Xem ngay: Những nguyên nhân gây bệnh áp xe vú

Tác giả: - Xuất bản: 27/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/12/2023
Nguyên nhân gây áp xe vú
Nguyên nhân gây áp xe vú - Ảnh: BookingCare
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng áp xe vú ở phụ nữ? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Áp xe vú là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến thường gặp ở nữ giới đặc biệt là phụ nữ sau sinh hoặc đang trong quá trình cho con bú. Nắm rõ được nguyên nhân gây bệnh là yếu tố quan trọng giúp chị em giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Nguyên nhân gây bệnh áp xe vú

Áp xe vú là một tình trạng phổ biến xảy ra ở mô vú trong thời kỳ hậu sản, đặc biệt là khi đang cho con bú, chiếm tỷ lệ khoảng 2 - 3%. Ngoài ra, áp xe vú cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ thừa cân, có ngực lớn hoặc không duy trì vệ sinh cá nhân đúng cách. Trong một số trường hợp hiếm, viêm vú và áp xe vú có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vú.

Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất gây áp xe vú là do nhiễm khuẩn.

Có hai loại vi khuẩn chủ yếu gây ra bệnh áp xe vú là Staphylococcus aureus và Streptococcus. Ngoài ra, vi khuẩn kỵ khí, trực khuẩn thương hàn và tắc nghẽn ống dẫn sữa trong núm vú do sẹo cũng có thể gây áp xe vú.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc áp xe vú, bao gồm:

  • Cho con bú không đúng cách, bé ngậm bắt vú không đúng cách, không đủ số lần và thời gian bú, dẫn đến tích tụ sữa trong vú.
  • Thói quen mặc áo ngực chật..
  • Núm vú bị trầy xước khiến vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
  • Tắc nghẽn ống dẫn sữa.

Áp xe vú do tắc sữa là gì?

Theo giải thích của các bác sĩ, sữa được tạo ra trong nang sữa và chảy qua các ống dẫn về phía sau vú. Khi bé bú, sữa sẽ chảy ra ngoài. Tuy nhiên, khi chị em cai sữa cho con hoặc nếu có vấn đề gì làm cho ống dẫn hẹp hoặc bị tắc, sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được. Sữa sẽ đông lại tại chỗ tắc và tạo thành cục sữa.

Trong khi đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc căng ra. Hiện tượng này gây áp lực lên các ống dẫn sữa khác và gây ra các vấn đề bệnh lý, bao gồm viêm vú, áp xe vú.

Ngoài ra, viêm vú hậu sản không được điều trị hiệu quả và các tình trạng suy giảm miễn dịch ở những người bệnh mạn tính cũng là yếu tố tăng nguy cơ gây áp xe vú.

Các phương pháp phòng ngừa bệnh áp xe vú

Chị em cần lưu ý 2 điều quan trọng sau đây để có thể phòng ngừa bệnh áp xe vú hiệu quả:

  • Duy trì lối sống lành mạnh: Nghỉ ngơi đầy đủ, uống đủ nước và ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng.
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Đối với bà mẹ cho con bú, chị em có thể tham khảo và thực hiện những biện pháp sau đây:

  • Mát xa nhẹ nhàng vùng vú để ống dẫn sữa thông thoáng và cho con bú ngay sau khi sinh, bú thường xuyên và đúng tư thế.
  • Vệ sinh núm vú đúng cách và sạch sẽ trước và sau khi cho con bú.
  • Cho trẻ bú hết sữa và luân phiên giữa hai bên vú, vắt sạch sữa sau khi cho con bú xong.
  • Nếu gặp tắc tia sữa, cần điều trị ngay để tránh tắc tuyến sữa gây áp xe vú.
  • Tránh làm nứt hoặc xước núm vú để không tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm tuyến sữa, là yếu tố nguy cơ áp xe vú.
  • Không cai sữa quá sớm, nếu cần cai sữa, hãy giảm từ từ số lượng và số lần cho bé bú.

Áp xe vú tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra tình trạng đau, khó chịu cho sản phụ, cản trở nuôi con bằng sữa mẹ.. 

Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường, chị em cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị an toàn, hiệu quả nhất.