Nấm kẽ chân có lây không? Điều trị như thế nào?
Nấm kẽ chân thường phát triển mạnh vào mừa mưa lũ hoặc hay gặp ở những người tiếp xúc nhiều với nước bẩn trong thời gian dài.
Nấm kẽ chân thường gây ra ngứa ngáy, khiến người bệnh luôn cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chủ quan, không đi khám với bác sĩ da liễu khiến bệnh kéo dài, ảnh hưởng tới cuộc sống.
Dấu hiệu nấm kẽ chân
Khi có những dấu hiệu sau, bạn có thể đang bị nấm kẽ chân:
- Vùng da bàn chân, kẽ chân luôn có cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
- Da bàn chân, kẽ chân bị đóng vảy và bong tróc.
- Phần da kẽ ngón chân có màu trắng bợt, bị mủn hoặc loét, chảy nước, có thể bị nứt kẽ, rất đau.
- Da kẽ chân bị nứt gây rỉ nước hoặc chảy máu, rất đau.
- Vùng bị nấm có màu hồng hoặc đỏ hơn so với các vùng da còn lại.
- Tổn thương thường xuất hiện từ kẽ ngón chân thứ 3, thứ 4 sau đó lây lan ra toàn bộ các kẽ chân, mu bàn chân, lòng bàn chân, rìa bàn chân.
Nấm kẽ chân có lây không?
Nấm kẽ chân hay còn gọi là viêm kẽ, nước ăn chân thường gặp ở những người đi tất chân nhiều, vận động viên hay thiếu niên, bộ đội, công an, công chức văn phòng… đi giày lâu ngày.
Đồng thời, bệnh rất dễ lây lan nếu như tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, tất, giày dép,... với người bệnh.
Người bệnh dễ bị nhiễm nấm kẽ chân tại các địa điểm như phòng thay quần áo, phòng tắm nơi công cộng, hồ bơi,...
Nấm kẽ chân bôi thuốc gì?
Bất cứ lứa tuổi nào cũng đều có thể bị nhiễm nấm kẽ chân, từ trẻ em đến người già, người khỏe hay người ốm. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân thường tự chữa, đến khi xuất hiện bội nhiễm chảy dịch ra, đau rát và ngứa không chịu được thì mới đến viện khiến cho quá trình chữa bệnh lâu hơn mặc dù đây là căn bệnh lành tính.
Điều trị bệnh nấm kẽ chân thường sử dụng thuốc kháng nấm. Trong trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ khuyên dùng thuốc bôi nấm kẽ chân. Trong trường hợp nấm nặng, có thể dùng thuốc trị nấm kẽ chân đường uống.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng một số thuốc kháng histamin để chống ngứa, thuốc kháng sinh và sát khuẩn tại chỗ nếu bội nhiễm thêm.
Để có kết quả tốt nhất, bạn cần có sự tư vấn sử dụng thuốc từ các bác sĩ Da liễu. Người bệnh cần phải bôi thuốc đúng cách, bôi lớp mỏng, dàn đều lên bề mặt tổn thương, tránh bôi quá nhiều có thể gây cảm giác nóng, rát ở nơi tổn thương, gây lãng phí thuốc.
Nếu chưa sắp xếp được thời gian đi khám trực tiếp, bạn có thể kết nối với bác sĩ da liễu từ xa qua app BookingCare để được tư vấn cách điều trị và chăm sóc nấm kẽ chân ngay tại nhà sao cho phù hợp.
Xem thêm bài viết:
- 5 Bác sĩ khám chữa bệnh nấm da giỏi tại TP.HCM
- 8 Bác sĩ trị nấm da giỏi và nhiều kinh nghiệm ở Hà Nội
Phòng bệnh nấm kẽ chân
- Tránh môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm phát triển và bệnh lâu khỏi, dễ tái phát, tái nhiễm.
- Nếu phải đi giày, tất thường xuyên thì nên rắc thuốc chống nấm (bột chống nấm) giúp chân đỡ mồ hôi cũng như diệt nấm, kháng viêm.
- Nếu có thể, nên chọn giày dép loại thoáng, tất có chất liệu cotton thấm hút mô hôi.
- Sử dụng đồ dùng riêng để tránh lây bệnh.
- Thăm khám và điều trị với bác sĩ Da liễu khi có dấu hiệu bị nấm.
- Không tự ý dùng thuốc trị nấm kẽ chân vì rất dễ dẫn đến tác dụng phụ.