Bệnh vô sinh và tất tần tật những điều bạn nên biết
Bệnh vô sinh và tất tần tật những điều bạn nên biết
Bệnh vô sinh và tất tần tật những điều bạn nên biết - Ảnh: BookingCare

Bệnh vô sinh và tất tần tật những điều bạn nên biết

Tác giả: - Xuất bản: 13/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 14/11/2023
Mỗi năm Việt Nam có tới 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, chiếm tỷ lệ 7.7%. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến bệnh vô sinh, dấu hiệu nhận biết vô sinh là gì? Phương pháp điều trị như thế nào?...

Theo thống kê Bộ Y tế, Việt Nam mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, chiếm tỷ lệ khoảng 7.7%. Trong đó, các cặp vợ chồng dưới độ tuổi 30 chiếm tỷ lệ 50%. Vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng và trẻ hoá, trở thành một vấn đề nan giải, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và sự phát triển của xã hội. 

Vậy nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị vô sinh như thế nào? Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây. 

Vô sinh là gì?

Một cặp vợ chồng quan hệ tình dục thường xuyên và không tránh thai, tỷ lệ có thai trong vòng 3 tháng là 50%, 6 tháng là 75% và 90% trong vòng 1 năm. Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) định nghĩa vô sinh: "Ở những bệnh nhân có quan hệ tình dục thường xuyên, không dùng biện pháp tránh thai nào và không có bất kỳ nguyên nhân nào được biết đến đối với một trong hai bạn tình gợi ý khả năng suy giảm sinh sản, việc đánh giá nên được bắt đầu lúc 12 tháng khi bạn tình nữ dưới 35 tuổi và lúc 6 tháng khi bạn tình nữ 35 tuổi".

Nguyên nhân gây vô sinh 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh, có thể do người vợ hoặc người chồng hoặc do cả hai. Ở các nước phát triển, vô sinh do yếu tố nữ được báo cáo ở 37% các cặp vợ chồng vô sinh, vô sinh do yếu tố nam là 8% và vô sinh do cả nam và nữ là 35%. 5% các cặp vợ chồng bị vô sinh không rõ nguyên nhân và 15% có thai trong thời gian nghiên cứu. Nghiên cứu này minh họa rằng không nên cho rằng vô sinh là kết quả chủ yếu của các rối loạn ở bạn tình nữ. 

Nguyên nhân gây vô sinh ở nữ

Vô sinh ở nữ thường do nhiều nguyên nhân, bao gồm: 

Bất thường trong phóng noãn và rụng trứng

Bất kỳ sự rối loạn nào khiến cho noãn không thể phát triển được, trứng không chín hay trứng không rụng đều ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở nữ giới. Vấn đề do sự rụng trứng thường gặp như hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh liên quan trục nội tiết vùng dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng…

Bất thường vòi tử cung/viêm dính tiểu khung

Khi ống dẫn trứng và khu vực xung quanh chậu bị tổn thương hoặc dính lại với nhau, việc di chuyển của trứng và tinh trùng qua ống dẫn trứng có thể bị cản trở, dẫn đến khó khăn trong việc thụ thai.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng vô sinh liên quan đến ống dẫn trứng là do viêm nhiễm ở khu vực chậu, thường là do nhiễm khuẩn từ các bệnh như chlamydia hoặc lậu…

Bất thường tại tử cung

Khó khăn trong việc thai nghén, do vấn đề cơ học hoặc do nội mạc tử cung không đủ khả năng tiếp nhận, là một trong những nguyên nhân chính gây vô sinh ở phụ nữ.  

  • U xơ tử cung là những khối u lành tính phổ biến, thường làm từ cơ trơn. Có những bằng chứng cho thấy u xơ nằm dưới lớp niêm mạc hoặc trong khoang tử cung có thể làm giảm khả năng mang thai và làm tổ. Việc loại bỏ u xơ có thể cải thiện tỷ lệ mang thai, nhưng vẫn chưa rõ ràng về ảnh hưởng của chúng đối với khả năng sinh sản lâu dài.  
  • Dị tật tử cung cũng được xem là nguyên nhân gây vô sinh do chúng cản trở quá trình làm tổ. Các dị tật như tử cung có vách ngăn có thể dẫn đến tỷ lệ sảy thai cao. Các vấn đề khác như polyp nội mạc tử cung và sẹo sau nạo phá thai cũng liên quan đến vô sinh, nhưng mối liên hệ chính xác giữa chúng với vô sinh vẫn chưa được xác định rõ.  
  • Dính tử cung, một tình trạng mà các mô trong tử cung dính lại với nhau, cũng là một nguyên nhân độc lập gây vô sinh

Suy buồng trứng

Đây còn được biết đến với tên gọi là mãn kinh sớm, chỉ tình trạng buồng trứng ngừng hoạt động và kết thúc kinh nguyệt trước 40 tuổi. Nguyên nhân có thể do các bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch, hoá trị liệu…

Sử dụng thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai dùng trong thời gian dài hay đặt dụng cụ tránh thai trong tử cung cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng khả năng sinh sản của nữ giới.

Vô sinh ở nữ thường xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau - Ảnh: Freepik
Vô sinh ở nữ thường xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau - Ảnh: Freepik

Nguyên nhân gây vô sinh ở nam

Vô sinh ở nam có thể do nhiều nguyên nhân như: 

Vấn đề tinh hoàn

Tinh hoàn chịu trách nhiệm sản xuất và lưu trữ tinh trùng. Nếu tinh hoàn gặp các vấn đề như nhiễm trùng, ung thư, khuyết tật bẩm sinh… có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng tinh dịch nam giới. 

Vấn đề trong quá trình xuất tinh

Xuất tinh sớm, xuất tinh ngược (tinh trùng xuất ngược vào trong bàng quang rồi ra ngoài theo nước tiểu) hay các bệnh lý như xơ nang tinh hoàn không di chuyển xuống bìu, bị xoắn thừng tinh.

Vấn đề tinh dịch và tinh trùng

Tinh dịch không chứa tinh trùng hoặc lượng tinh trùng thấp, khả năng di chuyển của tinh trùng kém, tinh trùng có hình dạng bất thường…

Kháng thể tinh trùng

Một số trường hợp nam giới có phản ứng miễn dịch với chính tinh trùng của mình, gây ra các chất kháng thể kháng tinh trùng làm tổn hại tới chất lượng tinh trùng, dẫn đến vô sinh. Điều này thường gặp sau khi thắt ống dẫn tinh. 

Các bệnh lý nam khoa

Vô sinh do nam giới mắc các bệnh lý viêm tuyến tiền liệt, viêm bao quy đầu, viêm tinh hoàn… 

Thói quen sinh hoạt không lành mạnh

Một số thói quen sinh hoạt như sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, mặc quần áo bó sát, quan hệ tình dục không an toàn, tiếp xúc với nhiều hoá chất độc hại, stress… cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng, trở ngại quá trình sinh sản ở nam giới. 

Dấu hiệu nhận biết vô sinh 

Dấu hiệu vô sinh ở nữ thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, ở nam giới thường liên quan đến chất lượng và số lượng tinh trùng. Cụ thể:

Những biểu hiện ở nữ giới có khả năng dẫn đến vô sinh:

  • Nữ giới trên 35 tuổi, cố gắng mang thai trong vòng 6 tháng – 1 năm nhưng không có thai. 
  • Nữ giới trên 40 tuổi 
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít hoặc vô kinh. 
  •  
  • Được chẩn đoán mắc lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu…
  • Các dấu hiệu bất thường về hormone như lông mọc nhiều nhanh chóng, tóc mỏng hơn, da nổi nhiều mụn, suy giảm ham muốn tình dục…
  • Trải qua quá trình điều trị ung thư. 
  • Chịu đau đớn trong khoảng thời gian dài như đau vùng xương chậu, đau lưng, chuột rút…

Những biểu hiện ở nam giới có khả năng dẫn đến vô sinh: 

  • Suy giảm khả năng sản xuất tinh trùng 
  • Bìu bị căng, sưng, đau. 
  • Rối loạn chức năng tình dục: rối loạn cương dương, giảm ham muốn, xuất tinh sớm…
  • Dương vật có dịch bất thường, chảy mủ màu xanh hoặc vàng
  • Rụng tóc, béo phì, da nhăn nheo và khô, cơ thể ra nhiều mồ hôi. Thường xuyên stress và lo âu. 
Vô sinh cần được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời - Ảnh: Freepik
Vô sinh cần được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời - Ảnh: Freepik

Xét nghiệm chẩn đoán vô sinh như thế nào? 

Nếu đã nỗ lực mang thai nhưng không có kết quả sau 1 năm với các bạn trẻ và sau 6 tháng với các cặp vợ chồng > 35 tuổi, các cặp đôi cần thăm khám và chẩn đoán. Trước khi tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi về đời sống tình dục của các cặp vợ chồng. 

Sau đó, nam giới được đánh giá về rối loạn tinh trùng, nữ giới được đánh giá về chức năng buồng trứng, ống dẫn trứng và bệnh lý vùng chậu:

Xét nghiệm cho nữ giới

  • Chụp buồng tử cung vòi trứng có thuốc cản quang (chụp HSG) 
  • Xét nghiệm tổng quát đánh giá sức khỏe đặc biệt là tuyến giáp, tiểu đường
  • Xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
  • Xét nghiệm nội tiết nữ
  • Xét nghiệm dự trữ buồng trứng,...
  • Siêu âm

Xét nghiệm cho nam giới 

  • Xét nghiệm nội tiết tố 
  • Phân tích tinh dịch đồ 
  • Siêu âm doppler bìu tinh hoàn 
  • Xét nghiệm các vấn đề liên quan đến di truyền 
  • Sinh thiết tinh hoàn (trong trường hợp các biện pháp thăm dò khác không tìm được tinh trùng). 
  • Các thử nghiệm khác: đánh giá mẫu tinh dịch bất thường ADN…

Phương pháp điều trị vô sinh như thế nào? 

Dựa vào nguyên nhân gây vô sinh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Mục đích nhằm cải thiện khả năng thụ thai bằng cách tăng cường chức năng trứng (kích thích rụng trứng, hiến trứng) hoặc tinh trùng (gây sinh tinh, hiến tinh trùng), hay sử dụng các thủ thuật hỗ trợ để tăng khả năng tiếp xúc giữa noãn với tinh trùng (thụ tinh nhân tạo).

Điều trị vô sinh ở nữ giới 

Thuốc hỗ trợ sinh sản

  • Một số thuốc có tác dụng điều chỉnh hay gây rụng trứng được bác sĩ kê đơn như gonadotropins (như là Gonal-F, Follistim, Humegon và Pregnyl), clomiphene citrate (Clomid, Serophene)… 
  • Metformin (Glucophage) có thể giúp rụng trứng bình thường nếu người bệnh bị kháng insulin hay hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Phẫu thuật

Nếu phụ nữ có các vấn đề như polyp nội mạc tử cung, u xơ… có thể được chỉ định phẫu thuật nội soi điều trị vô sinh. Kỹ thuật gồm soi buồng tử cung để đánh giá và loại bỏ polyp buồng tử cung, u xơ, dính buồng tử cung,... kèm nội soi ổ bụng đánh giá, bơm thuốc kiểm tra 2 vòi tử cung.

Điều trị vô sinh ở nam 

Điều trị các vấn đề nhiễm trùng

Bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh, chữa trị các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản ở nam. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phục hồi khả năng sinh sản. 

Điều trị vấn đề liên quan đến quan hệ tình dục

Các trường hợp rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh… có thể được bác sĩ cho sử dụng thuốc hay tư vấn để cải thiện. 

Điều trị hormone và thuốc

Bác sĩ có thể đề nghị thay thế hormone hay thuốc trong trường hợp vô sinh có rối loạn nội tiết (cao hay thấp hơn bình thường).

Phẫu thuật

Trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh hay tắc ống dẫn tinh, cần phẫu thuật để giúp lưu thông trở lại. Nếu không có tinh trùng trong quá trình xuất tinh, tinh trùng sẽ được lấy trực tiếp từ tinh hoàn hay mào tinh hoàn thông qua các kỹ thuật lấy tinh trùng.

Phương pháp hỗ trợ 

IVF (Thụ tinh ống nghiệm): Đây là một kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn phổ biến. Theo đó, tinh trùng của nam giới và trứng của nữ giới sẽ được thụ tinh trong phòng lab để tạo thành phôi. Sau khi nuôi cấy bên ngoài (khoảng 2 – 5 ngày), phôi được đưa trở lại buồng tử cung để phát triển thành thai. 

IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung): Đây là thủ thuật điều trị vô sinh, được tiến hành bằng cách chọn lọc những tinh trùng tốt nhất để bơm trực tiếp vào buồng tử cung.

Phương pháp điều trị vô sinh ở nam và nữ hiện nay - Ảnh: Freepik
Phương pháp điều trị vô sinh ở nam và nữ hiện nay - Ảnh: Freepik

Phòng ngừa vô sinh cho nam và nữ

Nhằm hạn chế tình trạng vô sinh và tăng khả năng thụ thai, các cặp đôi nên thực hiện một số biện pháp sau: 

  • Nữ giới: Xây dựng chế độ dinh dưỡng đảm bảo, hạn chế dùng thuốc lá, caffeine, đồ uống có cồn. Bạn nên tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải mỗi ngày để kiểm soát cân nặng. Chăm sóc vùng kín để tránh các viêm nhiễm vùng tử cung, buồng trứng. Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý phụ khoa như u xơ, u nang,...
  • Nam giới: Để hạn chế nguy cơ vô sinh, nam giới nên tránh hút thuốc lá, rượu bia. Bạn cần tránh tiếp xúc với các hoá chất độc hại trong môi trường sinh hoạt, làm việc, hạn chế sử dụng các thuốc có thể ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng và khả năng sinh sản. Nên tập luyện thể dục thể thao với cường độ vừa phải. 
  • Các cặp đôi: Các cặp đôi nên thường xuyên quan hệ nhiều lần trong khoảng thời gian rụng trứng để tăng cơ hội thụ thai. Quan hệ tình dục lành mạnh, không thô bạo, không sử dụng các biện pháp tránh thai.

Điều trị vô sinh cần một khoảng thời gian dài. Những cặp đôi gặp phải tình trạng vô sinh - hiếm muộn có thể cảm thấy buồn bã, lo lắng, thất vọng hay căng thẳng về cảm xúc. Những cảm xúc này có thể dẫn tới rối loạn giấc ngủ, lo lắng, trầm cảm và càng làm giảm hiệu quả điều trị. Vì vậy, hãy nói chuyện với các bác sĩ để được tư vấn và hiểu rõ nhất về tình trạng sức khoẻ của mình. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết