Thoái hóa cột sống cổ là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống cổ kết hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch, các dấu hiệu viêm xương khớp sẽ phát triển, bao gồm cả phát triển gai xương. Trong đó, thoái hóa cột sống cổ đoạn C5-C6-C7 là thường gặp nhất.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân thoái hóa cột sống cổ
Nguyên nhân điển hình của thoái hóa cột sống cổ là do quá trình lão hóa của cơ thể. Khi con người già đi, các cấu trúc tạo nên cột sống và đĩa đệm dần bị hao mòn, dẫn đến thoái hóa:
- Đĩa đệm mất nước: Đĩa đệm hoạt động như những miếng đệm giữa các cột sống của cột sống. Đến tuổi 40, hầu hết đĩa đệm cột sống bắt đầu khô và co lại. Tình trạng đĩa đệm bị mất nước trong một thời gian dài dẫn đến xẹp đĩa đệm, khiến cho các đốt sống sẽ va chạm với nhau nhiều hơn.
- Thoát vị đĩa đệm: Khi nhân nhầy đĩa đệm cột sống cổ thoát ra khỏi vị trí bình thường và di trú sang ống sống hoặc các lỗ liên hợp - nơi đi ra của các rễ thần kinh, dẫn đến chèn ép tủy sống và rễ thần kinh.
- Gai xương: Khi đĩa đệm thoái hóa, cơ thể có thể tăng sinh xương để củng cố xương sống, hình thành nên gai xương dọc theo các rìa xương. Những gai xương này có thể chèn ép vào tủy sống và rễ thần kinh.
- Vôi hóa dây chằng: Dây chằng là những tổ chức mô sợi nối xương với xương. Có 3 hệ thống dây chằng: dây chằng dọc trước, dây chằng dọc sau và dây chằng vàng. Các dây chằng này có thể nhiễm vôi và cứng lại theo tuổi tác, khiến cổ kém linh hoạt.
Đó cũng là lý do đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống cổ là người già từ 40 đến 50 tuổi, gồm cả nam và nữ. Thoái hóa cột sống cổ rất phổ biến và trầm trọng hơn theo tuổi tác. Hơn 85% người trên 60 tuổi bị ảnh hưởng bởi bệnh thoái hóa cột sống cổ.
Một số yếu tố tăng nguy cơ mắc thoái hóa cột sống cổ
- Nghề nghiệp: Người làm những công việc liên quan đến các chuyển động cổ lặp đi lặp lại, tư thế không thoải mái hoặc công việc trên cao gây áp lực lớn cho cổ có thể tăng nguy cơ bị thoái hóa cột sống cổ.
- Chấn thương cổ: Chấn thương cổ trước đó khiến tăng nguy cơ thoái hóa cột sống sống cổ.
- Yếu tố di truyền: Thoái hóa cột sống cổ có thể xảy ra do di truyền. Nếu trong gia đình có người mắc thì bạn cũng có thể có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống.
- Hút thuốc: Hút thuốc lá làm giảm mật độ xương và làm tăng cao nguy cơ mắc các bệnh như thoái hóa đốt sống, viêm cột sống, gai đốt sống,... Bên cạnh đó, nếu sử dụng thuốc lá trong quá trình điều trị có thể khiến quá trình điều trị và hồi phục của bệnh nhân kém hiệu quả.
- Ít vận động, luyện tập thể thao, nằm và ngồi sai tư thế trong thời gian dài cũng là một trong những lý do khiến cho đối tượng mắc các bệnh lý cột sống cổ đang dần trẻ hóa, từ 25 - 30 tuổi.
Việc hiểu nguyên nhân thoái hóa cột sống cổ là quan trọng để có kiến thức về bệnh lý này cũng như giúp ích trong việc phòng ngừa. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích cho người bệnh, người nhà.