Bệnh sởi ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 23/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/01/2024
bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh sởi ở trẻ em có thể diễn tiến nhanh nếu không được điều trị kịp thời - Ảnh: BookingCare
Sởi là một bệnh nhiễm virus rất dễ lây lan, gây phát ban da toàn thân và các triệu chứng giống cúm. Bệnh sởi ở trẻ em cần được thăm khám và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng không mong muốn. 

Trẻ em là đối tượng có sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên khi bị lây nhiễm virus sởi, đặc biệt bệnh thường gặp ở những trẻ chưa tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Bệnh sởi ở trẻ em có thể diễn biến nhanh và tồi tệ hơn nếu không được điều trị đúng cách.

Triệu chứng của bệnh sởi ở trẻ em

Các triệu chứng bệnh sởi ở trẻ bắt đầu khoảng 7 - 14 ngày sau khi nhiễm virus. Một số triệu chứng điển hình đầu tiên ở trẻ là: sốt, sổ mũi, ho khan và mắt đỏ (viêm kết mạc). Trong một số trường hợp, mắt trẻ rất nhạy cảm với ánh sáng. 

Trước khi phát ban, cha mẹ sẽ quan sát thấy những đốm nhỏ màu đỏ tươi có tâm màu trắng (đốm Koplik) bên trong miệng của trẻ. 

Phát ban sởi bùng phát 3 - 5 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu, kèm theo sốt cao có thể lên tới 40°C. Phát ban màu đỏ thường bắt đầu bằng những đốm đỏ phẳng trên trán, sau đó lan ra phần còn lại của khuôn mặt, xuống cổ, đến cánh tay, chân và bàn chân.

triệu chứng bệnh sởi ở trẻ em
Trẻ bị sởi có triệu chứng sốt kèm các dấu hiệu phát ban - Ảnh: Eva.vn

Tình trạng sốt và phát ban do sởi sẽ giảm dần sau vài ngày. Sau đó, các nốt sởi sẽ chuyển sang màu nâu nhạt và bong vảy.

Nguyên nhân gây bệnh sởi ở trẻ

Một loại virus cực kỳ dễ lây lan có tên morbillivirus (họ Paramyxoviridae) là nguyên nhân gây ra bệnh sởi ở cả người lớn và trẻ nhỏ. 

Trẻ bị lây nhiễm virus sởi nếu trẻ tiếp xúc với virus gây bệnh, thường từ dịch mũi, họng hoặc giọt bắn của người mang bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus gây bệnh sởi này ủ bệnh và phát ban trong khoảng 1-2 tuần. 

Một số trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh sởi hơn thông thường:

  • Trẻ chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
  • Trẻ ở trong khu vực nhiều người mắc bệnh sởi có tỷ lệ mắc bệnh cao. 
  • Trẻ bị thiếu vitamin A dẫn đến khả năng miễn dịch kém, dễ gặp các biến chứng của bệnh.

Biến chứng của bệnh sởi

Các biến chứng của bệnh sởi bao gồm:

  • Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản phổi. Đây là nhóm bệnh thường do nguyên nhân bội nhiễm virus, xuất hiện sau khi phát ban sởi ở trẻ.
  • Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm màng não, viêm não bán cấp xơ hóa. Đây là nhóm biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao do bệnh sởi ở trẻ. 
  • Biến chứng tai - mũi - họng: Gây viêm mũi họng bội nhiễm do virus, viêm tai giữa.

Ngoài ra, trẻ bị bệnh sởi có thể gặp các biến chứng khác như suy giảm hệ miễn dịch, tiêu chảy... 

Khi cha mẹ nghi ngờ trẻ mắc các biến chứng do bệnh sởi, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Bệnh sởi được điều trị như thế nào?

Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh sởi. Phương pháp điều trị bệnh sởi ở trẻ tập trung điều trị triệu chứng và chăm sóc trẻ. 

Điều trị triệu chứng cho trẻ bị sởi: 

  • Hạ sốt: Sử dụng các loại thuốc hạ sốt thông thường, điển hình như Paracetamol trong trường hợp trẻ sốt trên 38.5 độ C.
  • Thuốc ho, long đờm theo chỉ định của bác sĩ để điều trị bệnh lý hô hấp ở trẻ bị sởi.
  • Kháng sinh: Kháng sinh chỉ dùng khi trẻ có bội nhiễm.
  • Khi có biến chứng: Viêm thanh quản, viêm não… các bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh và corticoid.
  • Các biện pháp hồi sức tùy theo triệu chứng của bệnh nhân: hồi sức hô hấp khi có suy hô hấp (thở oxy, hô hấp hỗ trợ…), hồi sức tim mạch…

Chăm sóc trẻ bị sởi:

  • Cho trẻ uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều
  • Vệ sinh cơ thể trẻ và môi trường sống xung quanh
  • Sát trùng mũi họng: Nhỏ mắt nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối y khoa theo chỉ định.
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng, bổ sung nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe trẻ đặc biệt là protein và Vitamin A. 
  • Lưu ý, trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ cần theo dõi chặt các biểu hiện và diễn biến bệnh của trẻ. Nếu các triệu chứng của bệnh không có dấu hiệu giảm nhẹ, ngày càng nặng hơn, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị tích cực.
  • Tiêm chủng sau phơi nhiễm: Giúp chống lại virus hoặc giảm tối đa các biến chứng của bệnh sởi. 

Bệnh sởi có thể phòng ngừa được không?

Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi là đảm bảo chúng được tiêm vắc xin phòng bệnh. Cha mẹ nên cho trẻ tiêm vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella (MMR) khi trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ từ 4 đến 6 tuổi. 

Khoảng 95% trẻ đạt được khả năng miễn dịch trong lần tiêm vắc xin đầu tiên và số còn lại có khả năng miễn dịch bệnh vào lần tiêm chủng thứ hai. Khả năng miễn dịch bệnh sởi ở trẻ tiêm phòng sởi kéo dài suốt đời.

Tiêm chủng rộng rãi đã khiến bệnh sởi trở nên hiếm gặp trong cộng đồng. Thêm vào đó, trẻ được tiêm chủng bệnh sẽ giảm các biến chứng không mong muốn khi mắc bệnh.

Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý tập thói quen đeo khẩu trang cho trẻ khi đến những nơi đông người và thường xuyên vệ sinh tay trẻ.

Sởi là một bệnh có thể nguy hiểm nếu trẻ gặp các biến chứng không mong muốn. Chính vì vậy, hiểu rõ về bệnh sởi ở trẻ giúp cha mẹ phòng ngừa hoặc phát hiện sớm tình trạng bệnh để chăm sóc và điều trị kịp thời cho trẻ.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết