Viêm phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị

Xuất bản: 25/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/02/2024
Viêm phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị
Viêm phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị - Ảnh: BookingCare
Viêm phế quản ở trẻ em được điều trị như thế nào? Cách phòng ngừa ra sao? Mời phụ huynh tham khảo nội dung bài viết dưới đây.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đặng Thị Hồng Như, Bác sĩ Nhi khoa tại Bệnh viện Xanh Pôn.

Bệnh viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản cấp là hội chứng lâm sàng gây ra do tình trạng viêm cấp của khí quản và các phế quản lớn. Tác nhân gây viêm phế quản thường gặp nhất là virus.

Đây là bệnh khá phổ biến ở trẻ em, đối tượng thường mắc phải là trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, đặc biệt là khi thời tiết chuyển lạnh. Bệnh có thể xuất hiện cùng lúc hoặc sau khi trẻ mắc một căn bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, covid, ho gà, sởi… Do đó, các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo phụ huynh cần tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine cần thiết để bảo vệ trẻ trước các căn bệnh nhiễm khuẩn đe dọa.

Nguyên nhân khiến trẻ em dễ mắc viêm phế quản

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phế quản, trong đó thường gặp nhất là:

  • Virus: Là nguyên nhân thường gặp gây ra viêm phế quản ở trẻ nhỏ, như Adenovirus, Rhinovirus, Cúm A và B, RSV, á cúm, ..;
  • Vi khuẩn:  Phế cầu, H. Influenzae, Chlamydia Pneumoniae, Mycoplasma Species…

Hệ miễn dịch ở trẻ em còn yếu, khi bị virus hay vi khuẩn trên tấn công sẽ khiến trẻ dễ bị viêm phế quản. Đặc biệt, sau khi trẻ mắc các bệnh lý tai – mũi – họng thì những virus, vi khuẩn này lại càng hoạt động và tấn công tích cực.

Các yếu tố khiến trẻ bị viêm phế quản tái phát nhiều lần gồm cơ địa dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh xơ nang, suy giảm miễn dịch, môi trường sống có nhiều khói bụi…

Virus là nguyên nhân thường gặp dẫn đến căn bệnh viêm phế quản ở trẻ em.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phế quản

Viêm phế quản là một trong những bệnh về đường hô hấp dễ gặp nhất ở trẻ trong thời điểm giao mùa. Trẻ bị viêm phế quản sẽ có các triệu chứng gồm: 

  • Trẻ bị sổ mũi hay nghẹt mũi, có thể kèm theo khò khè, khó thở;
  • Ho khan hay ho có đờm, cơn ho có thể xuất hiện nhiều hơn lúc về đêm hoặc sáng sớm;
  • Trẻ bị sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 39 độ C;
  • Trẻ có thể gặp nhiều triệu chứng đi kèm khác như mệt mỏi, đau cơ, nôn ói, bú kém, đau ngực (ở trẻ lớn).

Nếu thấy trẻ mắc phải những triệu chứng dưới đây, mẹ nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

  • Trẻ tím tái, khó thở;
  • Trẻ thở nhanh, có hiện tượng thở co lõm ngực;
  • Sốt cao trên 39 độ C, không đáp ứng với cách dùng thuốc hạ sốt;
  • Trẻ bỏ bú, li bì, khó đánh thức.

Khi phát hiện trẻ có các triệu chứng tăng nặng kể trên bố mẹ nên đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Cách điều trị viêm phế quản ở trẻ em

Nếu được điều trị đúng cách, bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể trị dứt điểm. Vì thế, bố mẹ cần lưu ý những vấn đề dưới đây để có thể chăm sóc và bảo vệ con mình một cách tốt nhất:

  • Trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên dùng thuốc kháng sinh cho trẻ. Phương pháp tốt nhất để trị bệnh là làm long đờm và cho trẻ ăn uống đầy đủ. Chăm sóc đúng cách, bệnh có thể tự khỏi sau vài ba ngày.
  • Đối với viêm phế quản ở trẻ sơ sinh, bé còn bú nên mẹ nên tăng cường cho trẻ bú nhiều hơn. Trường hợp trẻ đã bước vào tuổi ăn dặm, mẹ cần cung cấp nhiều nước cho trẻ
  • Giữ ấm cho trẻ và vệ sinh tai mũi họng của trẻ thường xuyên bằng những dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
  • Với những trường hợp trẻ bị sốt, bạn không nên ủ ấm trẻ quá kỹ. Nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát. Mẹ có thể chườm nhẹ vùng nách, cổ, bẹn cho trẻ. Nếu trẻ sốt cao, mẹ cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ và nếu trẻ có biểu hiện bất thường hoặc cơn sốt không giảm, tốt nhất nên đưa trẻ đi thăm khám càng sớm càng tốt.

Viêm phế quản ở trẻ em có lây không?

Đây là điều mà nhiều cha mẹ luôn lo lắng, thực tế viêm phế quản là bệnh lý có khả năng lây lan mạnh thông qua 2 con đường: trực tiếp và gián tiếp.

Lây lan trực tiếp

Nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm phế quản qua con đường giao tiếp gần, người bệnh ho, hắt hơi,… rất dễ phát tán vi rút sang người đối diện.

Lây lan gián tiếp

Lây lan gián tiếp là hiện tượng người lây lan thông qua việc sử dụng chung đồ dùng, vật dụng cá nhân như khăn mặt, bát, thìa, đũa, cốc chén,… với người bệnh. Virus có thể tồn tại, sống vài giờ trên các vật dụng đó và làm tăng nguy cơ lây bệnh giữa những đối tượng trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Vì thế, tốt nhất mẹ nên rèn cho bé thói quen rửa tay thường xuyên. Ăn uống hợp vệ sinh, tránh nơi nhiễm khuẩn và khói bụi. Không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với những người đang nhiễm bệnh hoặc những người hay hút thuốc.

Cách phòng tránh viêm phế quản cho trẻ

Một số cách dưới đây giúp phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ mà phụ huynh có thể thực hiện và hướng dẫn con thực hiện:

  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn hoặc nước sát khuẩn tay nhanh. Hướng dẫn trẻ kỹ thuật rửa tay đúng cách và  những thời điểm nhất định cần rửa tay, chẳng hạn như ngay trước bữa ăn hoặc sau khi xì mũi. Điều này có thể làm giảm nguy cơ lây lan bệnh tật.
  • Đảm bảo trẻ được tiêm vắc-xin đầy đủ: Điều này sẽ giúp trẻ ít có khả năng nhiễm virus có thể dẫn đến viêm phế quản.
  •   Tránh xa khói thuốc lá: Khói thuốc lá là tác nhân gây kích ứng và khiến trẻ có nguy cơ cao bị các bệnh viêm đường hô hấp.
  • Tránh cho trẻ đến những nơi đông người, đặc biệt là vào mùa của các nhóm bệnh cúm.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và khi đến những môi trường có nguy cơ tồn tại các yếu tố gây kích ứng.

Viêm phế quản hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm. Khi con mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, phụ huynh nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt để tránh việc bệnh trở nặng và ảnh hưởng đến đường hô hấ dưới. Các triệu chứng bệnh ở trẻ có thể diễn tiến rất nhanh, nên cần được theo dõi sát sao và điều trị dứt điểm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết