- Xuất bản: 18/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 03/07/2024
Polyp đại tràng: Nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị - Ảnh: BookingCare
Polyp đại tràng nếu không được điều trị sớm có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như ung thư hậu môn trực tràng. Theo dõi bài viết để hiểu về nguyên nhân dẫn tới polyp đại tràng và các phương pháp điều trị bệnh.
Polyp đại tràng là một khối tế bào nhỏ hình thành trên niêm mạc đại tràng. Hầu hết các polyp đại tràng đều vô hại. Nhưng theo thời gian, một số polyp có thể phát triển thành ung thư gây nguy hiểm cho người bệnh.
Theo dõi bài viết để hiểu về nguyên nhân dẫn tới polyp đại tràng và các phương pháp điều trị bệnh.
Triệu chứng cảnh báo polyp đại tràng
Hầu hết những người bị polyp đại tràng đều không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhiều người không biết mình có polyp cho đến khi đi khám đại tràng.
Một số triệu chứng mà người bị polyp đại tràng có thể gặp:
Thay đổi thói quen đại tiện: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần có thể là dấu hiệu của một polyp đại tràng lớn hơn hoặc ung thư. Tuy nhiên, một số tình trạng khác cũng có thể gây ra những thay đổi trong thói quen đại tiện.
Thay đổi màu phân: Máu có thể xuất hiện dưới dạng các vệt đỏ trong phân hoặc làm phân có màu đen. Sự thay đổi màu sắc cần phân biệt do một số loại thực phẩm, thuốc hoặc thực phẩm bổ sung gây ra.
Thiếu máu thiếu sắt. Chảy máu do polyp có thể xảy ra ri rả theo thời gian mà không thấy máu trong phân. Chảy máu mãn tính có thể dẫn đến thiếu máu thiếu sắt, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và khó thở khi mất máu nặng.
Đau bụng: Một polyp đại tràng lớn có thể gây bán tắc ruột hay lồng ruột gây đau bụng.
Chảy máu trực tràng: Đây có thể là dấu hiệu của polyp vùng trực tràng - ống hậu môn, cũng cần phân biệt với các nguyên nhân khác như: trĩ, nứt hậu môn, hay ung thư.
Nguyên nhân gây ra polyp đại tràng
Các yếu tố có thể gây ra polyp đại tràng bao gồm:
Lớn tuổi: Hầu hết những người bị polyp đại tràng đều từ 50 tuổi trở lên.
Có tình trạng viêm đường ruột: Viêm loét đại tràng hoặc viêm ruột làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết nói chung, làm thay đổi cấu trúc niêm mạc đường ruột có thể hình thành polyp.
Yếu tố di truyền: Một người có nhiều khả năng bị polyp đại tràng hoặc ung thư nếu có cha mẹ, anh chị em mắc bệnh này.
Hút thuốc và sử dụng rượu quá mức: Các nghiên cứu cho thấy những người uống nhiều rượu có nguy cơ mắc polyp đại tràng cao hơn. Uống rượu kết hợp với hút thuốc cũng có vẻ làm tăng nguy cơ.
Béo phì và nạp nhiều chất béo: Có nguy cơ cao hơn nếu thừa cân, không tập thể dục thường xuyên và thiếu chế độ ăn uống lành mạnh.
Chẩn đoán polyp đại tràng
Các xét nghiệm, cận lâm sàng rất quan trọng trong việc tìm ra polyp trước khi chúng trở thành ung thư. Một số phương pháp như:
Xét nghiệm máu: Công thức máu toàn bộ (CBC) có thể tìm thấy bằng chứng thiếu máu do chảy máu mãn tính. Nếu trong gia đình có người mắc hội chứng đa polyp có tính di truyền, bạn đọc có thể làm xét nghiệm di truyền để tìm hiểu xem mình có mắc hội chứng hoặc đột biến gen tương tự hay không.
Xét nghiệm phân: Xét nghiệm máu ẩn trong phân sẽ tìm kiếm những dấu vết máu cực nhỏ trong phân. Các xét nghiệm khác xem xét DNA trong phân để tìm kiếm những thay đổi gợi ý bệnh ung thư.
Nội soi đại tràng: một ống nhỏ có đèn và camera được đưa vào trực tràng để quan sát đại tràng. Nếu phát hiện thấy polyp bác sĩ có thể thực hiện cắt polyp trong quá trình nội soi luôn.
Điều trị polyp đại tràng như nào?
Có nhiều phác đồ hướng dẫn điều trị polyp đại tràng.
Đối với polyp có kích thước bé hơn 1cm, bác sĩ có thể thực hiện cắt polyp trong quá trình nội soi.
Với polyp có kích thước to hơn 1cm và cách vị trí hậu môn dưới 10cm có thể được cắt bỏ qua đường hậu môn.
Với polyp có kích thước to hơn 1cm và nằm cách hậu môn trên 10cm có thể phải cắt bỏ qua đường bụng.
Cắt toàn bộ đại trực tràng: Nếu mắc một hội chứng di truyền hiếm gặp, chẳng hạn như hội chứng đa polyp có tính gia đình (FAP), có thể người bệnh cần phẫu thuật để cắt bỏ đại tràng và trực tràng. Phẫu thuật này có thể ngăn phát triển bệnh ung thư đe dọa tính mạng.
Phòng ngừa polyp đại tràng
Bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc polyp đại tràng và ung thư đại trực tràng bằng cách kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Một số thay đổi lối sống cũng có thể giúp phòng ngừa như:
Áp dụng những thói quen lành mạnh: Bao gồm bổ sung nhiều trái cây, rau và ngũ cốc trong chế độ ăn uống và giảm lượng chất béo. Hạn chế uống rượu và bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá. Duy trì hoạt động thể chất và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
Nếu có tiền sử gia đình mắc polyp đại tràng, hãy cân nhắc việc tư vấn di truyền. Nếu được chẩn đoán mắc chứng rối loạn di truyền gây ra polyp đại tràng, người bệnh sẽ cần nội soi thường xuyên bắt đầu từ sớm để theo dõi.
Polyp đại tràng nếu không được điều trị sớm có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như ung thư đại tràng.
Hy vọng bài viết này mang lại kiến thức hữu ích cho bạn đọc. Nếu có bất kỳ dấu hiệu polyp đại tràng nào người bệnh nên đến thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.