gan nhiễm mỡ… Điều trị tốt nguyên nhân thậm chí có thể làm chậm hoặc đảo ngược quá trình xơ hóa, giảm nguy cơ diễn tiến mất bù, tăng tỷ lệ sống và giảm nguy cơ ung thư gan. .

3. Cách phòng bệnh xơ gan

Để phòng bệnh xơ gan, mỗi người cần chủ động bảo vệ gan của mình bằng các cách sau:

  • Tiêm phòng vắcxin viêm gan B cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh.
  • Có lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia.
  • Tránh ăn thức ăn sống, nên ăn chín uống chín để không bị nhiễm ký sinh trùng.
  • Sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng ngừa nhiễm hóa chất, phẩm màu độc hại gây tổn hại gan.
  • Không dùng các loại thuốc làm ảnh hưởng gan.
  • Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính cần theo dõi định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan tiến triển, nhằm hạn chế các biến chứng nặng như xơ gan và ung thư gan.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan do các nguyên nhân khác như suy tim, tắc mật…

Bệnh tiến triển như thế nào còn tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, chế độ làm việc cũng như việc phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn khác. Tư vấn với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn chăm sóc tại nhà. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết