Ngâm chân thảo dược: Liệu pháp thư giãn và phòng bệnh hiệu quả

Xuất bản: 04/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/02/2024
Ngâm chân thảo dược: Liệu pháp thư giãn và phòng bệnh hiệu quả
Ngâm chân thảo dược: Liệu pháp thư giãn và phòng bệnh hiệu quả - Ảnh: BookingCare
Ngâm chân thảo dược có công dụng rất tốt cho con người, giúp nâng cao sức khỏe, phòng bệnh và thậm chí chữa được nhiều loại bệnh. Vậy ngâm chân thảo dược là gì? Lợi ích của ngâm chân? Cách thực hiện và lưu ý khi ngâm chân thảo dược như thế nào? 

Theo y học cổ truyền, bàn chân được ví như “trái tim thứ hai” của cơ thể. Liệu pháp ngâm chân thảo dược giúp kích thích đến các huyệt vị, kinh lạc, từ đó tăng cường lưu thông máu, cải thiện trao đổi chất và nâng cao sức khoẻ cơ thể. Cùng tìm hiểu về ngâm chân thảo dược qua bài viết dưới đây. 

Ngâm chân thảo dược là gì? 

Ngâm chân thảo dược là sử dụng nhiệt của nước ấm với tác dụng của các loại tinh dầu thảo dược tác động lên đôi bàn chân, nhằm giúp cơ thể thư giãn, nâng cao sức khoẻ, phòng và chữa bệnh hiệu quả. 

Tại sao ngâm chân thảo dược tốt cho sức khỏe? 

Chân là bộ phận quan trọng của cơ thể, chịu sức nặng toàn thân và giúp cơ thể vận động, di chuyển. 

Theo Y học hiện đại, bàn chân là nơi xa tim nhất, máu xuống chân thì dễ, máu từ chân trở về tim thì khó. Hơn nữa nếu cả ngày ngồi nhiều hoặc đứng nhiều không vận động sẽ cảm thấy đôi chân tức nặng, khó cử động, thậm chí bị sưng phù. Dưới bàn chân có nhiều đầu dây thần kinh có liên quan đến các tuyến và cơ quan trong cơ thể. Việc chăm sóc đôi bàn chân sẽ gián tiếp tác động đến sức khoẻ của toàn cơ thể.

Theo quan niệm y học cổ truyền, bàn chân được ví như trái tim thứ hai của cơ thể. Lục phủ ngũ tạng đều có các vùng tương ứng trên lòng bàn chân:

  • Ngón chân cái là đường thông của 2 kinh Can, Tỳ, kích thích vào đây sẽ giúp sơ Can kiện Tỳ, tăng cảm giác ngon miệng, chữa trị một số bệnh gan mật.
  • Ngón thứ tư thuộc kinh Đởm, có thể phòng ngừa táo bón, bí tiểu, đau sườn,…
  • Ngón út thuộc kinh Bàng quang, có thể chữa chứng đái dầm ở trẻ, các bệnh lý rối loạn kinh nguyệt,… 
  • Hay lòng bàn chân thuộc về kinh Thận, có thể điều trị các chứng bệnh về tạng thận, thể chất hư nhược,… 

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh các huyệt vị trên lòng bàn chân liên quan đến toàn thân. Tác động lên gan bàn chân khiến các đầu dây thần kinh hưng phấn, thúc đẩy hoạt động của thần kinh và các tuyến nội tiết, từ đó khiến cho cơ thể khỏe khoắn, đầu óc minh mẫn hơn.

Thường xuyên xoa bóp bàn chân cũng làm giãn mạch máu, tăng cường lưu thông máu, cải thiện dinh dưỡng cục bộ, tăng tính đàn hồi cho mạch máu dưới da. Việc chăm sóc đôi bàn chân có tác dụng tích cực cải thiện chứng đau đầu, chóng mặt, suy nhược thần kinh, mất ngủ, tê lạnh chân,…

Theo quan niệm y học cổ truyền, bàn chân được ví như trái tim thứ hai của cơ thể - Ảnh: FreepikTheo quan niệm y học cổ truyền, bàn chân được ví như trái tim thứ hai của cơ thể - Ảnh: Freepik
Theo quan niệm y học cổ truyền, bàn chân được ví như trái tim thứ hai của cơ thể - Ảnh: Freepik

Những ai nên và không nên ngâm chân thảo dược? 

Ngâm chân thảo dược có thể dùng cho nhiều đối tượng khác nhau, nhất là những người  bị mất ngủ, thần kinh suy nhược, đau mỏi xương khớp, đau lưng, đau dạ dày,...

Tuy nhiên, một số đối tượng không nên ngâm chân như: 

  • Người suy giãn tĩnh mạch: ngâm chân với nước nóng có thể làm nặng thêm tình trạng suy giãn tĩnh mạch. 
  • Phụ nữ có thai: Một số loại thảo dược ngâm chân có tính lý khí, lý huyết hoặc mang tính truyền tống mạnh có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Do đó phụ nữ có thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ngâm chân. 
  • Người đái tháo đường: Bệnh nhân bị đái tháo đường thường sẽ có tổn thương thần kinh ngoại biên có thể gây rối loạn cảm giác. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng vì có thể gây bỏng. 
  • Vết thương hở, nhiễm trùng: Chống chỉ định vì có thể làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng, làm vết thương lâu lành.

Một số loại nước ngâm chân đơn giản, dễ làm tại nhà 

Bạn có thể ngâm chân thảo dược với một số nguyên liệu đơn giản, dễ tìm tại nhà như: 

Nước ngâm chân với muối

  • Công dụng: Nước muối có tác dụng giữ ấm, kích thích tuần hoàn máu cho cơ thể, ngăn ngừa chân tay lạnh, đau nhức khớp, từ đó giúp ngủ ngon hơn.
  • Cách làm: Nước nóng pha thêm đến 40 độ, hoà cùng 1 muỗng muối cho tan rồi ngâm chân. 
Một số loại nước ngâm chân phổ biến - Ảnh: Freepik
Ngâm chân với muối có tác dụng kích thích tuần hoàn máu cho cơ thể - Ảnh: Freepik

Nước ngâm chân gừng tươi

  • Công dụng: Tác dụng tốt với người sợ lạnh, chân tay lạnh, giúp tăng tuần hoàn máu. 
  • Cách làm: Gừng tươi 20 – 30g, đập dập, cho vào nồi nước đậy kín, đun sôi khoảng 10 phút. Sau đó đổ toàn bộ nước và gừng đã đun vào chậu, pha thêm nước lạnh khoảng 40 độ rồi ngâm chân trong vòng 15 – 20 phút. 

Nước ngâm chân ngải cứu 

  • Công dụng: Cải thiện chức năng hô hấp, tốt cho những bệnh nhân viêm phế quản mạn tính hay những thường xuyên cảm cúm, ho có đờm. 
  • Cách làm: Ngải cứu tươi 20 – 30g, cho vào nửa nồi nước đậy kín vung, đun sôi 10 phút. Sau đó đổ cả lá và nước pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 40 độ thì ngâm chân. Không ngâm quá mắt cá chân. 

Nước ngâm chân vỏ quế và hoa tiêu 

  • Công dụng: Có tác dụng rất tốt trị chứng phù thũng do chức năng bài tiết của thận. 
  • Cách làm: Vỏ quế, hoa tiêu mỗi thứ 15g cho vào nồi đổ nước, đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ ra chậu pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 40 độ là được. Chú ý không được ngâm quá mắt cá chân.  

Nước ngâm chân hồng hoa

  • Công dụng: Có tác dụng hoạt huyết thông kinh, tiêu ứ, giảm đau. Dùng tốt cho người thường bị chứng tê cóng hoặc da bị nứt nẻ khi trời lạnh. 
  • Cách làm: Lấy 10 - 15g hồng hoa cho vào nồi đổ nước, đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, đổ cả nước và bã ra chậu, pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 40 độ là được. 

Ngoài ra, một số loại thảo dược khác có tác dụng tốt dùng để ngâm chân như: gừng, lá lốt, sả, quế chi, ngải cứu, thiên niên kiện, màng tang, đại bi... 

Ngâm chân thảo dược mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe - Ảnh: Freepik
Ngâm chân thảo dược mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe - Ảnh: Freepik

Những lưu ý khi ngâm chân thảo dược 

  • Thời gian ngâm khoảng 15 - 20 phút/ lần, 1 - 2 lần/ ngày. Không nên ngâm chân quá lâu. 
  • Dược liệu ngâm chân nên được nấu trước khi cho vào ngâm để hòa tan và chiết được nhiều dược chất hơn. 
  • Nhiệt độ nước ngâm chân khoảng 35 - 40 độ là vừa. Có thể ngâm bằng thùng nhôm hoặc thùng gỗ. 
  • Khi ngâm, không nên nhúng ngay bàn chân vào chậu nước mà nên đặt bàn chân cách mặt nước một khoảng để xông hơi trước, vừa giúp chân không bị “sốc nhiệt” và giúp nở lỗ chân lông. Sau đó từ từ hạ bàn chân sát mặt nước rồi mới ngâm cả chân. 
  • Trong quá trình ngâm chân người bệnh tự xoa bóp vùng trị liệu để tăng hiệu quả. 
  • Làm sạch chân sau khi ngâm bằng nước sạch, uống nước bổ sung. 
  • Không phải trường hợp nào cũng có thể ngâm chân thảo dược. 
  • Không phải dược liệu ngâm chân nào cũng phù hợp với tất cả mọi người.
  • Nên hỏi ý kiến bác sĩ, thầy thuốc trước khi ngâm chân thảo dược. 

Trên đây là một số thông tin cần biết về ngâm chân thảo dược. Sử dụng đúng thảo dược ngâm chân, tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt, phòng và chữa được nhiều bệnh lý hiệu quả.