Bệnh gout: Triệu chứng, biến chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Bệnh gout: Triệu chứng, biến chứng, cách điều trị và chế độ ăn uống
Bệnh gout: Triệu chứng, biến chứng, cách điều trị và chế độ ăn uống - Ảnh: BookingCare

Bệnh gout: Triệu chứng, biến chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 06/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/12/2023
Bệnh gout là một trong những bệnh Cơ xương khớp thường gặp nhất (chiếm 1/3 lượng bệnh nhân đến khám các vấn đề về Cơ xương khớp). Đến nay, bệnh gout không thể tự khỏi theo thời gian mà chỉ tập trung điều trị triệu chứng, kiểm soát nồng độ acid uric máu.

Bệnh Gout  hay còn được gọi là "bệnh gút", là một loại bệnh liên quan đến sự tăng cao của axit uric trong cơ thể dẫn đến các triệu chứng đau đớn và sưng tại vị trí bị ảnh hưởng. Đây là một trong những vấn đề về xương khớp phổ biến nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng người bệnh đến khám với các bác sĩ Cơ Xương Khớp.

Bài viết dưới đây tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh gout như triệu chứng, biến chứng và chế độ ăn uống để bệnh nhân biết cách phòng tránh cũng như điều trị nếu không may mắc phải.

Bệnh Gout là gì? 

Gout là bệnh lý do sự rối loạn chuyển hóa nhân purin. Rối loạn chuyển hoá nhân purin gây tăng cao nồng độ acid uric trong máu khiến thận không thể lọc acid uric từ trong máu.

Khi nồng độ acid uric trong máu được tích tụ qua thời gian trở nên quá cao, những tinh thể urat được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở khớp và gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.

Nguyên nhân gout thường liên quan đến sự tạo ra quá nhiều axit uric hoặc khả năng loại bỏ axit uric kém hiệu quả từ cơ thể. Các nguyên nhân có thể kể đến như di truyền, tiêu thụ thức ăn giàu purin, sử dụng đồ uống cồn bừa bãi, béo phì, bệnh thận và sử dụng thuốc. 

Bệnh gout có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, thông qua chẩn đoán đúng và quản lý hiệu quả, bệnh gout có thể được kiểm soát. Phương pháp điều trị bao gồm các biện pháp thay đổi lối sống, sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm,...

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh gout 

Triệu chứng bệnh gout thường xảy ra đột ngột và vào ban đêm. Một số triệu chứng và dấu hiệu cấp tính của bệnh gout có thể kể đến như:

  • Đau khớp, sưng đỏ khớp, thường sẽ đau đột ngột, dữ dội. 
  • Đau đột ngột vào ban đêm và tại chỗ khớp viêm biểu hiện là sưng, nóng, đỏ, đau, hạn chế vận động.

Vị trí đau: Khoảng 80 - 90% cơn gout đầu tiên sẽ xảy ra ở một khớp và điển hình là khớp bàn chân và khớp ngón chân cái. Kế tiếp là các khớp khác như: mu bàn chân, cổ chân, gót chân, gối, cổ tay, ngón tay, khuỷu tay…

Đau thường xuất hiện đột ngột hoặc sau bữa ăn nhiều protid, gắng sức, căng thẳng, nhiễm lạnh, chấn thương… đặc biệt là sau khi uống rượu bia.

Tình trạng đau thường xảy ra trong 24 - 48 giờ và kéo dài từ 3 đến 10 ngày rồi tự khỏi

Càng về sau đợt viêm cấp càng kéo dài, không tự khỏi, biểu hiện ở nhiều khớp, đối xứng và để lại các di chứng cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động…

Triệu chứng bệnh gout
Triệu chứng bệnh gout - sưng, nóng, đỏ, đau khớp - Ảnh: SKĐS

Bệnh gout có nguy hiểm không?

Bệnh gout nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, kết hợp với thay đổi thói quen ăn uống phù hợp sẽ không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu những cơn gout cấp này không được điều trị sớm, có thể khiến bệnh trở nên nghiệm trọng hơn, như:

  • Hạt tophi: bệnh này đặc trưng bởi sự tích tụ tinh thể dưới da. Thông thường, các khối này sẽ xuất hiện xung quanh ngón chân, đầu gối, ngón tay và tai. Nếu không được xử lý đúng cách thì hạt tophi sẽ ngày càng lớn, gây hạn chế vận động khớp, thậm chí là tàn phế. 
  • Tổn thương khớp: nếu người bệnh không dùng thuốc trị gout, khớp có thể bị tổn thương vĩnh viễn. 
  • Sỏi thận: bệnh gout mãn tính có thể gây lắng đọng muối urat trong thận gây ra bệnh sỏi thận. Có thể làm tăng nguy cơ thận ứ nước, ứ mủ dẫn đến suy thận, tăng huyết áp.
  • Ngoài ra, biến chứng của bệnh gout có thể xảy ra do dùng thuốc điều trị, điển hình là gây dị ứng, nhất là loại allopurinol hoặc tác dụng phụ của các thuốc chống viêm corticoid hoặc không steroid làm tổn hại đến hệ tiêu hóa, máu, thận…

Để tránh những biến chứng xấu có thể xảy ra, ngay khi xuất hiện triệu chứng bệnh gout, người bệnh nên sắp xếp thời gian đi khám chuyên khoa Cơ xương khớp tại cơ sở y tế uy tín.

Phân biệt gout với bệnh giả gout

Giả gout thường bị nhầm lẫn với bệnh gout hoặc tình trạng thấp khớp khác. Bệnh giả gout nếu không được điều trị có thể dẫn đến thoái hóa khớp nặng, viêm khớp mạn tính và tàn tật.

Do vậy, chẩn đoán chính xác bệnh giả gout là rất quan trọng. Sau đây là những điều bạn nên biết về bệnh giả gout.

  Giả gout  Bệnh gout
Định nghĩa Là do lắng đọng muối calcium có hình thoi tại khớp Là do lắng đọng tinh thể acid uric hình kim tại khớp và các mô mềm
Vị trí đau Thường khởi phát ở khớp gối và khớp lớn Thường khởi phát ở các ngón khớp cái, mu bàn chân, cổ gân, gót chân, đầu gối, cẳng tay và khuỷu tay
Mức độ đau Gây đau từ từ trong nhiều ngày và mức độ đau cũng nhẹ hơn đau do gout Thường tấn công về đêm, đột ngột và sưng đau dữ dội trong khoảng 12-24 giờ
Điều trị Chủ yếu là điều trị triệu chứng. Không có phương pháp chữa trị dứt điểm cho giả gout Nguyên tắc điều trị bệnh gút là hạ acid uric trong máu
Ăn uống Giả gout không cần phải có chế độ ăn uống nghiêm ngặt như người mắc bệnh gout Cần thuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt nghiêm ngặt

Mặc dù có các triệu chứng giống nhau nhưng bản chất gây bệnh và phương pháp điều trị bệnh giả gout lại hoàn toàn khác bệnh gout. Vì vậy, khi thấy có bất thường tại khớp cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp để được chẩn đoán và tư vấn điều trị đúng cách. 

Bệnh gout có chữa dứt điểm được không?

Gout là một loại bệnh rối loạn chuyển hoá nên không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh gout có thể tái phát trong tương lai nếu gặp điều kiện thích hợp. Nếu chẩn đoán và điều trị sớm, đúng phương pháp, người bệnh có thể kiểm soát 90 – 95% các triệu chứng bệnh.

Nguyên tắc là điều trị triệu chứng, kiểm soát nồng độ acid uric máu để hạn chế kết tủa thêm tinh thể muối urat. 

Điều trị thường bao gồm sử dụng thuốc làm giảm nồng độ axit uric và giảm đau do hình thành axit uric ở khớp.

Nếu phát hiện bệnh sớm, lượng tinh thể muối urat lắng đọng còn ít thì việc điều trị tan urat sẽ dễ dàng hơn những người đã bị gout mãn tính.

Nếu điều trị phục hồi các rối loạn chuyển hóa, đồng thời làm sạch tinh thể muối urat thì cũng có thể được coi là hết bệnh gout.

Điều quan trọng trong điều trị bệnh gout là chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Tuy nhiên dù có được điều trị hết gout, bệnh nhân vẫn cần duy trì chế độ sinh hoạt ăn uống hợp lý để chống tái mắc bệnh

Bệnh gout
Bệnh gout đầu tiên sẽ xảy ra ở một khớp và thường gặp nhất là khớp ngón chân - Ảnh: Canva

Tạo thói quen ăn uống, sinh hoạt phù hợp với bệnh gout

Như đã nói ở trên, đối với điều trị bệnh gout, thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học đóng vai trò vô cùng quan trọng. Điều trị bằng thuốc là chưa đủ, người bệnh cần tạo cho mình những thói quen tốt để phòng tránh tái phát về sau. 

1. Thói quen sinh hoạt

  • Trong giai đoạn khớp đang viêm cấp nên để cho khớp nghỉ ngơi, hạn chế vận động.
  • Qua đợt cấp bệnh nhân sinh hoạt điều độ, tránh stress, tập thể dục đều đặn, duy trì BMI trong giới hạn bình thường. Ngược lại, việc giảm cân cũng cần thực hiện khoa học nếu không muốn tình trạng bệnh gout thêm trầm trọng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý để tránh tăng axit uric và sức ép lên các khớp.
  • Tránh dùng một số thuốc có thể làm tăng acid uric máu như lợi tiểu, aspirin liều thấp, corticoid kéo dài.
  • Rèn luyện lối sống lành mạnh: Cần có thời gian biểu làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, gia tăng các hoạt động thể chất để rèn luyện sức khỏe cơ khớp.
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện bệnh và điều trị từ sớm.

2. Chế độ ăn uống cho người bệnh gout

Nguyên tắc ăn uống bệnh nhân gout nên ghi nhớ:

  • Sử dụng thức ăn chứa ít nhân purin như ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, đường, trứng, sữa, phomat, rau quả.
  • Hạn chế thức ăn nhiều acid uric như thịt, cá, hải sản, gia cầm, óc, gan, bầu dục, đậu đỗ; bỏ rượu, thức uống có rượu, bia, cà phê, chè.
  • Không giảm cân quá nhanh cho người béo quá mức. Cần giảm cân từ từ.
  • Đủ nước thông tiểu nhưng không dùng cà phê, chè...

Những người mắc bệnh gout, dù ở mức độ nào cũng cần tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt để tránh bệnh nặng thêm hoặc tái phát sau khi đã ổn định. Có gắng tuân thủ nguyên tắc trên, cụ thể như sau:

Nên ăn và tránh ăn gì khi bị bệnh gout
Nên ăn và tránh ăn gì khi bị bệnh gout - Ảnh: BookingCare

Trên đây là những chia sẻ của BookingCare về bệnh Gout. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết