Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 14/11/2023
Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị
Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị - Ảnh: BookingCare
Bệnh động mạch ngoại biên là bệnh lý về mạch máu ngoại biên, ảnh hưởng chủ yếu đến các chi, đặc biệt là ở chi dưới.

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến, trong đó, các động mạch bị thu hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân. Do không nhận đủ lượng máu ở các chi, gây ra đau nhức ở các chi, chân đi khập khiễng và các triệu chứng liên quan khác.

Bệnh động mạch ngoại biên là gì?

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) hay bệnh mạch máu ngoại biên, là một bệnh về mạch máu bên ngoài tim và não, gồm hệ thống động mạch xa trung tâm như: Động mạch chi dưới, chi trên, động mạch thận, động mạch cảnh.

Bệnh động mạch ngoại biên ảnh hưởng đến các mạch máu khiến chúng bị thu hẹp, do đó hạn chế lưu lượng máu đến cánh tay, thận, dạ dày và phổ biến nhất là đến chân.

Tình trạng này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh thiếu máu sẽ phát triển ở các mô cơ quan phía sau mạch máu, có thể dẫn đến hoại tử các chi và thậm chí phải cắt cụt hoặc tháo bỏ các khớp và các cơ quan liên quan.Ngoài ra, bệnh là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đau tim và đột quỵ. Tuy nhiên, hoạt động thể chất có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng.

Nguyên nhân gây ra bệnh động mạch ngoại biên

Bệnh động mạch ngoại biên thường do sự tích tụ các chất béo, mảng bám cholesterol trên thành động mạch. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch làm giảm lưu lượng máu qua động mạch.

Xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến các động mạch khắp cơ thể. Khi xơ vữa xảy ra ở các động mạch cung cấp máu cho các chi sẽ gây ra bệnh động mạch ngoại biên.

Ngoài vấn đề về xơ vữa động mạch, một số bệnh lý khác cũng là nguyên nhân gây ra bệnh động mạch ngoại biên bao gồm:

  • Viêm mạch máu
  • Chấn thương ở cánh tay hoặc chân
  • Những thay đổi ở cơ hoặc dây chằng
  • Tiếp xúc với bức xạ
  • Huyết áp cao và cholesterol trong máu cao

Triệu chứng nhận biết động mạch ngoại biên

Nhiều người mắc bệnh động mạch ngoại biên thường không có triệu chứng trong giai đoạn , một số trường hợp bị đau nhức ở chân khi đi bộ và tình trạng này thường biến mất sau vài phút nghỉ ngơi. Thuật ngữ y khoa gọi tên tình trạng này là "khập khiễng không liên tục". 

Cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng và thường biến mất sau vài phút khi bạn nghỉ ngơi. Cả hai chân thường bị ảnh hưởng cùng một lúc, mặc dù cơn đau có thể nặng hơn ở một chân.

Ngoài ra, một số triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên có thể xảy ra như:

  • Có hiện tượng rụng lông ở chân hoặc bàn chân
  • Tê hoặc yếu ở chân
  • Móng chân giòn, mọc chậm
  • Vết thương hở ở bàn chân và cẳng chân lâu lành, có thể hình thành vết loét 
  • Thay đổi màu da ở chân, chẳng hạn như tái nhợt hơn bình thường hoặc xanh hơn
  • Rối loạn cương dương ở nam giới
  • Đau chuột rút ở một hoặc cả hai cơ hông, đùi hoặc bắp chân sau một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như đi bộ hoặc leo cầu thang
  • Đau khi sử dụng cánh tay, chẳng hạn như đau và chuột rút khi đan, viết hoặc làm các công việc chân tay khác

Các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên thường phát triển chậm, theo thời gian. Nếu các triệu chứng của bạn phát triển nhanh chóng hoặc đột ngột trở nên trầm trọng hơn, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức.

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên, các bác sĩ Tim mạch sẽ đặt các câu hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh mà người bệnh đang gặp phải. 

Ngoài ra, một số phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm khác cũng được chỉ định để xác định chính xác tình trạng bệnh của bệnh nhân như:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra các tình trạng liên quan đến động mạch ngoại biên như cholesterol cao, chất béo trung tính cao và bệnh tiểu đường
  • Đo chỉ số  huyết áp cổ chân - cánh tay (ABI). Đây là một xét nghiệm phổ biến được sử dụng để chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên. Chỉ số này được xác định bằng cách chia số huyết áp tâm thu cổ chân cho huyết áp cánh tay
  • Siêu âm Doppler mạch máu: Biện pháp sử dụng sóng âm để xem máu di chuyển qua các mạch máu như thế nào. Siêu âm Doppler là một loại siêu âm đặc biệt được sử dụng để phát hiện các động mạch bị tắc hoặc thu hẹp.
  • Chụp động mạch: Phương pháp sử dụng tia X, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) để tìm kiếm tắc nghẽn trong động mạch. Trước khi chụp mạch, thuốc cản quang sẽ được tiêm vào mạch máu, thuốc giúp động mạch hiển thị rõ ràng hơn trên hình ảnh xét nghiệm.

Phương pháp điều trị bệnh

Phương pháp điều trị bệnh động mạch ngoại biên bao gồm thay đổi lối sống và điều trị thuốc.

Thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện các triệu chứng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh động mạch ngoại biên. Nếu bạn hút thuốc, bỏ thuốc là điều quan trọng nhất bạn có thể làm để giảm nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, việc đi bộ hoặc tập thể dục một cách thường xuyên có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng.

Các loại thuốc thường được chỉ định để điều trị bệnh động mạch ngoại biên bao gồm:

  • Thuốc hạ Cholesterol
  • Thuốc huyết áp 
  • Thuốc kiểm soát đường huyết trong máu
  • Thuốc ngăn ngừa cục máu đông
  • Thuốc giảm triệu chứng đau chân

Trong một số trường hợp, nong mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu có thể cần thiết để điều trị bệnh động mạch ngoại biên gây ra chứng đau cách hồi.

Bệnh động mạch ngoại biên gây ra các cơn đau nhức ở tay và chân, gây khó khăn trong sinh hoạt của người bệnh. Nắm được các thông tin cơ bản về bệnh sẽ giúp bạn nhận biết và có biện pháp kiểm soát bệnh kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết