Giải đáp: Thiểu sản men răng có điều trị được không?
Thiểu sản men răng có điều trị được không?
Thiểu sản men răng có thể điều trị được - Ảnh: BookingCare

Giải đáp: Thiểu sản men răng có điều trị được không?

Tác giả: - Xuất bản: 15/05/2024 - Cập nhật lần cuối: 15/05/2024
Thiểu sản men răng khiến răng đổi màu hay có những vết, rãnh thậm chí gây gãy răng. Những triệu chứng này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến chức năng bình thường của răng. Vậy thiểu sản men răng điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.

Men răng đã mất đi thì không thể mọc lại, tuy nhiên chúng ta có thể khắc phục bằng cách phục hồi những men răng yếu, chất lượng kém hay đang bị hư hỏng bằng cách bổ sung chất giúp men răng tái khoáng hóa hay thực hiện các kỹ thuật nha khoa khác để củng cố sự chắc khỏe cho răng.

Việc điều trị thiểu sản men răng bằng phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào mức độ thiểu sản men răng của mỗi người. Các lựa chọn điều trị phổ biến nhất bao gồm:

Bổ sung Fluor

Fluor hay Fluoride là một khoáng chất tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và nước. Các nha sĩ sử dụng Fluoride để tái khoáng hóa, phục hồi men răng một cách tự nhiên và củng cố các lớp bên ngoài của răng, giúp răng ít bị sâu và tránh các tổn thương khác.

Fluor được sử dụng trong nha khoa sẽ có dạng thuốc uống (viên hoặc giọt) hoặc dạng thuốc bôi (nha sĩ sẽ bôi trực tiếp lên răng của bạn). Bạn không nên tự ý sử dụng những loại thuốc này vì có thể quá liều, gây ngộ độc.

Ngoài ra một số loại kem đánh răng hay nước súc miệng có chứa fluor với tỷ lệ thấp cũng là sự lựa chọn hợp lý để bổ sung fluor cho răng.

Trám răng

Trám răng là phương pháp bù đắp men răng, giúp răng khôi phục hình dạng và làm răng chắc khỏe hơn. Có rất nhiều lựa chọn về chất liệu để trám răng, mỗi loại sẽ có những ưu và nhược điểm riêng. Hãy đến những nha khoa uy tín để được các nha sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm tư vấn về chất liệu trám răng phù hợp nhất với bản thân:

  • Trám răng bằng Amalgam
  • Trám răng Composite
  • Trám răng bằng GIC
  • Trám răng bằng sứ
  • Trám răng mạ vàng

Bọc răng sứ

Bọc răng sứ được coi là phương pháp điều trị có thể khắc phục toàn diện nhất vấn đề thiểu sản men răng. Phương pháp này thích hợp điều trị cả những trường hợp thiểu sản men răng nặng và mang lại hiệu quả lâu dài.

Bạn sẽ được thiết kế riêng một chiếc răng bằng chất liệu sứ (có thể kết hợp kim loại) với hình dáng, màu sắc phù hợp với bản thân. Nha sĩ sẽ tiến hành mài chỉnh răng cũ và chụp răng sứ mới ra bên ngoài. Răng sứ không chỉ mang lại tính thẩm mỹ mà còn chắc chắn, vẫn đảm bảo chức năng ăn nhai như bình thường.

Chăm sóc răng miệng hằng ngày

Ngay cả khi đã thực hiện các biện pháp điều trị thiểu sản men răng, chăm sóc răng miệng hằng ngày vẫn là điều quan trọng nhất để giữ cho răng luôn sạch sẽ và khỏe mạnh. Ngoài ra, trong những trường hợp thiểu sản men răng nhẹ, chăm sóc, làm sạch răng có thể là điều duy nhất bạn cần làm:

  • Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày: Để loại bỏ mảng bám thức ăn và vi khuẩn khỏi bề mặt răng, giúp giảm nguy cơ mất men răng.
  • Sử dụng chỉ nha khoa sau khi ăn: Thức ăn và vi khuẩn thích ẩn náu trong các ngóc ngách - đặc biệt là những kẽ hở giữa răng của bạn. Dùng chỉ nha khoa để làm sạch giữa các kẽ răng cũng quan trọng như việc đánh răng. Nó giúp loại bỏ những mảnh thức ăn còn sót lại, tránh vi khuẩn ẩn náu gây sâu răng.
  • Sử dụng kem đánh răng có Fluoride:  Fluoride sẽ giúp củng cố và tái khoáng hóa men răng hàng ngày. Nên chọn loại kem đánh răng uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
  • Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm: Nên tránh những loại bàn chải có lông cứng vì nó có thể gây mài mòn men răng.
  • Uống đồ uống có tính axit bằng ống hút: Uống soda và đồ uống có tính axit khác bằng ống hút sẽ giúp giảm thiểu sự tiếp xúc của axit với bề mặt răng, tránh làm tổn hại men răng.
  • Uống nhiều nước lọc: Uống nước lọc suốt cả ngày giúp rửa trôi mảng bám, vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn.
  • Khám nha sĩ thường xuyên: Để giữ cho răng miệng khỏe mạnh, hãy đến gặp nha sĩ để làm sạch và khám răng định kỳ.

Trên đây là những phương pháp điều trị thiểu sản men răng phổ biến hiện nay. Mong rằng bài viết trên đã giải đáp được phần nào thắc mắc của độc giả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết