Đau đầu là bệnh gì? Phân loại, nguyên nhân và cách điều trị
Cơn đau thường xuất hiện ở vùng đầu, gáy, vùng cổ trên, vùng mặt hốc mắt. Có thể đau khu trú một bên hoặc lan tỏa. Ngủ đủ giấc, ăn uống, tập luyện điều độ và tránh hút thuốc sẽ giúp cải thiện tình trạng đau đầu.
Hầu hết mọi người đều trải qua cơn đau đầu ít nhất một lần trong đời. Đau đầu thường không phải là một bệnh cụ thể mà là triệu chứng được gây ra bởi các bệnh lý chuyên khoa Thần kinh hoặc Rối loạn tâm thần - stress...
Hơn 80% trường hợp đau đầu là lành tính, nhưng nhiều trường hợp có thể là nguy cơ của bệnh lý nguy hiểm. Để an toàn, người bệnh nên đi khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, tránh để tình trạng đau đầu kéo dài, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Các loại đau đầu thường gặp
Đau đầu có nhiều loại, tùy thuộc vào triệu chứng cơn đau mà được phân thành từng loại khác nhau. Bao gồm:
- Đau đầu căng thẳng, stress
- Đau đầu migraine (đau nửa đầu mạn tính)
- Đau đầu mạn tính hàng ngày
- Đau đầu từng cụm
1. Đau đầu do căng thẳng, stress
Bệnh nhân có vấn đề cảm xúc không giải quyết được, lo âu, stress, căng thẳng kéo dài, làm việc quá sức, làm việc sai tư thế.
Khoảng 80% trong chúng ta từng trải qua đau đầu do căng thẳng, stress ít nhất một lần trong đời. Một số triệu chứng như:
- Cảm giác bóp siết ở vùng đầu, đè ép thắt chặt
- Vị trí đau thường ở vùng da đầu, thái dương, vai gáy
- Thường đau ở cả 2 bên
- Không buồn nôn, không nôn ói đi kèm
- Không sợ ánh sáng, không sợ tiếng động...
2. Đau đầu Migraine (đau nửa đầu mạn tính)
Bệnh đau nửa đầu hay còn gọi là bệnh đau đầu migraine thuộc nhóm đau đầu mạn tính. Do hoạt động bất thường của phức hợp thần kinh - mạch máu, xuất hiện từng cơn.
- Đau thường xuất hiện ở một bên đầu nhưng cũng có lúc đau cả 2 bên
- Cảm giác đau kiểu mạch máu đập trong đầu (tăng giảm theo mạch đập)
- Đau khi hoạt động thể lực, đặc biệt khi uốn cong người hay ho làm cho đau đầu nặng hơn.
- Kèm các triệu chứng như: ù tai, mờ mắt, buồn nôn, sợ tiếng ồn và ánh sáng...
Các triệu chứng này có thể xuất hiện trước hay trong khi cơn đau đầu xảy ra, nhưng thường không kéo dài quá 1 tiếng đồng hồ. Người bệnh cần đi khám chuyên khoa Thần kinh sớm để được điều trị.
3. Đau đầu mạn tính hàng ngày
Đau đầu mạn tính hàng ngày là tình trạng do các bệnh đau đầu nguyên phát (đau đầu migraine, đau đầu căng thăng…) không được điều trị tốt, dẫn đến đau kéo dài.
Nếu cơn đau của các bệnh đau đầu nói trên xảy ra từ 15 ngày trở lên trong một tháng và kéo dài hơn 3 tháng thì được gọi là đau đầu mãn tính hàng ngày.
Khi đau đầu, người bệnh hay tự dùng thuốc giảm đau, điều này khá nguy hiểm. Lạm dụng thuốc giảm đau hay dùng quá liều thuốc giảm đau có thể tạo nên tình trạng “kháng thuốc”, ngộ độc thuốc hoặc bị tác dụng phụ lên gan thận.
4. Đau đầu từng cụm
Đau đầu từng cụm có nguyên nhân từ thần kinh mạch máu, phần lớn gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên và có hút thuốc. Các cơn đau xuất hiện sau khi ngủ từ 1 - 3 giờ, khi tỉnh dậy thấy đầu đau nặng. Đau đầu từng cụm thường có biểu hiện:
- Cơn đau thành từng cụm, khu trú ở nửa đầu, đau nhiều ở sau mắt, lan ra trán và thái dương, kèm theo ngạt mũi, chảy nước mắt, buồn nôn…
- Đau luôn luôn xảy ra ở những vị trí tương tự trong mỗi lần và thường tập trung tại phía trên một mắt, gây chảy nước mắt và đỏ mắt
- Bên còn lại của đầu hoàn toàn không bị tác động
- Bệnh nhân thường đi tới đi lui, ôm đầu
Tuy nhiên, những triệu chứng đau đầu này thường dễ nhầm lẫn, người bệnh khó để tự phân biệt. Nếu chưa sắp xếp đi khám được, người bệnh nên đăng ký tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ chuyên khoa để được định hướng điều trị ban đầu.
Cần đi khám ngay khi cơn đau đầu có dấu hiệu sau
Một số trường hợp đau đầu rất nguy hiểm, cần đưa người bệnh đi khám càng sớm càng tốt, tránh hệ quả xấu có thể xảy ra:
- Đau đầu đột ngột dữ dội, kết hợp gáy cứng
- Đau đầu kết hợp sốt cao, co giật hoặc lú lẫn hoặc mất ý thức
- Đau đầu sau 1 cú đánh, tai nạn, ngã
- Đau đầu kết hợp đau mắt, đau tai
- Đau đầu dai dẳng ở trẻ em
- Những người có tiền sử đau đầu vận mạch, nhưng xuất hiện cơn đau mới trầm trọng hơn và kèm theo các triệu chứng bất thường: tê bì tay chân, hoặc mờ mắt, có biểu hiện cơn thoáng ngất hoặc thoáng quên.
Phân biệt đau đầu do căng thẳng và đau đầu do bệnh Thần kinh
Việc phân biệt đúng hai bệnh lý đau đầu do căng thẳng và đau đầu do bệnh lý Thần kinh là rất quan trọng. Bệnh nhân cần phải đi khám đúng cơ sở y tế, đúng bác sĩ chuyên khoa thì quá trình khám chữa bệnh mới có hiệu quả cao.
Đau đầu do căng thẳng, stress | Đau đầu do bệnh Thần kinh | |
Nguyên nhân | Áp lực, stress trong công việc, học tập, mâu thuẫn gia đình. Nhìn chằm chằm vào máy tính hoặc sau khi lái xe trong thời gian dài. | Quá trình viêm nhiễm, sự xâm lấn của khối u, thiếu máu não. Các quá trình bệnh lý gây xoắn vặn, giãn căng hoặc phù nề quanh các mạch máu. |
Thời gian | Mang tính chu kỳ, thường kéo dài tới 2 tuần trong 1 tháng hoặc 6 tháng trong 1 năm. | Các cơn đau đến đột ngột, diễn tiến nhanh. Có thể đau suốt ngày hoặc 1 vài giờ. |
Biểu hiện | Cảm giác căng hoặc siết chặt ở các cơ vùng đầu và cổ. Người bệnh cảm thấy bị nén ép hoặc ê ẩm ở đầu, tăng nhạy cảm đau xung quanh đầu. Đau lan tỏa khắp đầu, nhưng khó chịu nhất ở phần sau đầu và vùng cổ. Không gây ra các triệu chứng như buồn nôn và nôn. Một số ít trường hợp, có thể gây ra sự nhạy cảm đối với tiếng ồn nhẹ và to. | Do tăng huyết áp: đột ngột, dữ dội, đau khu trú nhiều ở vùng chẩm, trán. Do u não: kèm theo buồn nôn, mờ mắt hoặc liệt dây thần kinh sọ não, mắt mờ. Do viêm màng não: đau đầu dữ dội, kèm biểu hiện cổ cứng, ói, sợ ánh sáng, sốt cao. Do dị dạng mạch máu não: cơn đau âm ỉ, đôi khi đau dữ dội có thể kèm theo liệt run. Đau đầu do xuất huyết não: đột ngột, dồn dập và có thể liệt nửa người, hôn mê nhanh. |
Đặc điểm | Tiến triển tăng dần. Tính chất cơn đau ổn định và cường độ không dữ dội. | Xảy đến bất ngờ, đau dữ dội. Thường kèm theo nhiều dấu hiệu khác như: nôn, ói, tê, liệt... |
Điều trị đau đầu
Việc điều trị đau đầu chủ yếu là tìm ra căn nguyên nhức đầu và điều trị nhằm xoá bỏ nguyên nhân đó, ví dụ: tăng huyết áp, viêm màng não...
Đặc biệt là những cơn đau đầu ác tính nói trên cần phải được khám xét cẩn thận để xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời. Khi có biểu hiện đau đầu khác thường, nên đến ngay bệnh viện để khám cụ thể và làm xét nghiệm cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây đau đầu:
- Chụp cắt lớp CT-scan
- Chụp cộng hưởng từ MRI
- Chụp Xquang...
Tuyệt đối không nên chủ quan với các cơn đau đầu bất thường chưa rõ nguyên nhân và quy vội là do thời tiết, do thiếu máu não, do hội chứng tiền đình... mà tự mua các thuốc giảm đau, cảm cúm về dùng.
Thuốc giảm đau: có hiệu quả trong nhiều trường hợp đau đầu nhưng không nên dùng trong thời gian dài và cần có sự tư vấn của bác sĩ khi dùng thuốc giảm đau để tránh tác dụng phụ.
Ngoài ra, người bệnh có thể điều trị bằng phương pháp châm cứu các huyệt: thái dương, ấn đường, bách hội, đầu duy. Có thể thực hiện tại các cơ sở y tế về Y học cổ truyền.
Với đau đầu kéo dài, người bệnh không thấy đỡ sau khi sử dụng các biện pháp trên thì nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám. Thông thường, nên gặp bác sĩ chuyên khoa Thần kinh trước, nếu phát hiện nguyên nhân bệnh khác, bác sĩ sẽ tư vấn và điều trị kết hợp với bác sĩ chuyên khoa phù hợp.
Khám chữa đau đầu ở đâu tốt Hà Nội?
Dưới đây là một số địa chỉ khám đau đầu có chuyên khoa thần kinh uy tín tại Hà Nội mà người bệnh đau đầu có thể đến thăm khám và điều trị.
1. Bệnh viện Lão khoa Trung ương
- Địa chỉ: Số 1A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
- Thời gian: 7h30 - 16h30, Thứ 2 - Thứ 6
Bệnh viện Lão khoa Trung ương là bệnh viện chuyên khám và điều trị các bệnh lý cho người trung và cao tuổi. Các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh tại đây đều là những bác sĩ giỏi, có nhiều kinh nghiệm thăm khám bệnh lý thần kinh cho người trung, cao tuổi, trong đó đau đầu là bệnh lý phổ biến.
Bệnh viện được đầu tư hệ thống trang thiết bị từ cơ bản đến chuyên sâu để thăm khám bệnh đau đầu: Máy chụp Xquang, máy siêu âm, màu điện não, máy chụp cắt lớp...
Ngoài chuyên khoa Thần kinh, tại bệnh viện còn có chuyên khoa Tâm thần, thuận tiện cho người bệnh đau đầu đến thăm khám.
2. Bệnh viện Bạch Mai
- Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội
- Thời gian:
- Khoa Khám bệnh: 7h30 - 16h30, Thứ 2 - Thứ 7
- Khoa Khám theo yêu cầu: 6h30 - 18h30, Thứ 2 - Thứ 6 và Chủ nhật
Bệnh viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện có chất lượng khám chữa bệnh hàng đầu cả nước, vì vậy người bệnh có thể yên tâm khi đi khám tại đây. Bệnh viện có thế mạnh về khám và điều trị các bệnh nội khoa, đặc biệt là bệnh nội khoa thần kinh.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng rất mạnh về khám và điều trị bệnh lý rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần, người bệnh sẽ có nhiều lựa chọn thăm khám, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh đau đầu.
3. Phòng khám số 1 - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
- Địa chỉ: Nhà A5, số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội
- Thời gian:
- Thứ 2 - Thứ 6: 7h30 - 16h30
- Thứ 7: 7h30 - 11h30
Phòng khám số 1 hay Trung tâm Y khoa số 1 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, là một địa chỉ còn mới với nhiều người nhưng rất chất lượng, cả về đội ngũ bác sĩ và dịch vụ đối với bệnh nhân.
Tại đây, có nhiều phòng khám thuộc các chuyên khoa như: Tâm thần, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Sản phụ khoa, Cơ xương khớp, Tai Mũi Họng, Thận - tiết niệu... Các bác sĩ khám là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II từ các bệnh viện nổi tiếng như Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Việt Đức, Lão khoa Trung ương....
4. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
- Địa chỉ: Số 16 -18 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Thời gian: Thứ 2 - Thứ 6 (cả Khoa Khám bệnh và Khoa Khám theo yêu cầu)
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện tuyến Trung ương, khám và điều trị cả nội khoa và ngoại khoa thần kinh. Với người bệnh mắc đau đầu, có thể đi khám với bác sĩ Nội Thần kinh tại đây trước, nếu cần can thiệp ngoại khoa, sẽ được chuyển sang khám và điều trị tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh mà không cần chuyển đến viện khác.
Đội ngũ bác sĩ tại đây đều là những bác sĩ đầu ngành, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ phẫu thuật thần kinh, nhiều bác sĩ được mệnh danh là người có bàn tay vàng trong phẫu thuật ngoại khoa.
Bệnh viện Việt Đức tương đối đông bệnh nhân, nên thời gian chờ khám tương đối lâu nếu không đăng kí trước. Người bệnh có thể lựa chọn đi khám vào buổi chiều hoặc ngày gần cuối tuần để đỡ đông hơn.
5. Bệnh viện Châm cứu Trung ương
- Địa chỉ: 49 Thái Thịnh, Thịnh Quang, Hà Nội
- Thời gian: 8h00 - 16h30, Thứ 2 - Thứ 6
Bệnh viện Châm cứu Trung ương là địa chỉ thăm khám uy tín bằng các phương pháp y học cổ truyền, châm cứu.
Với những bệnh lý gây ra triệu chứng đau đầu như: đau đây thần kinh số 7, chèn ép cột sống... người bệnh có thể cân nhắc lựa chọn đến khám chữa bằng phương pháp không phẫu thuật. Trên thực tế, bệnh viện đã điều trị thành công cho nhiều ca bệnh khó, giúp người bệnh trở lại với cuộc sống thường ngày.
Là bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương nên tại đây cũng quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hàng đầu về y học cổ truyền, châm cứu, người bệnh có thể yên tâm khi thăm khám tại bệnh viện.
Khi nhức đầu, nên nghỉ ngơi ở phòng tối, yên tĩnh và thoáng mát. Nên cố gắng để đầu óc thư giãn, tránh lo âu, suy nghĩ nhiều, không nên thức khuya. Thay vào đó hãy ngủ đủ giấc trong ngày phù hợp lứa tuổi, không hút thuốc lá hay uống nhiều rượu bia.
2. https://suckhoedoisong.vn/giai-ma-con-dau-dau-n179505.html
Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.
Đội ngũ BookingCareChúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.
Thông báo
Nội dung thông báo…