Biểu hiện rối loạn hành vi ở trẻ em và cách đi khám điều trị hiệu quả
Biểu hiện rối loạn hành vi ở trẻ em và cách đi khám điều trị hiệu quả
Rối loạn hành vi trẻ em
Rối loạn hành vi mức độ nặng có thể dẫn đến hành động sử dụng vũ khí, đột nhập vào nhà người khác - Ảnh: Piaxabay

Biểu hiện rối loạn hành vi ở trẻ em và cách đi khám điều trị hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 16/03/2021 | Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Chứng rối loạn hành vi thường gặp trong suốt quá trình phát triển từ trẻ nhỏ cho đến lứa tuổi thanh thiếu niên và có ảnh hưởng đến sức khoẻ chung cũng như học tập và sinh hoạt của bệnh nhân.

Rối loạn hành vi ở trẻ em và tuổi vị thành niên là đề tài thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn xã hội trong những năm qua. 

Thực tế những nghiên cứu tại nước ta cũng như các nước khác trên thế giới đều cho thấy các rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên thường do những yếu tố tâm lý xã hội kết hợp với những yếu tố sinh học gây ra. 

Rối loạn hành vi ở trẻ và hệ quả của nó để lại nhiều băn khoăn trăn trở cho các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội. 

Vậy, rối loạn hành vi ở trẻ là gì mà đáng báo động như vậy? Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng sẽ chia sẻ các nội dung hữu ích trong bài viết dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Định nghĩa về rối loạn hành vi ở trẻ

Chứng rối loạn hành vi thường gặp trong suốt quá trình phát triển từ trẻ nhỏ cho đến lứa tuổi thanh thiếu niên và có ảnh hưởng đến sức khoẻ chung cũng như học tập và sinh hoạt của bệnh nhân.

Hành vi kém thích nghi/ vấn đề về hành vi ở trẻ có thể là hậu quả của sách báo, phim ảnh bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy, môi trường học tập thiếu lành mạnh hoặc cha mẹ thường xuyên cãi vã, bạo lực.

Trẻ có thể sẽ có hành vi hung hăng, phá hoại. Người lớn và những trẻ em khác có thể sẽ coi những trẻ này là “hư”, là “xấu”, chứ không nghĩ rằng trẻ đang mắc phải một vấn đề sức khỏe tinh thần.

Đặc trưng của rối loạn này khi trẻ không có khả năng tự chủ hành vi và cảm xúc của mình, các hành vi xâm hại đến quyền của người khác hoặc vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội. Các biện pháp trừng phạt không còn hiệu quả với trẻ.

Biểu hiện của trẻ mắc chứng rối loạn hành vi

Biểu hiện 

Trẻ bị rối loạn hành vi thường rất khó để kiểm soát và không sẵn sàng để tuân theo các nguyên tắc. Trẻ thường hành động một cách bốc đồng mà không suy nghĩ đến hậu quả của hành động đó. Trẻ cũng sẽ không suy nghĩ về cảm xúc của người khác.

Con bạn có thể sẽ bị rối loạn hành vi nếu trẻ thường xuyên có một số các hành vi dưới đây:

  • Cách cư xử hung hãn đối với người khác hoặc động vật, phá hoại tài sản.
  • Những thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn hành vi còn tham gia vào những hoạt động có hại cho bản thân như hút thuốc lá hay xì gà, uống rượu, ‘sex’ thiếu an toàn.
  • Không tuân thủ các qui tắc xã hội, hay có các hành động quá đáng và quá mức, vi phạm trật tự.
  • Sự chống đối có thể tăng đến độ nguy hiểm. Các biểu hiện vi phạm bao gồm nói dối, ăn cắp, gây hấn, trốn học hoặc dã man tàn bạo.

Phân loại rối loạn hành vi chia theo mức độ gây tổn hại

  • Rối loạn thách thức chống đối
  • Rối loạn cư xử, cuồng phóng hỏa, ăn cắp vặt
  • Rối loạn bùng phát gián đoạn

Triệu chứng của rối loạn hành vi có thể từ nhẹ, vừa đến nặng

Mức độ nhẹ

Nếu con bạn có triệu chứng nhẹ, có nghĩa là trẻ có rất ít hoặc thậm chí không có các hành vi bất thường để có thể chẩn đoán được. Rối loạn hành vi của trẻ chỉ gây ra những thiệt hại rất nhỏ cho người xung quanh.

Các vấn đề ở mức độ nhẹ thường gặp ở trẻ có hành vi bao gồm nói dối, trốn học và đi chơi qua đêm mà không được sự cho phép của bố mẹ.

Mức độ vừa

Hành vi của trẻ có thể sẽ gây ảnh hưởng vừa hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến người khác. Những hành vi được coi là rối loạn ở mức độ vừa bao gồm phá hoại và trộm cắp.

Mức độ nặng

Những hành vi của trẻ sẽ gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho người khác. Ví dụ như cưỡng hiếp, sử dụng vũ khí hoặc bẻ khóa, đột nhập vào nhà người khác.

Nguyên nhân của rối loạn hành vi ở trẻ 

Yếu tố di truyền và yếu tố môi trường có thể sẽ dẫn đến sự phát triển của các rối loạn hành vi. Rối nhiễu hành vi có mức độ nghiêm trọng thường có nguyên nhân từ di truyền và thần kinh.

Đặc trưng như sự hung tính của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng nhiều bởi gen. Với mức độ nhẹ/vừa thường liên quan đến các yếu tố nguy cơ (là một đặc điểm bên trong cá nhân như nhân cách hoặc hoàn cảnh môi trường) và sự phòng vệ với môi trường.

Do di truyền

Thùy trán là phần sẽ điều chỉnh các kỹ năng nhận thức quan trọng, ví dụ như kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng ghi nhớ và kỹ năng biểu đạt cảm xúc. Ở những trẻ bị rối loạn hành vi, thùy trán có thể sẽ không hoạt động bình thường, gây ra:

  • Thiếu kiểm soát các xung động.
  • Giảm khả năng hành động theo kế hoạch.
  • Giảm khả năng học hỏi từ những kinh nghiệm tiêu cực trong quá khứ.
  • Tổn thương thùy trán có thể là do gen, do di truyền hoặc do tổn thương não do các chấn thương.

Các yếu tố về môi trường

  • Bị lạm dụng khi còn nhỏ.
  • Gia đình không êm ấm.
  • Cha mẹ là người nghiện rượu hoặc nghiện thuốc.
  • Nghèo đói.
  • Cha mẹ có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
  • Mẹ mang thai khi nhỏ tuổi.
  • Phụ thuộc vào cách thức giáo dục gia đình bị áp đặt và phong cách làm cha mẹ như nuông chiều, bỏ bê,... và mối quan hệ gắn bó với người chăm sóc thiếu an toàn.
  • Nhà trường có hình thức kỷ luật thiếu nhất quán, công bằng, hà khắc, không quan tâm đến nỗ lực thay đổi của trẻ. Mối quan hệ tiêu cực với giáo viên trong trường...

Khám và điều trị rối loạn hành vi cho trẻ

Theo chuyên gia Trần Thị Tuyết Hồng, khi nhận thấy con có những biểu hiện của triệu chứng rối loạn hành vi, cha mẹ cần cho trẻ đi khám để có biện pháp điều trị tương thích với độ tuổi của trẻ.

Tiếp cận đúng phương pháp sẽ giúp trẻ nhanh chóng kiểm soát được hành vi của mình. Việc điều trị rối loạn hành vi ở trẻ đòi hỏi phải có sự kết hợp linh hoạt, chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, bác sỹ tâm thần và xã hội cùng với nhiều phương pháp như:

  • Áp dụng các liệu pháp tâm lý như liệu pháp tâm lý gia đình, liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp tâm lý nhóm.
  • Tạo môi trường học tập lành mạnh cho trẻ. Hãy nhớ, chính tình yêu thương của cha mẹ và môi trường sống lành mạnh mới là ‘biệt dược’ để điều trị chứng rối loạn hành vi của trẻ nhỏ. 

Khám và điều trị ở đâu

Nếu không được điều trị, trẻ sẽ tiếp tục phát triển thêm các vấn đề mới. Trẻ sẽ không thể thích nghi được với những yêu cầu của tuổi trưởng thành, do vậy, gây ra các vấn đề trong các mối quan hệ và công việc.    

Trẻ cũng sẽ dễ có nguy cơ lạm dụng chất và gặp phải các vấn đề liên quan đến luật pháp. Con bạn thậm chí có thể bị rối loạn nhân cách, ví dụ như rối loạn nhân cách phản xã hội khi đến tuổi trưởng thành. Khi rối loạn nhân cách được kéo dài đến tuổi trưởng thành sẽ trở thành rối loạn nhân cách chống đối xã hội và khi đó vấn đề trị liệu trở nên khó khăn và không thay đổi được hoàn toàn. Đó là lý do vì sao việc chẩn đoán và điều trị sớm là vô cùng quan trọng.

Khi trẻ có biểu hiện rối loạn hành vi, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết