Viêm phế quản phổi ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Xuất bản: 27/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/02/2024
Viêm phế quản phổi ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa
Viêm phế quản phổi ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa - Ảnh: BookingCare
Viêm phế quản phổi ở trẻ em là căn bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thường gặp, bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Phụ huynh cần nhận biết các triệu chứng bệnh để kịp thời đi khám và điều trị.

Nội dung bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đặng Thị Hồng Như, Bác sĩ Nhi khoa tại Bệnh viện Xanh Pôn.

Viêm phế quản phổi là tổn thương cấp diễn, lan toả cả phế nang, mô kẽ lẫn tiểu phế quản tận, thường do virus khởi đầu, sau đó bội nhiễm vi khuẩn hoặc cả hai.

Nguyên nhân viêm phế quản phổi ở trẻ em

  • Do Virus: chiếm 50-60%, hay gặp RSV, Rhino virus, Adeno virus, Covid 19, cúm…
  • Do vi khuẩn: Phế cầu, H.I, liên cầu, tụ cầu…, vi khuẩn không điển hình Mycoplasma
  • Do nấm, ký sinh trùng: ít gặp

Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ gây viêm phế quản phổi bao gồm:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi
  • Hút thuốc lá thụ động
  • Mới mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, như cảm lạnh và cúm
  • Trẻ mắc các bệnh như hen suyễn, bệnh tim hay các bệnh suy giảm miễn dịch
  • Trẻ suy dinh dưỡng

Triệu chứng viêm phế quản phổi ở trẻ em

Giai đoạn khởi phát

  • Khởi phát từ từ: Khó phát hiện và hay nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp khác. Trẻ thường có các biểu hiện sốt nhẹ, ho khan, hắt hơi, ngạt mũi và quấy khóc. Các triệu chứng này thường nhẹ nên bố mẹ hay chủ quan, tự theo dõi tại nhà. Nếu không được hỗ trợ điều trị kịp thời bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát.
  • Khởi phát đột ngột: Thường được phát hiện và đưa đi khám sớm do các triệu chứng khá rõ ràng. Trẻ sốt cao, ho nhiều, khó thở, tím tái và kèm theo một số rối loạn tiêu hóa như chán ăn, nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy…

Giai đoạn toàn phát

Trẻ sốt rất cao, thậm chí có thể lên đến 40 độ C, trường hợp nặng, trẻ nhỏ có thể hạ nhiệt độ, mệt mỏi, môi khô se.

Ho dữ dội và liên tục, có thể xuất tiết đờm, chảy mũi đặc và vàng. 

Thở nhanh: là dấu hiệu sớm và rất có giá trị để chẩn đoán viêm phế quản phổi ở trẻ em. Thở nhanh khi:

  • Trẻ < 2 tháng: Nhịp thở >= 60 lần/phút
  • Trẻ từ 2 đến < 12 tháng tuổi: Nhịp thở >= 50 lần/phút
  • Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi: Nhịp thở >= 40 lần/phút 

(Cha mẹ chú ý đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên, không gắng sức)

Thở co lõm lồng ngực (trẻ < 2 tuổi) hay co kéo cơ hô hấp (trẻ >= 2 tuổi): là dấu hiệu nặng bố mẹ cần cho trẻ đi khám ngay.

Ngoài ra, trẻ có thể tím tái, rối loạn tiêu hóa (bỏ ăn, chán ăn, chướng bụng, nôn chớ, tiêu chảy…).

Biến chứng bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em

Viêm phế quản phổi nặng hoặc không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, bệnh có thể trở nên rất nghiêm trọng và đôi khi có thể gây tử vong.

Các biến chứng của viêm phế quản phổi có thể bao gồm:

  • Suy hô hấp: Những người bị suy hô hấp có thể cần máy thở hoặc máy thở để hỗ trợ hô hấp.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS): Một dạng suy hô hấp nghiêm trọng hơn và đe dọa tính mạng.
  • Nhiễm trùng huyết: Còn được gọi là ngộ độc máu hoặc nhiễm trùng máu, đây là khi nhiễm trùng gây ra phản ứng miễn dịch quá mức làm tổn thương các cơ quan và mô của cơ thể. Nhiễm trùng huyết có thể gây suy đa cơ quan và đe dọa tính mạng.
  • Suy tim
  • Áp xe phổi

Điều trị viêm phế quản phổi ở trẻ em

Bác sĩ sẽ dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của viêm phế quản phổi ở trẻ để đưa ra phương án điều trị. Những người không có vấn đề sức khỏe khác thường khỏi bệnh viêm phế quản phổi trong vòng 1 đến 3 tuần.

Có thể điều trị các dạng viêm phế quản phổi nhẹ tại nhà bằng cách kết hợp giữa nghỉ ngơi và dùng thuốc. Tuy nhiên, những trường hợp viêm phế quản phổi nặng hơn có thể phải điều trị tại bệnh viện.

Viêm phế quản phổi do nhiễm vi khuẩn sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn có hại trong phổi. Khi dùng thuốc kháng sinh, điều cần thiết là phải cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ và uống đầy đủ liệu trình.

Đối với bệnh viêm phế quản phổi do virus, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị triệu chứng. Đối với trẻ bị viêm phế quản phổi do nấm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nấm.

Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể phải nhập viện để điều trị:

  • Truyền tĩnh mạch
  • Thở oxy
  • Liệu pháp hô hấp

Trong quá trình điều trị cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý: 

  • Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều
  • Uống nhiều nước để giúp làm loãng chất nhầy và giảm khó chịu khi ho. Với trẻ em dưới 1 tuổi tiếp tục duy trì cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.
  • Dùng tất cả các loại thuốc, theo chỉ dẫn của bác sĩ

Phòng ngừa viêm phế quản phổi ở trẻ em

Để phòng ngừa viêm phế quản phổi cho trẻ, có thể thực hiện các biện pháp dưới đây:

  • Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm có thể ngăn ngừa một số loại vi khuẩn, virus gây bệnh viêm đường hô hấp.
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
  • Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh bằng cách bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ, tập thể dục và ăn uống lành mạnh.
  • Tránh tiếp xúc với những người đang bị viêm đường hô hấp cấp tính.
  • Phát hiện và điều trị sớm dứt điểm các bệnh đường hô hấp cấp và mạn tính ở trẻ nhỏ.

Viêm phế quản phổi có thể do virus hay vi khuẩn, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng, đe doạ đến tính mạng. Phụ huynh cần nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh và đưa trẻ đi thăm khám kịp thời để được điều trị.