6 loại xét nghiệm viêm gan B phổ biến và ý nghĩa của chúng
6 loại xét nghiệm viêm gan B phổ biến và ý nghĩa của chúng
các loại xét nghiệm viêm gan B
6 loại xét nghiệm viêm gan B phổ biến và ý nghĩa của chúng - Ảnh: BookingCare

6 loại xét nghiệm viêm gan B phổ biến và ý nghĩa của chúng

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 30/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Việc hiểu rõ về các xét nghiệm viêm gan B và ý nghĩa của chúng có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và quản lý bệnh

Khi một bệnh nhân nghi ngờ viêm gan B và đến thăm khám với bác sĩ thường được chỉ định một hoặc vài xét nghiệm để xác định chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh.

Các xét nghiệm này dựa vào việc kiểm tra các marker viêm gan B để đánh giá tình trạng của bệnh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các loại xét nghiệm viêm gan B phổ biến và ý nghĩa của chúng.

Các loại xét nghiệm viêm gan B

Có 6 loại xét nghiệm viêm gan B phổ biến gồm: HBsAg, Anti-HBs (HBsAb), HBeAg, Anti-HBe (HBeAb), Anti-HBc, Anti-HBc IgM. 

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác như định tính HBV DNA, tải lượng HBV, kiểu gen HBV.

1. Xét nghiệm HBsAg

Đây là xét nghiệm quan trọng, thường được chỉ định đầu tiên để chẩn đoán viêm gan B.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, bạn bị nhiễm viêm gan B. Kết quả xét nghiệm âm tính có nghĩa là bạn không bị nhiễm viêm gan B.

Xét nghiệm HBsAg bao gồm xét nghiệm định tính và định lượng. Xét nghiệm định tính sẽ cho biết bệnh nhân có bị viêm gan B hay không. Mặt khác, các xét nghiệm định lượng cho biết nồng độ kháng nguyên cao hay thấp và có thể giúp theo dõi việc điều trị.

2. Xét nghiệm Anti-HBs

Anti-HBs là kháng thể chống lại virus viêm gan B (HBV). Xét nghiệm anti-HBs có thể được sử dụng để xác định xem cơ thể bạn hiện có kháng thể để bảo vệ chống nhiễm viêm gan B hay không hoặc vắc xin viêm gan B có hiệu quả hay không.

Anti-HBs được hình thành trong hai trường hợp:

  • Trường hợp 1: Bạn bị nhiễm viêm gan B cấp tính nhưng cơ thể có khả năng đào thải virus ra khỏi cơ thể và sinh ra kháng thể. 
  • Trường hợp 2: Bạn đã tiêm đủ vắc xin viêm gan B và cơ thể sản sinh ra kháng thể. 

3. Xét nghiệm HBeAg

Xét nghiệm HBeAG nhằm phát hiện kháng nguyên e của virus viêm gan B trong mẫu huyết thanh hoặc huyết tương của người.

HBeAg là một đoạn kháng nguyên vỏ capsid của virus viêm gan B. Sự xuất hiện HBeAg chứng tỏ virus đang nhân lên và có khả năng lây lan mạnh.

  • HBeAg dương tính là một chỉ tiêu chứng tỏ virus đang hoạt động.
  • HBeAg âm tính có khả năng: virus không hoạt động hoặc virus đột biến. Để khẳng định virus đột biến cần xét nghiệm HBVDNA và HBV genotyping.

4. Xét nghiệm Anti-HBe

Anti-HBe là loại kháng thể có khả năng kháng lại HBeAg.

  • Anti-HBe dương tính: Cơ thể đã có một phần miễn dịch với virus viêm gan B.
  • Anti-HBe âm tính: Cơ thể vẫn chưa có khả năng miễn dịch đối với virus gây bệnh.

Xét nghiệm Anti-Hbe có giá trị cao trong quá trình điều trị và quyết định can thiệp dừng thuốc điều trị.

5. Xét nghiệm Anti-HBc

Anti-HBc hiện diện trong huyết thanh chứng tỏ đã từng nhiễm hoặc đang nhiễm viêm gan B. Anti-HBc chỉ được tạo ra khi nhiễm HBV, không tạo ra được khi chủng ngừa.

Có 2 loại Anti-HBc là IgM và IgG. Anti-HBc IgM xuất hiện trong giai đoạn nhiễm cấp hay đợt cấp của nhiễm viêm gan B mạn.

6. Xét nghiệm Anti-HBc IgM
Anti-HBc IgM là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B typ IgM. Kháng thể này xuất hiện trong giai đoạn viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn tính.

Người bệnh thường thực hiện 2 xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B cấp tính là xét nghiệm HBsAg và Anti-HBc IgM. Bệnh viêm gan cấp tính thể hiện qua kết quả cả 2 xét nghiệm đều dương tính. Ngược lại, người bệnh viêm gan B mãn tính có kết quả Anti-HBc IgM âm tính.

Nên thực hiện xét nghiệm viêm gan B nào?

Trước hết làm xét nghiệm HBsAg. Nếu HBsAg âm tính chứng tỏ bệnh nhân không bị viêm gan B.

  • Nếu muốn biết sâu hơn là bệnh nhân đã bị phơi nhiễm viêm gan B hay chưa  thì làm thêm xét nghiệm Anti-HBc.
  • Nếu muốn biết bệnh nhân có miễn dịch với viêm gan B hay chưa thì làm xét nghiệm Anti-HBs: Anti-HBs dương tính chứng tỏ bệnh nhân có miễn dịch với viêm gan B, không cần tiêm vaccine; Anti-HBs âm tính chứng tỏ bệnh nhân chưa có miễn dịch với viêm gan B, cần tiêm vaccine.

Nếu HBsAg dương tính:

  • Sau khi đã khẳng định là HBsAg dương tính cần làm thêm các xét nghiệm sinh hoá, huyết học để đánh giá chức năng gan.
  • Bệnh nhân cũng cần làm các xét nghiệm sinh học phân tử như HBV-DNA, HBV genotyping. Các marker cần làm đầy đủ: Định lượng HBsAg, Anti-HBs (HBsAb), HBeAg, Anti-HBe (HBeAb), Anti-HBc, Anti-HBcIgM.

Việc hiểu rõ về các xét nghiệm viêm gan B và ý nghĩa của chúng có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và quản lý bệnh. Để biết thêm thông tin chi tiết về các vấn đề xét nghiệm viêm gan B, hãy đón đọc những bài viết tiếp theo của BookingCare.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare