- Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Viêm gan B: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh - Ảnh: BookingCare
Việt Nam là nước có tỷ lệ hiện mắc viêm gan B cao, ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới.
Bệnh viêm gan B sẽ là một trong những thách thức Y tế cộng đồng của thế giới trong thế kỷ 21 và Việt Nam cũng là nước phải đối mặt với thách thức này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, viêm gan là một kẻ giết người thầm lặng. Gây ra bởi một loại virus và không có triệu chứng, nó lặng lẽ gây tổn thương gan trong vài chục năm trước khi kết thúc bằng ung thư gan và xơ gan.
Bệnh viêm gan B khác với bệnh viêm gan A, viêm gan C, viêm gan E, cùng tìm hiểu về viêm gan B trong bài viết dưới đây của BookingCare.
Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm, phổ biến toàn cầu do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ truyền sang con. Nếu mẹ nhiễm HBV và có HBeAg (+) thì khả năng lây cho con là hơn 80% và khoảng 90% trẻ sinh ra sẽ mang HBV mạn tính.
Viêm gan virus B có thể diễn biến cấp tính, trong đó hơn 90% số trường hợp người lớn mắc bệnh khỏi hoàn toàn, gần 10% chuyển sang viêm gan mạn tính và hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư gan.
Việt Nam là nước có tỷ lệ hiện mắc viêm gan B cao, ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới.
Viêm gan B được chia thành viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính. Cụ thể như sau:
Viêm gan B cấp tính: Đối với người lớn, phần lớn sau khi nhiễm viêm gan B, cơ thể sẽ đào thải được siêu vi trong vòng 6 tháng và trở nên miễn nhiễm đối với virus. Một khi đã loại được virus, cơ thể sản sinh ra kháng thể miễn dịch chống lại siêu vi B, do đó khả năng tái nhiễm thấp và không có khả năng lây cho người khác.
Viêm gan B mạn tính: Khi thời gian nhiễm bệnh kéo dài hơn 6 tháng có nghĩa là người bệnh đã bị viêm gan mạn tính. 90% trẻ em mắc viêm gan B sẽ bị nhiễm trùng mạn tính gây tổn thương gan, xơ hóa gan từ mức độ tiến triển đến xơ hóa đáng kể và không hồi phục, đôi khi dẫn đến ung thư gan khi trưởng thành.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết viêm gan B
Đa số những người bị viêm gan B không có triệu chứng gì rõ rệt và nhiều người không biết họ mang siêu vi trong người. Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng gì, gan vẫn có thể đang bị siêu vi B hủy hoại.
Triệu chứng lúc có lúc không và có thể tương tự như triệu chứng của những căn bệnh khác. Các triệu chứng của viêm gan B cấp và mạn tính có thể gặp bao gồm:
Chán ăn, mệt mỏi
Vàng da
Tiểu ít, sẫm màu
Đau ở vùng gan (phần bụng phía trên, bên phải)
Nôn, buồn nôn
Phân bạc màu
Đau nhức khớp
Ăn không ngon
Các triệu chứng của viêm gan mạn tính tiến triển: sờ thấy gan lách to, các mạch máu giãn (sao mạch) ở vùng da ngực bụng, lòng bàn tay đỏ ửng (lòng bàn tay son)
Các triệu chứng và biến chứng của xơ gan như cảm giác nặng nề ở bụng, bụng to (cổ trướng), nôn ói ra máu (do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản), suy dinh dưỡng, nhiễm trùng…
...
Nguyên nhân mắc viêm gan B
Viêm gan B gây ra do virus HBV. Đây là loại virus có hình cầu, vỏ bao quanh của HBV là lipoprotein có chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg.
Virus HBV có thời gian ủ bệnh từ vài tuần đến 6 tháng. Các con đường lây nhiễm chính của virus này tương tự virus HIV, tuy nhiên khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn 100 lần so với HIV.
Virus viêm gan B được tìm thấy trong dịch tiết của cơ thể như máu, tinh dịch và dịch tiết âm đạo, có thể ở trong nước bọt. Việc lây viêm gan B chỉ xảy ra khi dịch tiết của người mắc bệnh đi vào cơ thể của người khác. Ngay cả lượng dịch tiết rất nhỏ cũng có thể lây truyền siêu vi.
Tuy nhiên, viêm gan B không lây qua ăn uống, không lây khi dùng chung bát đũa, không lây qua ôm hôn, không lây qua hắt hơi, muỗi đốt.
Một số đối tượng nguy cơ cao có khả năng lây nhiễm viêm gan B như sau:
Trong lúc sinh, từ người mẹ mang thai nhiễm bệnh, sau đó lây truyền sang con qua con đường sanh ngả âm đạo, và sữa mẹ.
Lúc ấu thơ, từ người này qua người khác, qua các vết thương nhiễm trùng hoặc vết cắt không được băng bó.
Không dùng bao cao su khi quan hệ tình dục, có nhiều hơn một bạn tình, hoặc có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Quan hệ tình dục không an toàn, vợ hoặc chồng đang chung sống với người mắc viêm gan B.
Dùng chung bơm kim tiêm, đặc biệt là tiêm chích ma túy
Nhận truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu có chứa virus; tái sử dụng hoặc sử dụng các dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách, nhân viên y tế làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với máu và dịch tiết của bệnh nhân.
Xăm hình, xỏ khuyên, làm móng hoặc thực hiện các thủ thuật y tế, thẩm mỹ không đảm bảo vệ sinh, có chứa virus gây bệnh.
Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng… với người bị nhiễm bệnh.
Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B
Các bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm máu để xác định viêm gan B.
Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B thường được chỉ định bao gồm xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán là kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg), ngoài ra còn có xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAb hay Anti HBs), kháng nguyên vỏ virus viêm gan B (HBeAg), kháng thể kháng kháng nguyên lõi virus viêm gan B (Anti HBc), và xét nghiệm HBV-DNA.
Sau khi tiến hành các xét nghiệm máu chẩn đoán viêm gan, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm khác nhằm xác định mức độ tổn thương gan để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị viêm gan B
Với viêm gan B cấp tính và mãn tính sẽ có những phác đồ điều trị riêng:
1. Điều trị viêm gan B cấp tính
Hơn 95% người lớn có hệ miễn dịch khỏe mạnh bị viêm gan B cấp sẽ hồi phục một cách tự nhiên mà không cần điều trị thuốc kháng vi rút. Điều trị viêm gan B cấp chủ yếu là điều trị hỗ trợ:
Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng hoặc gắng sức trong thời kỳ có triệu chứng lâm sàng.
Chế độ ăn: giảm bớt chất béo, kiêng rượu bia.
Tránh sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan.
Điều trị hồi sức nội khoa tích cực các trường hợp diễn tiến nặng.
Đảm bảo duy trì hô hấp, tuần hoàn ổn định.
Bổ sung Vitamin K1 khi tỷ lệ prothrombin giảm < 60%.
Điều chỉnh các rối loạn đông máu, chống phù não, lọc huyết tương... dựa trên việc đánh giá các bất thường cụ thể trên lâm sàng.
Trong một số trường hợp không thể phân biệt được viêm gan cấp hay đợt bùng phát viêm gan siêu vi của bệnh mạn tính, chỉ định sử dụng thuốc kháng vi rút có thể được đặt ra nhằm kiểm soát triệu chứng bệnh.
2. Điều trị viêm gan B mạn tính
Hầu hết người được chẩn đoán sẽ cần điều trị trong thời gian dài. Việc điều trị giúp giảm nguy cơ biến chứng ở gan nguy hiểm và phòng ngừa lây nhiễm cho người khác.
Phương pháp chính để điều trị viêm gan B mạn là sử dụng thuốc kháng vi rút. Loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi rút gây ra viêm gan B, giúp bảo vệ tế bào gan khỏi hư hại nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng vi rút sẽ kéo dài trong một thời gian rất dài, có thể là nhiều năm hoặc thậm chí cả đời. Người bệnh không nên tự ý ngừng sử dụng thuốc khi chưa được tư vấn của bác sĩ. Việc ngừng thuốc một cách tự ý có thể gây ra tình trạng viêm gan B tái phát, suy gan và thậm chí là tử vong.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc không đều hoặc quên uống cũng có thể khiến vi rút trở nên kháng thuốc, dẫn đến tình trạng gan bị tổn thương và có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Sống chung với bệnh viêm gan B
Dưới đây là một số lưu ý khi sống chung với bệnh viêm gan B để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân đồng thời tránh lây nhiễm cho người thân, cộng đồng:
Người bệnh viêm gan B cần phải được kiểm tra sức khoẻ và làm các xét nghiệm định kỳ có liên quan đến virut viêm gan B như HBsAg, HBeAg, HBVDNA, siêu âm bụng tổng quát và xét nghiệm chỉ số ung thư tế bào gan alphafeto - protein (AFP) tầm soát định kỳ, để được theo dõi thật chặt chẽ.
Nếu có ý định sử dụng dùng các bài thuốc cổ truyền hoặc thảo dược hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước, vì có vài loại có thể ảnh hưởng đến gan hoặc khiến thuốc điều trị mất tác dụng.
Tuyệt đối kiêng rượu, bia, không hút thuốc lá, không ăn mỡ động vật.
Nên rèn luyện sức khoẻ phù hợp với điều kiện của bản thân (như tập thể dục buổi sáng, đi bộ, bơi hoặc chơi cầu lông).
Không để người khác dùng chung dao cạo râu (nam giới), bàn chải đánh răng, nếu sinh hoạt tình dục cần dùng bao cao su đúng quy cách.
Không cho máu, khi bị chấn thương chảy máu, cần cho người xử lý vết thương, người tiêm thuốc cho mình biết bản thân đang là người mang vi rút viêm gan B để tránh lây nhiễm.
Phòng tránh viêm gan B
Tiêm vắc xin viêm gan B là trụ cột của công tác dự phòng viêm gan B. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ đầu tiên.
Tránh để máu tiếp xúc với máu: không dùng chung dao cạo, bàn chải đánh răng và các vật dụng cá nhân khác.
Băng lại các vết thương hở và dùng thuốc tẩy lau sạch các vết máu. Đừng để người khác chạm vào vết thương hoặc máu của bạn trừ khi họ mang găng tay.
Bỏ những đồ dùng vệ sinh cá nhân như khăn giấy, băng vệ sinh, băng cá nhân và bông băng đã dùng vào túi nhựa đóng kín.
Dùng bao cao su và dầu bôi trơn khi quan hệ tình dục.
Không dùng chung kim và bất cứ dụng cụ nào để chích ma túy.
Ngoài ra, người dân cần chú ý bảo vệ và giữ lá gan của mình luôn mạnh khỏe sẽ giúp đẩy lùi tác nhân gây viêm gan B:
Uống ít rượu hơn hoặc không uống rượu
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh, tránh ăn nhiều chất béo
Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
Không hút hoặc hút thuốc ít hơn
Tập thể dục đều đặn
Kiểm soát sự căng thẳng, tìm kiếm sự giúp đỡ và nghỉ ngơi đầy đủ
Viêm gan B cần được phòng tránh cẩn thận. Tuy nhiên, nếu như không may mắc bệnh, bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu và đi khám ngay khi phát hiện những biểu hiện ban đầu.