Bệnh viêm gan B mạn tính: Các biến chứng, cách chẩn đoán và điều trị
Viêm gan B mạn tính nếu không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Viêm gan B mạn tính nếu không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm - Ảnh: BookingCare

Bệnh viêm gan B mạn tính: Các biến chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Viêm gan vi rút B có thể diễn biến cấp tính, trong đó hơn 90% số trường hợp khỏi hoàn toàn, gần 10% chuyển sang viêm gan mạn tính và hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư.

Viêm gan B mạn tính là tình trạng bệnh nhân không thể loại bỏ siêu vi viêm gan B ra khỏi cơ thể sau khi nhiễm bệnh giai đoạn cấp tính và tiếp tục nhiễm siêu vi trong tế bào gan kéo dài gần như suốt đời.

Viêm gan siêu vi B mạn tính thường không triệu chứng gì rõ rệt, nhưng có thể âm thầm dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm gan bùng phát, xơ gan hay ung thư gan.

Biến chứng của viêm gan B mạn tính

Viêm gan B mạn tính diễn biến âm thầm theo thời gian, virut gây tổn thương gan dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan. Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn tiến triển rõ hoặc có biến chứng.

Biến chứng xơ gan

Viêm gan B mạn tính có thể diễn tiến thành xơ gan (sẹo hóa nhiều hay xơ hóa không hồi phục). Sẹo trong gan có thể làm suy giảm chức năng gan. Người bệnh có thể có dấu hiệu yếu người, mệt mỏi, dễ bị nhiễm khuẩn.

Nhiều trường hợp không có các triệu chứng lâm sàng. Vì không có biểu hiện rõ rệt nên người bệnh chủ quan, không đi khám và điều trị sớm làm cho bệnh càng có cơ hội bùng phát mạnh ở giai đoạn tiếp theo.

Biến chứng suy gan

Diễn tiến của xơ gan dẫn tới xơ gan cấp tính, là giai đoạn cuối của xơ gan hay suy gan mạn. Biểu hiện rõ rệt nhất là suy gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Tình trạng xơ hóa làm chức năng gan suy giảm, dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, sợ mỡ, rối loạn đại tiện.

Phù là một triệu chứng nổi bật của bệnh nhân xơ gan. Lúc đầu là phù hai chi dưới, về sau gan suy nhiều có thể bị phù toàn thân. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa làm cho bệnh nhân bị cổ trướng, bụng trương phình.

Khi đã có những biểu hiện của giai đoạn muộn thì gan không còn cơ hội phục hồi nữa. Bệnh nhân có thể tử vong vì những biến chứng như: nhiễm khuẩn, chảy máu tiêu hóa và hôn mê gan.

Biến chứng ung thư gan

Những người bị nhiễm viêm gan B mạn tính có tăng nguy cơ ung thư gan. Triệu chứng thường gặp nhất của ung thư gan là đau bụng và phù, cường lách, sụt cân và sốt.

Ngoài ra, khối u gan có thể sản xuất và phóng thích những chất làm tăng hồng cầu, giảm đường máu và tăng canxi máu. Ung thư gan là bệnh trầm trọng, diễn biến nhanh, điều trị khó khăn, trong khi đó phần lớn bệnh nhân ung thư gan được phát hiện thường ở giai đoạn muộn.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa biến chứng do viêm gan B mạn tính là kiểm soát bệnh thật tốt. Bệnh nhân viêm gan B mạn tính cần kiểm tra sức khoẻ và làm các xét nghiệm định kỳ có liên quan đến virut viêm gan B như HBsAg, HBeAg, HBVDNA,...

Đồng thời cũng cần được khảo sát về hình ảnh học như siêu âm bụng tổng quát tầm soát ung thư, đo độ đàn hồi và xơ hóa của gan qua Fibroscan, xét nghiệm máu tầm soát ung thư gan qua chỉ số Alpha-feto Protein (AFP) để được theo dõi thật chặt chẽ tình trạng sức khỏe.

Chẩn đoán xác định viêm gan B mạn tính

Bác sĩ sẽ kết luận bệnh nhân mắc viêm gan B mạn tính dựa trên các tiêu chí dưới đây:

  • Xét nghiệm HBsAg (+) > 6 tháng hoặc HBsAg (+) và Anti HBc IgG (+).
  • Xét nghiệm AST, ALT tăng từng đợt hoặc liên tục trên 6 tháng.
  • Có bằng chứng tổn thương mô bệnh học tiến triển, xơ gan (được xác định bằng sinh thiết gan hoặc các phương pháp không xâm lấn như đo độ đàn hồi gan Fibroscan hoặc Fibrotest hoặc chỉ số APRI) mà không do căn nguyên khác.

Điều trị viêm gan B mạn tính

Chỉ định điều trị khi

  • Xét nghiệm ALT tăng trên 2 lần giá trị bình thường hoặc có bằng chứng xác nhận có xơ hóa gan tiến triển/xơ gan bất kể ALT ở mức nào.

VÀ:

  • HBV-DNA ≥ 10copies/ml (20.000 IU/ml) nếu HBeAg (+) hoặc HBV- DNA ≥ 104 copies/ml (2.000 IU/ml) nếu HBeAg (-)

Ngoài ra chỉ định điều trị cũng đặt ra khi:

  • Tiền căn gia đình có người bị xơ gan, ung thư gan
  • Biểu hiện ngoài gan: viêm cầu thận tăng sinh màng, Viêm đa nút động mạch do siêu vi B
  • Người trên 30 tuổi với mức tăng ALT kéo dài và HBV-DNA trên 20000 UI/ml bất kể tình trạng HBeAg
  • Người tái phát sau khi ngưng điều trị thuốc kháng vi rút viêm gan B

Một số đối tượng đặc biệt cũng cần lưu ý trong điều trị viêm gan siêu vi B mạn

  • Bệnh nhân mắc đồng thời viêm gan siêu vi B và C mạn, trong quá trình điều trị kháng virus viêm gan siêu vi C sẽ được theo dõi chặt chẽ về viêm gan siêu vi B để có chỉ định điều trị kịp thời
  • Phụ nữ mang thai nếu đủ tiêu chuẩn điều trị sẽ được khởi động kê toa thuốc kháng vi rút, hoặc theo dõi và điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con.
  • Một số bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị liệu trong điều trị ung thư và các bệnh lý tự miễn, bệnh nhân ghép tạng phải được sàng lọc viêm gan siêu vi B và điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt. Bệnh nhân có ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) cũng có chỉ định phải điều trị bằng thuốc kháng vi rút viêm gan B

Theo dõi điều trị

  • Tuân thủ điều trị: bệnh nhân cần hiểu về lợi ích của việc tuân thủ điều trị và các biện pháp hỗ trợ tuân thủ điều trị.
  • Tháng đầu tiên sau khi bắt đầu điều trị: theo dõi AST, ALT, creatinine máu.
  • Sau  mỗi  3-6  tháng  trong  quá  trình  điều  trị:  theo  dõi  AST, ALT, creatinine máu, HBeAg, Anti-HBe, HBV-DNA, có thể định lượng HBsAg, siêu âm bụng tổng quát khảo sát hệ thống gan – mật, định lượng AFP.
  • Sau  mỗi  3-6  tháng  trong  quá  trình  điều  trị:  theo  dõi  AST, ALT, creatinine máu, HBeAg, Anti-HBe, HBV-DNA, có thể định lượng HBsAg.
  • Nếu điều trị IFN hoặc Peg IFN: theo dõi công thức máu, glucose máu, ure máu, creatinin máu, chức năng tuyến giáp để phát hiện tác dụng không mong muốn của thuốc.
  • Sau khi ngưng điều trị:
    • Theo dõi các triệu chứng lâm sàng.
    • Xét nghiệm sau mỗi 3 - 6 tháng: AST, ALT, HBsAg, HBeAg, anti-HBe, HBV DNA để đánh giá tái phát.

Để việc điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Không uống rượu bia, không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá, tập thể dục đều đặn.

Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ, kể cả các loại thuốc bổ gan, các loại thuốc thảo dược.

Người bệnh không nên tự ý ngừng sử dụng thuốc khi chưa được tư vấn của bác sĩ. Việc ngừng thuốc một cách tự ý có thể gây ra tình trạng viêm gan B tái phát, suy gan và thậm chí là tử vong. Trong quá trình điều trị cần tái khám theo hẹn của bác sĩ để làm các xét nghiệm kiểm tra đánh giá để bác sĩ điều chỉnh biện pháp điều trị tiếp theo.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết