Bệnh viêm da tiếp xúc điều trị bằng cách nào?

Tác giả: - Xuất bản: 25/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Điều trị bệnh viêm da tiếp xúc
Điều trị bệnh viêm da tiếp xúc - Ảnh: BookingCare
Bệnh viêm da tiếp xúc tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn và khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp, tốn nhiều thời gian.

Có nhiều biện pháp điều trị bệnh viêm da tiếp xúc. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc hay các biện pháp nào khác trước khi có sự chỉ định của bác sĩ. Bài viết dưới đây giới thiệu tới bạn đọc những biện pháp điều trị viêm da tiếp xúc và những biện pháp chăm sóc da tại nhà khi bị bệnh.

Sử dụng thuốc điều trị viêm da tiếp xúc

Tùy vào từng trường hợp và tình trạng bệnh cụ thể mà người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc uống.

Điều quan trọng góp phần điều trị bệnh nhanh chóng, hiệu quả đó là xác định được nguyên nhân gây kích ứng hay dị ứng da. Nếu có thể, người bệnh cần ngừng tiếp xúc ngay với các chất này.

Một số thuốc thường được dùng để điều trị viêm da tiếp xúc bao gồm:

  • Kem dưỡng ẩm
  • Kháng sinh thoa hoặc uống khi có nhiễm trùng
  • Kem hoặc thuốc mỡ steroid: giúp làm dịu phát ban. Người bệnh có thể bôi steroid tại chỗ theo toa, chẳng hạn như clobetasol 0,05% hoặc triamcinolone 0,1%.
  • Thuốc kháng histamin: giúp giảm ngứa.
  • Steroid uống ngắn ngày trong trường hợp nặng (có bọng nước, mụn nước, lan tỏa)

Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ, đảm bảo đầy đủ liều lượng và trong đúng thời gian quy định. Không tự ý ngừng thuốc hoặc chuyển sang dùng các loại thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ. 

Chăm sóc da tại nhà trong quá trình điều trị bệnh

Bên cạnh điều trị bằng thuốc, chăm sóc và bảo vệ da là yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả. Dưới đây là một số lời khuyên người bệnh có thể tham khảo khi điều trị bệnh tại nhà:

  • Tránh xa các chất gây kích ứng hoặc dị ứng

Sau khi xác định được nguyên nhân gây kích ứng hoặc dị ứng, người bệnh cần lưu ý tránh xa tất cả những vật có chứa thành phần này. Trong trường hợp không xác định được nguyên nhân, người bệnh cần đảm bảo vết thương được che chắn kĩ, không để tiếp xúc trực tiếp với bất kì hóa chất hay các thành phần có nguy cơ nào khác.

  • Thoa kem hoặc thuốc mỡ chống ngứa 

Thoa kem hoặc thuốc mỡ hydrocortisone 1% lên vùng ngứa (Cortizone 10,...). Đây là sản phẩm không cần kê đơn mà người bệnh có thể mua ở hiệu thuốc. Sử dụng 1 đến 2 lần một ngày trong vài ngày đến khi tình trạng ngứa chấm dứt. Hoặc người bệnh có thể thử dùng kem dưỡng da Calamine. Làm lạnh các loại thuốc bôi bằng cách để vào tủ lạnh trước khi sử dụng trên da có thể làm dịu vết ngứa nhanh chóng.

  • Chườm mát

Sử dụng một miếng khăn sạch, thấm nước mát lên vết thương và để trong 15 đến 30 phút vài lần trong ngày cũng là một cách làm giảm cảm giác ngứa. Tránh trường hợp gãi vào vết thương gây bong tróc, chảy máu da.

  • Bảo vệ da cẩn thận

Cắt móng tay thường xuyên, không gãi vết thương khi bị ngứa. Trong trường hợp quá ngứa và không tránh khỏi vô tình gãi vào vết thương, người bệnh có thể băng vết thương lại. Khi da bắt đầu hồi phục, người bệnh nên tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào vết thương vì các vùng da non này rất nhạy cảm và dễ tổn thương.

Băng ướt hoặc khô để làm dịu các bọng nước rỉ dịch, làm khô da, thúc đẩy quá trình lành bệnh.

Trong quá trình điều trị, nếu người bệnh nhận thấy các triệu chứng không thuyên giảm hoặc xuất hiện thêm các biểu hiện bất thường khác, cần đi khám ngay để được bác sĩ xem xét kịp thời và thay đổi thuốc nếu cần.