Hỗ trợ

Nội dung chính

Phân biệt bệnh thần kinh và bệnh tâm thần để đi khám và điều trị hiệu quả

Nhiều bệnh nhân gặp các triệu chứng, biểu hiện của bệnh Tâm thần nhưng lại chọn khám với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh hoặc ngược lại. Điều này dẫn đến việc thăm khám, điều trị không hiệu quả. Trong nội dung dưới đây, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu sẽ chia sẻ thêm để bạn đọc hiểu rõ được sự khác biệt này.

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Làm sao phân biệt được bệnh thần kinh và bệnh tâm thần?

Thực tế là nhiều người bệnh gặp không ít khó khăn để nhận biết khi nào thì đi khám chuyên khoa Thần kinh hay khi nào khám chuyên khoa Tâm thần.

Khi nói đến bệnh “Tâm thần” chúng ta thường hình dung đến hình ảnh những người xấu xí, quái dị, hành động kỳ quặc, kêu la, cởi bỏ quần áo, tính khí bất thường, hành vi không giống ai…

Quan niệm sai và định kiến tiêu cực về bệnh “Tâm thần” khiến người bệnh mất đi cơ hội được thăm khám và điều trị hiệu quả, kịp thời. Phần lớn người bệnh tâm thần ban đầu không tin mình mắc bệnh tâm thần, cứ mải miết đi khám các chuyên khoa khác.

Vì sợ kỳ thị, không ai muốn đi khám sức khỏe tâm thần vì sợ bị gán mác là người bệnh tâm thần. Sức khỏe tâm thần khác với bệnh tâm thần. Hiểu như vậy, nghĩa là ai cũng có sức khỏe tâm thần. Sức khỏe tâm thần cần được quan tâm, coi trọng ngang với sức khỏe thể chất

Theo số liệu mà chúng tôi ghi nhận được, nhiều bệnh nhân gặp các triệu chứng, biểu hiện của bệnh Tâm thần nhưng lại chọn khám với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh hoặc ngược lại.

Để bạn đọc có thêm thông tin phân biệt hai nhóm bệnh này, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu đã cung cấp thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây.

THÔNG TIN TIẾN SĨ, BÁC SĨ TRẦN THỊ HỒNG THU

  • Bác sĩ Chuyên khoa Tâm thần
  • Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (từ 2016 - nay)
  • Nguyên Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (2012 - 2016)
  • Nguyên là bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội (1993 - 1999)

Điều này có thể dẫn đến tư tưởng chán nản, định kiến với bệnh tật và ngại ngần đi khám để điều trị dứt điểm.

Vì sao gặp các biểu hiện của bệnh Tâm thần nhưng lại chọn khám với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh?

Theo thống kê gần đây của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia thì tỷ lệ người Việt Nam mắc bệnh tâm thần một lần trong đời là 15 - 20% dân số. Bệnh tâm thần rất phổ biến trong cộng đồng.

Trầm cảm chiếm tới 6% dân số, các rối loạn lo âu hơn 10%, tâm thần phân liệt 1%, rối loạn cảm xúc lưỡng cực chiếm 1%, nghiện rượu, ma túy, game online đang gia tăng mạnh mẽ về số lượng...

Nguyên nhân nhầm lẫn giữa Tâm thần và Thần kinh là do trước đây người bệnh 2 chuyên khoa này thường điều trị gộp chung vào một khoa gọi là khoa Tâm thần kinh. Tâm thần và Thần kinh có sự liên quan khá chặt chẽ vì tổn thương thực thể não cũng có thể dẫn đến bệnh lý tâm thần.

Từ đó mà phát sinh quan điểm sai lầm. Thực trạng hiểu lầm này vẫn rất thường gặp. Khi muốn ám chỉ ai đó có vấn đề bệnh tâm thần, nhiều người thường nói người đó “thần kinh”, dẫn đến khám chữa sai chuyên khoa.

Ngày nay với sự phát triển chuyên sâu của y học, Tâm thần và Thần kinh phát triển riêng rẽ thành 2 chuyên khoa khác nhau. Hầu hết mỗi tỉnh thành đều có ít nhất một bệnh viện chuyên khoa Tâm thần hoặc khoa tâm thần trong bệnh viện đa khoa. 

Một số biểu hiện của bệnh thần kinh và tâm thần có thể khó phân biệt. Khi nhầm lẫn, bệnh nhân sẽ tìm đến các bác sĩ thần kinh và kết quả là bệnh không được chữa khỏi. Rõ ràng, sự nhầm lẫn này dẫn đến việc thăm khám, điều trị không hiệu quả. Người bệnh phải làm nhiều xét nghiệm, chụp chiếu gây mất thời gian và tốn kém không cần thiết.

Bệnh tâm thần không chỉ là biểu hiện bất thường mà xã hội lâu nay định kiến, hình dung. Mà nó là những biểu hiện, triệu chứng xuất hiện đâu đó trong cuộc sống của mỗi người.

Lý do có thể khiến người bệnh ngại ngùng đi khám khoa Tâm thần?

  1. Không hiểu rõ về biểu hiện, triệu chứng là bệnh thần kinh hay tâm thần.
  2. Có nhiều định kiến, kỳ thị về bệnh tâm thần nên nhiều người ngại ngùng đi khám sức khỏe tâm thần.
  3. Nhiều người cho rằng bệnh tâm thần thì không chữa được. Thực tế với tiến bộ của y học, ngày nay bệnh tâm thần có thể điều trị được.
  4. Các bệnh viện tâm thần, chuyên khoa Tâm thần chưa được coi trọng đầu tư đúng mức nên chưa thu hút được bác sĩ giỏi công tác và bệnh nhân đến khám. Trong suy nghĩ của nhiều người, bệnh viện tâm thần thường được gắn với trại tâm thần hoặc trung tâm bảo trợ xã hội.
  5. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe tâm thần chưa hiểu quả, chưa nâng cao được hiểu biết của người dân về bệnh tâm thần để phòng ngừa và chữa bệnh hiệu quả.

Phân biệt bệnh Thần kinh và Tâm thần

Theo Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, trong bệnh thần kinh có tổn thương thực thể tại các phần khác nhau của hệ thần kinh như não bộ, tủy sống, dây thần kinh ngoại vi. Từ đó gây nên các bệnh Thần kinh như: đau dây thần kinh toạ, thần kinh ngoại biên, đau nửa đầu, nhức đầu kinh niên, chóng mặt, viêm não, viêm tuỷ sống, thoát vị đĩa đệm, đột quỵ ...

Trong bệnh tâm thần, các tổn hại thực thể của hệ thần kinh không rõ rệt. Tiến hành chụp chiếu, xét nghiệm thường không phát hiện tổn thương thực thể.

Biểu hiện, triệu chứng bệnh Thần kinh & bệnh Tâm thần

Triệu chứng bệnh Thần KinhTriệu chứng bệnh Tâm thần
  • Bất tỉnh
  • Bị tê bì nửa mặt
  • Căng thẳng mạn tính
  • Choáng váng
  • Chóng mặt
  • Nôn mửa 
  • Có cơn co giật, cơn động kinh 
  • Co rút tay chân
  • Đột ngột đau đầu
  • Đau đầu dữ dội, đau kéo dài 
  • Đau nửa đầu, đau nửa đầu kinh niên 
  • Đau thần kinh do zona
  • Đau thần kinh tọa
  • Giảm trí nhớ, hay quên 
  • Hôn mê
  • Lú lẫn
  • Sa sút trí tuệ
  • Tai biến nhẹ
  • Tê bì nửa người
  • Tê bì tay chân
  • Ảo giác, hoang tưởng 
  • Bi quan, buồn rầu 
  • Đập phá đồ đạc
  • Hành vi hung hăng
  • Hay tức giận
  • Hoảng hốt
  • Khó tập trung tâm trí
  • Khóc cười vô duyên
  • Kích động
  • Lo âu, lo lắng 
  • Mất tập trung
  • Nghiện ngập rượu, ma túy
  • Nhầm lẫn tư duy
  • Nói cười một mình
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Sợ hãi, sợ một mình, sợ đông người
  • Tuyệt vọng, Suy nghĩ tự sát
  • Trầm cảm
  • Xa lánh mọi người
  • Ý nghĩ kì lạ

Ða số các dấu hiệu bệnh là do rối loạn chức năng của não. Các bệnh Tâm thần phổ biến là Tâm thần phân liệt, trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn cảm xúc lưỡng cực... Mong bạn đọc cùng lưu ý để sử dụng đúng tên gọi của 2 chuyên khoa hoàn toàn khác nhau: Tâm thần khác với Thần kinh. Trường hợp không rõ ràng bệnh nhân có thể đến khám tổng quát. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn để bệnh nhân thăm khám đúng với bác sĩ chuyên khoa thần kinh hay chuyên khoa tâm thần.

Nên đi khám ở đâu

Khi nhận thấy các biểu hiện của bệnh lý thần kinh hay tâm thần, bệnh nhân (hoặc người thân) chủ động đi khám với chuyên khoa phù hợp. Tuy nhiên, trong thực tế đôi khi triệu chứng, biểu hiện không rõ ràng và không dễ để xác định là bệnh thần kinh hay tâm thần.

Một số biểu hiện của bệnh thần kinh và tâm thần có thể giống nhau rất khó để bệnh nhân phân biệt. Khi đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến của y bác sĩ trước khi đi khám hoặc tìm hiểu để hiểu thêm vấn đề của mình để đi khám đúng bác sĩ sẽ hiệu quả hơn. 

Trong nhiều trường hợp, khi biểu hiện bệnh lý không rõ ràng bệnh nhân có thể đến để được bác sĩ thăm khám tổng quát. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn để bệnh nhân thăm khám đúng với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh hay chuyên khoa Tâm thần. 

Nội dung chuyên môn bài viết trên đây được chia sẻ bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương.

Đặt lịch tư vấn với bác sĩ từ xa qua video

Bác sĩ sức khỏe tâm thần (trầm cảm, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc...) khám và tư vấn các vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần từ xa qua Video mà không cần phải đến bệnh viện.

Xem thêm

Về nhóm tác giả cẩm nang

Đội ngũ xây dựng và phát triển nội dung Cẩm Nang

Thảo Hoàng

Phát triển Sản phẩm - 10 năm kinh nghiệm

Phương Nguyễn

Biên tập viên - 7 năm kinh nghiệm

Dung Phan

Sáng tạo nội dung - 5 năm kinh nghiệm

Chương Nguyễn

Sáng tạo nội dung - 9 năm kinh nghiệm

Bài viết nội dung trên Cẩm Nang được tạo ra như thế nào

Tìm hiểu thêm

Tài liệu tham khảo

https://www.youtube.com/watch?v=tGwf7mclQiI

Bài viết có liên quan

Danh mục cẩm nang