6 bước sơ cứu khi bị bỏng bạn cần nhớ
Các bước sơ cứu bỏng
Khi bị bỏng cần chú ý thực hiện các bước sơ cứu kịp thời - Ảnh: BookingCare

6 bước sơ cứu khi bị bỏng bạn cần nhớ

Tác giả: - Xuất bản: 26/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 12/05/2024
Bỏng không chỉ gây đau đớn mà còn để lại những di chứng nặng nề như co kéo cơ, sẹo, ảnh hưởng tâm lý người bệnh. Biết sơ cứu bỏng đúng cách sẽ bớt nguy hiểm hơn cho người bệnh.

Bỏng là một tai nạn do nhiều nguyên nhân gây ra có thể do yếu tố vật lý, hóa học, tia phóng xạ gây tổn thương da và tổ chức dưới da. Tùy vào các tác động mà người bị tai nạn bỏng có các mức độ bỏng khác nhau. Vì vậy ngay khi xác định người bị bỏng việc sơ cứu kịp thời là hết sức quan trọng.

Đồng thời cần chú ý nguyên nhân, xác định cấp độ bỏng để có phương pháp sơ cứu thích hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Cùng BookingCare tìm hiểu các bước sơ cứu khi bị bỏng qua bài viết dưới đây.

Triệu chứng khi bị bỏng

Khi tiếp xúc với tác nhân gây bỏng ngay lập tức da tại chỗ sẽ có phản ứng đau rát. Da vùng bị bỏng có thể đỏ hoặc tím hoặc cháy đen tùy thuộc độ sâu của bỏng. Sau đó trên da có thể xuất hiện các nốt phồng to và nhỏ, xung quanh nề đỏ.

Các triệu chứng toàn thân có thể xuất hiện khi vết bỏng đủ lớn và đủ sâu. Ở trẻ nhỏ sẽ là hốt hoảng, sợ hãi, vật vã, la hét. Người bệnh có thể sốt do không kiểm soát được nhiệt độ và nhiễm trùng từ vết bỏng. Người bệnh cũng có thể mất nước do huyết tương rò rỉ qua vết bỏng hay hoại tử tiêu cơ vân dẫn đến suy thận cấp.

Nếu không được xử trí kịp thời người bị nạn có thể sốc và tử vong.

Da bỏng bị phỏng nước
Vùng da bị bỏng có thể xuất hiện các nốt phỏng nước - Ảnh:Canva

Phân độ bỏng

Phân loại độ sâu của bỏng

Xác định độ sâu của bỏng dựa theo phân độ của tác giả MONCRIEF chia làm 3 độ

  • Độ 1: Chỉ ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng của da, gây ra vùng da ửng đỏ và thường tự lành mà không để lại sẹo.
  • Độ 2: Được chia thành hai loại tùy theo độ sâu của vết thương.
    • Độ 2 nông (2a): Xuất hiện mụn nước, da bên dưới mụn nước có màu đỏ. Thường lành trong 1-2 tuần và thường không để lại sẹo lồi.
    • Độ 2 sâu (2b): Xuất hiện mụn nước, da bên dưới mụn nước có màu trắng nhợt. Thời gian lành lâu hơn (3-4 tuần) và dễ để lại sẹo lồi hoặc sẹo co rút.
  • Độ 3: Là vết bỏng nghiêm trọng, gây hoại tử toàn bộ lớp da. Vết bỏng có màu trắng hoặc nâu, bề mặt giống da thuộc, hoặc da bị cháy hoàn toàn. Do da chỉ phục hồi từ rìa vết thương nên thời gian lành rất lâu (1-3 tháng hoặc lâu hơn) và thường để lại sẹo lồi hoặc sẹo co rút nếu không được ghép da.

Phân loại độ rộng của bỏng

Theo Công thức số 9 của WALLACE (1951) để ước lượng diện tích bỏng trong sơ cứu bệnh nhân.

  • Đầu-Mặt-Cổ: 9%.  
  • Một chi trên: 9%.  
  • Phía trước thân (ngực, bụng): 9% x 2.  
  • Phía sau thân (lưng, mông): 9% x 2.  
  • Một chi dưới: 9% x 2.  
  • Bộ phận sinh dục và tầng sinh môn: 1%.

6 bước sơ cứu khi bị bỏng

Khi sơ cứu bệnh nhân bị bỏng cần tiến hành càng sớm càng tốt, đảm bảo an toàn cho nạn nhân, người tham gia cấp cứu và đảm bảo an toàn cho nạn nhân trên đường vận chuyển đến cơ sở y tế.

  • Bước 1: Cách ly nạn nhân với nguyên nhân gây bỏng càng sớm càng tốt: dập lửa, đưa người bệnh ra khỏi vùng có hóa chất, tránh nắng, ngắt nguồn điện.
  • Bước 2: Đánh giá ban đầu, đảm bảo chức năng sống của người bị nạn bao gồm: tình trạng ý thức tỉnh hay không, đường thở có thông thoáng hay không, tình trạng hô hấp khó thở hay ngừng thở không, tuần hoàn xem mạch ngoại vi có bắt được hay không, phát hiện các chấn thương đi kèm (chấn thương cổ, sọ não, chảy máu,...)
  • Bước 3: Tháo bỏ nhẫn, đồng hồ, đồ trang sức càng sớm càng tốt vì nếu chân tay sưng nề chúng sẽ thít lại làm tắc nghẽn mạch máu. Đừng tìm cách cởi bỏ quần áo bị cháy, hãy để nguyên. Nếu bỏng do hóa chất hay do nhiệt nặng, khi bạn bóc quần áo sẽ làm lột da của người bệnh.
  • Bước 4: Làm mát vùng bị bỏng bằng cách ngâm chân, tay vào nước sạch, dùng vòi nước chảy nhẹ tưới lên vùng bị bỏng. Thời gian ngâm rửa thường từ 15 - 45 phút cho tới khi hết đau rát.
    • Đối với trẻ nhỏ và người già khi thời tiết lạnh và diện tích bỏng rộng cần rút bớt thời gian ngâm nước để tránh nhiễm lạnh.
    • Cần lưu ý là chỉ ngâm rửa vùng bỏng trong nước sạch, các vùng khác của cơ thể cần được giữ ấm đặc biệt là mùa đông.
  • Bước 5: Che phủ vết bỏng bằng băng khô, vô trùng hoặc gạc sạch, miếng vải sạch. Có thể dùng màng bọc thực phẩm, băng vải, băng thun để băng nhẹ vết thương. 
  • Bước 6: Theo dõi người bị bỏng, chờ nhân viên y tế đến hoặc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Dùng vòi nước chảy nhẹ tưới lên vùng bị bỏng
Rửa tay bị bỏng dưới vòi nước sạch khi bị bỏng - Ảnh:Canva

Những lưu ý khi sơ cứu bệnh nhân bị bỏng

Khi sơ cứu bệnh nhân bị bỏng cần chú ý các điều sau:

  • Không làm vỡ hay chọc thủng các phỏng nước.
  • Không tìm cách cởi quần áo, dị vật dính vào vết thương khi bỏng.
  • Không bôi bất cứ thứ gì lên vết bỏng như dầu mỡ, nước tương, đắp lá vì có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương.
  • Bôi kem đánh răng có tác dụng làm mát và gây tê nhẹ, tuy nhiên lại có tính kiềm nên có thể làm tổn thương da nhiều hơn đặc biệt với bỏng từ độ 2 trở lên.
  • Không phủ bông, băng dính lên vết bỏng.
  • Không chạm vào vết bỏng khi chưa đeo găng.
  • Không chườm đá lên vết thương bỏng nhiệt vì có thể gây bỏng kép.
  • Cần chú ý ngộ độc khí CO và bỏng hô hấp nếu là người bị nạn trong đám cháy.
  • Chỉ bôi kem nghệ lên vết thương bỏng đã liền sẹo và lên da non.

Bỏng là một tổn thương ngoại khoa thường gặp. Trang bị kiến thức về sơ cứu khi bị bỏng là vô cùng cần thiết, đặc biệt với tình trạng nhiều vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra như hiện nay. Sơ cứu kịp thời và đúng cách giúp người bệnh đỡ tổn thương và tránh được những biến chứng nguy hiểm. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết