- Xuất bản: 01/04/2021 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì có thể dẫn đến trầm cảm (Ảnh minh họa: verywell.com)
Các vấn đề như áp lực, kỳ vọng học tập và sự thay đổi chức năng của các cơ quan có thể mang lại rất nhiều biến động cho tâm lý tuổi thanh thiếu niên. Bác sĩ chia sẻ nội dung dưới đây để bạn đọc rõ hơn.
Rối loạn trầm cảm tuổi thanh thiếu niên là gì?
Trầm cảm tuổi thanh thiếu niên hay tuổi teen (teenagers) là một rối loạn có ảnh hưởng đáng kể đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi ở lứa tuổi này. Trầm cảm thanh thiếu niên không hoàn toàn khác biệt so với trầm cảm ở người lớn, tuy nhiên ở lứa tuổi này thường có những biểu hiện khác biệt và đặc trưng hơn. Các vấn đề như áp lực, kỳ vọng học tập và thay đổi chức năng của các cơ quan trong cơ thể có thể gây ra nhiều vấn đề tâm lý ở lứa tuổi này.
Biểu hiện của chứng trầm cảm ở tuổi teen
Cảm xúc buồn chán.
Khó chịu, thất vọng, dễ cảm giác tức giận, ngay cả đối với những việc nhỏ.
Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
Thay đổi khẩu vị. Trầm cảm thường gây ra giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn và gây sút cân, tuy nhiên ở một số trường hợp biểu hiện tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân.
Suy nghĩ chậm chạp, giảm khả năng lưu loát khi nói hoặc thậm chí ì trệ hoạt động.
Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, nghiền ngẫm về các thất bại trong quá khứ hoặc tự đổ lỗi cho bản thân.
Thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc muốn tự tử.
Các triệu chứng cơ thể dai dẳng hoặc không tương xứng với tổn thương thực tế qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, chẳng hạn như đau lưng hay đau đầu.
Các hành vi gây rối, đặc biệt ở bé trai.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở thanh thiếu niên
Cơ chế sinh bệnh của rối loạn trầm cảm còn nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ, tuy nhiên đã xác định được nhiều yếu tố thúc đẩy phát triển rối loạn này.
Chúng bao gồm:
Yếu tố giải phẫu: Những người bị trầm cảm có sự khác biệt cấu trúc và chức năng của các thành phần trong bộ não so với những người khỏe mạnh.
Dẫn truyền thần kinh: Những chất dẫn truyền thần kinh có vai trò trong trầm cảm như serotonin, dopamin, noradrenalin, GABA, glutamate... Trong bệnh sinh trầm cảm, hoạt động bài tiết những chất này và hoạt động của các thụ thể tiếp nhận chúng trên màng tế bào bị thay đổi, đây cũng là cơ chế tác động chính của thuốc chống trầm cảm.
Các hormone: Sự mất cân bằng trong hoạt động bài tiết của các hormone có thể gây ra trầm cảm như hormon tuyến giáp (T3,T4), hormon tuyến thượng thận (cortisol), tuyến dưới đồi (CRH), hormon sinh dục (estrogen, testosteron)...
Các sự kiện cuộc sống: Các sự kiện như mất mát người thân, các vấn đề tài chính, và áp lực cao trong cuộc sống có thể gây ra trầm cảm.
Trải nghiệm các mô hình của suy nghĩ tiêu cực: Trầm cảm thanh thiếu niên có thể liên quan đến cảm giác bất lực hoặc bế tắc trong học tập - thay vì học để có khả năng tìm kiếm giải pháp cho những thách thức của cuộc sống.
Yếu tố nguy cơ
Có cha mẹ, ông bà hoặc người thân khác mắc trầm cảm.
Trầm cảm thường xảy ra ở phụ nữ hơn ở nam giới.
Bị lạm dụng tình dục hoặc thể chất.
Là nạn nhân của bạo lực hay chứng kiến bạo lực.
Cha mẹ ly dị.
Mắc rối loạn lo âu.
Các vấn đề liên quan đến tình cảm đồng giới - có thể gây ra trầm cảm do liên quan đến áp lực từ các thành kiến tiêu cực xã hội và xung đột cảm xúc nội tâm.
Phương pháp điều trị
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiến, hiện nay để điều trị rối loạn trầm cảm cho thanh thiếu niên có thể sử dụng các phương pháp gồm: sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý, các liệu pháp kích thích não.
Sử dụng thuốc
Vì các nghiên cứu về tác động của thuốc chống trầm cảm ở tuổi thiếu niên bị giới hạn, các bác sĩ dựa chủ yếu vào nghiên cứu dành cho người lớn khi kê toa thuốc.
Nhiều thuốc chống trầm cảm hiện có sẵn để điều trị trầm cảm tại Việt Nam. Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc chống trầm cảm trong quá trình điều trị. Do đó, trẻ em và thanh thiếu niên uống các loại thuốc này phải theo chỉ định của bác sĩ và phải được theo dõi chặt chẽ.
Trị liệu tâm lý
Đánh giá tâm lý: để kiểm tra các dấu hiệu trầm cảm, bác sĩ tâm thần sẽ nói chuyện về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của các thanh thiếu niên.
Tư vấn tâm lý cũng là một chìa khóa để điều trị trầm cảm. Tâm lý trị liệu cũng được gọi là điều trị thông qua trò chuyện, tư vấn hay trị liệu tâm lý - xã hội. Tâm lý trị liệu có thể được thực hiện theo cá nhân, theo gia đình hoặc trong một nhóm.
Thông qua các phiên tư vấn thường xuyên, bác sĩ và người bệnh có thể tìm hiểu về những nguyên nhân của trầm cảm, tìm cách lxác định và thay đổi những hành vi hay suy nghĩ không lành mạnh liên quan đến trầm cảm của bệnh nhân.
Các liệu pháp kích thích não
Các liệu pháp kích thích não từ lâu đã được nghiên cứu trong điều trị trầm cảm gồm liệu pháp sốc điện, liệu pháp kích thích từ xuyên sọ, liệu pháp kích thích thần kinh phế vị, liệu pháp kích thích não bằng dòng điện một chiều xuyên sọ, liệu pháp kích thích não sâu… Các liệu pháp này sử dụng các nguyên lý vật lý (dòng điện, từ trường) tác động vào các vùng não liên quan đến trầm cảm và tạo ra hiệu quả điều trị trên lâm sàng.
Nhập viện
Ở một số trường hợp trầm cảm rất nghiêm trọng do đó chỉ định nhập viện là cần thiết. Các dấu hiệu cần nhập viện ngay như nguy cơ gây hại cho bản thân (tự hủy hoại, tự sát), hoặc gây hại cho những người xung quanh. Điều trị tại bệnh viện có thể giúp nhanh chóng giữ bình tĩnh và an toàn cho đến khi cảm xúc của bệnh nhân được cải thiện.
Một số cơ sở điều trị có uy tín như: Viện sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I...
Một số phương pháp để cải thiện triệu chứng trầm cảm có thể kể đến như châm cứu, yoga, thiền, hướng dẫn qua hình ảnh hay massage trị liệu. Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng còn giúp cơ thể được khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, sáng tạo, vui vẻ.