Tìm hiểu về mô hình Bác sĩ gia đình và cách thức mô hình này hoạt động

Xuất bản: 21/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 21/12/2023
Tìm hiểu về mô hình Bác sĩ gia đình và cách thức mô hình này hoạt động
Tìm hiểu về mô hình Bác sĩ gia đình và cách thức mô hình này hoạt động - Ảnh: BookingCare
Mô hình Bác sĩ gia đình đang ngày càng được chú trọng tại nước ta. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế cấp cơ sở.

Mô hình Bác sĩ gia đình là một mô hình quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển. Mô hình Bác sĩ gia đình không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế mà còn tạo ra sự tiện lợi và hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Giới thiệu về mô hình Bác sĩ gia đình

Mô hình Bác sĩ gia đình là một hình thức chăm sóc y tế cung cấp dịch vụ y tế cơ bản và chuyên sâu cho người dân trong cộng đồng. Mô hình này tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ lâu dài và liên tục giữa bác sĩ và bệnh nhân, nhằm đảm bảo chăm sóc toàn diện và hiệu quả cho sức khỏe của người dân.

Mô hình này khá phổ biến ở nước ngoài, không chỉ có các nước phát triển mạnh như Mỹ, Anh, Pháp cùng một số nước châu Âu khác mà cũng rất mạnh ở các nước đang phát triển như Philippines, Malaysia...

Tại Việt Nam, mô hình bác sẽ gia đình cũng đang được đẩy mạnh phát triển và đã được đưa vào đề án triển khai của Bộ Y tế từ năm 2013.

Theo đề án, việc xây dựng và phát triển mạng lưới Bác sĩ gia đình sẽ được triển khai lồng ghép với mạng lưới y tế sẵn có, bao gồm: Hệ thống phòng khám thuộc các cơ sở khám chữa bệnh công lập; phòng khám Bác sĩ ga đình lồng ghép chức năng với trạm y tế xã, phường, đặc biệt là phòng khám Bác sĩ ga đình tư nhân để quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình.

Mô hình phòng khám Bác sĩ gia đình đóng vai trò là cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời là cơ sở đầu tiên trong mạng lưới chuyển tuyến của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh tới bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện khi có yêu cầu về chuyên môn.

Bác sĩ gia đình khám bệnh tại nhà cho người bệnh - Ảnh: Freepik
Bác sĩ gia đình khám bệnh tại nhà cho người bệnh - Ảnh: Freepik

Cách thức hoạt động của Bác sĩ gia đình

Trong mô hình Bác sĩ gia đình, các bác sĩ đa khoa được đào tạo chuyên sâu về y học gia đình sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho một nhóm dân cư nhất định. Bác sĩ gia đình sẽ là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân khi họ có vấn đề về sức khỏe, và sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cho bệnh nhân trong suốt quá trình bệnh tật, bao gồm cả việc phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh, điều trị bệnh, và theo dõi sau điều trị. 

Các công việc chính của Bác sĩ gia đình bao gồm:

  • Theo dõi sức khỏe: Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ theo dõi liên tục sức khỏe của các thành viên trong gia đình, bao gồm các chỉ số sức khỏe như huyết áp, đường huyết, nhịp tim và các chỉ số khác để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát
  • Chẩn đoán và điều trị: Bác sĩ gia đình có khả năng chẩn đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe thường gặp như cảm lạnh, viêm họng, tiêu chảy, đau bụng và các vấn đề khác. Họ cũng có thể kê đơn thuốc và cung cấp các phương pháp điều trị cần thiết.
  • Sàng lọc và phát hiện sớm bệnh: Bác sĩ gia đình thực hiện các sàng lọc để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, bệnh ung thư,... của các thành viên trong gia đình
  • Tư vấn về sức khỏe và phòng ngừa bệnh: Bác sĩ gia đình cung cấp tư vấn về sức khỏe và giúp các thành viên trong gia đình hiểu rõ về các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Bác sĩ cũng đưa ra các khuyến nghị về lối sống lành mạnh, dinh dưỡng và các biện pháp phòng ngừa bệnh

Bạn đọc có nhu cầu có thể đến các bệnh viện, phòng khám có cung cấp mô hình Bác sĩ gia đình hoặc sử dụng dịch vụ Bác sĩ gia đình khám chữa bệnh tại nhà để thuận tiện, tiết kiệm thời gian đi lại.

Lợi ích của mô hình Bác sĩ gia đình

Mô hình Bác sĩ gia đình nếu được áp dụng một cách hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ với người bệnh mà toàn bộ hệ thống y tế.

Lợi ích của Bác sĩ gia đình đối với người bệnh

  • Cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe: Bác sĩ gia đình có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, giúp người bệnh được chăm sóc tốt hơn, giảm nguy cơ nhập viện
  • Cá nhân hóa kế hoạch chăm sóc sức khỏe: Thông qua việc nắm được tiền sử, lối sống, công việc của từng thành viên trong gia đình, bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên cũng như kế hoạch chăm sóc, cải thiện sức khỏe cho từng cá nhân
  • Giảm thiểu chi phí chăm sóc, điều trị sức khỏe: Việc kịp thời phát hiện các vấn đề về sức khỏe và dự phòng các bệnh nguy hiểm sẽ giúp tiết kiệm chi phí điều trị về sau

Lợi ích của Bác sĩ gia đình đối với hệ thống y tế

  • Giảm tải cho bệnh viện: Bác sĩ gia đình có thể giải quyết được nhiều vấn đề sức khỏe ban đầu, giúp giảm tải cho bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trên.
  • Tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực y tế: Bác sĩ gia đình có thể phối hợp với các chuyên gia y tế khác để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn.

Tóm lại, mô hình Bác sĩ gia đình là cầu nối quan trọng giữa người dân và hệ thống y tế. Việc áp dụng mô hình này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn giúp giảm áp lực cho các cơ sở y tế cấp cơ sở.