Viêm khớp vảy nến là gì, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Viêm khớp vảy nến là gì, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 13/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của cơ thể, bao gồm cả ngón tay và cột sống, và có thể từ tương đối nhẹ đến nặng. Cùng tìm hiểu thêm chi tiết thông tin chi tiết về viêm khớp vảy nến trong bài viết dưới đây.

Viêm khớp vẩy nến là một bệnh lý viêm khớp mạn tính kết hợp với bệnh vẩy nến, một bệnh da mạn tính. Viêm khớp vẩy nến có thể tác động đến các khớp, da, mắt cùng nhiều cơ quan khác và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các bác sĩ Cơ Xương Khớp khuyên bệnh nhân nên đi khám và có kế hoạch điều trị viêm khớp vảy nến một cách hợp lý để phá hủy khớp, gây mất khả năng vận động.

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bới Bác sĩ Cơ xương khớp Nguyễn Dương Nhật Thi.

Viêm khớp vảy nến là gì?

Viêm khớp vẩy nến là một dạng viêm khớp ảnh hưởng đến một số người có bệnh vẩy nến. Hầu hết mọi người phát triển bệnh vẩy nến đầu tiên và sau đó được chẩn đoán bị viêm khớp vảy nến, nhưng các vấn đề liên quan đôi khi có thể bắt đầu trước khi các tổn thương da xuất hiện.

Viêm khớp vảy nến được xếp vào nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính. Bệnh biểu hiện bởi tổn thương da, viêm khớp ngoại biên không đối xứng, kèm tổn thương cột sống vùng chậu, có 50% bệnh nhân có mặt kháng nguyên HLA-B27. Viêm khớp gặp ở 5 - 7% các bệnh nhân vảy nến với tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ như nhau. Tuổi mắc bệnh hay gặp nhất từ 30 - 55 tuổi.

Đau khớp, cứng và sưng khớp là những triệu chứng chính của bệnh viêm khớp vẩy nến. Có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của cơ thể, bao gồm cả ngón tay và cột sống, và có thể từ tương đối nhẹ đến nặng.

Triệu chứng viêm khớp vảy nến

  • Sưng, nóng đỏ, đau các khớp
  • Đau khớp ở một bên cơ thể, đau khớp ở hai bên cơ thể
  • Đau các khớp ngón tay, đau cột sống
  • Tổn thương vảy nến trên da
  • Tổn thương móng tay, chân
  • Viêm kết mạc mắt, viêm mống mắt, loét miệng

Viêm khớp vảy nến chia làm 5 thể sau:

  • Viêm các khớp ngón xa ở tay và chân
  • Viêm vài khớp, từ 4 khớp trở xuống, không có tính chất hai bên
  • Viêm nhiều khớp đối xứng hai bên tương tự như viêm khớp dạng thấp
  • Biểu hiện tổn thương chủ yếu ở cột sống tương tự như triệu chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp
  • Viêm khớp gây phá hủy sụn khớp

Viêm khớp vẩy nến có nhiều khả năng cũng gây ra:

  • Sưng ngón tay và ngón chân
  • Đau đớn
  • Đau lưng dưới
Bệnh viêm khớp vảy nến
Bệnh vảy nến và viêm khớp vảy nến - Ảnh: Sức khỏe đời sống

Nguyên nhân viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là bệnh phức tạp, có nhiều yếu tố tác động để gây ra viêm khớp vảy nến. Một số nguyên nhân đề cập dưới đây chỉ là những yếu tố có liên quan được biết đến cho tới thời điểm hiện tại, có nhiều công trình nghiên cứu vẫn được tiến hành để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cơ chế của bệnh.

  • Yếu tố di truyền: Có một số gene liên quan đến hệ miễn dịch và quá trình viêm nhiễm có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh.
  • Yếu tố miễn dịch: Viêm khớp vẩy nến là một bệnh tự miễn dịch, trong đó hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô trong cơ thể, gây viêm nhiễm và tổn thương khớp. 
  • Bệnh vẩy nến: Viêm khớp vẩy nến thường xuất hiện ở những người đã mắc bệnh vẩy nến. Mặc dù không phải tất cả những người mắc vẩy nến đều mắc viêm khớp vẩy nến, nhưng nó tạo nền tảng cho sự phát triển của bệnh.
  • Một số yếu tố môi trường như stress, căng thẳng tâm lý, chấn thương khớp và các yếu tố khác như nhiễm trùng có thể góp phần vào sự phát triển của viêm khớp vẩy nến.
  • Một số yếu tố khác như hút thuốc, tiếp xúc với các chất gây kích thích miễn dịch, và một số bệnh lý khác như bệnh lý ruột và viêm gan cũng có thể tăng nguy cơ mắc viêm khớp vẩy nến.

Xét nghiệm chẩn đoán viêm khớp vẩy nến

Bệnh vẩy nến có thể bị bỏ qua hoặc bị ẩn hoặc chỉ phát triển sau khi viêm khớp xảy ra, viêm khớp vẩy nến cần phải được xem xét ở những bệnh nhân vừa bị viêm khớp vừa bị vảy nến. Những bệnh nhân này cần phải được kiểm tra bệnh vẩy nến và vết rỗ móng tay cũng như hỏi về tiền sử gia đình mắc bệnh vẩy nến. Các phương pháp chẩn đoán viêm khớp vẩy nến được áp dụng rộng rãi bao gồm:

  • Xét nghiệm RF (Rheumatoid Factor): Đánh giá sự hiện diện của kháng thể RF. Mặc dù không phải tất cả các bệnh nhân viêm khớp vẩy nến có RF dương tính, nhưng xét nghiệm này có thể loại trừ các bệnh viêm khớp khác.
  • Kiểm tra dịch: Sử dụng một cây kim dài, bác sĩ có thể loại bỏ một mẫu dịch từ một trong những khớp bị ảnh hưởng - thường là đầu gối. Tinh thể acid uric trong dịch khớp có thể chỉ ra có gout, hơn là viêm khớp vẩy nến.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm và MRI có thể được sử dụng để đánh giá tổn thương và viêm nhiễm trong các khớp và mô xung quanh.
Hình ảnh bệnh viêm khớp vảy nến
Hình ảnh bệnh viêm khớp vảy nến - Ảnh: Internet

Điều trị viêm khớp vảy nến

Phác đồ điều trị viêm khớp vảy nến là sự kết hợp điều trị các triệu chứng bệnh ngay khi xuất hiện, song song đó kết hợp chữa lành các tổn thương ở da và khớp. Cụ thể:

  • Kết hợp điều trị bằng thuốc và hướng dẫn các biện pháp khắc phục cho người bệnh; tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng các cơ quan vận động.
  • Đối với các tổn thương khớp nhẹ: Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) đơn hoặc phối hợp cùng tiêm corticosteroid tại vị trí viêm.
  • Đối với tổn thương thể trung bình và nặng: Sử dụng các loại thuốc điều trị cơ bản như methotrexate hoặc các chế phẩm sinh học.

Ngoài các phương pháp trên còn một số cách điều trị viêm khớp vẩy nến khác cũng được nhiều người áp dụng như liệu pháp quang hóa học, suối khoáng, tập thể dục thường xuyên,...

Chăm sóc viêm khớp vảy nến hiệu quả tại nhà

Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh viêm khớp vảy nến, do đó người bệnh cần thay đổi lối sống và có cách chăm sóc bệnh tại nhà phù hợp để giảm thiểu các triệu chứng khác và tránh bệnh diễn biến xấu.

  • Đảm bảo vệ sinh da: Vệ sinh da thường xuyên và sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ và không gây kích ứng. 
  • Kiểm soát stress: Stress có thể làm tăng triệu chứng viêm và đau khớp. Hãy thực hành các phương pháp giảm stress như yoga, thiền định, tập thể dục nhẹ nhàng, hoặc tham gia các hoạt động giải trí yêu thích để giảm căng thẳng.
  • Hỗ trợ và giảm áp lực cho khớp: Sử dụng đai hoặc nệm cao su, để giảm áp lực và tải trọng lên khớp khi di chuyển. Đồng thời, hạn chế hoạt động gây căng thẳng cho khớp như mang vác đồ nặng hoặc thực hiện các động tác mạnh.
  • Uống thuốc đúng cách: Tuân thủ đúng lịch trình và liều lượng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
  • Thăm khám bác sĩ định kỳ: Điều trị viêm khớp vẩy nến đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ từ bác sĩ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ định kỳ để theo dõi bệnh và điều chỉnh lộ phương pháp nếu cần thiết.

Sống chung với bệnh viêm khớp vảy nến

  • Thay đổi tư thế, cách thức làm việc và sinh hoạt hàng ngày làm ảnh hưởng đến xương khớp.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Vận động thường xuyên có thể giảm đau và cải thiện khả năng di chuyển của khớp. Hãy nhờ các bác sĩ hoặc chuyên gia có chuyên môn tư vấn về phương pháp tập thể dục thích hợp cho viêm khớp vẩy nến.
  • Giữ cân nặng lành mạnh: Cân nặng quá nặng có thể gây áp lực lên các khớp, gây tăng đau và khó di chuyển.
  • Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân: Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân viêm khớp vảy nến cần bổ sung nhiều trái cây, rau củ quả tươi vào chế độ ăn uống hàng ngày; hạn chế chất đường, chất béo gây viêm nhiễm; tập trung vào các nguồn chất béo an toàn như cá, các loại hạt… 

Viêm khớp vảy nến là bệnh lý không thể coi thường. Bệnh nhân khi phát hiện bệnh hoặc triệu chứng bệnh nên lựa chọn đi khám tại các bệnh viện, phòng khám Cơ Xương Khớp uy tín đồng thời áp dụng chế độ sinh hoạt lành mạnh, hợp lý.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết