Bệnh rụng tóc: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Bệnh rụng tóc: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
bệnh rụng tóc
Bệnh rụng tóc: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Bệnh rụng tóc: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 19/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Rụng tóc không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể.

Tóc là một phần quan trọng của cơ thể, không chỉ có tác dụng bảo vệ da đầu khỏi tác động của thời tiết, môi trường bên ngoài mà còn góp phần tạo nên vẻ đẹp của con người. Tuy nhiên, rụng tóc là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới ở mọi lứa tuổi.

Cùng BookingCare tham khảo ý kiến bác sĩ Da liễu về bệnh rụng tóc cùng các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị cụ thể.

Triệu chứng của bệnh rụng tóc

Rụng tóc là biểu hiện của bệnh lý khi tóc rụng nhiều hơn bình thường, rụng không mọc lại, rụng tạo thành các vùng hói. Người bị rụng tóc nhận thấy tóc không có dấu hiệu mọc lại khiến tóc ngày càng mỏng và ít đi. 

Những dấu hiệu cụ thể hơn của rụng tóc có thể kể đến như sau:

  • Tóc dần dần mỏng đi trên đỉnh đầu: Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất. Ở nam giới, tóc thường bắt đầu rụng dần ở rìa trán. Còn ở phụ nữ thường bị rụng ở phần đỉnh đầu.
  • Các mảng hói: Một số người bị rụng tóc thành từng mảng hói hình tròn hoặc loang lổ trên da đầu. 
  • Tóc rụng đột ngột: Tóc có thể rụng ra khi chải, gội đầu hoặc thậm chí sau khi vuốt, giật nhẹ.
  • Rụng tóc đột ngột, hoàn toàn để lại dát hình tròn/ oval trên da đầu: triệu chứng này hay gặp ở những người rụng tóc từng mảng
  • Da đầu có thể xuất hiện các mảng tróc vảy, bóng nước vỡ ra hoặc có mủ

Nguyên nhân của bệnh rụng tóc

Rụng tóc thường liên quan đến một hoặc nhiều yếu tố sau:

  • Tiền sử gia đình (di truyền): Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây rụng tóc, đặc biệt là ở nam giới. Rụng tóc di truyền thường bắt đầu ở độ tuổi trung niên và có thể dẫn đến hói đầu.
  • Thay đổi nội tiết tố và tình trạng bệnh lý: Nhiều tình trạng khác nhau có thể gây rụng tóc vĩnh viễn hoặc tạm thời, bao gồm thay đổi nội tiết tố do mang thai, sinh nở, mãn kinh và các vấn đề về tuyến giáp. Các bệnh lý da liễu như lupus ban đỏ, viêm nang lông decalvans, trứng cá sẹo lồi,... cũng có thể gây rụng tóc.
  • Rụng tóc cũng có thể là biểu hiện của tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, điều trị các vấn đề về tim mạch, bệnh gút và tăng huyết áp.
  • Các vấn đề căng thẳng, stress về thể chất hoặc tinh thần có thể khiến tóc bị rụng.
  • Chế độ ăn uống thiếu cân bằng: Thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu, chẳng hạn như sắt, kẽm, vitamin B12,... có thể dẫn đến rụng tóc.

Chẩn đoán bệnh rụng tóc

Có nhiều loại rụng tóc với triệu chứng và nguyên nhân khác nhau. Để tìm được nguyên nhân rụng tóc cần hỏi bệnh và thăm khám một cách hệ thống.

  • Hỏi bệnh: diễn biến cấp/mạn  tính, bẩm sinh/mắc phải, tiền sử gia đình, bệnh lý đang điều trị, thuốc đang sử dụng, tình trạng nội tiết, chế độ ăn uống sinh hoạt, 
  • Khám toàn trạng: nữ (dấu hiệu liên quan androgen: bất thường kinh nguyệt, béo phì, dấu hiệu nam tính), ảnh hưởng hormone tới nang lông tuyến bã (da dầu, trứng cá, rậm lông, rụng tóc)
  • Khám tóc không xâm lấn: quan sát bằng mắt, khám bằng tay, đếm số lượng tóc rụng...
  • Khám tóc bán xâm lấn: Trichogram (Test nhổ tóc) - Bệnh nhân không gội đầu trong 3 ngày. Kẹp 50 sợi tóc sát vào chân tóc bằng cái kẹp cao su và nhổ mạnh theo chiều tóc. Sau đó quan sát dưới kính hiển vi và đánh giá kết quả
  • Kỹ thuật xâm lấn: sinh thiết bệnh phẩm - mẫu tóc được lấy ở vùng viêm, thường là viền mảng rụng tóc
  • Xét nghiệm khác: soi tươi tìm nấm, công thức máu, định lượng sắt huyết thanh, ferritin, TSH, FT3, FT4, test nhanh giang mai, hormone, miễn dịch… để tìm ra nguyên nhân gây rụng tóc
Hình ảnh bệnh rụng tóc
Hình ảnh bệnh rụng tóc - Ảnh: Canva

Phương pháp điều trị bệnh rụng tóc

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây rụng tóc, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Đôi khi tình trạng rụng tóc khó xác định nguyên nhân, diễn ra dai dẳng nên đòi hỏi phải thử nghiệm nhiều phương pháp điều trị khác nhau trước khi tìm ra phương pháp hiệu quả.

Nếu tóc rụng do các loại bệnh lý như bệnh về tuyến giáp, bệnh thiếu máu, bệnh buồng trứng đa nang, bệnh lupus ban đỏ… thì cần phải điều trị bệnh lý trước.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị rụng tóc phổ biến hiện nay:

  • Thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như minoxidil, finasteride, có thể giúp ngăn ngừa rụng tóc và kích thích mọc tóc.
  • Thủ thuật: Một số thủ thuật chẳng hạn như cấy tóc, tiêm steroid, liệu pháp laser, huyết tương giàu tiểu cầu,... có thể giúp cải thiện tình trạng rụng tóc.
  • Liệu pháp không dùng thuốc: Một số liệu pháp chẳng hạn như massage da đầu, sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc tự nhiên, có thể giúp cải thiện tình trạng rụng tóc.

Điều trị bệnh rụng tóc tại nhà

  • Ngoài điều trị bằng thuốc, có thể sử dụng dầu gội đầu có chứa dưỡng chất giúp kích thích mọc tóc.
  • Massage da đầu có thể giúp tăng cường lưu thông máu đến da đầu, từ đó giúp tóc mọc khỏe mạnh hơn. 
  • Một số sản phẩm chăm sóc tóc tự nhiên, chẳng hạn như dầu dừa, tinh dầu bưởi, cũng có tác dụng giúp kích thích mọc tóc. Bạn có thể sử dụng dầu dừa hoặc tinh dầu bưởi để thoa lên da đầu và ủ trong khoảng 30 phút trước khi gội đầu.
  • Thành phần Progesterone trong thuốc tránh thai có thể gây rụng tóc. Nếu bạn đang dùng thuốc tránh thai và có kèm theo tình trạng rụng tóc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để chuyển sang những loại thuốc/ phương pháp khác phù hợp hơn.

Sống chung với bệnh rụng tóc

Bằng cách thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, bạn có thể cải thiện tình trạng rụng tóc:

  • Thay đổi chế độ ăn: Protein trong thức ăn là thành phần quan trọng để giúp tóc mọc chắc khỏe. Vitamin B12 và vitamin D cũng giúp da đầu khỏe mạnh và kích thích tóc mọc tốt hơn. 
  • Bạn cũng nên hạn chế ăn các thực phẩm có hại cho tóc, chẳng hạn như thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có cồn,...
  • Thói quen búi tóc khiến cho sợi tóc luôn trong tình trạng căng kéo, dễ bị gãy rụng hơn; vì vậy bạn nên lựa chọn những kiểu tóc thật sự phù hợp
  • Tránh chải tóc quá mạnh làm tổn thương tóc và nang tóc
  • Hạn chế làm tóc, nhuộm tóc, uốn tóc,... vì khi tiếp xúc với hóa chất và nhiệt độ, sợi tóc sẽ yếu đi và dễ gãy rụng hơn. 
  • Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, mệt mỏi. Tích cực rèn luyện thể chất thông qua các hoạt động như đi bộ, đạp xe, tập yoga…

Như vậy, trên đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng rụng tóc, cũng như những biện pháp phòng tránh và điều trị.

Để đối phó với bệnh rụng tóc, quan trọng nhất là phải thường xuyên chăm sóc tóc và da đầu của mình. Việc duy trì một chế độ ăn uống cân đối, giảm căng thẳng, tránh sử dụng các sản phẩm làm tóc chứa hóa chất có hại, và thực hiện các biện pháp bảo vệ tóc khỏi tác động môi trường như ánh nắng mặt trời và khói bụi là vô cùng cần thiết.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết