Áp xe cạnh hậu môn có tự khỏi được không? Tìm hiểu phương pháp điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 29/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/03/2024
Điều trị áp xe cạnh hậu môn
Các phương pháp điều trị áp xe cạnh hậu môn - Ảnh:BookingCare
Áp xe cạnh hậu môn là bệnh lý thường gặp tại vùng hậu môn trực tràng. Áp xe cạnh hậu môn không thể tự khỏi, nên người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám và có sự can thiệp điều trị của bác sĩ.

Áp xe cạnh hậu môn là tình trạng một khoang bị nhiễm trùng chứa đầy mủ cạnh hậu môn hoặc trực tràng. Có nhiều nguyên nhân gây ra áp xe cạnh hậu môn vì vậy cần tìm ra nguyên nhân chính xác để đưa ra những phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.

Áp xe cạnh hậu môn không thể tự khỏi, nên người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám và có sự can thiệp điều trị của bác sĩ. 

Theo nguyên tắc, phương pháp điều trị áp xe là phẫu thuật dẫn lưu trong hầu hết các trường hợp. Phương pháp điều trị áp xe hậu môn bao gồm:

  • Rạch và dẫn lưu
  • Đặt ống thông dẫn lưu 
  • Cắt bỏ đường rò nguyên phát nếu có
  • Thuốc kháng sinh

Tìm hiểu các phương pháp điều trị áp xe hậu môn

Phẫu thuật và dẫn lưu ổ áp xe hậu môn

Điều trị áp xe hậu môn trực tràng bao gồm phẫu thuật và dẫn lưu sớm dịch mủ. Vị trí vết rạch nên được dịch chuyển về phía trong phía hậu môn của áp xe nhưng ở phía bên của cơ vòng ngoài, điều này có thể giảm thiểu sự phức tạp nếu lỗ rò phát triển. Sau khi đã rạch ổ áp xe không cần thiết phải nhét gạc nếu là áp xe nhỏ, đơn giản.

Đặt ống thông dẫn lưu áp xe cạnh hậu môn

Vẫn dựa trên nguyên tắc dẫn lưu mủ, đối với các áp xe nằm sâu phức tạp, bác sĩ sử dụng ống thông mềm cỡ 10 - 16 French đưa qua đầu dò vào khoang áp xe và không cần khâu lại. Ống thông được rút ngắn còn 2 - 3 cm bên ngoài da với đầu ống nằm sâu trong ổ áp xe. Phối hợp với bơm rửa các ổ áp xe.

Việc đưa ống thông sẽ giúp dẫn lưu các dịch  mủ trong ổ áp xe ra bên ngoài, giúp ổ áp xe chóng hết dịch và khô lại. Khoảng thời gian để ống thông dẫn lưu vào khoang áp xe phụ thuộc vào kích thước của khoang, số lượng mô hạt xung quanh ống thông, tính chất và lượng dẫn lưu.

Cắt bỏ đường rò nguyên phát

Việc cắt bỏ đường rò nguyên phát tại thời điểm dẫn lưu áp xe vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Lợi ích khi dẫn lưu cùng với phẫu thuật cắt bỏ lỗ rò nguyên phát là bệnh nhân không cần phải phẫu thuật hai lần, giảm tỷ lệ hình thành lỗ rò tái phát tới 83%.

Phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định như: khó khăn trong việc tìm lỗ thông bên trong, dẫn đến tạo đường thông giả và bỏ qua nguồn lây nhiễm chính.

Thuốc kháng sinh trong điều trị áp xe cạnh hậu môn

Thuốc kháng sinh đơn thuần không có hiệu quả trong điều trị áp xe. Kháng sinh đóng vai trò quan trọng đối với những bệnh nhân có áp xe hậu môn trực tràng. Khuyến cáo dùng kháng sinh đường uống hoặc truyền tĩnh mạch điều trị áp xe cạnh hậu môn.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng kháng sinh trước khi rạch và dẫn lưu áp xe ở những bệnh nhân có van nhân tạo, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trước đó, bệnh tim bẩm sinh, người nhận ghép tim có bệnh lý van. Điều trị dự phòng bằng kháng sinh không còn được khuyến cáo ở bệnh nhân sa van hai lá thông thường.

Thuốc điều trị
Sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị áp xe cạnh hậu môn - Ảnh:Canva

Chăm sóc sau phẫu thuật

Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được kê thuốc giảm đau và thuốc làm mềm phân được dùng để ngăn ngừa táo bón. 

Người bệnh có thể được xuất viện về nhà sau khi vết mổ ổn định, và theo dõi định kỳ. Việc kê thuốc kháng sinh về nhà có thể được chỉ định và lựa chọn tốt nhất trên cơ sở nuôi cấy và xét nghiệm độ nhạy cảm của mầm bệnh có nguồn gốc từ ổ áp xe.

Bất kỳ sự chậm trễ nào trong can thiệp phẫu thuật áp xe cạnh hậu môn sẽ kéo dài tình trạng nhiễm trùng và làm tăng tổn thương mô, đồng thời có thể làm suy giảm chức năng tự chủ của cơ vòng và thúc đẩy sự hình thành lỗ rò. Điều trị phẫu thuật kịp thời và thích hợp sẽ ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn.