- Xuất bản: 03/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/01/2024
4 biểu hiện của viêm xoang mà bạn không nên bỏ qua - Ảnh: BookingCare
Viêm xoang là một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội. Nhiều bệnh nhân chấp nhận sống chung với bệnh mà không điều trị dứt điểm, gây tình trạng viêm xoang mạn tính. Vậy biểu hiện của bệnh viêm xoang là gì? Bệnh nhân có thể làm gì tại nhà để hạn chế các biểu hiện của bệnh?
Yếu tố gây viêm xoang thường kế tiếp với viêm mũi cấp, tổn thương răng, chấn thương nên không được lưu ý phát hiện, điều trị tốt nên dễ chuyển thành viêm xoang mạn. Việc chẩn đoán bệnh viêm xoang cấp không khó, bạn cần trang bị thêm kiến thức để có thể tự chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng điển hình của viêm xoang dưới đây.
Biểu hiện của bệnh viêm xoang
Người bệnh có biểu hiện của một tình trạng nhiễm trùng rõ rệt trong giai đoạn cấp tính như sốt, hoặc chỉ có các biểu hiện mệt mỏi, suy nhược cơ thể trong giai đoạn mạn tính. Các triệu chứng ở vùng mũi họng gồm có:
Đau nhức vùng xoang: đauhai gò má, vùng mắt và trán là triệu chứng điển hình, rất hay gặp. Đau nhiều hơn vào buổi sáng do dịch mũi xoang đã tích tụ cả đêm.
Chảy mũi hai bên, lúc đầu chảy dịch loãng, sau đặc dần, màu xanh hoặc vàng, mùi tanh, làm hoen ố khăn tay. Dịch có thể chảy xuống mũi hoặc ra sau cổ họng, gây ngứa ngáy họng, giọng nói bị khàn đặc.
Ngạt tắc mũi do vùng niêm mạc xoang bị phù nề, tuỳ theo tình trạng viêm mà người bệnh có thể ngạt vừa hay nhẹ, từng lúc hoặc liên tục. Do vậy người bệnh bị rối loạn khứu giác, thậm chí mất khứu giác.
Nhức đầu thường đau âm ỉ, đau thành từng cơn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động.
Ngoài ra bệnh nhân có thể có biểu hiện của các bệnh mắc đồng thời hoặc kèm theo như viêm mũi họng, viêm đường hô hấp. Khi có các biểu hiện bệnh, người bệnh cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để xác định rõ nguyên nhân và cách điều trị bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm của viêm mũi xoang.
Chăm sóc hiệu quả tại nhà cho bệnh nhân bị viêm xoang
Uống nhiều nước mỗi ngày: Nhiều chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, kể cả khi bạn không hề cảm thấy khát nước. Việc cung cấp đủ nước giúp làm loãng chất nhầy trong xoang, giảm kích ứng và ngăn ngừa sự nhiễm trùng.
Nghỉ ngơi hợp lý: Hầu hết tình trạng viêm xoang có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. Nhưng các biểu hiện này có thể kéo dài nếu cơ thể phải gắng sức, stress. Vì vậy bạn hãy cố gắng dành cho mình ít phút để tập hít thở hoặc tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi.
Rửa mũi đúng cách sử dụng bình: Rửa mũi với nước muối sinh lý có thể giúp hạn chế một số triệu chứng của viêm xoang. Các bước để rửa mũi như sau:
Bước 1: Nghiêng đầu về phía bồn rửa một góc 45 độ.
Bước 2: Đưa vòi vào sát lỗ mũi, cẩn thận đổ nước muối sinh lý vào vòi. Chú ý chỉ thở bằng miệng khi rửa mũi.
Bước 3: Nhẹ nhàng xì mũi để tống nốt các chất bẩn và dịch rửa ra ngoài. Nếu xì mũi mạnh sẽ làm nước muối chảy lên vòi nhĩ có thể dẫn đến viêm tai giữa.
Lặp lại các bước 2, 3 tương tự để rửa mũi bên còn lại.
Cuối cùng dùng khăn mềm thấm khô.
Giữ ẩm cho xoang: Buổi tối trước khi đi ngủ, hãy để máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ. Bên cạnh đó bạn có thể xông hơi bằng cách lấy 1 bát nước ấm để trên bàn, đưa mặt sát vào bát, trùm khăn phủ kín đầu và bát nước. Điều này giúp cung cấp thêm độ ẩm cho vùng mũi và xoang, làm giảm bớt các triệu chứng đau nhức, giảm nghẹt mũi.
Giảm đau bằng cách chườm khăn ấm: Chườm khăn ấm quanh vùng mũi, má, mắt có thể giúp giảm đau vùng mũi xoang hiệu quả.
Các phương pháp chăm sóc tại nhà dành cho bệnh nhân viêm mũi xoang hỗ trợ thúc đẩy quá trình lành bệnh, giúp bệnh nhân bớt khó chịu do các triệu chứng viêm xoang gây ra. Kể cả khi chúng ta không mắc bệnh thì đây cũng là các biện pháp rất hiệu quả giúp phòng ngừa viêm xoang.