Kinh nghiệm leo đỉnh Tà Xùa
Leo núi, hành trình đi để hiểu mình và trở về với thiên nhiên hùng vĩ - Ảnh: BookingCare

Bài 2: Kinh nghiệm leo đỉnh Tà Xùa, một hành trình đáng giá để trải nghiệm

Xuất bản: 24/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 31/10/2023
Leo đỉnh Tà Xùa thì hai cao trào chính là đoạn vượt qua "sống lưng khủng long" mạo hiểm đến lạnh cả sống lưng và đoạn băng qua cánh rừng già nguyên sinh với rêu phong mạ mị đẹp đến nao lòng.

Khởi hành từ bản Tà Xùa

6h30 sáng Thứ 7 (ngày 14/10), chúng tôi khởi hành từ một homestay nhỏ ngay cạnh cửa Rừng, điểm khởi đầu của hành trình lên núi ở bản Tà Xùa (xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái).

Bản Tà Xùa cách thị trấn Trạm Tấu khoảng 6 km với con đường nhỏ, đi vòng quanh co nhưng có thể vào tận Bản bằng Xe 16 chỗ.

Thông thường các đoàn leo núi nghỉ dừng chân ở Thị trấn Trạm Tấu nhưng đoàn chúng tôi lựa chọn nghỉ tối hôm trước ở Homestay nhỏ, vừa mới xây dựng ở bản Tà Xùa, ngay cạnh cửa rừng rất thuận tiện cho hành trình vào sáng hôm sau.

Bản Tà Xùa
Điểm khởi hành từ Bản Tà Xùa - Ảnh: Chương Nguyễn

Hành trình lên núi bắt đầu bằng đoạn đường bê tông ngắn và tiếp theo là con đường đất đỏ trơn trượt dính sau khi có cơn mưa rừng. Đi được tầm 45 phút thì gặp cảnh đẹp đầu tiên, những áng mây trắng lửng lơ trên đầu những ngọn núi phía xa trông như cảnh “núi ấp ôm mây, mây ấp núi”.

Cảnh đẹp đầu tiên sau gần 1 giờ đi trên con đường rừng núi khô khan bắt đầu mở ra cho đoàn lữ hành những mộng mơ về hành trình đẹp phía trước. 

Tà Xùa nơi mây núi gặp nhau
Tà Xùa, nơi gặp gỡ đất trời - Ảnh: Chương Nguyễn

Check in đầu rùa

Tìm hiểu thông tin giới thiệu về Tà Xùa, chắc bạn đã nghe đến hình ảnh “đầu rùa” rất đẹp như một điểm check-in thú trên đường lên đỉnh núi. Tuy nhiên, vào một ngày không có nắng đẹp và những áng mây mù che khuất tầm nhìn xa, “đầu rùa” không có gì là đẹp hay thử thách du khách cả.

Check in đầu rùa
Check in đầu rùa - Ảnh: Vàng A Chìa

Nói chung nó là một tảng đá lớn có hình con rùa nằm bên đường trên cung đường leo lên đỉnh Tà Xùa mà bạn có thể leo lên đó mà chụp vài kiểu ảnh, với mình chỉ đơn giản vậy thôi (không như lời đồn).

Lán nghỉ 1 với bữa trưa ngon miệng

Sau khoảng 5 giờ từ lúc xuất phát, đoàn lên đến Lán nghỉ 1. Cảm giác mệt và đói sau một chặng đường leo núi liên tục mọi người ai cũng háo hức khi đến Lán 1 được dừng chân nghỉ ngơi và ăn trưa.

Bữa trưa của đoàn là cơm nếp và cơm gạ tẻ do vợ chồng anh A Chìa porter chuẩn bị từ mờ sáng. A Chìa nói vợ chồng dậy từ 3 giờ sáng để nấu cơm và chuẩn bị đồ ăn cho đoàn. Cơm nếp nương, gạo tẻ trồng ở Bản Tà Xùa của người H’mong, ăn cùng với thịt gà và một ít giò hâm nóng. 

Lán 1 - Tà Xùa
Nghỉ chân và chuẩn bị bữa trưa Lán 1 - Ảnh: Chương Nguyễn

Giữa cái mệt, cái đói, cái lạnh ở lưng chừng núi khiến cho ai ấy đều háo hức và có bữa trưa rất là ngon miệng. 

Ăn trưa xong, đoàn dừng chân nghỉ ngơi thêm chừng 30 phút rồi tiếp tục hành trình. Bên trong lán có giường đệm, chăn gối để hành khách nghỉ ngơi. Bên ngoài có nhà vệ sinh và bể nước nhỏ để rửa. 

Giữa tháng 10 ở giữa lưng chừng núi, nước thì trong vắt nhưng lạnh buốt thấu vào tận xương bàn tay.

Vượt qua sống lưng khủng long

Tiếp tục hành trình sau điểm dừng chân Lán nghỉ 1 chừng hơn trăm mét (100m), chúng ta sẽ trải qua hành trình vượt qua “sống lưng khủng long”, thử thách mạo hiểm bậc nhất ở cung leo Tà Xùa.

Đoạn “sống lưng khủng long” dài khoảng 2,5km với thời gian đi qua khoảng gần 3 giờ tùy theo tốc độ và khả năng di chuyển của mỗi người và cả đoàn. 

Không hổ danh với lời đồn, “sống lưng khủng long” là chặng mà những người sợ độ cao hoặc yếu bóng vía có thể “lạnh sống lưng” khi leo qua đoạn đừng núi hiểm trở này. Hai bên sống lưng khủng long là vực sâu thăm thẳm, có đoạn mình cố nhìn xuống phía dưới để xem nó sâu đến đâu nhưng nhìn mãi mà chưa thấy đáy. 

Toàn bộ sống lưng khủng long có thể chia thành 3 đoạn mạo hiểm nhất là đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Mỗi đoạn là một khó khăn, thử thách kỹ năng và sự vững vàng về tinh thần của những người leo núi khi đã cưỡi trên lưng nó. Sự háo hức khi bắt đầu, sự hồi hộp khi leo, sự lo lắng khi nhìn xuống dưới và sự vỡ oà khi vượt qua được đoạn đường khó khăn này. 

Đoạn leo sống lưng khủng long có thể ví như một tình huống khó khăn trong cuộc, công việc mà ai cũng sẽ trải qua. Trong tình huống đó, bạn phải độc hành không có người hỗ trợ và bạn phải làm đúng, không được phép sai vì không có cơ hội để sửa chữa.

Đây là trải nghiệm vô giá giúp cho những người đã trải nghiệm, vượt qua thêm vững niềm tin, bền ý chí nghị lực làm hành trang cho cuộc đời. 

Ngủ đêm ở Lán 2 và buổi tối giao lưu văn nghệ

Vượt qua “sống lưng khủng long” đoàn leo núi sẽ lên đến Lán nghỉ 2 ở độ cao 2.400 -2.500 m so với mặt nước biển. Hành trình lên đỉnh núi Tà Xùa từ Lán 2 còn khoảng 3 km đường núi, thời gian leo từ 2,5 -3 giờ nữa.

Lúc lên đến Lán 2 cũng là 4h00 chiều, đoàn không đi tiếp mà quyết định nghỉ lại một đêm để sáng mai tiếp tục hành trình. Sau hành trình dài gần cả ngày và vượt qua thử thách mạo hiểm sống lưng khủng long, khi lên đến đây thì không khí và thời tiết khác xa so với dưới chân núi.

Một số thành viên trong đoàn thấm mệt, đau nhức khớp gối, mỏi chân và có người đau đầu có thể do không khí loãng và lạnh. 

Lán nghỉ 2 có sức chứa khoảng 100 người, giữa chốn núi rừng hoang vu ở độ hàng nghìn mét so với mặt biển, buổi chiều về tối ở đây rất lạnh. Nhưng Lán có đủ chăm đệm ngủ đủ rất ấm mà không lo bị lạnh, có bếp nấu ăn và cung cấp nước nóng để tắm (50k/người). Có vài cái nhà tắm, nhà vệ sinh bên ngoài lán. 

Tuy nhiên, khi tắm bên ngoài lán rất lạnh, phải dội nước ấm liên tục và tắm thật nhanh để vào lại bên trong cho ấm.

Khoảng 6 giờ chiều bên ngoài trời đã tối, bữa cơm chiều được dọn lên cho từng đoàn ở trong lán. 

Mới gần đây, lán 2 đã có máy phát điện thắp sáng làm cho không khí buổi tối giữa chốn núi rừng hoàng vu trở nên vui nhộn. Bữa tối của đoàn được anh chị porter chuẩn bị kỹ lưỡng, thực phẩm được mang theo từ dưới núi lên.

Khu lán có nhà bếp riêng để nấu nướng, sửa soạn bữa tối cho các đoàn. Porter của đoàn nào thì chuẩn bị cho đoàn đó. Với chúng tôi, bữa tối thật là thịnh soạn ngay tại chốn núi rừng với bữa tối có cả cơm với thịt, lẩu, rau và gia vị không khác gì bữa liên hoan ở nhà hàng dưới phố.

Tối hôm đó có đến 5-6 đoàn cùng ở lại lán nghỉ 2. Trong khi ăn tối, các đoàn giao lưu uống rượu, văn nghệ, hò hát làm cho không khí buổi tối lạnh lẽo trong khu lán nghỉ giữa thêm náo nhiệt, bớt đi sự mệt mỏi sau một ngày cuốc bộ leo núi mệt lử và đau nhức khắp người. 

Hoa, cô bạn trẻ trong đoàn chúng tôi, như thường lệ lại trở thành quản ca cho cả nhóm. Cả nhóm nâng chén cụng ly khi Hoa hô vang “hò dzô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo, hò dzô ta nào kép pháo ta vượt qua núi…Một, hai, ba…dzô dzô…”. Không khí của buổi tối tịch mịch giữa chốn rừng núi hoang vu được hâm nóng, các đoàn bạn bên cạnh được truyền cảm hứng cũng bắt đầu "dzô…dzô…"

Lán 2 - Tà Xùa
Bữa tối ấm cúng ở Lán nghỉ 2 Tà Xùa - Ảnh: Chương Nguyễn

Đến gần 8 giờ tối, bữa tối cũng kết thúc. Các thành viên trong đoàn và các đoàn bạn bắt đầu chuyển sang chơi trò chơi. Tôi không tham gia nên không biết mọi người chơi gì, nhưng trò chơi ma sói có vẻ được chơi nhiều hơn cả. 

Suốt cả ngày đường từ lúc khởi hành lên núi thì hầu như không có sóng điện thoại và 4G. Buổi tối ở lán 2 thì hoàn toàn mất kết nối với thế giới internet bên ngoài. Không gọi điện, không internet, không đọc báo, không nghe nhạc, xem phim hay mạng xã hội. Quả thực điều này không dễ dàng chút nào khi chúng ta hầu như quá quen với cuộc sống không thể thiếu kết nối Internet. 

Tuy nhiên, nếu cần một khoảng không gian cho riêng bản thân và sống lại thời chưa từng có mạng internet, có phút nhìn lại mình và hòa nhập với núi rừng tự nhiên thì đây là dịp may hiếm có. 

Chúng tôi đi ngủ sớm để sáng mai tiếp tục hành trình, 5h00 sáng mọi người đều tỉnh giấc rồi. Trời lạnh, âm u, không khí trong lành, yên tĩnh.

Rừng nguyên sinh cổ thụ với rêu phong ma mị

Đúng 6h15 phút đoàn tiếp tục khởi hành hướng về đỉnh núi. Đỉnh núi Tà Xùa có 3 đỉnh là đỉnh 1, đỉnh 2 và đỉnh 3.

Anh A Chìa porter nói rằng do thời tiết âm u thiếu nắng như hôm nay thì khó mà săn mây được nên cả đoàn sẽ không đi đỉnh 1 (để săn mây đẹp), không đi đỉnh 3 (vì quá xa và không đủ thời gian) mà chỉ đi lên đỉnh 2 sẽ băng qua rừng nguyên sinh ma mị, cảnh đẹp mê hồn.

Là người từng đi nhiều cung leo núi khác, A Chìa porter cho rằng Tà Xùa có khu rừng nguyên sinh lớn và đẹp nhất trong số các cung đường mà anh đã đi qua. 

Đoạn đường leo núi từ lán 2 lên đỉnh sáng nay trải qua cung đường lên dốc, băng qua núi rừng, trời âm u và đường đi trơn trượt vất vả. Đường khó đi như vậy nhưng ai cũng háo hức trầm trồ và phấn chấn trước cảnh tượng vô cùng đẹp trong suốt cung đường từ Lán 2 lên đỉnh đỉnh 2 Tà Xùa.

Rừng nguyên sinh lên đỉnh Tà Xùa
Rừng cổ thụ rêu phong trên đường lên đỉnh Tà Xùa - Ảnh: Chương Nguyễn

Đi cứ được một đoạn, đoàn lại dừng lại chụp ảnh, quay phim ghi lại những cảnh đẹp của thiên nhiên và những trải nghiệm của đoàn mình khi qua cung đường với cảnh vật tuyệt đẹp đến nao lòng. Những cây cổ thụ già hàng trăm năm tuổi được bao quanh (cộng sinh, ký sinh) bởi những tảng rêu phong xanh mướt cánh rừng. 

Giám, là dân công nghệ vốn trước giờ chỉ quen với code, đứng trước cảnh rêu phong ma mị của chốn rừng già cũng phải lập trình thơ:

"Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san” - (Kiều - Nguyễn Du).

Trên hành trình lên đỉnh Tà Xùa thì đoạn vượt qua đoạn sống lưng khủng long mang lại cảm xúc lo lắng, mạo hiểm có phần sợ hãi thì cung lên đỉnh núi từ lán nghỉ 2 mang lại cảm xúc nao nao khó tả bởi cánh rừng đẹp hiếm có đến mê hồn.

Bài 1: Team BookingCare leo đỉnh Tà Xùa thành công

Bài 3: Xuống núi và kết thúc hành trình

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết