Bỏ túi cách điều trị nhiễm Rotavirus hiện nay

Tác giả: - Xuất bản: 16/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 22/01/2024
Bỏ túi cách điều trị nhiễm Rotavirus hiện nay
Bỏ túi cách điều trị nhiễm Rotavirus hiện nay - Ảnh: BookingCare
Điều trị nhiễm Rotavirus là việc vô cùng quan trọng trong quá trình hồi phục cho bệnh nhân. Trẻ nhỏ là đối tượng thường mắc phải Rotavirus có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, vì vậy việc nhận diện sớm và điều trị đúng cách là vô cùng quan trọng.

Rotavirus là một trong những loại virus gây nên nhiễm trùng đường ruột phổ biến ở trẻ em. Bệnh có thể dẫn đến triệu chứng tiêu chảy nặng và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết này sẽ trình bày về các chiến lược và phương pháp hiện đại trong điều trị Rotavirus để giúp giảm đau và tăng cường quá trình hồi phục của trẻ.

Cách điều trị nhiễm Rotavirus hiện nay

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Phương pháp điều trị cơ bản nhất vẫn là bù dịch qua đường uống.Trong trường hợp trẻ bị nôn mửa nhiều thì có thể bù dịch qua đường truyền tĩnh mạch. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt thì cần điều trị hạ sốt. Đồng thời, cần chăm sóc trẻ tiêu chảy do Virus Rota bằng một chế độ dinh dưỡng tốt nhất.

Cách điều trị Rotavirus bằng kháng sinh là không hiệu quả, do đó hiện nay điều trị chủ yếu tập trung vào:

  • Điều trị mất nước khi có dấu hiệu mất nước.
  • Giảm thời gian, mức độ của tiêu chảy và các đợt tiêu chảy trong tương lai bằng bổ sung kẽm.
  • Dự phòng thiếu hụt dinh dưỡng
  • Phòng ngừa lây nhiễm

Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị.Dựa vào tình trạng của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp. Phác đồ điều trị cụ thể như sau.

Phác đồ A

Chỉ định: điều trị tiêu chảy tại nhà cho trẻ không mất nước, không nguy cơ thất bại đường uống và không có các biến chứng khác của tiêu chảy. Sau khi thăm khám và phát hiện bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus, nếu nhẹ thì có thể chăm sóc trẻ tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bù nước và điện giải bằng Oresol cho trẻ tại nhà - Ảnh: suckhoedoisong.vn
Bù nước và điện giải bằng Oresol cho trẻ tại nhà - Ảnh: suckhoedoisong.vn

Cách điều trị Rotavirus tại nhà, phụ huynh cần lưu ý một số điều sau:

  • Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, có thể cho trẻ uống Oresol hoặc nước lọc, nước dừa, các loại nước hoa quả ít đường, các loại nước bổ sung điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
  • Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ bú bình cần vệ sinh bình, núm vú và dụng cụ pha sữa kỹ hơn.
  • Hạn chế dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này có thể làm giảm nhu động ruột làm liệt ruột khiến phân không đào thải được ra ngoài.

Phác đồ B

Chỉ định: điều trị mất nước bằng Oresol giảm áp lực thẩm thấu, bù dịch bằng đường uống tại cơ sở y tế cho trẻ có mất nước nhưng không có nguy cơ thất bại đường uống và không có các biến chứng nặng khác.

Bù dịch bằng Oresol giảm áp lực thẩm thấu 75ml/kg uống trong 4 giờ. Sau 4 giờ: đánh giá và phân loại lại tình trạng mất nước:

  • Nếu xuất hiện dấu mất nước nặng: điều trị theo phác đồ C.
  • Nếu trẻ còn mất nước: tiếp tục bù nước bằng đường uống theo phác đồ B lần 2. Bắt đầu cho trẻ ăn, uống và tiếp tục đánh giá trẻ thường xuyên hơn.
  • Nếu không còn mất nước điều trị theo phác đồ A.

Khi điều trị bằng đường uống thất bại: do tiêu chảy nhiều, ói nhiều, uống kém.

  • Uống Oresol qua sonde dạ dày nhỏ giọt.
  • Truyền tĩnh mạch dung dịch Lactate Ringer.

Phác đồ C

Chỉ định: điều trị cho trẻ mất nước nặng tại cơ sở y tế.

  • Bắt đầu truyền tĩnh mạch ngay lập tức. Trong khi thiết lập đường truyền cho uống Oresol nếu trẻ còn uống được.
  • Dịch truyền được lựa chọn: Lactate Ringer, Normal Saline.
  • Cho 100 ml/kg dung dịch được lựa chọn chia như sau:

Đánh giá lại mỗi 15-30 phút cho đến khi mạch quay mạnh.Truyền thêm một lần nữa nếu mạch quay yếu hoặc không bắt được.

Nếu tình trạng mất nước không cải thiện cho dịch truyền với tốc độ nhanh hơn sau đó đánh giá lại mỗi 1 giờ cho đến khi tình trạng mất nước cải thiện.

Cần lưu ý 100ml/kg chỉ là lượng dịch bù cho dịch đã mất ở trẻ mất nước nặng >10% trọng lượng cơ thể, do đó thể tích dịch bù đôi khi cần nhiều hơn để bù cho lượng dịch tiếp tục mất nếu trẻ ói nhiều, tốc độ thải phân cao.

Khi truyền đủ lượng dịch truyền đánh giá lại tình trạng mất nước: 

  • Nếu vẫn còn dấu hiệu mất nước nặng: truyền lần 2 với số lượng trong thời gian như trên.
  • Nếu cải thiện nhưng vẫn còn dấu mất nước mất nước: ngưng truyền và cho uống Oresol theo phác đồ B nếu trẻ uống được và không còn biến chứng nào khác. Nếu trẻ bú mẹ khuyến khích cho bú thường xuyên. Tiếp tục bù dịch qua đường tĩnh mạch nếu còn thất bại đường uống và/hoặc còn biến chứng nặng khác.
  • Nếu không còn dấu mất nước: điều trị theo phác đồ A, cho bú mẹ thường xuyên. Theo dõi trẻ ít nhất 6 giờ trước khi cho xuất viện.
  • Khi trẻ có thể uống được, thường sau 3-4 giờ đối với trẻ nhỏ, 1-2 giờ đối với trẻ lớn, cho uống Oresol giảm áp lực thẩm thấu 5ml/kg/giờ.

Tiêu chảy cấp do Rotavirus là một bệnh phổ biến và nguy hiểm ở trẻ nhỏ, vì vậy  cha mẹ cần phải có đầy đủ kiến thức để chăm sóc và phòng bệnh hiệu quả cho trẻ. Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus, do đó cách tốt nhất để phòng bệnh là đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin. Tiêm vắc xin sớm sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.