Viêm da mủ có nguy hiểm không? Có chữa được không?

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 07/11/2020 - Cập nhật lần cuối: 01/10/2023

Viêm da mủ làm hình thành các ổ viêm chứa dịch, gây đau nhức, ngứa rát. Căn bệnh này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới hoại tử da gây lở loét và lan rộng rất nguy hiểm.

Viêm da mủ
Viêm da mủ - Ảnh: Vinmec

Bệnh viêm da mủ là một dạng của bệnh viêm da cơ địa. Thường gặp phải vào mùa hè nóng bức khi da chảy nhiều mồ hôi, ẩm ướt dẫn đến dễ bị nhiễm khuẩn. Bệnh cần được chữa trị hiệu quả kịp thời để tránh phát triển thành mãn tính.

Dưới đây là một số kiến thức về bệnh viêm da mủ, nếu có triệu chứng của bệnh, bạn cần thăm khám bác sĩ da liễu sớm.

Viêm da mủ là gì?

Viêm da mủ hay còn gọi là nhiễm trùng da, là tình trạng trên da xuất hiện những mụn mủ, tập trung nhiều nhất là ở những vùng da nhiều lông và nhiều mồ hôi, ở các nếp kẽ, lỗ chân lông.

Nguyên nhân gây viêm da mủ 

Bình thường, trên da của chúng ta có nhiều loại tạp khuẩn, nhiều nhất là tụ cầu và liên cầu. Chúng bám nhiều nhất ở những vùng nhiều lông và nhiều mồ hôi như nách, bẹn, các nếp kẽ, lỗ chân lông.

Khi có điều kiện thuận lợi như ra nhiều mồ hôi do lao động, tập luyện, đi lại, cơ thể suy yếu, vệ sinh kém, ngứa gãi, xây xát da,… thì tạp khuẩn trên da tăng sinh, tăng độc tố gây nên bệnh ngoài da gọi là viêm da mủ.

Nguyên nhân viêm da mủ được phân làm 2 loại:

Do liên cầu (streptigo)Do tụ cầu (streptigo)
  • Chốc lây (impetigo)
  • Chốc mép (perleche)
  • Hăm kẽ (intertrigo)
  • Chốc loét (ecthyma)
  • Viêm quầng (erysipelas)
  • Viêm nang lông (folliculiti)
  • Đinh nhọt (furuncle)
  • Hậu bổi (carbuncle, anthrax)
  • Nhọt ổ gà (hidradenitis)

Viêm da mủ do tụ cầu

Tụ cầu thường gây tổn thương viêm nang lông, biểu hiện bằng những mụn mủ ăn khớp với lỗ chân lông, rải rác hoặc thành cụm ở bất cứ vùng da nào trừ lòng bàn tay, bàn chân.

Có những thể bệnh chính sau:

Viêm nang lông nông

Viêm tại vị trí nông, ở đầu lỗ chân lông. Ban đầu lỗ chân lông hơi sưng đỏ, có cảm giác đau, sau đó hình thành mụn mủ nhỏ, xung quanh chân lông có quầng viêm hẹp.

Vài ngày sau, các nốt mụn mủ khô và để lại một vảy tiết màu nâu sẫm. Sau cùng, vảy bong tróc đi và không để lại sẹo.

Viêm nang lông sâu

Xung quanh nang lông bị sưng tấy nhiều cụm, quanh lỗ chân lông có mụn mủ. Mụn mủ có thể mọc rải rác hoặc tập trung thành đám, màu đỏ, cứng cộm, gồ ghề, khi nặn sẽ ra mủ. 

Viêm nang lông sâu thường tập trung ở vùng cằm, gáy, vùng da đầu... thường tiến triển dai dẳng, hay tái phát.

Đinh nhọt

Đây cũng là một trong những tình trạng viêm nang lông. Nếu nhọt to, mọc nhiều, có thể kèm theo sốt, hạch bạch huyết lân cận sưng đau.

  • Nhọt mọc ở lỗ tai thường rất đau, dân gian còn gọi tên là “đằng đằng”.
  • Nhọt ở quanh miệng còn được gọi là “đinh râu”, rất nguy hiểm vì có thể gây tắc tĩnh mạch, nhiễm khuẩn huyết dễ gây tử vong.
  • Nhọt đinh gặp ở gáy, lưng, mông do tụ cầu vàng có độc tính rất cao, thường gặp ở người già yếu, người nghiện rượu, đái tháo đường, ăn uống kém.

Nhọt ổ gà

Đây cũng là một viêm nang lông, kèm theo viêm tuyến mồ hôi, tuyến bã ở vùng nách, tạo thành một túi mủ sâu ở bì và hạ bì.

Tổn thương nổi thành cục, thường ở vùng nách, ban đầu nhọt cứng sau mềm dần, vỡ mủ. Có thể có một hoặc nhiều nhọt ổ gà trong một hố nách. Bệnh thường tiến triển dai dẳng, hay tái phát, nhất là về mùa hè.

Viêm da mủ do liên cầu

Giống như tụ cầu, liên cầu cũng là một loại vi khuẩn có mặt trên da, khi gặp các điều kiện thuận lợi, chúng sinh sôi nhanh và gây bệnh. Mặt khác, liên cầu từ môi trường như nước bẩn có thể xâm nhập vào da và gây bệnh. Viêm da do liên cầu có nhiều thể bệnh:

Chốc

Trong bệnh chốc, liên cầu thường phối hợp với tụ cầu gây bệnh, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhiều hơn người lớn. Bệnh hay gặp ở đầu, cổ, mặt, các chi, từ đó lan ra các nơi khác, rất dễ lây nên còn gọi là chốc lây.

Tổn thương bắt đầu bằng một bọng nước nhỏ, hình tròn, có quầng viêm đỏ. Lúc đầu nước trong, dần dần thành mủ đục.

Giai đoạn bọng nước và bọng mủ rất ngắn, sau đó đóng vảy tiết vàng, dưới lớp vảy là một lớp trợt đỏ, nông, không cộm.

Trẻ em bị chốc đầu thành từng đám, vảy vàng sẫm, dính bết tóc, dưới lớp vảy da trợt đỏ, rớm nước.

Tổn thương chốc rải rác toàn thân, có thể kèm theo sốt, biến chứng viêm cầu thận cấp, phù nề cẳng chân, mi mắt do viêm cầu thận.

Chốc loét

Đây là thể chốc tổn thương lan sâu đến phần trung bì, thường ở chi dưới, nhất là ở chi có giãn tĩnh mạch.

Bệnh thường gặp ở bệnh nhân thiếu dinh dưỡng, vệ sinh kém, có bệnh tiểu đường hoặc nghiện rượu.

Khởi đầu là bọng nước hoặc bọng mủ, sau đó bọng mủ vỡ, đóng vảy dày màu vàng sẫm hoặc nâu đen, có vảy thành nhiều lớp đùn cao lên gọi là vảy ốc. Bóc vảy để lại một vết loét nền tái, rớm mủ, ít nụ thịt, da xung quanh vết loét tái tím, tiến triển dai dẳng, khó lành.

Nếu chốc loét nặng lâu ngày có thể thành loét sâu: loét có ranh giới rõ, hình bầu dục, loét rộng và sâu, tổ chức da xung quanh xơ cứng, màu tái, diễn biến rất dai dẳng.

Hăm kẽ

Hăm kẽ là bệnh hay gặp ở trẻ em mập hoặc người béo, ra mồ hôi nhiều. Tổn thương hay gặp ở nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, rốn, các ngấn da. Nếp kẽ đỏ, rớm dịch, phía ngoài có viền da mỏng, loét chảy nước, chảy mủ rất đau rát.

Chốc mép

Chốc mép hay gặp ở trẻ em, hai kẽ mép bị nứt, rớm dịch, đóng vảy vàng, đau rát, dễ chảy máu gây khó chịu khi ăn, uống.

Có thể lây do uống chung cốc, dùng chung khăn mặt. 

Bệnh chốc mép - Ảnh: Sức khỏe & Đời sống
Bệnh chốc mép - Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Viêm quầng

Đây là bệnh nhiễm khuẩn da và dưới da do chủng Streptococcus pyogenes độc tố cao. Bệnh có thể gây tử vong kể cả khi điều trị tại bệnh viện.

Đặc biệt bệnh thường nặng ở trẻ sơ sinh, người già hoặc bệnh nhân có kèm bệnh khác. Thời gian ủ bệnh 2 – 5 ngày.

Triệu chứng khởi phát của bệnh viêm quầng là sốt cao đột ngột, co giật ở trẻ em, đau đầu, sốt rét và nôn.

Da tại vùng bị bệnh cảm thấy căng, ngày thứ hai sẽ thấy đỏ, phù, bóng. Đám viêm quầng màu đỏ tươi, từ vài cm đến hàng chục cm, hơi cao hơn mặt da, ranh giới rõ, có bờ nhô cao, bóp vào rất đau.

Biến chứng của bệnh là viêm nội tâm mạc, viêm khớp, màng não. Ở trẻ em, tỷ lệ tử vong 50% nếu có biến chứng. 

Viêm da mủ có nguy hiểm không? Có chữa được không?

Viêm da mủ thường gặp phổ biến, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe với những người có sức đề kháng tốt, sức khỏe ổn định, được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, những tổn thương do viêm da mủ có thể chuyển biến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm như:

  • Viêm cầu thận cấp
  • Nhiễm trùng huyết
  • Viêm não

Phần lớn các trường hợp viêm da mụn mủ đều có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện và điều trị từ sớm, khi bệnh mới khởi phát ở mức độ nhẹ. Sau khoảng 5-7 ngày điều trị, tổn thương da sẽ nhanh chóng hồi phục, bề mặt da khô lại, tróc vảy.

Tuy nhiên, với những trường hợp bị viêm da mủ là người cao tuổi, trẻ sơ sinh, bệnh nhân có bệnh lý nền trong người cần hết sức chú ý vì ở những đối tượng này bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.

Vì vậy, người bệnh cần khám da liễu và điều trị bệnh ngay khi phát hiện triệu chứng viêm da mủ đầu tiên.

Lời khuyên của bác sĩ da liễu

Để phòng ngừa các bệnh ngoài da thường gặp trong mùa hè nói chung và bệnh viêm da mủ nói riêng, bạn cần:

  • Vệ sinh môi trường sống và thân thể sạch sẽ, không để mồ hôi đọng lại trên người quá lâu, là cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi.
  • Không nên ăn quá nhiều đồ nóng có hàm lượng đường cao.
  • Nên sử dụng các loại thực phẩm và rau xanh có tính giải nhiệt.
  • Tăng cường bổ sung vitamin, chế độ ăn nhiều đạm giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Với trẻ nhỏ nên tắm bằng nước chè tươi, sài đất, mướp đắng... có tác dụng mát da khử khuẩn và phòng viêm da mủ rất hiệu quả.

Giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh viêm da mủ - Ảnh: Pinterest
Giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh viêm da mủ - Ảnh: Pinterest

Khi có những triệu chứng của bệnh, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để thăm khám và điều trị sớm để phòng biến chứng như viêm cầu thận, nhiễm khuẩn huyết...

Nếu chưa thể sắp xếp thời gian đến phòng khám ngay, bạn có thể đặt lịch thăm khám với bác sĩ da liễu từ xa qua video của BookingCare. Tùy từng dạng viêm da mủ mà bác sĩ sẽ cho bạn phác đồ điều trị phù hợp.

Bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý những điều sau để tránh bệnh nặng thêm:

  • Không tự ý dùng kháng sinh, thuốc bôi, dán cao, đắp lá...
  • Không được gãi cào làm xước vùng da bị viêm, không chích nặn những mụn đang viêm tấy, chưa hóa mủ...
 
 
Tài liệu tham khảo
1. https://suckhoedoisong.vn/viem-da-mu-do-tu-cau-khuan-n98888.html
2. https://suckhoedoisong.vn/viem-da-mu-do-lien-cau-khuan-n98890.html
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/