Bệnh chốc là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh chốc
Bệnh chốc là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh chốc
Bệnh chốc
Bệnh chốc là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh chốc - Ảnh: BookingCare

Bệnh chốc là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh chốc

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 19/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Bệnh chốc là căn bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể lây lan nên bố mẹ cần hết sức lưu ý để biết cách phòng bệnh cũng như điều trị, chăm sóc cho con đúng cách nếu như bé không may mắc phải.

Chốc là tình trạng nhiễm trùng nông cấp tính thường gặp trên da. Ai cũng có thể mắc bệnh chốc, nhưng nhiều nhất là ở trẻ em từ 2-5 tuổi. Bệnh có thể gây các biến chứng tại chỗ và toàn thân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Chốc là bệnh gì?

Bệnh chốc (impetigo) là một nhiễm khuẩn nông thường gặp ở da, đặc trưng bởi bọng nước nông mọc rải rác, nhanh chóng hóa mủ, dập vỡ và các vết trợt đóng vảy tiết màu mật ong.

Thuật ngữ chốc hóa (Impetiginization ) được dùng để chỉ các nhiễm trùng nông thứ phát sau một vết thương hoặc một tổn thương da nhất định. Khi thương tổn loét sâu được gọi là chốc loét (ecthyma).

Bệnh chốc có thể lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da của người bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng như khăn, quần áo. Chốc lây ở trẻ em thường bắt đầu bằng những bọng nước nhỏ rải rác trên da rồi từ từ lan rộng ra toàn bộ cơ thể.

Chốc tưởng chừng là căn bệnh ngoài da đơn giản nhưng nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời thì sẽ rất dễ gặp các biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Nguyên nhân bệnh chốc

Nguyên nhân gây bệnh chốc là vi khuẩn tụ cầu vàng và/hoặc liên cầu. Bệnh chốc được phân loại thành 3 nhóm chính là:

  • Chốc không có bọng nước: thường gây ra bởi liên cầu tan huyết beta nhóm A hoặc tụ cầu thông qua sự xâm nhập vào các vết thương nhỏ trên da.
  • Chốc bọng nước thường do độc tố bong da của tụ cầu (exfoliatin A-B) tác động vào cầu nối desmoglein 1 của các tế bào gai ở thượng bì, làm bóc tách lớp nông của thượng bì, tạo hình ảnh giống pemphigus vảy lá.
  • Chốc loét: thường do liên cầu nhưng có thể phối hợp với tụ cầu vàng, hay xảy ra trên cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, người mắc bệnh mạn tính.

Bệnh chốc là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em, các bé trai có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái. Ở người lớn, chốc thường gặp ở những người có hệ miễn dịch kém.

Bệnh chốc hay gặp vào mùa hè, phổ biến ở các nước đang phát triển, điều kiện sống thiếu vệ sinh, dân cư đông. Chốc thường xuất hiện sau một số bệnh da như viêm da cơ địa, ghẻ, thủy đậu, vết đốt do côn trùng, bỏng nhiệt, chàm.

Dấu hiệu bệnh chốc

Dấu hiệu bệnh chốc

Tùy loại chốc mà bệnh nhân có thể nhận thấy những dấu hiệu khác nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, nổi hạch.

Nếu không điều trị gì, một số bệnh nhân có thể tự lành sau 2-4 tuần mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, đa phần tổn thương sẽ lan rộng ra các vùng khác do tự lây nhiễm, do cào gãi.

Bất kỳ vùng da nào trên cơ thể đều có thể bị chốc nhưng mặt, tay chân là vị trí thường gặp nhất. Ngoài ra, chốc cũng có thể xuất hiện ở thân mình.

Chốc không bọng nước

  • Bệnh thường bắt đầu là một dát hồng, tiến triển thành mụn nước nhỏ < 2cm hóa mủ nhanh, mau chóng dập vỡ để lại các vết trợt, sau đó đóng vảy tiết màu vàng mật ong.
  • Khi vảy tiết bong ra để lại nền da đỏ ướt, khi lành để lại vết thâm.
  • Thương tổn có thể ngứa nhẹ hoặc không có triệu chứng.
  • Hạch ngoại vi có thể sưng to nếu tổn thương lan rộng. Bệnh nhân thường có vết thương ngoài da, côn trùng đốt, ghẻ, thủy đậu, viêm da cơ địa… trước đó tại vị trí bị chốc.

Chốc có bọng nước

  • Bắt đầu với bọng nước nông, vỏ mỏng, dễ vỡ, kích thước lớn, chứa dịch vàng trong, sau chuyển sang vàng đậm, vỡ trong 1 đến 3 ngày, để lại viền da mỏng xung quanh dát đỏ ẩm ướt, khi lành không có sẹo.
  • Xung quanh bọng nước có thể có quầng đỏ hoặc không.

Chốc có bọng nước thường gặp ở mặt, thân mình, các chi, mông, sau đó lan ra các vị trí khác do tự lây nhiễm. Khác với chốc không bọng nước, chốc bọng nước ít lây lan hơn nên thường chỉ có vài tổn thương

Chốc loét

Về cơ bản, chốc loét có biểu hiện ban đầu giống như chốc không bọng nước nhưng tiến triển thành những vết loét hoại tử lõm giữa, chậm lành, để lại sẹo.

Bệnh chốc ở trẻ em
Hình ảnh bệnh chốc không bọng nước ở trẻ nhỏ - Ảnh: BV Da liễu Trung ương

Chốc có nguy hiểm không?

Tuy là bệnh ngoài da nhưng chốc có thể để lại nhiều biến chứng ảnh hưởng tới toàn trạng của trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời. Chốc gây ra các biến chứng như:

  • Hội chứng bong vảy da do tụ cầu
  • Viêm phổi do tụ cầu
  • Nhiễm trùng máu
  • Vảy nến thể giọt
  • Viêm quầng
  • Viêm mô bào
  • Viêm cầu thận cấp

Chẩn đoán bệnh chốc

Bệnh chốc chủ yếu được chẩn đoán bằng quan sát triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm cận lâm sàng được áp dụng là:

  • Nhuộm Gram dịch hoặc mủ tại tổn thương thấy cầu khuẩn Gram dương xếp thành chuỗi hoặc từng đám, kèm theo là bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Nuôi cấy dịch hoặc mủ xác định chủng gây bệnh và làm kháng sinh đồ giúp điều trị những trường hợp khó.

Bệnh chốc đôi khi cũng có thể có những hình ảnh lâm sàng gần giống với các bệnh lý da liễu khác như nấm da (rất dễ nhầm trong trường hợp chốc không có bọng nước), thủy đậu, herpes, zona,.... Vì vậy để xác định chính xác bệnh thì việc thăm khám với bác sĩ Da liễu là rất cần thiết.

Phương pháp điều trị bệnh chốc

Mục đích chính của các thuốc bôi điều trị bệnh chốc là giảm các triệu chứng khó chịu, cải thiện tình trạng viêm, sưng nề và sát khuẩn, hạn chế nhiễm trùng. Các loại thuốc bôi phổ biến cho chốc lở bao gồm thuốc sát trùng, thuốc mỡ kháng sinh,...

Bên cạnh thuốc bôi ngoài da, bệnh nhân có thể cần sử dụng cả thuốc uống để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh chốc, như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt...

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc điều trị chốc (nhất là thuốc đường uống) cần có sự chỉ định và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, đặc biệt là với trẻ em và phụ nữ có thai, cho con bú để tránh tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ngoài ra, cần phải có một liệu trình điều trị hợp lý, khoa học để đảm bảo thuốc không gây ra các tác dụng phụ cũng như làm phát sinh các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc.

Chăm sóc trẻ nhỏ bị chốc tại nhà

 

Bên cạnh việc tuân thủ chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, phụ huynh nên lưu ý cách chăm sóc tại nhà. Việc này sẽ giúp bệnh chốc ở trẻ nhanh lành hơn và ngăn ngừa lây lan nhiễm trùng:

  • Che chắn vết chốc lại để giúp cho các chất dịch từ bọng nước (có chứa vi khuẩn) không thể lây lan sang các phần khác của cơ thể và lây sang người thường xuyên tiếp xúc với người bệnh.
  • Cho trẻ mặc quần áo vừa vặn, thoải mái, thoáng mát, chất liệu mềm mại, thấm hút tốt. Thay quần áo sạch sẽ hàng ngày.
  • Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ để vi khuẩn không tập trung dưới móng, đồng thời hạn chế tổn thương da và gây vỡ bọng nước khi trẻ gãi.
  • Hạn chế mặc tã cho trẻ nhỏ.
  • Thường xuyên rửa tay cho trẻ với chất diệt khuẩn an toàn để ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn liên cầu và tụ cầu.
  • Vệ sinh vết loét một lần mỗi ngày với nước muối sinh lý.
  • Giặt riêng đồ của trẻ và hạn chế cho trẻ ra ngoài, nên để trẻ nghỉ học cho tới khi vảy tiết đã khô, không còn khả năng lây bệnh.

Phòng tránh bệnh chốc

Để phòng ngừa bệnh chốc cũng như tránh để bệnh lây lan rộng rãi trong cộng đồng, người bệnh cần lưu ý:

  • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh, đặc biệt là những vùng da bị tổn thương.
  • Mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi tốt, đặc biệt là vào mùa hè.
  • Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và nơi vui chơi của trẻ, tránh bụi bẩn, tránh chơi gần các vật cứng nhọn và gần nơi vật nuôi, tránh côn trùng đốt.
  • Uống đủ nước và ăn nhiều trái cây, rau xanh, chế độ ăn uống khoa học, đủ chất dinh dưỡng.
  • Hạn chế đến những nơi thiếu ánh sáng, mặc đồ tối màu vì dễ bị côn trùng đốt.
  • Nên sớm thăm khám với bác sĩ Da liễu khi có dấu hiệu nghi ngờ để tránh bệnh lây lan rộng và gây biến chứng

Như vậy, trên đây là những thông tin cần biết về bệnh chốc. Hy vọng bài viết đã cung cấp những kiến thức hữu ích và thiết thực cho bạn đọc.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare