Triệu chứng, biến chứng viêm âm đạo? Lưu ý khi dùng kháng sinh

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 20/08/2020 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023

Viêm âm đạo là tình trạng ngứa, ra khí hư đặc có mùi hôi và đau đớn khi quan hệ tình dục. Bệnh gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống tình dục và khả năng sinh sản của phụ nữ. Nếu không điều trị dứt điểm, viêm âm đạo có thể gây viêm cổ tử cung, vô sinh...

Viêm âm đạo là một viêm nhiễm phụ khoa thường gặp ở phụ nữ
Viêm âm đạo là một viêm nhiễm phụ khoa thường gặp ở phụ nữ - Ảnh: Vinmec

Viêm âm đạo là một trong những bệnh Sản phụ khoa phổ biến mà chị em gặp phải, gây ra nhiều phiền toái và đặc biệt ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Rất nhiều chị em khổ sở điều trị viêm âm đạo bằng nhiều cách, nhiều nơi nhưng bệnh vẫn cứ dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần. 

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo 

Tham khảo ngay một số triệu chứng và dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo sau đây: 

Khí hư 

Dịch tiết âm đạo bình thường có màu trắng trong, không có mùi hoặc hơi tanh. Khi bị viêm âm đạo, khí hư sẽ có những thay đổi bất thường:

  • Viêm âm đạo do nấm Candida: khí hư màu trắng sánh đặc như bã đậu hoặc lợn cợn như sữa chua
  • Viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas: khí hư sẽ có màu xanh nhạt, loãng, có bọt
  • Viêm âm đạo do tạp khuẩn: khí hư có màu trắng xám, hơi loãng, mùi rất hôi và tanh.

Mùi khó chịu

  • Khi bị viêm nhiễm, vùng kín thường sẽ có mùi
  • Mùi sẽ nặng hơn bởi sau khi quan hệ tình dục, vì một lượng vi khuẩn khác sẽ xâm nhập từ bên ngoài vào âm đạo, càng làm tăng sự mất cân bằng bên trong.

Ngứa, rát

  • Lúc đầu, vùng kín sẽ bị ngứa nhẹ, đôi khi bị ngứa nhưng chỉ thời gian ngắn
  • Sau đó, ngứa thường xuyên hơn và rát, gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày cũng như chuyện chăn gối. 

Nóng rát, xót khi đi tiểu

  • Đây có thể là triệu chứng viêm âm đạo do trùng roi hoặc nấm Candida
  • Khi bị ngứa do viêm âm đạo, bạn sẽ thường gãi để giảm cơn ngứa và khi dùng tay gãi như vậy gây viêm nhiễm nặng hơn, khiến âm hộ có cảm giác bứt rứt, khó chịu
  • Gãi sẽ gây tổn thương, xước, lở loét và khiến xót, buốt khi đi tiểu. 

Âm đạo viêm đỏ, dễ chảy máu

Các vi khuẩn có hại sẽ tấn công mạnh khi bị viêm, với sự kích thích của dịch viêm, vùng da ở âm đạo sẽ có màu đỏ, dễ bị sưng.

Khi có các triệu chứng viêm âm đạo trên, bạn nên đi khám Sản phụ khoa để được thăm khám và tư vấn điều trị sớm. Nếu chưa sắp xếp được thời gian đi khám, có thể tư vấn online với bác sĩ để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị tại nhà.

Viêm âm đạo có ảnh hưởng gì không?

Nếu để viêm âm đạo kéo dài, dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần sẽ gây ra rất nhiều hậu quả đối với chị em phụ nữ: 

  • Ngại "yêu", lâu dần dẫn tới giảm khoái cảm và giảm nhu cầu sinh dục, ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng, hạnh phúc gia đình.
  • Dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm sâu các bộ phận bên trong, gây viêm dính tắc vòi trứng và buồng tử cung dẫn tới vô sinh, khó thụ thai.
  • Có thể ảnh hưởng đến thai kỳ:
    • Trường hợp xảy ra sớm gọi là tai biến sản khoa, hoặc chửa ngoài tử cung, dễ sảy thai, sinh non
    • Trường hợp xảy ra muộn thì thai kém phát triển do hiện tượng viêm màng ối, thiểu ối, đa ối…
  • Ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh đẻ, sau khi đẻ sẽ gây ra nhiễm khuẩn hậu sản, nặng hơn là nhiễm trùng tử cung, viêm khúc mạc khi đẻ.
  • Có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ sinh ra, dễ mắc các chứng như tưa lưỡi, viêm tuyến lệ, viêm giác mạc… do lúc sinh, trẻ đi qua đường âm đạo của người mẹ có nhiễm khuẩn, nấm, virus.
Viêm âm đạo
Viêm âm đạo thường do vi khuẩn, nấm - Ảnh: Drugs.com 

Xem thêm 

Sai lầm trong điều trị viêm âm đạo

Nhiều người không chỉ bị viêm âm đạo tấn công một lần mà rất nhiều lần, thường xuyên tái đi tái lại gây nhiều phiền toái. Trong số các nguyên nhân gây viêm âm đạo thì có 5 nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh dai dẳng, thường xuyên tái phát:

  • Dùng thuốc kháng sinh lâu dài hoặc lạm dụng: Trong quá trình diệt các tác nhân gây bệnh, kháng sinh (thuốc đặt, thuốc uống) vô tình diệt luôn cả vi khuẩn có lợi nếu dùng lâu dài hoặc lạm dụng.
  • Lây từ chồng, bạn tình: Viêm âm đạo do nấm, Chlamydia hay do trùng roi là những dạng có thể lây qua đường quan hệ tình dục.
  • Vệ sinh không đúng cách: Dù là đã được chữa trị nhưng viêm âm đạo sẽ dễ bùng phát trở lại nếu khâu vệ sinh bị xem thường, vệ sinh không đúng cách hoặc quá kỹ.
  • Suy giảm miễn dịch, rối loạn miễn dịch: Cơ thể bị suy giảm hoặc rối loạn hệ miễn dịch, sức đề kháng kém sẽ là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển, vi khuẩn có hại lấn át vi khuẩn có lợi khiến viêm âm đạo tiếp tục bùng phát trở lại.
  • Điều trị không đúng cách: Tự điều trị tại nhà hoặc điều trị theo sự mách bảo của người khác, không tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa. 

Phương pháp điều trị viêm âm đạo

Điều trị viêm âm đạo chủ yếu là dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc điều trị viêm âm đạo, đặc trị theo từng tác nhân gây bệnh, trong đó có kháng sinh đường uống và kháng sinh đặt tại chỗ.

Điều trị bằng kháng sinh cần có sự kê đơn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Một số người thường tự ý mua kháng sinh về dùng hoặc nếu có đi khám thì lại dùng không đúng theo liều, lượng của đơn khiến bệnh khó khỏi, thậm chí bệnh nghiêm trọng hơn. 

Với những bệnh nhân mà tác nhân gây bệnh là trùng roi âm đạo, nấm và các vi khuẩn lây qua đường tình dục khác… thì cần kết hợp điều trị cho cả chồng (bạn tình) để điều trị bệnh hiệu quả và triệt để.

Để có kết quả điều trị tốt nhất, trong thời gian điều trị nên hạn chế quan hệ tình dục, vệ sinh vùng kín thường xuyên và đúng cách.

Nên sử dụng sản phẩm vệ sinh vùng kín có pH= (4 - 6),nên chứa nano bạc và tinh chất chè xanh dùng cả trong và sau khi điều trị viêm nhiễm

Lưu ý khi dùng kháng sinh điều trị viêm âm đạo

Kháng sinh là một phương pháp điều trị viêm âm đạo phổ biến, có tác dụng khá nhanh song đây được mệnh danh là “con dao hai lưỡi”.

Khi điều trị bằng kháng sinh cũng cần lưu ý là không nên dùng lâu dài. Không nên lạm dụng bởi trong kháng sinh thường diệt vi khuẩn có hại và vô tình diệt luôn cả vi khuẩn có lợi, càng dễ gây mất cân bằng môi trường âm đạo khiến bệnh dễ tái phát.

Việc điều trị viêm âm đạo bên cạnh việc sử dụng kháng sinh để điều trị các tác nhân gây bệnh thì cần đặc biệt chú ý tạo lập cân bằng pH âm đạo để tránh tái nhiễm. Ngoài ra, nếu bạn chuẩn bị đi khám viêm âm đạo, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không nên tự rửa âm đạo trước khi đi đến phòng khám vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm.
  • Một số bác sĩ sẽ yêu cầu bạn không quan hệ tình dục trong 24 - 48 giờ trước khi thăm khám.
  • Tốt hơn là bạn nên gặp bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc không kê đơn, kể cả khi bạn biết khá rõ tình trạng của mình. 

Nếu chưa sắp xếp đi khám được, bạn nên tư vấn online với bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa trước để bác sĩ chỉ định liều dùng kháng sinh cho phù hợp. 

Hướng dẫn vệ sinh âm đạo khi bị viêm 

Bên cạnh việc điều trị viêm âm đạo bằng thuốc, việc giữ gìn vệ sinh trong giai đoạn viêm nhiễm cũng rất quan trọng. Bạn có thể áp dụng một số cách sau: 

Lá trầu không

  • Sử dụng lá trầu không để ngâm, rửa vùng kín là bài thuốc phổ biến và hiệu quả
  • Lá trầu không có hoạt tính kháng khuẩn, giúp giảm viêm nhiễm khá tốt
  • Tuy nhiên, với tính sát khuẩn, lá trầu không sẽ dễ làm khô da và niêm mạc nếu dùng lâu dài

Lá chè xanh (trà xanh)

  • Lá chè xanh có tác dụng sát khuẩn, làm khô và vệ sinh vùng kín
  • Tuy nhiên dễ gây khô, không nên sử dụng thường xuyên
  • Hiệu quả không cao bằng lá trầu

Ngải cứu

  • Lấy ngải cứu cho vào nồi đun đến khi sôi rồi dùng nước xông hơi ở vùng viêm nhiễm ngứa
  • Sau đó rửa kỹ vùng đó ngày 1 – 2 lần
  • Cách này cũng không nên làm thường xuyên

Tư vấn viêm âm đạo online với bác sĩ giỏi

Trong giai đoạn tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay, việc đi khám tại các bệnh viện, phòng khám đông người khiến người bệnh bất an. Thì tư vấn online với bác sĩ là một giải pháp thật sự hiệu quả. 

Đặc biệt với viêm âm đạo, đây là bệnh không quá phức tạp để chẩn đoán. Qua tư vấn online, bác sĩ có thể nắm được tình hình và định hướng điều trị tại nhà cho bệnh nhân, sẽ hạn chế tiếp xúc nơi đông người. 

Bạn chỉ cần tải app BookingCare (tải app tại đây: https://bookingcare.vn/app)và đặt lịch khám với bác sĩ Sản phụ khoa online để nhận cuộc gọi tư vấn từ bác sĩ. App có tính năng trao đổi hình ảnh, bác sĩ có thể kê đơn, viết giấy chỉ đinh và chụp ảnh gửi qua cho bệnh nhân. 

 
 
Tài liệu tham khảo
1. https://suckhoedoisong.vn/5-trieu-chung-to-cao-benh-viem-am-dao-khong-the-bo-qua-n125754.html
2. https://yhoccongdong.com/thongtin/viem-am-dao-nhiem-trung-am-dao/
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/