Nguyên nhân gây bệnh vảy nến? Vảy nến có lây không?
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến - Ảnh: BookingCare

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến? Vảy nến có lây không?

Tác giả: - Xuất bản: 22/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Bệnh vảy nến không chỉ gây ra tình trạng mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới tâm lý của người bệnh, gây ra một vòng bệnh lý luẩn quẩn. Vì vậy, việc điều trị vảy nến được rất nhiều nhiều người quan tâm và tìm hiểu.

Bệnh vảy nến kéo dài mãn tính và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều trị sớm có thể giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng bệnh và ngăn bệnh bùng phát.

Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến (psoriasis) là một trong những bệnh da liễu mạn tính, 2% – 3% dân số mắc bệnh vảy nến. Có thể gặp mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở người lớn từ 20 – 30 tuổi và từ 50 – 60 tuổi, tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau.

Ở người bình thường, các tế bào da cũ sau khi chết đi sẽ bong ra và được thay thế bởi các tế bào da mới. Tuy nhiên, quá trình này ở bệnh nhân mắc vảy nến diễn ra nhanh gấp 10 lần do hiện tượng tăng sinh tế bào, khiến các tế bào da cũ và mới không kịp thay đổi, tích tụ lại một chỗ tạo thành những mảng dày, có vảy trắng hoặc bạc.

Nguyên nhân bệnh vảy nến

Nguyên nhân bệnh vảy nến chưa được xác định rõ ràng nhưng liên quan đến kích thích miễn dịch của tế bào sừng thượng bì  Bệnh thường có liên quan đến tiền sử gia đình, và một số gen và kháng nguyên HLA (Cw6, B13, B17)

.Các yếu tố được cho là thuận lợi giúp gây ra bệnh bao gồm:

  • Di truyền: Có 2 kiểu bệnh vảy nến là kiểu khởi phát sớm và kiểu khởi phát muộn. Bạn có nguy cơ bị bệnh vẩy nến cao hơn nếu có thành viên trong gia đình bị bệnh.
  • Thay đổi nội tiết tố: Bệnh thường xuất hiện hoặc bùng phát ở tuổi dậy thì hoặc mãn kinh. Khi phụ nữ mang thai, các triệu chứng của bệnh giảm dần hoặc thậm chí biến mất. Nhưng sau khi sinh con, bệnh có thể bùng phát trở lại.
  • Stress kéo dài có thể khiến hệ thống miễn dịch có thể bị rối loạn
  • Dùng một số loại thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực và bệnh tâm thần, huyết áp cao, tim mạch, sốt rét, thuốc điều trị viêm
  • Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh vẩy nến, khiến việc điều trị các triệu chứng bệnh trở nên khó khăn hơn
  • Nghiện rượu nặng: Người nghiện rượu nặng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đồng thời, nghiện rượu có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong quá trình điều trị
  • Bỏng nắng: Ánh sáng mặt trời tự nhiên là tốt cho hầu hết những người bị bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, một số ít trường hợp, ánh sáng mặt trời có thể làm cho tình trạng của bệnh tồi tệ hơn.
  • Các bệnh nhiễm trùng: Viêm phế quản, viêm amidan, nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cúm và các vấn đề về da liễu khác.
  • Thời tiết: Bệnh vẩy nến có thể biểu hiện nặng hơn vào mùa đông do không khí khô, ít ánh sáng tự nhiên, nhiệt độ thấp khiến da thiếu độ ẩm.
  • HIV: Vảy nến thường gặp ở giai đoạn đầu HIV và giảm bớt triệu chứng ở những giai đoạn sau.

Dấu hiệu bệnh vảy nến

Ở da bệnh vảy nến thường có biểu hiện là các mảng, dát da đỏ tươi ranh giới rõ với da lành trên phủ  vảy trắng, bao gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong giống với giọt nến, Vị trí  phân bố đối xứng. Hay gặp ở vùng khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, vùng xương cùng, mông, vùng hay cọ xát và chấn thương Tuy nhiên, sau một thời gian tiến triển các tổn thương có thể lan ra toàn thân.

Thông thường bệnh vảy nến không gây ngứa, ngoại trừ một số trường hợp bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng ngứa, châm chích, bỏng rát.

Ngoài tổn thương trên da còn có vảy nến móng  bệnh nhân có biểu hiện về móng như dày sừng dưới móng, tách móng, vàng móng, móng xù xì, rỗ móng, dấu hiệu giọt dầu...

Viêm khớp vảy nến gây ra biến dạng khớp, cứng khớp, lệch khớp, viêm khớp mạn tính, bệnh nhân cử động đi lại rất khó khăn,... Một số bệnh nhân thương tổn da rất ít nhưng biểu hiện ở khớp rất nặng, đặc biệt là khớp gối và cột sống.

Bệnh vảy nến có lây không?

Vảy nến không phải do virus hay vi khuẩn gây nên. Do đó, bệnh vảy nến không lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc lẫn nhau.

Chúng ta hoàn toàn có thể nắm tay, ôm, hôn, dùng chung vật dụng, quần áo với người bị vảy nến mà không cần phải lo lắng gì.

Tuy nhiên, vảy nến được nghiên cứu cho thấy có tính di truyền (10% con mắc bệnh nếu bố hoặc mẹ bệnh, 40% con mắc bệnh nếu cả bố và mẹ đều bệnh).

Bệnh vảy nến có chữa khỏi được không?

Vảy nến là bệnh lý mạn tính, tiến triển từng đợt và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nguyên tắc điều trị bệnh vảy nến là làm giảm bớt triệu chứng, giúp người bệnh đỡ ngứa, da đỡ đỏ và ngăn ngừa bệnh lan rộng, ảnh hưởng tới xương khớp.

Người mắc bệnh vảy nến cần hiểu biết rõ về bệnh cũng như các phương pháp điều trị hiện nay, những điều nên làm và cần tránh nhằm giúp bản thân có thể chung sống hòa bình và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh.

Ngoài ra, việc thăm khám với bác sĩ Da liễu khi có biểu hiện bệnh vảy nến là cần thiết để xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị vảy nến

Việc lựa chọn phương pháp điều trị bệnh phụ thuộc vào độ tuổi, thể bệnh, vị trí thương tổn, diện tích da bị bệnh, các phương pháp và các thuốc đã sử dụng.

Điều trị tại chỗ

Trong trường hợp bệnh vẩy nến mức độ nhẹ đến vừa, bệnh nhân có thể sử dụng kem và thuốc mỡ bôi trực tiếp lên da. Một số loại thuốc dùng tại chỗ điều trị vảy nến:

  • Ccorticosteroid tại chỗ
  • Retinoids tại chỗ
  • Anthralin
  • Vitamin D
  • Axit salicylic
  • Kem dưỡng ẩm

Điều trị toàn thân

Trong trường hợp bệnh vẩy nến từ trung bình đến nặng, các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả, bệnh nhân cần sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng nên thường được bác sĩ kê đơn trong thời gian ngắn.

  • Methotrexate
  • Cyclosporine (Sandimmune)
  • Thuốc sinh học
  • Retinoids
  • Liệu pháp ánh sáng: sử dụng tia UVA, UVB, laser

Bệnh nhân lưu ý, vảy nến không được tự ý dùng thuốc điều trị (đặc biệt là các thuốc đông y, gia truyền, thuốc chứa thành phần corticoid), bệnh nhân tuân thủ theo điều trị của bác sỹ và thường xuyên đến tái khám theo hẹn.

Với trường hợp bệnh vảy nến nặng, cách tốt nhất là bệnh nhân cần đi khám trực tiếp tại bệnh viện, phòng khám để được điều trị ngay.

Phòng bệnh vảy nến tái phát

Ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng đối với người bệnh vảy nến. Người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ các chất dinh dưỡng, trong đó nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, kẽm, acid folic, beta caroten,…

Bệnh nhân lưu ý hạn chế các thực phẩm nhiều tinh bột và đường, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, các thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp,...

Khi chăm sóc da hằng ngày, cần thường xuyên giữ ẩm cho vùng da bị vảy nến bằng cách bôi kem dưỡng ẩm nhiều lần, ít nhất 3 lần một ngày, bôi ngay sau khi tắm và bất cứ khi nào cảm thấy khô da.

Cha mẹ lưu ý, trẻ bị bệnh vảy nến cũng cần tránh cào gãi, chà xát tổn thương da vì có thể làm nặng bệnh thêm.

Bệnh vảy nến không chỉ gây tổn thương ngoài da mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên đi khám trong thời gian sớm nhất khi thấy trên da xuất hiện những triệu chứng bất thường.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết