Những điều bạn cần biết về thiểu sản men răng
Những điều bạn cần biết về thiểu sản men răng
Thiểu sản men răng là gì?
Thiểu sản men răng có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ - Ảnh: BookingCare

Những điều bạn cần biết về thiểu sản men răng

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 02/05/2024 | Cập nhật lần cuối: 02/05/2024
Men răng là chất cứng bên ngoài có nhiệm vụ bảo vệ răng khỏi các tác nhân gây hại cho răng. Thiểu sản men răng khiến men răng ít, thiếu hụt về số lượng làm ảnh hưởng đến chức năng của răng. Cùng tìm hiểu về tình trạng thiểu sản men răng trong bài viết dưới đây.

Thiểu sản men răng có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ, với cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể điều trị được. Những thông tin về triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, cách điều trị và chăm sóc răng miệng khi bị thiểu sản men răng sẽ lần lượt được giải đáp ngay sau đây.

Thiểu sản men răng là gì?

Men răng có tác dụng như lớp vỏ ngoài cùng, giúp bảo vệ những phần phía trong của răng (ngà răng, tủy răng) khỏi bị hư hại bởi các tác động bên ngoài (nhiệt độ, vi khuẩn,...).

Men răng là chất cứng nhất trong cơ thể con người (thậm chí cứng hơn cả xương), dù vậy ngay cả khi bạn có lớp men răng hoàn chỉnh, khỏe mạnh, các loại vi khuẩn, mảng bám thức ăn và axit trong miệng vẫn có thể làm hỏng men răng và răng nếu răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ hằng ngày.

Thiểu sản men răng là sự hình thành không đầy đủ hoặc bị lỗi cấu trúc khung protein trong giai đoạn hình thành phôi thai của răng, dẫn tới thiếu hụt về số lượng men răng. Điều này sẽ khiến lớp men răng trở nên mỏng hơn, dẫn đến răng dễ bị tổn thương hơn.

Triệu chứng

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng thiểu sản men răng mà số lượng răng bị ảnh hưởng sẽ khác nhau. Trong hàm răng của một người có thể có cả những chiếc răng có ít men răng, một số răng không có men răng và còn lại là răng khỏe mạnh bình thường.

Do vậy, các dấu hiệu và triệu chứng của chứng thiểu sản men răng có thể xuất hiện trên một hoặc nhiều răng, bao gồm:

  • Các đốm đổi màu trên bề mặt răng, có thể là đốm trắng đục hoặc vết ố vàng, nâu.
  • Các rãnh hoặc vết lõm trên bề mặt men răng.
  • Răng ngày càng nhạy cảm, dễ bị ê buốt khi ăn đồ nóng hay lạnh,...

Nguyên nhân

Có rất nhiều yếu tố khác nhau có thể gây nên tình trạng thiểu sản men răng, bao gồm các yếu tố về di truyền và những yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài.

Các bệnh rối loạn di truyền gây thiểu sản men răng bao gồm:

  • Hội chứng DiGeorge.
  • Hội chứng Ellis-Van Creveld.
  • Hội chứng Seckel.
  • Hội chứng Treacher Collins.
  • Hội chứng Otodental.
  • Hội chứng Heimler.
  • Hội chứng Usher.

Các yếu tố môi trường có thể tác động gây thiểu sản men răng cả trong thời kỳ mang thai cho đến khi một đứa trẻ được sinh ra. Với người lớn, quá trình sinh sống hằng ngày, thói quen sinh hoạt, ăn uống không đúng vẫn có thể khiến chúng ta mắc chứng thiểu sản men răng:

  • Do sức khỏe của người mẹ trước khi sinh:
    • Mẹ bầu bổ sung không đầy đủ canxi và fluor trong quá trình mang thai.
    • Mẹ bầu mắc các bệnh nhiễm trùng khi mang thai.
    • Mẹ bầu hút thuốc lá, dùng ma túy hay tiếp xúc với hóa chất độc hại.
    • Mẹ sinh non, bé sinh ra thiếu cân.
  • Các yếu tố môi trường và các vấn đề khác ở trẻ nhỏ có thể gây ra tình trạng thiểu sản men răng:
    • Thiếu hụt các chất dinh dưỡng như Vitamin A, vitamin C, Vitamin D, Canxi…
    • Mắc các bệnh: bệnh gan, bại não, bệnh Celiac,...
    • Nhiễm trùng hoặc chấn thương trong quá trình hình thành răng
    • Hấp thụ quá nhiều fluor trong nước uống trong quá trình hình thành răng.
    • Sử dụng quá nhiều thực phẩm chứa kiềm, axit ảnh hưởng đến men răng như: thức uống có cồn, nước ngọt, thuốc lá, rượu bia,…

Điều trị

Với những trường hợp thiểu sản men răng nhẹ, chăm sóc vệ sinh răng miệng sạch sẽ hằng ngày sẽ giúp bảo vệ răng khỏi những vấn đề như sâu răng hay mòn răng.

Tùy theo tình trạng răng hiện tại của mỗi người, sau khi thăm khám, nha sĩ sẽ đánh giá nguy cơ hay mức độ tổn thương men răng và đề xuất các biện pháp điều trị phù hợp.

Những phương pháp điều trị này sẽ có tác dụng giúp củng cố sự chắc chắn của răng và lấy lại tính thẩm mỹ cho răng:

  • Bổ sung Fluor: Giúp tái khoáng hóa và phục hồi men răng tự nhiên.
  • Trám răng: Bù đắp men răng, giúp răng chắc khỏe hơn.
  • Bọc răng sứ: Có thể sử dụng trong những trường hợp thiểu sản men răng nặng.

Biến chứng

Nếu thiểu sản men răng không được chẩn đoán và điều trị hợp lý, nó có thể khiến răng ngày càng yếu đi và dẫn đến răng dễ bị sâu do:

  • Khó loại bỏ mảng bám trên răng
  • Khó đánh răng do răng nhạy cảm
  • Răng bị ăn mòn nhanh hơn do axit trong thực phẩm và đồ uống

Ngoài ra, răng bị thiểu sản men sẽ có màu ố vàng hay nâu cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ, gây mất tự tin cho người bệnh, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.

Sống chung với bệnh thiểu sản men răng

Điều quan trọng nhất để duy trì sức khỏe của răng là cần chăm sóc răng miệng hàng ngày. Đặc biệt là với chứng thiểu sản men răng, men răng mỏng, yếu không thể bảo vệ răng tốt, các vấn đề ăn uống hay làm sạch răng càng cần được chú ý nhiều hơn:

  • Lấy cao răng định kỳ (6 tháng 1 lần).
  • Điều trị các tình trạng có thể làm mòn răng như nghiến răng.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ (đánh răng với bàn chải có lông mềm 2 lần 1 ngày và dùng chỉ nha hàng ngày).
  • Có thể sử dụng bàn chải điện và tăm nước để vệ sinh răng được kĩ hơn.
  • Đánh răng bằng nước ấm nếu răng quá nhạy cảm.
  • Tăng cường ăn những thực phẩm chứa chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe răng:
    • Canxi: Sữa, phô mai, tôm, tép, cua,...
    • Vitamin A: gan động vật, lươn, trứng, cà rốt, rau ngót, ớt chuông,... 
    • Vitamin D: cá chép, cá trắm, cá chạch, lươn, cá hồi, cá trích, cá rô phi, trứng, sữa,...
  • Tránh các thực phẩm có thể gây sâu răng hay gây ố, mòn men răng:
    • Thực phẩm nhiều đường: bánh, kẹo ngọt, nước ngọt
    • Cà phê, trà
    • Rượu bia.
    • Đồ ăn dính như caramel.
    • Thực phẩm có tính axit, bao gồm cả cam quýt.

Trên đây là những thông tin về chứng thiểu sản men răng mà bạn cần biết. Hy vọng bài viết đã giải đáp được phần nào những thắc mắc của độc giả về tình trạng thiểu sản men răng này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare