7 Biểu hiện (triệu chứng) rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là một bệnh lý tâm thần nhẹ
Rối loạn lo âu là một bệnh lý tâm thần nhẹ - Ảnh: SKĐS

7 Biểu hiện (triệu chứng) rối loạn lo âu

Tác giả: - Xuất bản: 09/04/2021 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Bệnh rối loạn lo âu là một bệnh lý thường gặp, được xếp vào nhóm bệnh rối loạn tâm thần. Người mắc rối loạn lo âu vẫn nhận thức được sự vô lý về sự lo âu của chính mình, nhưng bản thân họ không thoát ra được những ám ảnh, lo lắng, sợ hãi….

Hầu như ai cũng từng lo lắng. Nhưng lo lắng quá mức có thể ngăn cản chúng ta tận hưởng cuộc sống. Lo âu là phản ứng bình thường khi đối phó với các sang chấn tinh thần (stress). Sang chấn bao gồm các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống như chuyển đến nơi ở mới, thay đổi công việc, gặp các rắc rối về tài chính…

Lo âu bao gồm từ những cảm giác bất an không rõ ràng cho đến tâm trạng hoảng loạn thực sự. Mỗi người có một khả năng chịu đựng lo âu khác nhau.

Khi các triệu chứng lo âu bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, đó có thể là dấu hiệu của hội chứng rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu có thể làm suy nhược cơ thể, nhưng lo âu có thể chữa trị được nhờ các trợ giúp phù hợp từ các bác sĩ chuyên môn.

Các triệu chứng rối loạn lo âu nếu không được nhận diện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm có thể cùng tồn tại. Dưới đây là 7 triệu chứng thông thường của hội chứng rối loạn lo âu.

Biểu hiện (triệu chứng) thường gặp ở rối loạn lo âu

Sau đây là 7 dấu hiệu cảnh báo rối loạn lo âu, kèm mô tả chi tiết về những dấu hiệu này để bạn đọc tham khảo. Nếu thấy mình có những dấu hiệu như trên, bạn cần khám chuyên khoa tâm bệnh để điều trị sớm, tránh hệ quả xấu về sau. 

1. Lo lắng về nhiều vấn đề

  • Khi mắc rối loạn lo âu, biểu hiện điển hình nhất là lo lắng quá nhiều. Người bệnh lo lắng một cách quá đà và vô lý với những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
  • Không phải ai lo lắng cũng đều mắc chứng rồi loạn lo âu. Để được xem là một dấu hiệu của hội chứng này, thì những lo lắng vô lý đó thường phải xảy ra hầu như mỗi ngày và kéo dài ít nhất trong vòng 6 tháng.
  • Nỗi lo lắng cũng phải nghiêm trọng và dần gây phiền hà, cản trở sự tập trung và khó hoàn thành các nhiệm vụ sinh hoạt hằng ngày.

2. Bồn chồn

  • Người bệnh cũng thường xuyên cảm thấy bồn chồn, thường xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên nhiều hơn.
  • Một nghiên cứu ở 128 trẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu cho thấy, 74% trẻ có triệu chứng bồn chồn.
  • Mặc dù bồn chồn không xảy ra ở tất cả những người rối loạn lo âu, nhưng đây là một trong những tín hiệu chính mà các bác sĩ chuyên khoa thường tìm khi đưa ra chẩn đoán.
  • Nếu bạn cảm thấy bồn chồn trong phần lớn các ngày trong hơn 6 tháng, đó có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu.

3. Khó tập trung

Trong thời gian ngắn, căng thẳng có thể thúc đẩy bộ não của bạn tiết ra hormone thúc đẩy trí nhớ và khả năng tập trung.

Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài sẽ gây ra tác dụng ngược lại và gây mất khả năng tập trung trong công việc hoặc tệ hơn là cả trong lúc lái xe. Trong trường hợp nặng, hormone stress (cortisol) ở nồng độ cao có thể gây suy giảm trí nhớ.

Khó tập trung cũng có thể là triệu chứng của các tình trạng tâm lý khác, chẳng hạn như rối loạn thiếu tập trung hoặc trầm cảm. Do đó, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán chính xác hơn.

4. Sợ hãi một cách vô lý

Thường xuyên cảm giác sợ hãi không rõ nguyên nhân có thể trở thành vấn đề tâm lý cực kỳ nghiêm trọng. Sợ hãi, bị ám ảnh bởi những thứ tưởng chừng vô hại như sợ độ cao, sợ động vật, sợ đám đông…

Các triệu chứng như thở hổn hển, tim đập mạnh và nhanh như muốn nhảy khỏi ra lồng ngực, đổ mồ hôi đầm đìa, tê buốt tay, đau ngực, dạ dày khó chịu là những dấu hiệu thường gặp của rối loạn lo âu.

Tùy vào độ ổn định tâm lý, một vài người chỉ mất vài tiếng căng thẳng trong khi số khác mất cả tuần lo lắng trước những buổi thuyết trình đông người. Người bệnh thường có cảm giác mọi ánh mắt như đang đổ dồn vào mình, đồng thời luôn chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đổ mồ hôi hột với tần suất nhiều và làm giảm tự tin trong giao tiếp, đồng thời cản trở việc xây dựng các mối quan hệ xã hội...

Người bệnh thường xuyên lo lắng, sợ hãi những điều xung quanh
Người bệnh thường xuyên lo lắng, sợ hãi những điều xung quanh - Ảnh: Wikihow

5. Các cơn hoảng loạn (Panic attack)

Có một loại rối loạn lo âu được gọi là rối loạn hoảng sợ. Nó liên quan đến các cơn hoảng loạn xảy ra thường xuyên. Các cơn hoảng loạn này gây ra cảm giác sợ hãi mãnh liệt, không thể kiểm soát.

Nỗi sợ hãi tột độ này thường làm tăng nhịp tim, vã mồ hôi, run rẩy, khó thở, tức ngực, buồn nôn, sợ chết hoặc mất kiểm soát. Các cơn hoảng loạn thường xảy ra rất ít, nhưng nếu chúng xảy ra thường xuyên và bất ngờ, chúng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn hoảng sợ. 

6. Khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc

Rối loạn giấc ngủ liên quan rất lớn đến chứng rối loạn lo âu. Tỉnh giấc giữa đêm khuya và khó ngủ là 2 vấn đề phổ biến nhất trong các vấn đề được ghi nhận.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng bị mất ngủ trong suốt thời nhỏ có thể dẫn đến nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn khi lớn lên. Trong một nghiên cứu với 1000 đứa trẻ trong 20 năm, việc mắc chứng khó ngủ lúc nhỏ có liên quan đến 60% nguy cơ dễ mắc chứng rối loạn lo âu ở độ tuổi 26.

Mặc dù chứng mất ngủ và rối loạn lo âu liên quan nhiều đến nhau, việc cái nào dẫn đến cái nào là điều chưa rõ ràng. Tuy vậy, có thể nói, khi căn bệnh rối loạn lo âu được chữa trị, chứng mất ngủ thường cũng sẽ cải thiện.

7. Né tránh giao tiếp xã hội

Hội chứng sợ xã hội rất phổ biến. Hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng 12% người Mỹ trưởng thành tại một số thời điểm nhất định trong cuộc sống. Bất cứ ai cũng có thể mắc chứng rối loạn lo âu nếu thấy bản thân:

  • Cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi về các sự kiện xã hội trong tương lai
  • Lo lắng rằng bạn có thể bị người khác đánh giá hoặc soi xét kỹ lưỡng
  • Sợ bị xấu hổ hoặc bị sỉ nhục trước mặt người khác
  • Tránh một số sự kiện xã hội vì những nỗi sợ này

Người mắc chứng sợ xã hội có vẻ rất nhút nhát và im lặng trong một đám đông hoặc khi gặp gỡ người lạ. Mặc dù trông vẻ bên ngoài không hề căng thẳng, nhưng bên trong cảm thấy sợ hãi tột độ. 

Xem thêm 

Biện pháp giúp giảm lo âu 

Rối loạn lo âu cần được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Tùy mức độ lo âu mà phương pháp điều trị ở từng người bệnh sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo một số biện pháp giúp giảm lo âu sau: 

Thiền

Nếu bạn quá lo lắng, hãy ngồi xuống và loại bỏ khỏi tâm trí mọi suy nghĩ để ngồi thiền. Thực hành thiền thường xuyên giúp giảm các triệu chứng rối loạn lo âu nói chung.

Tập luyện thể dục 

Tập luyện không chỉ có lợi cho bạn về mặt thể chất mà còn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu được công bố năm 2013 chỉ ra rằng những người tập luyện ít nhất 30 phút, 5 ngày trong tuần ít có các triệu chứng trầm cảm và lo âu hơn.

Liệu pháp hương liệu

Tinh dầu không chỉ giúp cải thiện tóc và da mà nghiên cứu chỉ rằng một số loại tinh dầu có thể giúp cải thiện tâm trạng.

Ví dụ, tinh dầu oải hương được biết là làm giảm cortisol hay còn gọi là hormone stress trong não - thủ phạm gây lo âu và hoảng loạn. Ngoài ra, dầu hoa cam và dầu hoa cúc cũng có tác dụng tương tự.

Ngủ đủ giấc 

Rất nhiều bệnh bệnh nhân bị rối loạn lo âu phải đối mặt với các rối loạn liên quan tới giấc ngủ. Điều này có thể gây ra một vòng luẩn quẩn vì thiếu ngủ được biết đến là gây lo âu. Hãy đặt ra một giờ cố định để đi ngủ hàng ngày, điều này có thể giúp bạn ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm.

Bỏ thói quen uống cà phê

Cà phê không giúp ích cho việc đối phó với lo âu. Ngược lại, phụ thuộc quá nhiều vào cà phê để thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày có thể gây lo âu và căng thẳng. Vì vậy hãy cố gắng giảm sử dụng cà phê để đối phó với lo âu.

Dành nhiều thời gian hơn với bạn bè và người thân

Dành quá nhiều thời gian cho Facebook, Instagram và SnapChat không tốt cho bạn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa trầm cảm và lo âu với nghiện mạng xã hội.

Dành quá nhiều thời gian trực tuyến có thể gây lo âu. Thay vào đó, hãy đăng xuất khỏi tất cả các ứng dụng này và dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè. Chia sẻ trực tiếp với họ sẽ giúp bạn loại bỏ những điều khiến bạn lo lắng.

Nếu những phương pháp trên không giúp bạn thoát khỏi tình trạng lo âu nhiều, tốt nhất nên thăm khám vói bác sĩ.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết