Bệnh tăng huyết áp có gây đau đầu không?

Tác giả: - Xuất bản: 04/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Bệnh tăng huyết áp có gây đau đầu không?
Bệnh tăng huyết áp có gây đau đầu không? - Ảnh: BookingCare
Nhiều người mắc bệnh huyết áp cao cũng gặp phải tình trạng đau đầu. Nguyên nhân có phải là do huyết áp cao gây ra hay không? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Huyết áp cao được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi các triệu chứng của bệnh gần như không có hoặc rất khó để phát hiện trừ khi người bệnh kiểm tra sức khỏe. Bài viết này giúp bạn đọc giải đáp những vấn đề xoay quanh mối liên hệ giữa đau đầu và tăng huyết áp.

Huyết áp cao gây đau đầu trong trường hợp nào?

Mặc dù huyết áp là thước đo tốt cho sức khỏe và có thể chẩn đoán nguy cơ mắc một số bệnh nhất định, nhưng tăng huyết áp ở cấp độ nhẹ (giai đoạn 1) hoặc trung bình (giai đoạn 2)  không có khả năng gây đau đầu. 

Theo tiến sĩ Tim mạch Luke Laffin MD, những người mắc bệnh tăng huyết áp ở mức độ nhẹ hầu hết sẽ không bị đau đầu. Tuy nhiên, trong trường hợp huyết áp tăng vọt lên mức cao bất thường, người bệnh có khả năng gặp một vài triệu chứng bao gồm cả đau đầu.

Nếu người bệnh bị tăng huyết áp kèm theo đau đầu dữ dội, cần đi khám sớm để được hỗ trợ kịp thời bởi đây rất có thể là dấu hiệu của những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ.

Tăng huyết áp gây đau đầu như thế nào?

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào có thể so sánh sự khác biệt giữa đau đầu thông thường và đau đầu do tăng huyết áp. 

Một điều quan trọng người bệnh cần lưu ý đó là: không phải lúc nào tăng huyết áp cũng gây đau đầu. Bên cạnh đó, đau đầu cũng có thể khiến huyết áp tăng cao vì vậy rất khó để xác định được rằng huyết áp gây đau đầu hay ngược lại. 

Những biểu hiện thường gặp khác ở người bệnh huyết áp tăng cao đột ngột

Bên cạnh đau đầu, người bệnh tăng huyết áp đột biến cũng có thể gặp một vài biểu hiện  như:

  • Đau ngực, tức ngực
  • Rối loạn nhịp tim: Đây là tình trạng mà người bệnh cảm thấy tim đập nhanh, bỏ qua một nhịp hoặc nhịp đập không đều. Tim đập nhanh để đẩy máu vào lòng mạch và duy trì chức năng cung cấp máu cho toàn cơ thể.
  • Buồn nôn
  • Khó thở: Tình trạng này xảy ra do ảnh hưởng của các động mạch đưa máu đến phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở khi gắng sức, tập thể dục hay leo cầu thang.
  • Mờ mắt: Huyết áp tăng cao kéo dài gây tổn thương mạch máu vùng mắt, thị lực giảm. Thậm chí có thể mất thị lực hoàn toàn.

Biện pháp giúp người bệnh tăng huyết áp cải thiện sức khỏe

Kiểm soát tốt huyết áp từ việc thay đổi lối sống và điều trị nội khoa sẽ giúp người bệnh giảm thiểu rủi ro mắc các biến chứng nguy hiểm.

Sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ

Hiện tại có tất cả 6 nhóm thuốc điều trị huyết áp, tùy từng cá thể bệnh nhân ( mức độ tăng huyết áp, các bệnh đồng mắc, …) mà bác sĩ có thể chỉ định các nhóm thuốc điều trị huyết áp khác nhau với những phác đồ đơn trị liệu hoặc phối hợp các nhóm thuốc huyết áp.

Hoạt động thể chất ở người tăng huyết áp

Việc tập luyện nên được xây dựng theo lộ trình, tối thiểu 150 phút mỗi tuần và cường độ tăng dần. Không nên bắt đầu bằng một bài tập gắng sức, có thể gây ra khó thở và tức ngực cho người bệnh.

Duy trì cân nặng hợp lý

Việc giữ cân nặng hợp lý có thể giúp giảm tổn thương thận tiến triển và giảm nguy cơ mắc phải nhiều biến chứng của tăng huyết áp như suy tim, đột quỵ,...

Chế độ dinh dưỡng tốt cho người tăng huyết áp và suy thận

Người bệnh có thể áp dụng chế độ ăn DASH được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị: bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm khác tốt cho cơ thể. Uống đủ nước tránh tình trạng mất nước. Hạn chế ăn mặn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, lục phủ ngũ tạng động vật.

Huyết áp cao là căn bệnh mãn tính gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó đau đầu cũng có thể là biểu hiện của việc cơ thể đang gặp bất thường và cần điều trị sớm. Người bệnh cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, tuân thủ những nguyên tắc trong quá trình điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất