Xét nghiệm viêm gan B: Để làm gì? Quy trình? Lưu ý khi thực hiện?
Xét nghiệm viêm gan B: Để làm gì? Quy trình? Lưu ý khi thực hiện?
Xét nghiệm viêm gan B
Xét nghiệm viêm gan B: Để làm gì? Quy trình? Lưu ý khi thực hiện?

Xét nghiệm viêm gan B: Để làm gì? Quy trình? Lưu ý khi thực hiện?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 23/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 23/10/2023
Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Virus này tấn công gan và có thể dẫn đến viêm, tổn thương gan, và thậm chí là ung thư gan.

Viêm gan B là tình trạng viêm nhiễm gây ra bởi virus Viêm gan B làm tổn hại gan. Theo Báo cáo Toàn cầu về Viêm gan vi rút 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính năm 2015 toàn cầu có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn và 884.400 người tử vong, phần lớn do các biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).

 Xét nghiệm viêm gan B đóng một vai trò quan trọng trong phát hiện sớm, giúp chẩn đoán, theo dõi quản lý bệnh, và ngăn ngừa sự lây truyền của virus.

Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết về xét nghiệm viêm gan B trong bài viết dưới đây.

Xét nghiệm viêm gan B để làm gì?

Xét nghiệm viêm gan B là quá trình kiểm tra mẫu máu hoặc các chỉ số liên quan để xác định sự hiện diện của virus HBV hoặc biểu hiện của nó trong cơ thể.

Xét nghiệm viêm gan B được sử dụng để xác định xem một người có nhiễm virus HBV hay không. Xét nghiệm viêm gan B có thể được sử dụng cho các mục đích sau:

  • Chẩn đoán viêm gan B
  • Theo dõi tình trạng viêm gan B
  • Sàng lọc viêm gan B
  • Đảm bảo an toàn trong truyền máu, cấy ghép mô/tạng, thụ tinh nhân tạo

Trường hợp nào cần xét nghiệm viêm gan B

Xét nghiệm Viêm gan B được khuyến nghị cho những trường hợp dưới đây:

  • Chẩn đoán viêm gan B: Nếu bạn có các triệu chứng của viêm gan B, như mệt mỏi, đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da vàng, mắt vàng,...
  • Tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh: Nếu bạn có tiếp xúc gần với người bị viêm gan B, như người thân, tiếp xúc với dịch hoặc máu của người bệnh… bạn nên xét nghiệm để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
  • Người sinh trước năm 2003 - năm triển khai chương trình vắc xin viêm gan B cho trẻ dưới một tuổi trên toàn quốc.
  • Tiêm chủng và kiểm tra nền miễn dịch: Nếu bạn chưa được tiêm phòng viêm gan B và muốn biết liệu bạn có miễn dịch đối với viêm gan B hay không, bạn có thể yêu cầu xét nghiệm.
  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát: xét nghiệm Viêm gan B cũng được khuyến nghị cho người muốn kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B

Các xét nghiệm viêm gan B gồm: HBsAg, HBV - DNA, Anti-HBs (HBsAb), HBeAg, Anti-HBe (HBeAb), Anti-HBc, Anti-HBc IgM.

Xét nghiệm HBsAg

Là xét nghiệm quyết định chẩn đoán viêm gan B. Nếu dương tính nghĩa là bạn bị viêm gan B. Nếu âm tính nghĩa là bạn không bị viêm gan B.

Xét nghiệm HBsAg có xét nghiệm định tính hoặc định lượng: xét nghiệm định tính cho biết bệnh nhân có bị viêm gan B hay không, còn xét nghiệm định lượng cho biết nồng độ kháng nguyên nhiều hay ít, có giá trị để theo dõi điều trị.

Xét nghiệm Anti-HBs

Anti-HBs là kháng thể kháng HBsAg. Bệnh nhân sau khi khỏi bệnh hoặc sau khi tiêm vaccine nếu có kháng thể Anti-HBs là đã có miễn dịch. Nồng độ Anti-HBs > 10 mUI/ml được coi là có tác dụng bảo vệ.

Xét nghiệm HBeAg

HBeAg là một đoạn kháng nguyên vỏ nhân capsid của virus viêm gan B. Sự xuất hiện HBeAg chứng tỏ virus đang nhân lên và có khả năng lây lan mạnh.

HBeAg dương tính là một chỉ tiêu chứng tỏ virus đang hoạt động.

HBeAg âm tính có khả năng do: virus không hoạt động hoặc virus đột biến. 

Xét nghiệm Anti-HBe

Anti-HBe là kháng thể kháng HBeAg. Nếu xét nghiệm Anti-HBe dương tính chứng tỏ bệnh nhân có miễn dịch một phần.

Xét nghiệm Anti-HBe âm tính chứng tỏ cơ thể chưa có miễn dịch với virus viêm gan B.

Xét nghiệm Anti-HBc

Anti-HBc là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B. Nó xuất hiện rất sớm và tồn tại suốt đời. Vì vậy xét nghiệm này là đánh giá bệnh nhân đã bị phơi nhiễm virus viêm gan B. 

Xét nghiệm Anti-HBc IgM

Anti-HBc IgM là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B typ IgM. Kháng thể này xuất hiện trong giai đoạn viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn tính.

Nên xét nghiệm viêm gan B loại nào?

Đầu tiên, bạn đọc nên thực hiện xét nghiệm HBsAg.

  • Nếu HBsAg âm tính chứng tỏ bệnh nhân không bị viêm gan B.
    • Nếu muốn biết sâu hơn là bệnh nhân đã bị phơi nhiễm viêm gan B hay chưa thì làm thêm xét nghiệm Anti-HBc.
    • Nếu muốn biết bệnh nhân có miễn dịch với viêm gan B hay chưa thì làm xét nghiệm Anti-HBs: Anti-HBs dương tính chứng tỏ bệnh nhân có miễn dịch với viêm gan B, không cần tiêm vaccine; Anti-HBs âm tính chứng tỏ bệnh nhân chưa có miễn dịch với viêm gan B, cần tiêm vaccine.
  • Nếu HBsAg dương tính: cần xét nghiệm xác chẩn lại! Sau khi đã khẳng định là HBsAg dương tính cần làm các xét nghiệm sinh hoá, huyết học để đánh giá chức năng gan. Bệnh nhân cũng cần làm các xét nghiệm sinh học phân tử như HBV-DNA, HBV genotyping. Các marker cần làm đầy đủ: Định lượng HBsAg, Anti-HBs (HBsAb), HBeAg, Anti-HBe (HBeAb), Anti-HBc, Anti-HBcIgM.

Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm viêm gan B

Trước khi thực hiện xét nghiệm viêm gan B, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường, không cần phải nhịn ăn.

Tuy nhiên, bệnh nhân nên lưu ý tránh hút thuốc, uống rượu bia và các chất kích thích trong vòng 48 giờ trước khi xét nghiệm và cần thông báo cho bác sĩ những thuốc đang sử dụng (nếu có) kể cả thảo dược và thuốc Tây vì nó sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Do Viêm gan B thường có triệu chứng không rõ ràng và thường diễn biến âm thầm vậy nên xét nghiệm Viêm gan B là cách tốt nhất để phát hiện và chẩn đoán bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare